Chủ nhật, 24/11/2024 05:35 (GMT+7)
Chủ nhật, 21/11/2021 17:00 (GMT+7)

Lâm Đồng: Tái diễn khai thác khoáng sản tràn lan

Theo dõi KTMT trên

Chỉ trong một xã ở huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng đã có 3 công trình san gạt đồi với diện tích ước tính lên tới hàng nghìn m2, mỗi ngày có hàng trăm lượt xe vận chuyển khoáng sản ra ngoài hiện trường tiêu thụ.

Ngang nhiên xẻ đồi... chính quyền không biết!

Từ giữa tháng 11/2021, nhiều cơ quan báo chí trong nước phản ánh tình trạng khai thác khoáng sản bất hợp pháp trên địa bàn huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng.

Theo người dân trên địa bàn xã Đơn Ròn phản ánh, chỉ trong vài cây số, tại xã Đạ Ròn và Tu Tra, huyện Đơn Dương có ít nhất 3 mỏ đất, đá trái pháp luật, được các doanh nghiệp như Quốc Khánh, Tú Lộc Thọ, Linh Tâm Anh... khai thác, vận chuyển đi khắp nơi tiêu thụ trong thời gian dài.

Có thời điểm, việc khai thác khoáng sản trên địa bàn còn được thực hiện xuyên đêm. Tiếng động cơ của các loại máy múc, máy khoan, đập đá, xe benz... ra vào chở khoáng sản đi tiêu thụ khiến những gia đình sống gần khu mỏ và đường đi gần như thức trắng vì không thể nào ngủ được.

Lâm Đồng: Tái diễn khai thác khoáng sản tràn lan - Ảnh 1
Cả một quả đồi ở huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng bị bạt đi trong thời gian dài mà chính quyền không biết? (Ảnh Nhadautu).

Rất nhiều  chân núi, ngọn đồi bị đào khoét nham nhở với diện tích hàng chục ha. Nhiều khu vực, sau khi bị các đối tượng đào trọn cả một quả đồi mang đi bán, mặt bằng để lại rộng vài ha đã được chuyển thành diện tích đất nông nghiệp.

Nghiêm trọng hơn, một số ngọn núi đang bị đào bới gần hết một nửa, trên đỉnh vẫn còn cây rừng xanh mơn mởn, có thể vẫn là đất lâm nghiệp của nhà nước, chứ không phải đất sản xuất nông nghiệp của người dân. 

Những xe chở đất, đá ra ngoài hiện trường phần lớn dán chữ Quốc Khánh và một số xe dán chữ Công ty TNHH Tú Lộc Thọ. Xe lấy đá ra từ khu mỏ được chở tới một công trình xây dựng thuộc “dự án bất động sản” có tên Dalat Pearl đang được phân lô, rao bán cách đó hơn 1 km. Xe chở đất phục vụ việc san lấp mặt bằng tại nhiều địa điểm, phần lớn thuộc huyện Đức Trọng.

Theo người dân địa phương, lượng xe benz chở đất, đá hằng ngày ra vào khu mỏ rất lớn, cao điểm có ngày lên tới khoảng 300 chuyến. Mặc dù đường giao thông nông thôn nhỏ, hẹp, nhiều khúc cua gấp nhưng các xe chở đất đá từ khu mỏ đi ra thường chạy với tốc độ rất cao.

Để an toàn cho bản thân, người đi đường thường phải ép sát vào lề để nhường đường cho đoàn xe chở đất, đá di chuyển. Đường sá khu vực này cũng bị cày nát nhiều vị trí khiến xe cộ đi lại rất khó khăn, thường sập xuống các ổ voi gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Thế nhưng, theo ông Lê Đức Tiến, Chủ tịch UBND xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương khẳng định, vị trí đang được một số người khai thác không phải là mỏ vì chưa được cơ quan chức năng cấp phép.

Cũng theo vị Chủ tịch UBND xã Đạ Ròn, khu vực này trước đây UBND huyện Đơn Dương có cấp phép san gạt mặt bằng tại chỗ để phục vụ sản xuất nông nghiệp cho một cá nhân, không được phép khai thác, vận chuyển tài nguyên, khoáng sản ra khỏi khu vực được cấp phép.

Còn ông Trương Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Tu Tra, huyện Đơn Dương khẳng định, trên địa bàn xã không có mỏ khoáng sản nào cả. Còn các trường hợp chở đất, đá ra khỏi khu vực, có thể do san gạt dôi dư, người ta đem đi đổ.

Ông Hùng cho rằng do quản lý địa bàn quá rộng, cán bộ quá ít, nên mặc dù lực lượng của UBND xã đã tích cực tuần tra, nhưng không phát hiện được các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép nào. 

Lâm Đồng: Tái diễn khai thác khoáng sản tràn lan - Ảnh 2
Hiện trường một vụ khai thác khoáng sản trái phép khác trên địa bàn huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng.

Công an vào cuộc điều tra

Trước thực trạng khai thác khoáng sản tràn lan trên địa bàn huyện Đơn Dương, ngày 20/11, Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản số 3692/STNMT-KS&TNN đề nghị UBND huyện Đơn Dương  kiểm tra, xử lý việc san gạt, cải tạo mặt bằng, khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép theo nội dung phản ánh của báo chí.

Nếu có vi phạm thì phải đình chỉ, chấm dứt việc san gạt, cải tạo mặt bằng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; Báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý về Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng trước ngày 23/11/2021.

Đồng thời, Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng đề nghị UBND huyện Đơn Dương thực hiện nghiêm Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 4/8/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản và hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh; Cùng một số văn bản chỉ đạo, thông báo kết luận của UBND tỉnh và các văn bản của Sở TN&MT về hoạt động khoáng sản trên địa bàn.

Trong khi đó, trả lời báo chí, ông Dương Đức Đại, Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương thông tin: UBND huyện đã cho Công an và Phòng TN&MT xuống điều tra làm rõ. Khi nào có kết quả, huyện sẽ cung cấp cho các cơ quan báo chí. Trước những thông tin trên báo chí về tình trạng khai thác khoáng sản ồ ạt xảy ra trên địa bàn, huyện tiếp thu ngay và sẽ tổ chức điều tra, xử lý. 

Nguyễn Thu - Thanh Tùng

Bạn đang đọc bài viết Lâm Đồng: Tái diễn khai thác khoáng sản tràn lan. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới