Chủ nhật, 24/11/2024 02:34 (GMT+7)
Chủ nhật, 08/05/2022 11:30 (GMT+7)

Kiểm soát chặt các nguồn khí thải

Theo dõi KTMT trên

Việt Nam sẽ đầu tư, lắp đặt và vận hành hệ thống truyền số liệu quan trắc khí thải tự động liên tục từ các cơ sở sản xuất về sở TN&MT địa phương và Bộ TN&MT.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã ký ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc "Phê duyệt Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021-2025".

Theo nội dung kế hoạch, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với UBND các tỉnh, Thành phố lắp đặt camera giám sát tại các nguồn khí thải; hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý và tiếp nhận số liệu quan trắc khí thải tự động. Chỉ số chất lượng không khí tại các trạm quan trắc quốc gia được cập nhật và công khai 24/24 giờ.

Các địa phương cần nghiêm túc thực hiện kiểm kê khí thải trên địa bàn quản lý, đảm bảo đến năm 2023 có 50% số tỉnh, TP hoàn thành và công bố kết quả kiểm kê khí thải; đến năm 2025 có 100% các tỉnh, Thành phố hoàn thành và công bố kết quả kiểm kê khí thải.

Kiểm soát chặt các nguồn khí thải - Ảnh 1
Ảnh minh họa.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ phối hợp với các Bộ Giao thông vận tải, Công Thương, Xây dựng, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… tiếp tục thực hiện chính sách kiểm soát khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; kiểm soát chất lượng xăng, nhiên liệu diesel, nhiên liệu sinh học đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Các bộ sẽ phối hợp tăng cường kiểm soát ô nhiễm bụi, khí thải trong hoạt động thi công xây dựng; kiểm soát ô nhiễm không khí do các nguồn khí thải tại cụm công nghiệp, khu vực nông thôn, làng nghề; kiểm soát các tác động từ hoạt động của ngành y tế đối với môi trường không khí; kiểm soát ô nhiễm không khí từ các lò đốt chất thải y tế.

Không khí miền Bắc ô nhiễm nặng

Hồi tháng 2/2022, ứng dụng VN Air của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) ghi nhận 6 điểm quan trắc ở Bắc Bộ có màu đỏ ở Phù Lãng (Quế Võ, Bắc Ninh), Nguyễn Văn Cừ (Hà Nội), Chi Lăng (Lạng Sơn), Trung tâm Quan trắc môi trường (Sông Hiến, Cao Bằng), Trạm quan trắc khí tượng tại Thái Thụy (Thái Bình), Đông Tân (Hữu Lũng, Lạng Sơn).

Đặc biệt, có 1 điểm quan trắc ở mức tím tại Ủy ban Nhân dân huyện Yên Phong (Bắc Ninh), mọi người bị ảnh hưởng tới sức khỏe nghiêm trọng hơn.

Ứng dụng quan trắc chỉ số chất lượng không khí của PAM Air (mạng lưới quan trắc môi trường không khí độc lập đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam phủ rộng tại 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, do Công ty cổ phần tư vấn và tích hợp công nghệ D&L quản lý) ghi nhận hầu hết các điểm quan trắc không khí ở Bắc Bộ đều màu đỏ và tím, trong đó tập trung nhiều nhất ở Hà Nội.

Thậm chí có 1 điểm quan trắc ở mức nâu tại Phú Đông (Ba Vì, Hà Nội), nguy hại cho sức khỏe.

Ứng dụng AirVisual - sản phẩm của Tổ chức IQAir sở hữu lượng dữ liệu tổng hợp rất lớn về chất lượng không khí, có trụ sở chính tại Thụy Sĩ ghi nhận rất nhiều điểm quan trắc ở Bắc Bộ có màu đỏ và tím.

Sáu điểm quan trắc màu tím tập trung tại Hà Nội và Bắc Ninh gồm GreenID, Chi cục Bảo vệ môi trường (Cầu Giấy, Hà Nội); 339 Âu Cơ, Tô Ngọc Vân (Tây Hồ, Hà Nội); Happy House Garden (Hoàn Kiếm, Hà Nội) và Ủy ban Nhân dân huyện Yên Phong (Bắc Ninh).

Theo thang bảng đo chỉ số chất lượng không khí của ứng dụng AirVisual, trong số 96 thành phố của nhiều quốc gia trên thế giới được quan trắc, Hà Nội đứng thứ 2 với chỉ số 197 - mức đỏ, có hại cho sức khỏe.

Phân tích tác động của ô nhiễm không khí đến đa dạng sinh học, TS Phạm Thị Hải Hà (Đại học Xây dựng Hà Nội) thông tin những năm 2010 môi trường không khí Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề do các nhà máy nung gạch ngói, xi măng.

Các chất bụi PM 2.5, PM 10, SO2, NO2, CO do các nhà máy này gây ra đã tác động rất lớn đến hệ sinh thái nông nghiệp ở các vùng xung quanh. Ngoài ra, các chất ô nhiễm không khí đi vào khí quản của động vật gây tắc nghẽn hô hấp, suy giảm miễn dịch. Các chất SO2, NO2 dưới tác dụng của bức xạ và hơi nước gây mưa axit khiến các loài sinh vật chết.

Thiện Tâm

Bạn đang đọc bài viết Kiểm soát chặt các nguồn khí thải. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới