Chủ nhật, 24/11/2024 07:39 (GMT+7)
Thứ tư, 13/10/2021 07:15 (GMT+7)

Kỳ 3: Chảy máu khoáng sản: Bạt núi lấy đá

Theo dõi KTMT trên

Chỉ được cấp phép thăm dò khoáng sản, nhiều doanh nghiệp vẫn ngang nhiên khai thác đá trái phép kiếm lời bất chính, gây thất thoát tài nguyên,…

Mượn danh để khai thác đá

Hiện nay, trung bình mỗi năm ngành khai khoáng của nước ta cung cấp cho thị trường trên 100 triệu tấn đá vôi xi măng, trên 70 triệu m3 đá vật liệu xây dựng thông thường. Do nhu cầu về vật liệu xây dựng lớn nên hoạt động khai thác, chế biến vật liệu xây dựng diễn ra ở các địa phương trong cả nước có tốc độ tăng trưởng cao. Số lượng mỏ khai thác đá vật liệu xây dựng chiếm tỉ lệ nhiều nhất với quy mô sản lượng lớn.

Do tốc độ tăng trưởng của ngành khai thác đá vật liệu xây dựng luôn trong tình trạng “cung không đủ cầu”, đem lại lợi nhuận cao khiến nhiều cá nhân, doanh nghiệp chấp nhận “lách luật”, thậm chí làm trái luật để kiếm lời.

Điển hình mới đây, trên địa bàn xã Suối Giàng (Văn Chấn – Yên Bái) diễn ra tình trạng khai thác trái phép đá tự phát một cách ngang nhiên. Hàng ngày, những chiếc xe chuyên dụng chạy liên tục chở các khối đá lớn từ công trường đưa về xưởng chế tác tại trung tâm huyện để chế tác. Hoạt động công khai nhưng điểm khai thác này lại chưa bị xử lý. 

Kỳ 3: Chảy máu khoáng sản: Bạt núi lấy đá - Ảnh 1

Ngoài ra, trên địa bàn Suối Giàng có 2 doanh nghiệp được phép tiến hành thăm dò khoáng sản đá trang trí mỹ nghệ và đá metacarbonat làm ốp lát. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là 2 công ty này không chỉ dừng lại mức độ thăm dò, mà đã có dấu hiệu lợi dụng giấy phép thăm dò để khai thác tài nguyên đá.

Việc doanh nghiệp chỉ được cấp phép thăm dò nhưng trên thực tế lại vô tư khai thác trái phép đá không phải chuyện mới, khi trong thời gian qua các cơ quan báo chí đã phát hiện, công khai tình trạng khai thác đá trái phép đang diễn ra trên rất nhiều địa phương trên cả nước.

Đầu tháng 4/2021, Sở Tài nguyên và môi trường Đắk Lắk đã phải ra văn bản "nhắc nhở", yêu cầu Công ty TNHH xây dựng và dịch vụ Tân Thành Đạt (tổ dân phố 5, thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) dừng ngay việc khai thác, chế biến đá vì giấy phép khai thác doanh nghiệp này đã hết hạn từ ngày 1/4. Tuy nhiên doanh nghiệp này không dừng với lý do "mỏ đá vẫn còn trữ lượng nhiều".

Đầu tháng 5/2021, UBND huyện Nam Đông (Thừa Thiên Huế), cũng đã có văn bản yêu cầu Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh dừng khai thác tại mỏ đá thôn 5, xã Thượng Long, huyện Nam Đông vì hết hạn giấy phép từ cuối năm 2020. Tuy nhiên đơn vị này vẫn ngang nhiên hoạt động, khai thác trái phép bất chấp lệnh ngừng thi công từ cơ quan quản lý nhà nước.

Kỳ 3: Chảy máu khoáng sản: Bạt núi lấy đá - Ảnh 2
Các sườn núi nham nhở do khai thác đá trái phép gây nguy cơ ô nhiễm môi trường, sạt lở tại Văn Chấn - Yên Bái. 

Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, việc doanh nghiệp lợi dụng dự án để khai thác đá trái phép sẽ gây ra nhiều hệ lụy không chỉ về môi trường, mà còn làm thất thoát, lãng phí tài nguyên. Nói rộng ra, không chỉ đá mà các loại khoáng sản khác khi bị khai thác không được cho phép đều sẽ gây ra những tác động xấu về môi trường, gây ra những bức xúc trong dư luận người dân địa phương ở khu vực đó.

Đề cập đến câu chuyện quản lý khoáng sản làm vật liệu xây dựng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh từng cho rằng, một trong những nội dung được chú trọng là tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong cấp phép thăm dò, khai thác và quản lý hoạt động khoáng sản làm vật liệu xây dựng sau khi cấp phép khai thác; Việc thực hiện đầy đủ các yêu cầu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt; Đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường trong quá trình hoạt động và hoàn nguyên mỏ sau khai thác.

Hoạt động đầu tư các dự án khai thác, chế biến khoáng sản cần được giám sát để đảm bảo sử dụng công nghệ tiến tiến, nâng cao giá trị tài nguyên; Hạn chế việc khai thác nổ mìn, tiêu hao nguyên, nhiên liệu và điện năng thấp, đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường. Đặc biệt, với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, càng cần được giám sát chặt chẽ ở các khâu. 

Không thể buông lỏng

Hậu quả của khai thác khoáng sản trái phép nói chung, khai thác đá nói riêng thì hẳn những người dân sống xung quanh mỏ đá là “thấm nhất”. Họ vừa phải sống chung với ô nhiễm môi trường vừa phải đối mặt với những nguy hiểm thường trực do khai thác đá gây ra.

Nếu như người dân xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam hàng ngày phải đối mặt với ô nhiễm từ hàng chục mỏ khai thác đá trên địa bàn gây ra từ nhiều năm qua, thì hàng chục hộ dân tại thôn Thôm Bó, xã Bình Văn, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn vẫn phải nơm nớp lo sợ mỗi khi mỏ đá Khau Trạt của HTX Thắng Lợi tiến hành nổ mìn. Do khoảng cách từ mỏ đá đến nhà dân quá gần, nên người dân ở đây không chỉ bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn, khói bụi mà cả đá văng vào nhà mỗi khi mỏ đá Khau Trạt nổ mìn.

Kỳ 3: Chảy máu khoáng sản: Bạt núi lấy đá - Ảnh 3
Hiện trường vụ khai thác đá trắng trái phép tại Quỳ Hợp - Nghệ An. 

Theo các chuyên gia, để giảm bớt những bất cập trong khai thác tài nguyên khoáng sản các cơ quan quản lý Nhà nước cần bàn thảo để thống nhất và bảo đảm hài hòa lợi ích các bên gồm Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng.

Cùng với đó, cần sớm công khai các thông tin cơ bản về dự án khai thác khoáng sản gồm: Diện tích, thời hạn, công suất, tình trạng, giấy phép, báo cáo đánh giá tác động môi trường, thậm chí cả nguồn từ tài nguyên khoáng sản đóng góp cho địa phương nhằm bảo đảm quyền lợi cho người dân nơi có tài nguyên khoáng sản. Đặc biệt, vấn đề minh bạch và trách nhiệm giải trình cần được nâng cao để quản lý hiệu quả hơn nguồn tài nguyên khoáng sản của đất nước.

Ngoài ra, Chính phủ cần sớm có quyết định tham gia sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai thác (EITI) và thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn và quy định trong EITI để giảm bất cập trong khai thác tài nguyên khoáng sản.

Theo ông Thái Trường Giang (nguyên Đại biểu Quốc hội Khóa XIV), để xử lý tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tại các địa phương cần tăng xử lý vi phạm, thậm chí là đến mức phải xử lý hình sự, phải mạnh dạn và tăng cường kiểm tra các địa phương; Có một cuộc tổng kiểm tra về các hạn ngạch và cấp phép cho các loại hình khai thác này; Yêu cầu các địa phương phải nhìn nhận được việc khai thác đó sẽ làm cạn kiệt nghiêm trọng nguồn tài nguyên.

Xuân Hòa - Hà Nam

Bạn đang đọc bài viết Kỳ 3: Chảy máu khoáng sản: Bạt núi lấy đá. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới