Chủ nhật, 24/11/2024 08:59 (GMT+7)
Thứ tư, 11/05/2022 08:55 (GMT+7)

Kiến nghị chính sách để tăng nguồn lực đất đai

Theo dõi KTMT trên

HOREA cho rằng, Nhà nước cần chú trọng sử dụng hiệu quả công cụ lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất.

Không để thất thoát nguồn lực đất đai

Theo tính toán, 1 ha đất nông nghiệp tại TP.HCM chỉ tạo ra giá trị khoảng 500 triệu đồng/ha/năm. Trong khi đó, 1 ha đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ đô thị lại tạo ra giá trị lên đến khoảng 55 tỷ đồng/ha/năm, gấp hơn 100 lần.

Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc sử dụng công cụ lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất để mang lại hiệu quả cao nhất cho kinh tế - xã hội. Đây cũng là một trong loạt kiến nghị quan trọng của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM về các chính sách làm sao tăng nguồn lực đất đai.

Kiến nghị chính sách để tăng nguồn lực đất đai - Ảnh 1
Không ít trường hợp quy hoạch đã bị "điều chỉnh" theo mong muốn của một số nhà đầu tư làm thất thu ngân sách nhà nước. (Ảnh minh họa)

Đại diện HOREA cho rằng, Nhà nước cần chú trọng sử dụng hiệu quả công cụ lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất. Bởi thực tế nhiều năm qua, không ít trường hợp quy hoạch đã bị "điều chỉnh" theo mong muốn của một số nhà đầu tư dẫn đến làm thất thu ngân sách nhà nước, thất thoát nguồn lực từ đất đai.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA) cho hay: "Chúng ta thấy một nhược điểm trong thời gian vừa qua đó là công tác lập quy hoạch dường như rất được coi trọng, nhưng đến công tác điều chỉnh quy hoạch lại rất dễ làm sai lệch mục tiêu ban đầu và thậm chí có thể phát sinh những vấn đề tiêu cực".

Kiến nghị chính sách để tăng nguồn lực đất đai - Ảnh 2
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA) Lê Hoàng Châu.

Mặt khác, Việt Nam chưa có sắc thuế đánh trên hành vi chuyển mục đích sử dụng đất mà lại thu tiền sử dụng đất ở mức khá cao, làm tăng chi phí và cũng là nguyên nhân khiến giá nhà ở tăng cao.

Ông Châu kiến nghị, bên cạnh ban hành thuế tài sản để chống đầu cơ, Nhà nước cũng cần nghiên cứu sắc thuế chuyển mục đích sử dụng đất, thay cho việc thu tiền sử dụng đất hiện nay.

Song song đó, việc ban hành bảng giá đất cũng cần giao về cho các địa phương tự chịu trách nhiệm. Với việc điều chỉnh hệ số sử dụng đất K, cách làm này sẽ giúp bảng giá đất sát với giá thị trường hơn, tránh thất thu cho ngân sách Nhà nước.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA) Lê Hoàng Châu nhận định: "Chúng tôi thấy rằng chuyện định giá đất hàng loạt phải đi đôi với việc bãi bỏ cơ chế Chính phủ ban hành khung giá đất, địa phương ban hành bảng giá đất nên giao toàn quyền, giao trách nhiệm, vừa giao thẩm quyền, vừa giao trách nhiệm cho địa phương là cấp tỉnh chịu trách nhiệm ban hành bảng giá đất phù hợp với giá trị trường".

Trong kỳ họp Quốc Hội sắp tới, Hiệp hội cũng đề xuất Chính phủ cần sớm hoàn thiện các chính sách về đất đai trong Luật Đất đai 2013, quy định rõ hơn về các chính sách điều tiết giá trị đất đai, đấu giá đất, giải phóng mặt bằng và tái định cư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất...

Ban hành bảng giá đất sát giá thị trường

Mới đây, Bộ Tài chính vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung đề nghị tháo gỡ các vướng mắc trong công tác chống thất thu thuế từ hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.

Thời gian qua, cơ quan này đã có nhiều văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Công an, Bộ Tư pháp về việc chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản, Bộ Tài chính cho hay.

Nhiều UBND cấp tỉnh trên cơ sở đó đã xây dựng đề án để triển khai chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản và đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn phát sinh một số vướng mắc gây khó khăn trong công tác chống thất thu từ hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.

Bộ Tài chính hiện đang rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản để sửa đổi, bổ sung đảm bảo thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Căn cứ quy định tại Khoản 11 Điều 2 Nghị định số 12/2015 của Chính phủ thì Bảng giá đất của UBND cấp tỉnh quy định là căn cứ tính thuế đối với trường hợp trên hợp đồng chuyển nhượng không ghi giá hoặc giá trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá đất do UBND tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng, Bộ Tài chính cho biết.

Theo quy định của Luật đất đai 2013, UBND cấp tỉnh ban hành bảng giá đất ban hành 5 năm một lần và hàng năm ban hành hệ số điều chỉnh giá đất.

Do đó, để đảm bảo công khai, minh bạch trong công tác quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản, Bộ Tài chính đề nghị UBND các tỉnh ban hành bảng giá đất (trong đó bao gồm cả hệ số điều chỉnh giá đất) nhằm tạo điều kiện cho công tác tính thuế theo quy định nêu trên.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Kiến nghị chính sách để tăng nguồn lực đất đai. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới