Chủ nhật, 24/11/2024 09:00 (GMT+7)
Thứ sáu, 01/01/2021 11:00 (GMT+7)

Lãi lớn từ dự án điện mặt trời, nhiều doanh nghiệp muốn có biểu giá FIT mới

Theo dõi KTMT trên

Cơ chế mua bán điện theo giá cố định trong 20 năm (giá FIT) hết hiệu lực vào 31/12/2020 nhưng chưa có mức giá thay thế khiến các nhà đầu tư có tâm lý e ngại. Áp dụng giá FIT, nhiều dự án báo lãi lớn trong năm 2020.

Sẽ không có cơ chế FIT sau năm 2020

Theo ông Bùi Quốc Hùng – Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Bộ Công Thương, Cơ chế giá FIT (feed – in – tariff) tạo động lực mạnh mẽ trong việc phát triển năng lượng tái tạo. Tính đến hết năm nay, Việt Nam sở hữu 10.000 MW công suất phát điện mặt trời, gấp gần 12 lần so với kế hoạch đặt ra của quy hoạch điện VII.

Trước năm 2019, không có nhà máy điện mặt trời nào đấu nối lưới điện 110kV trở lên, nhưng chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, 89 nhà máy với tổng công suất 4.550 MW được thử nghiệm, đóng điện và hòa vào lưới điện quốc gia. Sự có mặt kịp thời của năng lượng tái tạo góp phần giảm bớt khó khăn về nguồn điện trong giai đoạn nửa cuối năm 2019 khi tình hình thủy văn kém.

Trong đó, năng lượng tái tạo mà các chủ đầu tư thực hiện chủ yếu tập trung vào điện mặt trời với tỷ trọng hơn 90% công suất. Trên thực tế, dự án điện mặt trời thực hiện nhanh và suất đầu tư thấp hơn nhiều so với điện gió. Tuy nhiên, quy hoạch điện VII đã không lường trước được hết sự phát triển của năng lượng tái tạo. Sự phát triển không đồng bộ của hạ tầng truyền tải (chủ yếu do thiếu nguồn lực) khiến cho các dự án điện mặt trời vận hành mà không giải tỏa được hết công suất.

Lãi lớn từ dự án điện mặt trời, nhiều doanh nghiệp muốn có biểu giá FIT mới - Ảnh 1
Bộ Công Thương đang trình Chính phủ về cơ chế áp dụng thí điểm đối với các dự án điện mặt trời sau năm 2020. Ảnh minh họa. 

Được biết, cơ chế mua bán điện theo giá cố định trong 20 năm (giá FIT) với các dự án điện mặt trời sẽ hết hiệu lực vào 31/12/2020. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có mức giá, hay cơ chế mới thay thế.

Gửi ý kiến tới các Bộ ngành, nhóm Công tác Điện và Năng lượng (PEWG) đề xuất gia hạn giá FIT thêm ít nhất 6 tháng, tốt nhất là 12 tháng so với hiện tại cho cả nhà máy điện mặt trời và hệ thống điện mặt trời trên mái nhà.

Bên cạnh đó, gia hạn FIT cho điện gió trên đất liền thêm 6 tháng, tiếp theo là áp dụng FIT mới khả thi cho các dự án điện gió trên đất liền nối lưới vào cuối năm 2023, và gia hạn hai năm đối với FIT gió ngoài khơi hiện tại đến cuối năm 2023.

“Chúng tôi đề xuất chính sách cho các dự án điện mặt trời, hệ thống điện mặt trời trên mái nhà và điện gió nên được xây dựng trên cơ sở lâu dài và bền vững, có tính đến ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu", nhóm nghiên cứu cho biết.

Theo ông Bùi Quốc Hùng, Bộ Công Thương đang trình Chính phủ về cơ chế áp dụng thí điểm đối với các dự án điện mặt trời sau năm 2020. Tuy nhiên, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo khẳng định: "Sau năm 2020, sẽ không có cơ chế giá FiT cho điện mặt trời".

Theo Bộ Công thương, cơ quan này đang xây dựng cơ chế đấu thầu từ tên gọi cho đến chương trình thí điểm xác định giá bán điện mặt trời sau năm 2020 (đã được bổ sung quy hoạch) khi không còn áp dụng giá FIT. Bộ đang xin ý kiến các bộ ngành để hoàn thành trước khi trình Chính phủ.

Cơ chế này dự kiến áp dụng một lần với điện mặt trời sau khi phối hợp với các tổ chức, ngân hàng như World Bank, ADB để hoàn thiện sau đó sẽ áp dụng cho điện gió. Đối với điện gió ngoài khơi hiện còn nhiều bất cập về định nghĩa, Bộ Công thương cần nghiên cứu thêm để xác định chính sách cho đúng đối tượng và áp dụng chính sách phù hợp.

Hàng loạt dự án điện mặt trời báo lãi lớn

Thực tế ngoài giá mua cao, ưu đãi về thuế cũng là một cú hích quan trọng đối với các chủ đầu tư điện tái tạo. Hàng loạt dự án điện mặt trời quy mô lớn top đầu của Việt Nam đều đồng loạt báo lãi trong năm vừa rồi. Trong số này, có những dự án mới chỉ đi vào vận hành thương mại được vài tháng đến nửa năm.

Cụ thể, dự án điện mặt trời Dầu Tiếng (Tây Ninh) công suất tối đa 420 MWP lớn nhất Đông Nam Á của liên doanh Công ty TNHH Xuân Cầu (Việt Nam) và Công ty TNHH B. Grimm Power Public (Thái Lan) đạt doanh thu 807 tỉ đồng, lãi sau thuế tới 456 tỉ đồng.

Lãi lớn từ dự án điện mặt trời, nhiều doanh nghiệp muốn có biểu giá FIT mới - Ảnh 2
Sau 10 tháng thi công, 2 nhà máy DT1 và DT2 chính thức đi vào hoạt động vào tháng 6-2019 - Ảnh: TỰ TRUNG.

Dù mới khánh thành cuối tháng 4/2019, cụm 3 nhà máy điện tại Ninh Thuận (BIM 1, BIM 2, BIM 3) công suất 330 MWP do Liên doanh của BIM Group và AC Renewables làm chủ đầu tư đã đạt doanh thu 703 tỉ đồng, lãi sau thuế 344 tỉ đồng

Trung Nam Solar Power (Tập đoàn Trung Nam) vận hành nhà máy Trung Nam Ninh Thuận công suất 258 MWP cũng đạt doanh thu trên 500 tỉ đồng, lãi ròng 131 tỉ đồng. Trung Nam Trà Vinh sở hữu nhà máy công suất 165 MWP doanh thu 275 tỉ đồng, lãi 94 tỉ.

Dự án TTP Phú Yên (Hòa Hội) 257 MWP do CTCP Tập đoàn Trường Thành Việt Nam liên doanh với Tập đoàn B. Grim (Thái Lan) khánh thành cuối tháng 6/2019, nhưng báo doanh thu 407 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 135 tỉ đồng…

Mặc dù các dự án điện mặt trời đem lại hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên việc Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam đã hết hiệu lực nhưng hiện chưa có thông tin về chính sách phát triển điện mặt trời tiếp theo khiến các nhà đầu tư có tâm lý ngần ngại. Do đó, nhiều doanh nghiệp kiến nghị cần có biểu giá FIT mới.

Tường Anh

Bạn đang đọc bài viết Lãi lớn từ dự án điện mặt trời, nhiều doanh nghiệp muốn có biểu giá FIT mới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới