Chủ nhật, 24/11/2024 06:47 (GMT+7)
Thứ tư, 28/07/2021 07:06 (GMT+7)

Lâm Đồng: Khai thác khoáng sản ‘chui’ ngang nhiên hoạt động

Theo dõi KTMT trên

Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép ở xã Tà Nung diễn ra trong một thời gian dài gây ra tình trạng sạt lở và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Khai thác cả ngày lẫn đêm

Vừa qua, UBND TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng thành lập tổ công tác đến địa phận xã Tà Nung để kiểm tra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn mà nhiều cơ quan báo chí phản ánh.

Từ đầu tháng 5/2021, nhiều người dân xã Tà Nung phản ánh về việc một số đối tượng có hành vi khai thác khoáng sản (đất, đá, vật liệu xây dựng thông thường) tại khu vực cuối bãi rác Cam Ly, xã Tà Nung khi chưa được cấp phép từ cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng.

Các đối tượng dựng lều tạm, kéo điện khai thác đất, đá trong các khu đất rẫy nông nghiệp cả ngày lẫn đêm. Thậm chí còn lấn chiếm cả đất lâm nghiệp do nhà nước quản lý để đưa máy móc vào để phục vụ việc khai thác.

Lâm Đồng: Khai thác khoáng sản ‘chui’ ngang nhiên hoạt động - Ảnh 1
Hoạt động khai thác khoáng sản trái phép diễn ra tại xã Tà Nung gây sạt lở, ô nhiễm nghiêm trọng (Ảnh: Báo Lâm Đồng)

Cũng theo người dân, những hoạt động khai thác khoáng sản tại khu vực này đã diễn ra rầm rộ trong một thời gian dài. Hình ảnh nhiều đối tượng hối hả bạt núi, khoan, đục, chẻ đá thành phẩm... không còn quá xa lạ với người dân xã Tà Nung.

Qua trao đổi được biết, các đối tượng đang khai thác đá ở đây được người đàn ông tên Trung và người phụ nữ tên Dung (ngụ xã Tà Nung) thuê đến chẻ đá thành từng viên hình chữ nhật (20 x 30cm).

Khi họ đến, các tảng đá lớn đã được chủ dùng máy múc đào đưa lên khỏi mặt đất, họ chỉ việc khoan, chẻ những tảng đá này ra thành từng viên nhỏ. Mỗi viên đá thành phẩm được chủ trả công từ 2.000 - 2.200 đồng. Một người chẻ đá thành thạo, mỗi ngày có thể kiếm được khoảng 500.000 đồng.

Việc san gạt, khai thác đất, đá tại các khu đất rẫy, đất lâm nghiệp đã khiến địa hình bị biến dạng, từ đó gây ra tình trạng sạt lở đất nghiêm trọng, đồng thời tác động gây ô nhiễm nặng nề tới nguồn nước tưới tiêu nông nghiệp cho khu vực hạ lưu.

Trước đó, xã Tà Nung, TP.Đà Lạt là địa điểm nóng, từng xảy ra nạn hút cát trái pháp luật trong thời gian dài, gây ô nhiễm, cạn kiệt con suối chảy qua địa bàn khiến bà con không có đủ nguồn nước hoặc nước sạch để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Dòng suối bị khai thác cát, khoét sâu trở nên đục ngầu, mùa khô cạn kiệt.

Người dân trong vùng nhiều lần có đơn cầu cứu các cơ quan chức năng do bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, việc xử lý tình trạng này của cơ quan chức năng địa phương không triệt để, chỉ một thời gian ngắn mọi chuyện đâu lại vào đó khiến người dân bức xúc, chán nản.

Thu được 1 máy hút cát và 2 máy múc

Theo báo cáo nhanh của tổ công tác TP.Đà Lạt, vị trí đang diễn ra hoạt động khai thác khoáng sản này nằm ở khu vực thôn 4, giáp ranh giữa UBND phường 5 và xã Tà Nung, thuộc quản lý của Ban Quản lý rừng Lâm Viên, Dự án của doanh nghiệp Thanh Đa và UBND xã Tà Nung. Đồng thời, toàn bộ những hoạt động san ủi đất, khai thác khoáng sản theo kiểu tận thu tại đây đều chưa được cơ quan chức năng cấp phép.

Lâm Đồng: Khai thác khoáng sản ‘chui’ ngang nhiên hoạt động - Ảnh 2
Nhiều quả núi ở TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng biến dạng vì nạn khai thác khoáng sản trái phép (Ảnh: Báo Lâm Đồng).

Đối tượng đứng đầu là bà Lê Thị Đức Hạnh (43 tuổi, ngụ tại phường 5, TP.Đà Lạt). Lợi dụng sự khó khăn, phức tạp của địa hình cùng sự giám sát lỏng lẻo của địa phương, các đối tượng đã bất chấp pháp luật để khai thác tận thu khoáng sản tại đây. Trước đó, khi nhận được những phản ánh của người dân, UBND xã Tà Nung cũng nhiều lần có mặt kiểm tra, lập biên bản xử lý đối với các đối tượng này nhưng chỉ được một thời gian rồi đâu lại vào đó.

Tại thời điểm kiểm tra, hiện trường vi phạm khoảng 800 m2, lực lượng chức năng ghi nhận có sử dụng phương tiện khai thác cát trái phép, gồm: 1 máy hút cát và 2 máy múc. Gần diện tích khai thác cát có khoảng 200 viên đá chẻ. Bà Hạnh chưa trình được giấy phép khai thác khoáng sản và các giấy tờ liên quan đến các phương tiện trên.

Hiện vụ việc tiếp tục được lực lượng Công an TP.Đà Lạt phối hợp với cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ để xử lý theo qui định pháp luật.

Đầu tháng 6/2021, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các Sở, ngành tăng cường công tác quản lý nhà nước, thường xuyên kiểm tra, giám sát đối với các cá nhân, tổ chức hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn.

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị các Sở, ngành cần kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp: Khai thác khoáng sản trái phép; Không lắp đặt camera giám sát, trạm cân; Không hồ sơ, chứng từ, hoá đơn không đầy đủ; Các hành vi gian lận, khai báo sản lượng khoáng sản khai thác không đúng thực tế; Khai thác gây tổn thất lớn khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Đồng thời, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân và trách nhiệm người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra tình trạng khai thác, kinh doanh khoáng sản trái phép. Nhất là đối với cán bộ, công chức, viên chức có hành vi bao che, buông lỏng quản lý để xảy ra sai phạm trong công tác khai thác, kinh doanh khoáng sản trên địa bàn.

Thanh Tùng

Bạn đang đọc bài viết Lâm Đồng: Khai thác khoáng sản ‘chui’ ngang nhiên hoạt động. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới