Chủ nhật, 24/11/2024 05:35 (GMT+7)
Thứ sáu, 29/04/2022 20:00 (GMT+7)

Kon Tum: Lên phương án lắp đặt thêm hệ thống quan trắc sau khi xảy ra liên tiếp các vụ động đất

Theo dõi KTMT trên

Trước việc động đất xảy ra với cường độ liên tục trên địa bàn tỉnh Kon Tum, đại diện Bộ Xây dựng cho rằng, cần tổ chức lắp đặt thêm hệ thống quan trắc để có thể hoàn thiện lưới đo động đất tại khu vực làm cơ sở quan trắc động đất trong thời gian tới.

Liên tiếp xay ra động đất

Để đánh giá về tình hình, tác động của động đất tại tỉnh Kon Tum, vừa qua đoàn công tác của Bộ Xây dựng do Thứ trưởng Lê Quang Hùng làm trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về tình hình động đất ảnh hưởng đến các công trình xây dựng.

Theo báo cáo tỉnh Kon Tum, từ ngày 15/4 đến nay, trên địa bàn huyện Kon Plông liên tục xảy ra tình trạng động đất. Đáng chú ý, vào trưa 18/4, trận động đất có cường độ lớn nhất (4,5 độ Richter) tương ứng với cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1 đã xảy ra, khiến rung chấn lan sang các địa phương lân cận.

Kon Tum: Lên phương án lắp đặt thêm hệ thống quan trắc sau khi xảy ra liên tiếp các vụ động đất - Ảnh 1
Động đất liên tiếp xảy ra tại Kon Tum tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới các hồ thủy điện.

Thống kê của tỉnh Kon Tum cho thấy, từ năm 1903 đến 2020, trên địa bàn huyện Kon Plông đã xảy ra 33 trận động đất với cường độ không mạnh. Tuy nhiên, chỉ từ năm 2021 đến ngày 18/4 vừa qua đã ghi nhận 169 lần động đất xảy ra ở địa bàn này.

Trong đó, từ ngày 1/1 – 22/4/2022 đã xảy ra 70 lần động đất, riêng tháng 4/2022 (tính đến 22/4) xảy ra 29 lần, tần suất tăng cao từ ngày 15-21/4 (bình quân mỗi ngày có khoảng 5 đợt).

Các trận động đất xảy ra trong thời gian qua có tâm chấn cách xa Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum. Các vị trí tâm chấn động đất chủ yếu ở khu vực các xã Đăk Nên, Đăk Ring, Hiếu, Pờ Ê, cách xa vị trí nhà máy, đập thủy điện, chỉ có 1 vị trí nằm gần vùng có của nhận nước công trình thủy điện Thượng Kon Tum.

Được biết, trong 2 ngày (20-21/4), đoàn công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã đến huyện Kon Plông và Nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum kiểm tra thực tế. Kết quả kiểm tra không ghi nhận xảy ra thiệt hại về người và tài sản.

Tại buổi làm việc với Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, đề nghị các cơ quan chuyên môn xác định rõ nguyên nhân, giải pháp cụ thể, dự báo nguy cơ có thể xảy ra động đất tiếp theo, đánh giá mức độ rủi ro và có văn bản cụ thể để địa phương tuyên truyền, định hướng người dân trong cách phòng, chống, đảm bảo xây dựng các công trình sau này và yên tâm lao động, sản xuất, ổn định đời sống.

Cần lắp thêm thiết bị quan chắc địa chấn

Tại buổi làm việc, TS.  Nguyễn Ánh Dương, Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, Viện đã có những cuộc khảo sát nghiên cứu đánh giá sơ bộ ban đầu, động đất không vượt quá 4,5 độ (không quá cấp 6 theo thang MSK); như vậy là không đáng lo ngại.

Viện Vật lý địa cầu cũng đưa ra kiến nghị, yêu cầu tỉnh triển khai lắp đặt thêm 5 trạm địa chấn để ghi nhận nhanh, chính xác các trận động đất xảy ra tại khu vực Kon Plong và lân cận phục vụ báo tin động đất và công tác phòng chống, giảm nhẹ thiên tai; đồng thời, thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ về vấn đề này để làm rõ nguyên nhân chuỗi phát sinh động đất xảy ra tại khu vực Kon Plong và lân cận, mối liên hệ giữa hoạt động động đất và tích nước hồ chứa.

Kon Tum: Lên phương án lắp đặt thêm hệ thống quan trắc sau khi xảy ra liên tiếp các vụ động đất - Ảnh 2
Bộ Xây dựng làm việc với tỉnh Kon Tum về tình hình động đất trên địa bàn.

Còn theo đại diện Nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum, Nhà máy đã trang bị hệ thống quan trắc đập, hồ chứa, nhà máy bao gồm: quan trắc chuyển vị PR (24 mốc); Pêzomet quan trắc thấm (37 bộ); máng đo lưu lượng thấm (01 bộ); mốc khống chế quan trắc (04 mốc); thiết bị đo mực nước hồ tự động (01 bộ); thiết bị quan trắc mưa tự động (02 trạm)… Đánh giá từ ngày đưa vào vận hành đến nay công trình hoạt động ổn định. Sau các đợt rung chấn, đơn vị đều tiến hành kiểm tra hiện trạng công trình và không phát hiện hiện tượng gì bất thường.

Công ty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh đã thuê Viện Vật lý địa cầu khảo sát, lắp đặt máy đo địa chấn, ghi nhận và đánh giá cường độ dao động tại khu vực nhà máy. Từ tháng 2/2021, tại khu vực Nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum ghi nhận các rung chấn. Ngay khi đó, kết quả ghi nhận chấn động cấp III (động đất yếu) và cấp IV (động đất cảm thấy) không ảnh hưởng đến sự an toàn của người và thiết bị trong nhà máy.

Sau đó, Viện đề xuất lắp thêm 2 bộ quan trắc địa chấn nữa là đủ để quan trắc, đánh giá tình hình rung chấn xung quanh khu vực công trình (đã hoàn thành lắp đặt vào tháng 8/2021), dữ liệu quan trắc được truyền trực tiếp Viện Vật lý địa cầu. Theo đánh giá của tư vấn thiết kế Nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum (Công ty Tư vấn Xây dựng điện 1), sơ bộ kiểm toán lại ổn định đập cho thấy đập chịu được động đất cấp VIII (Thang MSK-64) ứng với cao trình tích nước tại ngưỡng tràn.

Kon Tum: Lên phương án lắp đặt thêm hệ thống quan trắc sau khi xảy ra liên tiếp các vụ động đất - Ảnh 3
Biểu đồ một vụ động đất tại Kon Tum.

Sau khi nghe báo cáo và ý kiến của các chuyên gia tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng nhận định, từ các số liệu đo được của các trận động đất và ảnh hưởng của động đất lên công trình (thông qua hình thức khảo sát các công trình hồ, đập, công trình dân dụng và phỏng vấn người dân vùng bị ảnh hưởng cho thấy cường độ động đất tại Kon Plông chưa đến mức độ nghiêm trọng. Tuy nhiên, từ khảo sát của Viện vật lý địa cầu và vụ Khoa học công nghệ - Bộ Xây dựng thì chưa có đủ cơ sở để dự báo đươc xu hướng và nguyên nhân của động đất.

Do đó, Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho rằng, để có cơ sở đánh giá về tình hình động đất thì Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam (Viện Vật lý địa cầu), Viện Khoa học công nghệ - Bộ Xây dựng cần tổ chức lắp đặt thêm hệ thống quan trắc để có thể hoàn thiện lưới đo động đất tại khu vực làm cơ sở quan trắc động đất trong thời gian tới. Viện Vật lý địa cầu cần kiểm toán và sớm đưa ra giá trị động đất để có cơ sở tính toán kiểm tra lại độ an toàn của các công trình.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng yêu cầu, UBND tỉnh Kon Tum, với vai trò quản lý an toàn đập tại địa phương cần sớm yêu cầu chủ đập tổ chức tính toán, kiểm tra an toàn đập trên cơ sở các giá trị động đất được Viện Vật lý địa cầu công bố để có phương án ứng phó sự cố. Trong đó cần xem xét tính toán khả năng đảm bảo an toàn đập tương ứng với các mực nước hồ để có cơ sở điều chỉnh quy trình vận hành hồ chứa nếu cần. Yêu cầu các chủ đập tổ chức lắp đặt các thiết bị đo dao động gia tốc nền tại đập để có cơ sở xem xét đánh giá ảnh hưởng động đất đối với các đập thủy điện, hồ chứa.

Nhiều ý kiến không đồng thuận xây dựng thủy điện tại Kon Tum

Vừa qua, Công ty Cổ phần đầu tư Phát triển điện Chiến Thắng (gọi tắt là Công ty Chiến Thắng, địa chỉ: TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum) đã có văn bản xin đầu tư 4 thuỷ điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Tuy nhiên, trong đó có dự án thủy điện Đăk Bla 3 còn vướng phải nhiều luồng ý kiến trái chiều do chưa xác thực được tác động mang lại.

Cụ thể, chỉ trong 1 ngày, Công ty Chiến Thắng có 4 văn bản gửi Sở Kế hoạch – Đầu tư Kon Tum đề nghị thực hiện dự án đầu tư Thuỷ điện Đăk Bla 3 (mà Báo Công an TPHCM đã đưa tin) và 3 dự án khác là Thuỷ điện Sa Thầy 1, 2 và 3.

Liên quan đến vấn đề xây thủy điện trên địa bàn, anh A Đưn – Trưởng thôn làng Kon Kơ Tu, người dân trong làng không đồng tình xây dựng thuỷ điện ở làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu. Bởi, việc xây dựng thuỷ điện ở đây khiến người dân lo ngại cảnh quan trên sông Đăk Bla đoạn qua làng Kon Kơ Tu sẽ bị ảnh hưởng. Cách đây ít năm, một thuỷ điện cũng xây dựng cách làng 5km đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến dòng sông Đăk Bla.

“Thuỷ điện dự kiến sẽ xây dựng ở phía trên, khi đó dòng chảy sông Đăk Bla qua làng Kon Kơ Tu sẽ thay đổi, những bãi cát trắng mịn hai bên bờ sông nguy cơ cũng xóa sổ. Con nước trên sông sẽ không còn hiền hoà. Trong khi dòng sông Đăk Bla là linh hồn của làng Kon Kơ Tu. Khách du lịch đến đây rất thích chèo thuyền ngắm cảnh và tắm trên sông”, anh A Đưn lo ngại.

Theo Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Kon Tum - Nguyễn Văn Bình, cho hay, Sở cũng nhất quyết không đồng ý việc xây dựng thủy điện tại khu vực làng du lịch Kon K'tu.

“Các sở ban ngành có thể đồng ý làm thủy điện nhưng Sở VHTT&DL nhất quyết không đồng ý. Khi xây dựng đập thủy điện, sẽ làm mất đi cảnh quan, tạo nên đứt gãy trong chuỗi kết nối các hoạt động du lịch, do đó sẽ làm cho hoạt động du lịch tại đây bị ảnh hưởng lớn, mất cơ hội việc làm của cộng đồng”, ông Bình khẳng định.

Huỳnh Mai

Bạn đang đọc bài viết Kon Tum: Lên phương án lắp đặt thêm hệ thống quan trắc sau khi xảy ra liên tiếp các vụ động đất. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới