Chủ nhật, 24/11/2024 06:34 (GMT+7)
Thứ hai, 11/10/2021 07:00 (GMT+7)

Kỳ 1: Chảy máu khoáng sản: Nguồn lợi lớn làm 'cát tặc' mờ mắt

Theo dõi KTMT trên

Đã có các quy định về hoạt động khai thác cát sỏi lòng sông nhưng nhiều đối tượng vẫn cố tình khai thác bên ngoài phạm vi mỏ, khai thác ngoài giờ, khai thác lậu..., không những khiến môi trường bị ảnh hưởng mà còn làm thất thoát tài nguyên thiên nhiên.

Núp bóng dự án để tận thu cát

Khai thác cát trái phép có nhiều phương thức thủ đoạn, nhưng thời gian gần đây nhiều đối tượng núp bóng dự án để có thể “đàng hoàng” khai thác cát mà không bị phát hiện. Đơn cử, vào đầu tháng 8/2021, ghi nhận tại khu vực dọc suối Quyền thuộc khu vực lòng hồ thủy điện Văn Chấn (Yên Bái) do Công ty cổ phần Thủy điện Văn Chấn làm chủ đầu tư có nhiều điểm khai thác và tập kết cát trái phép.

Theo đó, tại khu vực này, các đối tượng hút cát sau đó tập kết lên bãi chứa rồi cho các xe tải đến chở đi bán. Hoặc có điểm các đối tượng hút trực tiếp lên thùng xe tải, quá trình di chuyển đến các công trình, điểm tập kết nước vẫn chảy lênh láng dọc đường đi.

Kỳ 1: Chảy máu khoáng sản: Nguồn lợi lớn làm 'cát tặc' mờ mắt - Ảnh 1
Khai thác cát sát bờ gây sạt lở đất nông nghiệp, gây ô nhiễm môi trường.

Theo báo cáo của chính quyền địa phương, tại khu vực lòng hồ thủy điện có hiện tượng bồi lấp lòng hồ khoảng hơn 2 triệu m3, điều này làm giảm dung tích hữu ích theo thiết kế gây ảnh hưởng lớn đến khả năng và hiệu quả phát điện của nhà máy. Chính vì vậy, Công ty cổ phần Thủy điện Văn Chấn đã ký hợp đồng với Công ty CP Thịnh Đạt về việc thi công nạo vét lòng hồ thuỷ điện Văn Chấn.

Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra khu vực đang thi công nạo vét lòng hồ có tích trữ cát lẫn bùn đất tại các bãi nhỏ và cho vận chuyển cát ra ngoài công trường, việc tận thu và sử dụng nguồn tài nguyên này chưa được sự các cơ quan chức năng cho phép.

Đầu năm 2021, nhiều người dân tại tại huyện Krông Nô (Đắk Nông) bức xúc về việc nạo vét, nắn dòng suối Đắk Rí nhưng đơn vị thi công lại khai thác cát trái phép gây sạt lở đất nông nghiệp của người dân. Người dân có ý kiến với đơn vị thi công nhưng bị một số đối tượng hành hung đe dọa.

Hẳn nhiều người còn nhớ một số dự án nạo vét lòng sông ở khu vực khu vực Bắc Ninh, Bắc Giang bị người dân và chính quyền địa phương có ý kiến đơn vị thực hiện lợi dụng công việc nạo vét để khai thác cát trái phép. Thời điểm đầu năm 2017, tỉnh Bắc Ninh đã có văn bản gửi Thủ tướng, Bộ trưởng GTVT đề nghị tiếp tục tạm dừng dự án khai thác cát, nạo vét luồng lạch tận thu sản phẩm trên tuyến sông Cầu do có nhiều sai phạm.

Đánh giá về lợi dụng dự án để khai thác khoáng sản, TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định bản thân không ngạc nhiên trước tình trạng trên. Theo TS Liêm, câu chuyện cát tặc lộng hành đã được đề cập từ lâu. Tuy nhiên đến thời điểm này vấn đề trên vẫn không được giải quyết và ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Lý giải điều này, ông Liêm cho rằng, vấn đề bất cập hiện nay nằm ở việc phân công và phân cấp quản lý chồng chéo, chưa hợp lý.

Cát tặc lộng hành trên sông

Trên địa bàn sông Lô chạy qua địa phận tỉnh Phú Thọ có 5 đơn vị được cấp phép khai thác cát. Tuy nhiên, hoạt động khai thác cát tại đây diễn biến phức tạp vì có nhiều phương tiện tham gia khai thác cát không có biển kiểm soát, khai thác sát khu vực chân đê, bãi bồi và ngoài phạm vi mỏ được cấp phép khiến tình hình sạt lở bờ bãi xảy ra nghiêm trọng.

Kỳ 1: Chảy máu khoáng sản: Nguồn lợi lớn làm 'cát tặc' mờ mắt - Ảnh 2
Nhiều đối tượng bất chấp để khai thác cát lậu trên sông.

Trên địa bàn cả nước có nhiều vụ các đối tượng khai thác cát lậu bị công an bắt giữ. Như vào các ngày 16 và 19/9, Công an huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) bắt giữ 2 tàu khai thác cát trái phép trên sông Thái Bình, đoạn qua địa phận thôn An Định, xã An Thanh với khối lượng gần 100 m3 cát. Đêm 26/8, tại lưu vực sông Hồng (thuộc địa phận thôn Thanh Nga, xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam), công an Hà Nam phát hiện 1 tàu bê tông không có số hiệu, tải trọng khoảng 80 m3 đang khai thác cát trái phép. Ngoài ra, còn có nhiều vụ khai thác cát khác với số lượng cát lên đến hàng trăm khối được cơ quan chức năng phát hiện thời gian vừa qua.

Theo chia sẻ của một số đơn vị khai thác kinh doanh cát, giá cát san nền bình quân 50 - 100 nghìn đồng/khối, cát xây dựng có giá lên đến gần 200 nghìn đồng/khối. Nếu được cấp phép khai thác, các doanh nhiệp phải có nghĩa vụ thuế, phí với nhà nước. Nhưng đối với hoạt động khai thác cát trái phép, khối lượng khai thác lậu của các tàu lên tới hàng trăm, hàng nghìn khối thì nguồn lợi thu về của những đối tượng khai thác lậu là rất lớn. Vì thế, dù các cơ quan chức năng thường xuyên tuần tra kiểm soát nhưng hoạt động khai thác cát lậu vẫn còn diễn ra.

Thông tin về vấn đề khai thác cát trái phép hiện nay, Đại tá Vũ Thế Huân, Trưởng phòng 3, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết, các đối tượng chủ tàu thường mã hóa thành hợp đồng để thuê các đối tượng khai thác cát trên sông. Khi lực lượng chức năng phát hiện xử lý thì đều khai nhận thuê tàu nên việc thu giữ tàu và xử lý các đối tượng liên quan gặp nhiều khó khăn.

PGS. TS. Đào Trọng Tứ cho rằng, nên hạn chế khai thác cát ở lòng sông. Dòng sông là một hệ thống sinh thái nối liền. Có những dòng sông là biên giới của 2 địa phương hoặc có những dòng sông thương nguồn là một tỉnh, hạ nguồn là một tỉnh. Nếu giao cho địa phương cấp phép khai thác cát để có thêm nguồn thu sẽ cực kỳ nguy hiểm. Nó phá vỡ tính thống nhất của một dòng sông. Địa phương ở thượng nguồn cho khai thác cát nhiều, địa phương ở phía dưới bị ảnh hưởng thì sẽ xử lý như thế nào? Việc này rất khó.

Thay vì giao quyền cho địa phương, vị chuyên gia đề nghị thành lập một ủy ban độc lập để quản lý, đánh giá, nghiên cứu, khảo sát xem trên mỗi dòng sông khai thác bao nhiêu cát là hợp lý. Họ sẽ đưa ra các con số cụ thể để tạo tính ổn định cho dòng sông, ổn định cho cuộc sống của người dân đôi bờ.

Kỳ 1: Chảy máu khoáng sản: Nguồn lợi lớn làm 'cát tặc' mờ mắt - Ảnh 3
GS.TS Hoàng Xuân Cơ.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiên cứu khoa học Môi trường Việt Nam thuộc TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết, hoạt động khai thác trái phép cát đương nhiên không đáp ứng các yêu cầu về khảo sát, xin cấp phép, không có nghiên cứu kỹ lưỡng về tác động của hoạt động này đối với địa hình, địa chất, hình thái của lòng sông, chế độ dòng chảy, diễn biến lòng, bờ, bãi sông không có các phương án bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, hồ…

Hoạt động này gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như làm gia tăng nguy cơ mất ổn định bờ sông; Sạt lở bờ, bãi ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt sản xuất hoa màu; Đe dọa đến an toàn đê điều, tính mạng, tài sản và an toàn của người dân; Suy giảm mực nước sông trong mùa cạn…

Ông Trần Công Tuyên, Vụ trưởng vụ quản lý đê điều (Bộ NN&PTNN): Một khu vực khai thác cát trên lòng sông, có thể là giáp ranh, nhưng với địa hình cát chảy sẽ gây bào mòn lòng sông và gây tụt chân kè đã được đầu tư. Hay như một số công trình về giao thông, việc khai thác cát sỏi sẽ bào mòn, ảnh hưởng đến các mố trụ cầu dẫn đến nguy cơ rất lớn về mất an toàn cho các công trình.

(Còn nữa)

Xuân Hòa - Hà Nam

Bạn đang đọc bài viết Kỳ 1: Chảy máu khoáng sản: Nguồn lợi lớn làm 'cát tặc' mờ mắt. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới