Chủ nhật, 24/11/2024 08:50 (GMT+7)
Thứ sáu, 19/06/2020 06:07 (GMT+7)

Kỳ 1: Truyền thông về biến đổi khí hậu thế nào để hiệu quả?

Theo dõi KTMT trên

Nhà báo đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, bởi nhận thức đầy đủ và đúng đắn của họ là vũ khí sắc bén nhất để chống biến đổi khí hậu (BĐKH). Qua các bài viết, nhà báo cung cấp thông tin, tăng cường nhận thức và thúc đẩy công chúng hành động để giải quyết các vấn đề nóng của môi trường.

Các bài phân tích, phản ánh của báo chí về thực trạng môi trường, giới thiệu các giải pháp mới để phát triển bền vững là tài liệu tham khảo, gợi mở hướng đi đúng đắn cho các nhà hoạch định chính sách môi trường.

Thúc đẩy hành động, đổi thay tích cực

Báo chí môi trường là mảng báo chí về tự nhiên và môi trường, phản ánh các tác động của hoạt động con người đến môi trường với mục đích nâng cao nhận thức của cộng đồng. Để làm được điều này, các bài viết thường hướng đến các mục tiêu: Khởi tạo các cuộc tranh luận về các vấn đề môi trường; thúc đẩy sự tham gia của các thành viên trong xã hội; cung cấp thông tin tổng quát về các vấn đề môi trường nổi cộm; hiệp lực các thành viên trong xã hội để giải quyết các vấn đề chung liên quan đến môi trường; và thúc đẩy sự cải cách thông qua các chính sách bảo vệ môi trường.

Kỳ 1: Truyền thông về biến đổi khí hậu thế nào để hiệu quả? - Ảnh 1
Một nhà báo môi trường đang tác nghiệp. (Ảnh: Reuters)

Nhà báo có khả năng đặc biệt trong việc đẩy nhanh các hành động chống BĐKH bằng cách vận động và giáo dục. Theo Tiến sĩ Mike Shanahan, Viện Nghiên cứu quốc tế về Môi trường và Phát triển, báo chí môi trường là một kênh cung cấp thông tin quan trọng, trao quyền và thúc đẩy mọi người hành động để tạo ra những thay đổi tích cực.

Báo chí có thể thông tin đến những cộng đồng đang phải sống chung với các vấn đề về môi trường, hướng dẫn họ cách thích nghi và làm sao để giảm các tác động tiêu cực để cải thiện tình hình.Bên cạnh các chủ đề được báo chí môi trường đề cập nhiều như công nghệ sinh học, nguồn nước, ô nhiễm, thảm họa tự nhiên, phát triển bền vững, năng lượng sạch, chống biến đổi khí hậu là chủ đề nổi bật và được đề cập nhiều nhất trong những năm gần đây.

Báo chí cảnh báo về các hiện tượng môi trường cực đoan, diễn giải các chính sách phức tạp, đồng thời là công cụ giám sát nhằm bảo vệ quyền lợi của cộng đồng, thúc đẩy các hành động cần thiết của người tiêu dùng, doanh nghiệp và chính phủ trong xây dựng nền kinh tế xanh.

Tiến sĩ Shanahan cho rằng, một nền báo chí môi trường sôi nổi sẽ nâng cao nhận thức của các quốc gia đang phát triển các thách thức môi trường mà họ phải đối mặt, khuyến khích các hướng phát triển bền vững và thúc đẩy các chính phủ ngồi lại với nhau để cùng giải quyết các vấn đề về môi trường.

Kỳ 1: Truyền thông về biến đổi khí hậu thế nào để hiệu quả? - Ảnh 2Biến đổi khí hậu có thể là cơ hội cho đa dạng sinh học phát triển

Tạo mạng lưới toàn cầu

Báo chí môi trường đặc biệt quan trọng trong công tác hoạch định chính sách về môi trường. Nhà báo môi trường làm tốt vai trò của mình không chỉ đưa tin, thông báo cho công chúng mà còn gợi mở các chính sách bảo vệ môi trường hiệu quả. Thông qua báo chí môi trường, các nhà hoạch định chính sách nắm được các vấn đề nóng được dư luận quan tâm, thu thập ý kiến của người dân để điều chỉnh chính sách hợp lý.

Kỳ 1: Truyền thông về biến đổi khí hậu thế nào để hiệu quả? - Ảnh 3
BĐKH ngày càng diễn biến phức tạp, nhà báo môi trường cần chuẩn bị để không lúng túng trong việc đưa tin các vấn đề mới xuất hiện. (Ảnh: The conversation)

Trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng, đội ngũ nhà báo làm công tác chống BĐKH ngày càng phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Họ đã tạo ra được một mạng lưới toàn cầu để hỗ trợ, giúp đỡ nhau cải thiện hiệu quả đưa tin, tuyên truyền. Năm 2009, hơn 1.000 đài truyền hình trên khắp thế giới tán thành Tuyên bố Paris về Phát thanh truyền hình và Chống biến đổi khí hậu bằng việc cam kết đẩy mạnh việc đưa tin về chủ đề này đồng thời lắng nghe tiếng nói của nhóm bị tác động nhiều hơn.

Một ví dụ điển hình cho thấy vai trò quan trọng của nhà báo môi trường là thực tế những năm gần đây, nhờ báo chí mà BĐKH đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của người dân châu Âu, vượt qua cả chủ đề khủng bố toàn cầu, theo khảo sát năm 2019 của Nghị viện châu Âu. BĐKH trở thành tâm điểm chú ý không chỉ mở đường cho các chính sách hiệu quả hơn để chống lại sự nóng lên toàn cầu mà còn khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm, với những tác động mà họ gây ra với môi trường để giữ gìn danh tiếng.

Kỳ 1: Truyền thông về biến đổi khí hậu thế nào để hiệu quả? - Ảnh 4IMF kêu gọi chấm dứt việc trợ cấp nhiên liệu hóa thạch

Hành động quyết liệt của các cơ quan báo chí thực sự tạo ra thay đổi. Điển hình như báo chí Costa Rica, việc đồng loạt đưa tin về các vấn đề môi trường năm 2007 đã giúp chính phủ nước này rất nhiều trong việc xây dựng Chiến lược phát triển quốc gia về BĐKH, bao gồm cam kết trung tính khí thải carbon vào năm 2021.

Tại Mỹ, BĐKH trở thành chủ đề nóng của báo chí từ đầu năm 2016 đến 2017 khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố ý định Mỹ rút khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris. Việc đưa tin rầm rộ này đã dấy lên các cuộc tranh luận về việc nên hay không nên rút khỏi Thỏa thuận Paris.

Tại Việt Nam, báo chí môi trường tuy chưa tạo ra được nhiều tác động lớn đến công tác hoạch định chính sách nhưng cũng đã thu hút được sự chú ý của dư luận đến những vấn đề môi trường nóng bỏng như ô nhiễm không khí, biến đổi khí hậu, rác thải công nghiệp,...

(Còn nữa)

Kim Minh

Bạn đang đọc bài viết Kỳ 1: Truyền thông về biến đổi khí hậu thế nào để hiệu quả?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới