Chủ nhật, 24/11/2024 10:45 (GMT+7)
Thứ bảy, 06/03/2021 11:14 (GMT+7)

Lâm Đồng 'siết chặt' hoạt động đầu tư dự án điện mặt trời

Theo dõi KTMT trên

Trước tình trạng điện mặt trời phát triển thiếu kiểm soát gây dư thừa nguồn cung, UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu "siết chặt" hoạt động đầu tư, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng phát triển ồ ạt điện mặt trời trên địa bàn theo phong trào.

Theo đó, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Công thương cùng UBND các huyện, TP.Đà Lạt và Bảo Lộc tuyệt đối không để xảy ra tình trạng phát triển ồ ạt điện mặt trời trên địa bàn theo phong trào, thiếu sự kiểm soát, gây quá tải lưới điện khu vực và hậu quả xấu sau này.

Lâm Đồng 'siết chặt' hoạt động đầu tư dự án điện mặt trời - Ảnh 1
Phát triển ồ ạt điện mặt trời đang gây quá tải lưới điện. (Ảnh minh họa)

Theo Công ty Điện lực Lâm Đồng, đến hết ngày 20/11/2020 trên địa bàn toàn tỉnh đã có 870 các công trình điện mặt trời mái nhà đăng ký và đạt thỏa thuận đấu nối với Điện lực Lâm Đồng. Trong đó, đã có 48 các hệ thống điện mặt trời mái nhà có công suất từ 100 kW đến 1.000 kW đã đấu nối vào lưới điện Lâm Đồng, còn 399 hệ thống đã có thỏa thuận nhưng chưa được hòa vào vận hành thương mại. Bên cạnh đó, 423 hệ thống điện mặt trời mái nhà công suất dưới 100 kW đã đạt thỏa thuận nhưng chưa được đấu nối, hòa lưới điện.

Trong khi đó, hiện nay, phần lưới điện trung áp có 18 trạm 110 kV và 415 đường dây phần lưới điện hạ áp không còn khả năng đấu nối điện mặt trời. Đặc biệt, tại các huyện phát triển mạnh điện mặt trời mái nhà như Lâm Hà, Đạ Tẻh hiện không còn khả năng giải tỏa công suất để đấu nối điện mặt trời mái nhà.

Sở Công thương được giao nhiệm vụ tham mưu cho UBND tỉnh các nội dung có liên quan để phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong công tác kiểm tra, thanh tra về phát triển điện mặt trời mái nhà tại địa phương, các công ty điện lực thời gian qua, xử lý nghiêm các sai phạm nếu có theo quy định.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị nói trên tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc đầu tư trang trại kết hợp với điện mặt trời mái nhà phải đảm bảo đúng mục đích của kinh tế trang trại.

Đồng thời đề nghị Công ty Điện lực Lâm Đồng trước khi thỏa thuận đấu nối và ký kết hợp đồng mua bán điện phải phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện việc thỏa thuận đấu nối đảm bảo phù hợp quy hoạch sử dụng đất, đồng thời tăng cường công tác thông tin, báo cáo UBND các huyện, TP.Đà Lạt, Bảo Lộc nắm để kiểm tra, kiểm soát việc đầu tư hệ thống điện mặt trời tại địa phương.

Đối với các dự án bắt buộc phải thực hiện thỏa thuận vị trí cột/trạm, tỉnh này cũng yêu cầu phải thực hiện trước khi ký hợp đồng mua bán điện.

Trước tình trạng điện mặt trời phát triển thiếu kiểm soát gây dư thừa nguồn cung, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm về phát triển điện mặt trời mặt đất và trên mái nhà.

Thủ tướng nhấn mạnh, công tác kiểm tra, thanh tra về phát triển điện mặt trời phải đảm bảo đúng quy định, xử lý nghiêm các sai phạm nếu có, nhất là những hành vi trục lợi chính sách trong thời gian triển khai điện mặt trời áp mái thời gian vừa qua.

Các cơ quan chức năng cũng được yêu cầu nghiên cứu, xử lý ngay các vấn đề phát sinh chưa lường hết trong phát triển điện mặt trời, nhất là điện mặt trời mái nhà, không để xảy ra các hậu quả xấu...

Do phát triển thiếu tầm nhìn

Theo PGS.TS Bùi Thiên Dụ, việc phát triển điện mặt trời thiếu tầm nhìn đã dẫn đến không giải tỏa hết công suất. Các vấn đề về lưới truyền tải đã không được tính toán, kiểm soát chưa chặt chẽ các công trình điện mặt trời. Các cơ chế, chính sách về phát triển điện mặt trời thời gian qua đều thiếu tính bền vững, chủ yếu là chắp vá. Dẫn chứng cho việc này, ông Bùi Thiên Dụ cho biết khi Quyết định 11 về khuyến khích phát triển điện mặt trời hết hiệu lực, nhà đầu tư, người dân đã phải "ngóng" một thời gian dài để có chính sách mới thay thế đó là Quyết định số 13.

Theo phân tích của vị chuyên gia này, các chính sách không dài hơi dẫn đến phát triển ồ ạt, gây áp lực lên việc giải tỏa công suất. Nếu "tuổi thọ" của chính sách đủ cho các nhà đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng khi triển khai thì sẽ không phải chạy theo hạn chót như thời gian qua. Ông Dụ nhấn mạnh thêm vừa qua chúng ta khuyến khích phát triển điện mặt trời, với cơ chế hấp dẫn, nhưng đến nay do thiếu sự đồng bộ về lưới điện, phải cắt giảm công suất như dự báo của EVN là "đẩy rủi ro" về phía nhà đầu tư, người dân.

Minh Phương

Bạn đang đọc bài viết Lâm Đồng 'siết chặt' hoạt động đầu tư dự án điện mặt trời. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới