Chủ nhật, 24/11/2024 07:30 (GMT+7)
Thứ tư, 05/04/2023 06:00 (GMT+7)

Kiểm tra xử lý vi phạm tại “cảng Hòa Bình” theo phản ánh của Tạp chí Kinh tế Môi trường

Theo dõi KTMT trên

Ông Phạm Quang Ngọc – Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm tại “Cảng Hòa Bình” theo thông tin của Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường.

Vừa qua, Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đã đăng tải hai bài viết phản ánh về việc “cảng Hòa Bình” chưa được cấp phép, vẫn ngang nhiên hoạt động trái phép suốt một thời gian dài, gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân địa phương nhưng chưa bị các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin về sự việc trên, ông Phạm Quang Ngọc – Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết sẽ chỉ đạo các lực lượng chức năng liên quan tiến hành kiểm tra, xử lý thông tin theo phản ánh của Tạp chí Kinh tế Môi trường.

Kiểm tra xử lý vi phạm tại “cảng Hòa Bình” theo phản ánh của Tạp chí Kinh tế Môi trường - Ảnh 1
Ông Phạm Quang Ngọc - Phó Chủ Tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết sẽ chỉ đạo kiểm tra, xử lý tình trạng vi phạm tại "Cảng Hòa Bình" theo thông tin từ Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường.

Trước đó, Tạp chí Kinh tế Điện tử Môi trường nhận được thông tin phản ánh về việc “Cảng Hòa Bình” (Trung Giã, Sóc Sơn, TP.Hà Nội) ngang nhiên hoạt động trái phép suốt một thời gian dài, gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân địa phương nhưng chưa bị các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường, ông Khổng Văn Hoàn - Chủ tịch UBND xã Trung Giã thông tin phản ánh của người dân là có căn cứ. Theo ông Hoàn thì “Cảng Hòa Bình” hình thành đưa vào hoạt động từ năm 2007 đến nay. Theo ông Hoàn thì hiện nay "Cảng Hòa Bình" vẫn chưa được các cơ quan thẩm quyền cấp phép hoạt động.

Khi được hỏi về việc cảng chưa được cấp phép nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động, ông Hoàn cho biết việc xử lý cảng không phép nằm ngoài thẩm quyền của chính quyền xã, hàng năm xã vẫn có báo cáo gửi các cấp.

Kiểm tra xử lý vi phạm tại “cảng Hòa Bình” theo phản ánh của Tạp chí Kinh tế Môi trường - Ảnh 2
Dù chưa được cấp phép, nhưng "Cảng Hòa Bình" vẫn ngang nhiên hoạt động suốt một thời gian dài bất chấp các quy định pháp luật.

Phóng viên đề cập đến việc liệu "Cảng Hòa Bình" nhận bốc xếp, trung chuyển các loại hàng hóa dễ cháy nổ, ông Hoàn cho rằng cảng chưa được phép hoạt động thì đương nhiên không được phép vận chuyển, bốc xếp các loại hàng hóa dễ cháy nổ. Việc doanh nghiệp cố tình vận chuyển bốc xếp các loại hàng hóa dễ cháy nổ là làm trái quy định của pháp luật.

Thế nhưng trên thực tế, “Cảng Hòa Bình” vẫn ngang nhiên hoạt động trái phép suốt một thời gian dài.

Trao đổi với phóng viên, anh C. quản lý trực tiếp tại “Cảng Hòa Bình” cho biết cảng nhận bốc xếp tất cả các loại hàng hóa từ phụ gia xi măng, than cốc,… Giá thành bốc xếp các loại hàng hóa tùy theo thỏa thuận giữa chủ hàng với lãnh đạo cảng. Sau đó, ông này cho chúng tôi số của một người đàn ông tên Việt, được giới thiệu là phó giám đốc "Cảng Hòa Bình" cùng lời giới thiệu: “Có gì cứ thỏa thuận với anh V. Chốt được giá cả thì anh em bọn tớ làm thôi”, ông C. khẳng định.

Kiểm tra xử lý vi phạm tại “cảng Hòa Bình” theo phản ánh của Tạp chí Kinh tế Môi trường - Ảnh 3
Hoạt động bốc xếp lưu huỳnh gây rơi vãi, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Khi được hỏi về đống hàng hóa đang được công nhân "Cảng Hòa Bình" ông C. cho biết đó là lưu huỳnh. Theo ông C. cho biết số lưu huỳnh trên được vận chuyển từ cảng biển về đây. Theo quan sát của phóng viên, hàng chục tấn lưu huỳnh sau khi được bốc xếp từ tàu lên tập kết ngay trong khuôn viên cảng mà không có bất cứ biện pháp phòng cháy chữa cháy, phòng hộ đảm bảo an toàn cho người lao động.

Mặc dù lưu huỳnh là khá an toàn để sử dụng như là phụ gia thực phẩm với một lượng nhỏ, nhưng khi ở nồng độ cao nó phản ứng với hơi ẩm để tạo ra axít sulfurơ mà với một lượng đủ lớn có thể gây tổn thương cho phổi, mắt hay các cơ quan khác. Các khí sinh ra từ lưu huỳnh kích thích mạnh đối với mắt, da và các màng cơ, có thể gây co giật ở cơ trơn của khí quản hoặc tăng tiết dịch niêm mạc đường khí quản. Đặc biệt lưu huỳnh là chất dễ cháy khi ở nhiệt độ cao và ma sát lớn. 

Với những đặc tính trên, các cơ sở tập kết, kinh doanh cần có đầy đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng quy chuẩn về phòng cháy chữa cháy, về giấy phép hoạt động… Các xe chở phải là xe chuyên dụng, trang bị đầy đủ về vấn đề an toàn, vận chuyển thì mới được cấp phép.

Kiểm tra xử lý vi phạm tại “cảng Hòa Bình” theo phản ánh của Tạp chí Kinh tế Môi trường - Ảnh 4
Hàng nghìn tấn lưu huỳnh được tập kết trái phép trong khuôn viên "Cảng Hòa Bình".

Đồng thời, các cơ sở có các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển hoá chất nguy hiểm, kể cả hoá chất bảo vệ thực vật dùng trong nông nghiệp cũng cần tuân thủ các quy định trong Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5507:2002 về Hóa chất nguy hiểm - Quy phạm an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành.

Lưu huỳnh lộ thiên vô cùng độc hại với sức khoẻ và môi trường

Trước việc nhiều người chủ quan về tác hại mà lưu huỳnh gây ra, TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, lưu huỳnh công nghiệp là hóa chất, phải tuân thủ các quy định trong quá trình vận chuyển, lưu kho bãi được quy định tại Quy chuẩn 05 của Bộ Công Thương về an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển hóa chất. 

"Những quy định này nhằm hạn chế tối thiểu những sự cố hóa chất, sự cố môi trường trong quá trình lưu kho, vận chuyển và sản xuất. Ở các nước khác, quy định rất rõ lưu huỳnh không được lộ thiên mà phải được cất giữ trong bồn kín. Trong quá trình vận chuyển, nhiệt độ, bao gói cũng được kiểm soát chặt chẽ”, ông Tùng nhấn mạnh.

Ông Hoàng Dương Tùng không đồng tình với quan điểm cho rằng, việc vận chuyển lưu huỳnh không độc hại nên “tập kết tạm thành bãi” cũng không nghiêm trọng.

Hoàng Dương Tùng cảnh báo, mọi người đang lầm tưởng rằng lưu huỳnh không độc hại. Thực chất lưu huỳnh vô cùng độc hại, khi ngấm vào nguồn nước, nó có thể gây nguy hiểm, gây ngộ độc và chết cho các sinh vật sống như tôm, cua, cá, ngao, sò,... Nếu con người ăn phải những sinh vật nhiễm lưu huỳnh thì cũng có nguy cơ bị nhiễm độc gián tiếp.

Ngoài ra, khi đốt lưu huỳnh ở nhiệt độ cao, khí SO2 sẽ được hình thành, gây ô nhiễm không khí. Đây cũng là một trong những tác nhân gây biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính, mưa axit…

Đề cập về việc các bãi lưu huỳnh tập kết lộ thiên, TS. Hoàng Dương Tùng cho rằng lưu huỳnh rất dễ cháy, sẽ gây ra tác hại khôn lường ảnh hưởng tới sức khoẻ và môi trường.

“Lưu huỳnh khi đốt cháy sẽ sinh ra khí SO2, đây là khí độc. Nếu có tình huống không may, cả bãi lưu huỳnh lộ thiên ấy bị cháy sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến mắt, tai, mũi, họng, gây khó thở cho người dân sống xung quanh”, ông Tùng cảnh báo.

Theo Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam đưa ra cảnh báo, bụi lưu huỳnh hoặc khí SO2 khi xâm nhập vào phổi, tim, mắt, họng, tai… nhẹ thì gây ngạt mũi, đau đầu, nặng hơn có thể gây khó thở, viêm phế quản, thậm chí có thể khiến ngộ độc máu, tử vong.

Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin!

Hà Nam

Bạn đang đọc bài viết Kiểm tra xử lý vi phạm tại “cảng Hòa Bình” theo phản ánh của Tạp chí Kinh tế Môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới