Chủ nhật, 24/11/2024 07:31 (GMT+7)
Thứ sáu, 01/04/2022 07:27 (GMT+7)

Kinh tế Việt Nam lấy lại đà phục hồi ổn định vững vàng

Theo dõi KTMT trên

Trong báo cáo mới công bố, HSBC nhận định kinh tế Việt Nam đã có một khởi đầu tốt đẹp cho năm 2022 với GDP quý I tăng vững vàng ở mức 5,03% so với cùng kỳ năm trước, nhờ phục hồi trên diện rộng.

Đà phục hồi ổn định vững vàng

Có thể nói, kinh tế Việt Nam lấy lại đà phục hồi ổn định vững vàng, đây là khẳng định từ HSBC khi ngân hàng này đánh giá kinh tế Việt Nam đã có những bước đi vững chắc sau quý I/2022.

HSBC nhận định trong báo cáo mới công bố, Việt Nam đã có một khởi đầu tốt đẹp cho năm 2022 với GDP quý I tăng vững vàng ở mức 5,03% so với cùng kỳ năm trước, nhờ phục hồi trên diện rộng.

HSBC nhấn mạnh: "Con số này nói lên một thông điệp rất rõ ràng: Việt Nam đã lấy lại đà phục hồi ổn định vững vàng".

Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tiếp tục là động lực tăng trưởng chính trong quý I/2022. Sản lượng sản xuất tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ tăng trưởng hai con số của mảng điện tử.

Kinh tế Việt Nam lấy lại đà phục hồi ổn định vững vàng - Ảnh 1
HSBC đánh giá đà phục hồi của Việt Nam trở nên ổn định trong quý I nhờ các trụ cột tăng trưởng bên trong và bên ngoài.

Xuất khẩu tháng 3 tăng trưởng đạt gần 15% so với cùng kỳ năm trước, kéo tăng trưởng quý I lên gần 13% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này chủ yếu đạt được là nhờ nhu cầu hàng điện tử tăng cao, mặc dù cũng phản ánh phần nào tình hình giao hàng chậm mẫu điện thoại chủ lực Galaxy S22 của Samsung.

Xuất khẩu các mặt hàng khác của Việt Nam cũng mạnh mẽ không kém như dệt may/da giày, máy móc và đồ gỗ.

HSBC đánh giá: "Kết quả xuất khẩu vượt bậc cũng cho thấy tình trạng thiếu hụt lao động nói chung đã bớt nghiêm trọng, đặc biệt là sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, mặc dù một số nơi vẫn phải đối mặt với tình trạng không đủ nhân công".

HSBC đánh giá đà phục hồi của Việt Nam trở nên ổn định trong quý I nhờ các trụ cột tăng trưởng bên trong và bên ngoài. Mặc dù vậy, ngân hàng này khuyến nghị Việt Nam vẫn cần cẩn trọng trước những khó khăn ảnh hưởng đến tăng trưởng đang ngày một gia tăng trong bối cảnh thiếu hụt nhiên liệu toàn cầu.

Nâng dự báo lạm phát

HSBC cũng trong báo cáo, đã nâng dự báo lạm phát của Việt Nam năm 2022 lên 3,7%. Dự báo mới nhất của HSBC vẫn thấp hơn mục tiêu lạm phát 4% của Chính phủ đề ra trong năm nay.

Đặc biệt, đây là lần thứ 2 liên tiếp, HSBC nâng dự báo lạm phát của Việt Nam năm 2022. Trước đó trong báo cáo tháng 2, ngân hàng này đã nâng dự báo lạm phát từ 2,7% lên mức 3%.

HSBC cho hay, lạm phát năng lượng tiếp tục đà gia tăng, không ngừng tác động lên giá cả tiêu dùng. Lạm phát toàn phần tháng 3 tăng lên 0,7% so với tháng trước khiến mức tăng so với cùng kỳ năm trước đạt 2,4%.

HSBC cho biết: "Tương tự như những tháng trước đây, chi phí vận chuyển tăng cao vẫn là nguyên nhân chính".

Mặt khác, HSBC khẳng định lạm phát của Việt Nam về cơ bản vẫn trong tầm kiểm soát so với các thị trường mới nổi khác, xét bối cảnh giá thực phẩm và áp lực giá do nhu cầu về cơ bản đã được kiểm soát. Song ngân hàng này cho rằng rủi ro lạm phát gia tăng, dù là do cung, sẽ vẫn là dấu hiệu cho thấy cần phải thắt chặt chính sách tiền tệ.

Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trường vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) mới đây cũng nêu ra các thách thức trong việc đảm bảo mục tiêu lạm phát 4% năm 2022.

Đến nay, mặt bằng giá trong nước vẫn cơ bản được kiểm soát nhưng áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm khá lớn. CPI tháng 3 tăng khá cao so với tháng 2, đi ngược với quy luật tháng sau Tết Nguyên đán sẽ giảm, bà Oanh cho hay.

Đáng chú ý, diễn biến giá hàng hóa, nguyên, nhiên, vật liệu trên thế giới vẫn tăng trong bối cảnh căng thẳng Nga - Ukraine còn phức tạp, giá xăng dầu tạo áp lực lớn lên chi phí sản xuất của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân.

Nền kinh tế Việt Nam mặt khác có độ mở lớn nên trong bối cảnh giá hàng hóa thế giới tăng cao, rủi ro nhập khẩu lạm phát là không thể tránh khỏi.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Kinh tế Việt Nam lấy lại đà phục hồi ổn định vững vàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới