Chủ nhật, 24/11/2024 03:29 (GMT+7)
Thứ ba, 19/11/2019 14:42 (GMT+7)

Kí ức về cậu học trò 'đáng ghét'

Theo dõi KTMT trên

Tôn sư trọng đạo là truyền thống nhân văn tốt đẹp của dân tộc ta từ ngàn đời nay. Hàng năm, cứ đến Ngày nhà giáo Việt Nam (20/11), là dịp để những thế hệ học trò trong cả nước tỏ lòng tri ân đến thầy cô giáo. Câu chuyện cảm động dưới đây sẽ khiến chúng ta trân trọng hơn tình thầy trò thiêng liêng, cao đẹp trong cuộc đời mỗi con người.

Vào đầu năm học mới, cô giáo chủ nhiệm đứng trước lớp, những cô trò cậu trò năm ngoái mới chỉ là học sinh lớp 5. Cô nhìn một lượt khắp các học sinh và nói cô rất vui khi được gặp lại cả lớp và cô yêu bạn nào cũng như nhau.

Cô giáo chỉ nói vậy thôi, chứ thật ra cô không ưa một cậu bé ngồi ngay bàn đầu. Cô biết cậu bé từ năm ngoái và lập tức nhận ra sự cô độc của cậu, khi cậu không chơi với ai cả, quần áo thì nhếch nhác và lúc nào cũng bốc mùi, cứ như là cậu cả đời chưa bao giờ tắm rửa vậy.

Sự ác cảm của cô giáo đẩy mối quan hệ cô trò ngày càng tồi tệ thêm, đến mức có lần cô chỉ muốn dùng bút đỏ gạch chéo bài kiểm tra và cho cậu bé điểm 1.

Kí ức về cậu học trò 'đáng ghét' - Ảnh 1
Tình nghĩa thầy trò là một trong những tình cảm thiêng liêng, cao đẹp trong cuộc đời mỗi con người. (Ảnh minh họa)

Lần nọ, thầy hiệu trưởng yêu cầu các giáo viên chủ nhiệm phân tích đánh giá các học sinh trong lớp, đề nghị họ phải đọc lại nhận xét trong học bạ từ lớp 1 đến nay. Cô giáo để học bạ của cậu trò cô không ưa vào cuối chồng. Và khi đến lượt phải miễn cưỡng đọc cuốn học bạ của cậu bé, cô sững sờ.

Cô giáo chủ nhiệm lớp 1 ghi nhận xét: "Một học sinh tiêu biểu với nụ cười rạng rỡ. Hoàn thành tốt bài tập về nhà, vở viết sạch sẽ cẩn thận. Thật tuyệt khi được ở bên học sinh này".

Cô giáo năm lớp 2 thì viết: "Một học sinh xuất sắc, được các bạn tôn trọng và yêu quý, nhưng gia đình có chuyện: mẹ mắc bệnh nan y, và cuộc sống của em ở nhà là cuộc chiến đấu với cái chết".

Giáo viên chủ nhiệm năm lớp 3 nhận xét: "Cái chết của người mẹ đã giáng một đòn mạnh vào học sinh này. Dù em rất cố gắng, nhưng không nhận được sự quan tâm của bố, và cuộc sống gia đình có thể ảnh hưởng đến kết quả học tập của em, nếu không có biện pháp kịp thời".

Cô giáo lớp 4 ghi: "Học sinh rất thờ ơ với việc học tập, không có bạn bè và thường ngủ trong giờ học".

Sau khi đọc xong ngần ấy lời nhận xét, cô giáo bỗng cảm thấy hối hận, xấu hổ với chính bản thân mình. Vào dịp năm mới, các học sinh đem đến tặng cô những món quà bọc thật đẹp, gắn nơ. Cậu học trò nọ thì đem đến một món quà bọc sơ sài trong một tờ giấy nâu đã cũ. Nhiều đứa trong lớp cười phá lên, khi cô mở nó ra: bên trong là một chiếc vòng tay nạm đá đã bị bong tróc mấy viên, và một lọ nước hoa cũ, chỉ còn khoảng một phần tư. Cô yêu cầu cả lớp trật tự, rồi nói:

- Chiếc vòng thật đẹp làm sao.

Rồi cô mở nắp lọ nước hoa, vẩy một ít lên cườm tay. Hôm đó, cậu bé nấn ná lại sau cùng, đến bên cô giáo và nói:

- Hôm nay cô có mùi hương giống hệt như mẹ em ngày xưa.

Sau khi cậu trò nhỏ ra về, cô giáo gục mặt xuống bàn và khóc như mưa hồi lâu. Từ ngày hôm đó, ngoài các môn học, cô còn dạy thêm cho các trò của mình các bài học về lòng tốt, sự đồng cảm... Một thời gian sau, cậu trò nọ đã trở lại với cuộc sống như ngày trước. Cuối năm, cậu là một trong các học sinh xuất sắc nhất lớp.

Mặc dù cô giáo vẫn thường nói với cả lớp, là cô yêu bạn nào cũng như nhau, nhưng trong thẳm sâu, cô biết mình chỉ đánh giá cao và yêu thương mỗi cậu trò "đáng ghét" nọ mà thôi.

Một năm sau, khi đã dạy các học sinh khác, cô giáo bỗng nhận được một giấy nhỏ gửi đến lớp. Cậu học sinh cũ viết, cô là cô giáo tốt nhất trong cuộc đời của cậu.

Năm năm sau, cô giáo lại nhận được một bức thư từ cậu học sinh cũ. Cậu kể cho cô giáo là mình đã tốt nghiệp phổ thông, xếp thứ ba trong lớp và cô mãi mãi là cô giáo tốt nhất trong cuộc đời của cậu.

Bốn năm nữa lại trôi qua, cô giáo lại nhận tiếp một bức thư. Cậu học sinh cũ viết rằng cậu sắp tốt nghiệp đại học với điểm xuất sắc và khẳng định lại là trong đời cậu, cô luôn là cô giáo tốt nhất.

Lại bốn năm nữa qua đi, một bức thư nữa lại gửi đến cô giáo. Cậu trò cũ tâm sự là sau khi tốt nghiệp, cậu học tiếp và giờ thì trước họ tên của cậu có thêm 2 chữ "tiến sĩ". Cậu cũng không quên nhắc lại, cô chính là cô giáo thân thương nhất, tốt nhất trong cuộc đời mình.

Thời gian cứ thế trôi đi. Trong một bức thư cậu kể với cô giáo là mình đã yêu và sắp tổ chức đám cưới. Người bố của cậu đã mất đôi năm trước, và cậu muốn mời cô giáo đến dự, với tư cách như là mẹ chú rể. Tất nhiên là cô giáo đồng ý ngay.

Trong ngày đám cưới cậu trò cũ, cô giáo đeo chiếc vòng tay nạm đá đã bong tróc mấy viên và mua lọ nước hoa, y hệt như lọ nước hoa đã khiến cho cậu bé tội nghiệp ngày xưa nhớ về người mẹ của mình.

Cô giáo và cậu trò cũ gặp nhau, ôm chầm lấy nhau. Trong khoảnh khắc, anh cảm nhận được mùi hương thân thiết ruột thịt.

- Em cảm ơn cô vì cô đã tin tưởng em, cảm ơn cô vì cô đã dạy em tự tin vào bản thân mình và dạy em biết phân biệt phải trái, đúng sai...

- Không, em nhầm rồi, chính em mới là người dạy cô rất nhiều điều. Trước khi gặp em, cô chưa biết là mình cần phải dạy học trò ra sao...

Phạm Việt Hùng

Bạn đang đọc bài viết Kí ức về cậu học trò 'đáng ghét'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới