Chủ nhật, 24/11/2024 07:57 (GMT+7)
Thứ năm, 14/01/2021 11:22 (GMT+7)

Kiên Giang có tới hơn 200 trang trại trá hình làm dự án điện mặt trời áp mái

Theo dõi KTMT trên

Giám đốc Sở Công Thương Kiên Giang cho rằng, qua thanh kiểm tra tại 13 huyện, thành phố trong tỉnh Kiên Giang có đến 204 công trình trang trại trá hình.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất kỳ họp cuối năm của HĐND tỉnh Kiên Giang đã đặt ra vấn đề về tính pháp lý của các dự án điện năng lượng mặt trời.

Theo báo Tuổi trẻ, đại biểu Trần Văn Mứng đặt câu hỏi: "Thời gian qua, các dự án điện năng lượng mặt trời nở rộ trên địa bàn tỉnh. Điều đáng quan tâm hiện nay là các dự án này lại lắp đặt trên đất nông nghiệp và các loại đất khác. Xin hỏi việc này có đúng quy định không? Sở Công Thương, Công ty Điện lực Kiên Giang có kiểm tra các dự án này không?".

Trả lời câu hỏi của đại biểu, ông Ngô Công Tước - Giám đốc Sở Công Thương Kiên Giang cho rằng, phát triển năng lượng mặt trời được thực hiện theo Quyết định 11 (Quyết định 11/2017/QĐ-TTg) và Quyết định 13 (Quyết định 13/2020/QĐ-TTg 2020) của Thủ tướng Chính phủ. Đây là một chủ trương phù hợp, tập hợp được nguồn lực của toàn xã hội.

Tuy nhiên, ông Tước khẳng định, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang chưa thực hiện một dự án điện năng lượng mặt trời áp mái nào. Bởi, công trình điện năng lượng mặt trời (nói chung) từ 1 MW - 50 MW phải lập dự án được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương phê duyệt. Còn dự án hơn 50 MW phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Do đó, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đang trong quá trình lập dự án đề xuất xin chủ trương của Thủ tướng Chính phủ đưa vào quy hoạch sơ đồ Điện 8 giai đoạn 2021 - 2025.

Cũng theo ông Tước, dự án năng lượng nói riêng, điện năng lượng mặt trời áp mái, là loại hình huy động nguồn lực xã hội được Chính phủ quy định tại Quyết định số 13 và Quyết định 11 - công suất dưới 1 MW không cần phải lập dự án.

Kiên Giang có tới hơn 200 trang trại trá hình làm dự án điện mặt trời áp mái - Ảnh 1
Ảnh minh họa. (Internet)

“Nhà nước khuyến khích các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, hộ tư nhân... thực hiện lắp điện mặt trời áp mái trên mái công trình, mái nhà và các công trình khác không cần xin phép. Người thực hiện chỉ làm thủ tục với Công ty điện lực thỏa thuận các điều kiện bảo đảm để đấu nối lên lưới điện quốc gia”, ông Tước giải thích.

Giám đốc Sở Công Thương cho biết thêm, hiện trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có 2.256 đồng hồ lắp điện mặt trời, với công suất 251 MW, trong đó điện năng lượng mặt trời mái nhà là 58 MW, điện năng lượng mặt trời trên các công trình (gọi là công trình trang trại) là 194 MW; trong số này có 204 trang trại có lắp điện năng lượng mặt trời mái nhà.

Qua thanh kiểm tra tại 13 huyện, thành phố trong tỉnh Kiên Giang có đến 204 công trình trang trại trá hình, nghĩa là có lắp tấm pin năng lượng mặt trời trên công trình, nhưng các công trình này không phải là công trình trang trại. Ông Tước lý giải, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, cho áp mái công trình có hai loại. Loại thứ nhất, cho áp tấm pin năng lượng mặt trời trên các công trình nhà ở theo quy định của Bộ Xây dựng - là công trình xây dựng có mái. Loại thứ hai, áp tấm pin năng lượng mặt trời trên mô hình trang trại, phải bảo đảm các tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tiêu chí trang trại. “Hai cái này khác nhau hoàn toàn”, ông Tước nói.

Sau khi dẫn ra các quy định và giải thích rất cụ thể, Giám đốc Sở Công Thương Ngô Văn Tước khẳng định: “Tôi khẳng định là sai, còn sai ở đâu, sai mức độ nào, Sở Công Thương chuẩn bị trình Chủ tịch UBND tỉnh để thành lập đoàn kiểm tra liên ngành nhằm xác định mức độ sai. Nếu như theo mô hình trang trại là chúng ta khuyến khích, nhưng sai ở đây là sai mục đích sử dụng đất, sai luôn quy hoạch sử dụng đất, kế đến sai về tiêu chí trang trại...”.

“Cái sai thứ hai là cái sai của ngành điện lực, đúng tiêu chí trang trại hay chưa mà điện lực cho đấu nối lên lưới điện. Ngành công thương đã kiểm tra rồi, 13 huyện, thành phố có 204 trang trại không đúng với các tiêu chí trang trại và không đủ điều kiện đấu lưới, nhưng đã đấu lưới”, ông Ngô Văn Tước thẳng thắn nói.

Không chỉ tại Kiên Giang, thời gian qua nhiều địa phương khác cũng xuất hiện tình trạng “núp bóng” các dự án nông nghiệp làm điện mặt trời để bán trục lợi gây bức xúc.

Về việc này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, đang chỉ đạo các tổng công ty điện lực thành viên thực hiện rà soát, xác minh làm rõ và báo cáo tới các cơ quan quản lý tại địa phương các trường hợp “làm dự án nông nghiệp nhưng chỉ bán điện”.

Theo EVN, các công trình điện mặt trời mái nhà khi đấu nối lưới điện trung áp phải tuân thủ các quy định về lưới điện phân phối, cũng như các quy định về cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng của Chính phủ, Bộ Công Thương. Các đơn vị ngành điện không được yêu cầu các hồ sơ nằm ngoài các quy định được nêu ở trên.

Trong quá trình thực hiện, đối với các nội dung phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng, EVN đã chỉ đạo các tổng công ty điện lực thực hiện rà soát, xác minh làm rõ và báo cáo tới các cơ quan quản lý tại địa phương và cơ quan báo chí ngay sau khi nhận được thông tin.

“Hiện nay, các ngành điện lực đang tiếp tục kiểm tra, rà soát tổng thể việc tuân thủ thực hiện việc thoả thuận, đấu nối, ký hợp đồng mua bán điện tại các công ty điện lực”, đại diện EVN cho biết.

Nhật Hạ

Bạn đang đọc bài viết Kiên Giang có tới hơn 200 trang trại trá hình làm dự án điện mặt trời áp mái. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới