Chủ nhật, 24/11/2024 08:55 (GMT+7)
Thứ bảy, 23/03/2024 13:00 (GMT+7)

Lâm Đồng: Dự án hoàn thiện hệ thống hồ sơ địa chính còn khó khăn

Theo dõi KTMT trên

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng, dự án hoàn thiện hệ thống hồ sơ địa chính giai đoạn 2011 - 2025 trên địa bàn còn khó khăn, vướng mắc.

Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng tỉnh Lâm Đồng đã có báo cáo về những khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án đo đạc, lập bản đồ trên địa bàn tỉnh này.

Theo báo cáo, hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục triển khai Dự án Hoàn thiện hệ thống hồ sơ địa chính tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2011-2025 và Dự án Tăng cường Quản lý đất đai (gọi chung là Dự án) có nguồn gốc từ nông, lâm trường trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Theo kế hoạch, cả hai Dự án này phải hoàn thành trong năm 2025.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, có một số khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là ranh giới quy hoạch đất lâm nghiệp và ranh giới của các đơn vị chủ rừng hiện nay vẫn đang được rà soát điều chỉnh, chưa được phê duyệt, làm ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ của các Dự án.

Cụ thể, đối với việc cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất:  Hầu hết diện tích đất chưa được cấp Giấy chứng nhận đều có nguồn gốc từ đất lâm nghiệp. Theo quy định, để có cơ sở cấp Giấy chứng nhận đối với diện tích đất này thì phải có phương án sử dụng đất được UBND tỉnh phê duyệt.

Lâm Đồng: Dự án hoàn thiện hệ thống hồ sơ địa chính còn khó khăn - Ảnh 1
Việc xác định ranh đất có nguồn gốc nông, lâm trường trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng gặp nhiều khó khăn khiến Dự án Hoàn thiện hệ thống hồ sơ địa chính tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2011- 2025 có nguy cơ bị chậm so với kế hoạch.

Tuy nhiên, hiện nay việc rà soát ranh phân loại rừng, phân định ranh giới các loại rừng trên địa bàn tỉnh chưa hoàn thành, các địa phương chưa có cơ sở để lập phương án sử dụng đất. Do đó, chưa có cơ sở để xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Công tác kê khai đăng ký đất đai và xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gặp rất nhiều khó khăn, tiến độ rất chậm, nhiều địa phương chưa thực hiện việc xét duyệt cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân (do chờ phương án sử dụng đất).

Bên cạnh đó, đối với việc cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì hầu hết diện tích đo đạc, lập bản đồ và hồ sơ địa chính, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Dự án đều đã được đo đạc, lập bản đồ và hồ sơ địa chính theo Chỉ thị 299/TTg ngày 10/11/1980 của Thủ tướng Chính phủ và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, đến nay hệ thống bản đồ đo đạc theo Chỉ thị 299/TTg được thành lập đã lâu (trên 30 năm), không có hệ tọa độ, tại thời điểm đo đạc, ranh giới sử dụng đất của người sử dụng đất chưa rõ ràng, máy móc thiết bị lạc hậu, độ chính xác của hệ thống bản đồ không cao. 

Do đó, phần lớn Giấy chứng nhận quyền sử dụng đã cấp theo hệ thống bản đồ này đến nay đều không còn đúng với hiện trạng sử dụng, không khớp với hệ thống bản đồ và hồ sơ địa chính được thành lập mới (do sai số trong đo đạc trước đây, có sự biến động về ranh giới trong quá trình sử dụng, ranh giới trước đây không rõ ràng, không xác định được chính xác...). 

Trong trường hợp cấp đổi Giấy chứng nhận riêng lẻ đối với từng thửa đất, về lý thuyết, có sự chồng lấn về ranh giới giữa thửa đất được đo đạc theo hệ thống bản đồ mới và thửa đất được đo đạc theo Chỉ thị 299, điều này có thể phát sinh tranh chấp, mặc dù trong thực tế, hầu hết các hộ dân đều sử dụng đất ổn định từ trước đến nay, không có tranh chấp (sự chồng lấn là do sai số đo đạc; do ranh giới sử dụng đất trước đây chưa được rõ ràng, việc xác định ranh giới không chính xác...). 

Song song đó, các địa phương còn có nhiều quan điểm khác nhau về nội dung này, thậm chí không thực hiện cấp đổi Giấy chứng nhận theo hiện trạng sử dụng đã đất được thể hiện trên hệ thống bản đồ địa chính mới mà chỉ cấp đổi theo ranh giới, diện tích đã được cấp Giấy chứng nhận trước đây, phần chồng lấn để lại, chưa xem xét.

Từ những lý do nêu trên, việc cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo hệ thống bản đồ đo đạc mới rất khó khăn do phải mất nhiều thời gian để lồng ghép các hệ thống bản đồ phục vụ cho việc xác định nguồn gốc sử dụng đất và phân tích nguyên nhân biến động.

Đối với Dự án Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường được triển khai theo Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 07/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1171/QĐ-UBND ngày 27/6/2022 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc phê duyệt dự toán kinh phí thực hiện Đề án “Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng";

Nhiệm vụ của Dự án: Xác định đường ranh giới, cắm mốc ranh giới, đo đạc, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính đối với tất cả các chủ sử dụng đất đang quản lý sử dụng đất nằm trong quy hoạch đất lâm nghiệp và diện tích điều chỉnh ra ngoài quy hoạch đất lâm nghiệp theo phạm vi ranh giới đã được UBND tỉnh phê duyệt. Theo kế hoạch, Dự án phải hoàn thành trong năm 2025.

Tuy nhiên, ranh giới quy hoạch đất lâm nghiệp và phạm vi, ranh giới của các đơn vị chủ rừng chưa được phê duyệt, ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai Dự án. Trong đó, các Công ty TNHH MTV lâm nghiệp: Đơn Dương, Tam Hiệp, Di Linh, Bảo Thuận, Lộc Bắc và Đạ Huoai chưa lập được phương án sử dụng đất, do chờ kết quả điều chỉnh ranh giới, chưa có cơ sở để hoàn thành việc cắm mốc, lập hồ sơ ranh giới cũng như thực hiện công tác giao đất, cho thuê đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định.

Các Ban quản lý rừng thì về cơ bản đã được rà soát ranh giới, đúc mốc và chôn mốc được một số khu vực có ranh giới ổn định, không rà soát điều chỉnh. Tuy nhiên, công tác triển khai gặp rất nhiều khó khăn do ranh giới của các đơn vị chủ rừng chưa được phê duyệt. Các đơn vị thi công chỉ triển khai công tác ngoại nghiệp được tại một số khu vực có ranh giới tương đối ổn định, không phải điều chỉnh; cũng chưa thể thực hiện biên tập, hoàn chỉnh bản đồ nội nghiệp. Các khu vực có thay đổi về ranh giới hiện nay chưa thể thực hiện công tác xác định ranh giới, cắm mốc tại thực địa. Nhiều gói thầu hiện nay phải tạm dừng thi công.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và hoàn thành được các nhiệm vụ được giao, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo sớm hoàn thành việc rà soát điều chỉnh ranh phân loại rừng, phân định ranh giới các loại rừng, cũng như điều chỉnh phạm vi, ranh giới của các đơn vị chủ rừng, làm cơ sở cho việc rà soát ranh giới, cắm mốc, đo đạc, lập bản đồ, hồ sơ ranh giới sử dụng đất và thực hiện giao đất, cho thuê đất đối với các đơn vị chủ rừng và làm cơ sở để các địa phương lập phương án sử dụng đất phần đất trả về địa phương quản lý để cấp Giấy chứng nhận cho người dân.

Trường hợp chưa điều chỉnh phân loại đất rừng cũng như điều chỉnh phạm vi, ranh giới của các đơn vị chủ rừng, kính đề nghị UBND tỉnh thống nhất cho tiếp tục thực hiện theo các quyết định về quy hoạch 3 loại rừng và các quyết định về điều chỉnh phạm vi, ranh giới của các đơn vị chủ rừng trước đây và đảm bảo phù hợp với quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1727/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 (như kiến của Cục lâm nghiệp tại Công văn số 331/LN-KHTC ngày 13/3/2024 V/v rà soát, hoàn thiện hệ thống sơ đồ, bản đồ, cơ sở dữ liệu lâm nghiệp trong hồ sơ Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng).

Dự án Hoàn thiện hệ thống hồ sơ địa chính tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2011- 2025 được phê duyệt theo Quyết định số 1058/QĐ-UBND ngày 07/5/2009 của UBND tỉnh Lâm Đồng, sau đó được điều chỉnh theo Quyết định số 819/QĐ- UBND ngày 26/4/2013 và Quyết định số 2644/QĐ-UBND ngày 20/12/2019 của UBND tỉnh Lâm Đồng. Nhiệm vụ của Dự án là thực hiện việc đo đạc, lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng.

Đến thời điểm hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng đã và đang triển khai được 9/12 huyện, thành phố. Trong đó:

Đã hoàn thành toàn bộ khối lượng công việc trên địa bàn 04 huyện, thành phố: Thành phố Đà Lạt, huyện Đức Trọng, huyện Di Linh, huyện Bảo Lâm.

Đang triển khai trên địa bàn 05 huyện, thành phố: Huyện Lạc Dương, huyện Lâm Hà, thành phố Bảo lộc, huyện Đạ Huoai và huyện Đơn Dương.

Theo kế hoạch, sẽ hoàn thành toàn bộ khối lượng công việc tại địa bàn thành phố Bảo Lộc, huyện Lâm Hà và huyện Lạc Dương trong năm 2024. Đối với 03 huyện còn lại (huyện Đam Rông, huyện Đạ Tẻh và huyện Cát Tiên) sẽ triển khai trong năm 2024 và hoàn thành trong năm 2025.

Thanh Tùng

Bạn đang đọc bài viết Lâm Đồng: Dự án hoàn thiện hệ thống hồ sơ địa chính còn khó khăn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới