Chủ nhật, 24/11/2024 08:13 (GMT+7)
Thứ tư, 23/12/2020 14:54 (GMT+7)

Lâm Đồng: Tàn phá rừng để xây dựng dự án nghỉ dưỡng, sân golf

Theo dõi KTMT trên

Từ khi được UBND tỉnh Lâm Đồng giao đất, giao rừng, ngoài việc khai thác gỗ thông dưới hình thức “tận thu” vào năm 2010, Công ty TNHH đầu tư Hàn Việt không triển khai bất cứ hạng mục nào theo Giấy chứng nhận đầu tư.

Dự án trồng rừng, du lịch nghỉ dưỡng, sân golf rộng 268 ha tại huyện Đức Trọng được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2007 nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn “án binh bất động”.

Ngoài việc khai thác gỗ dưới vỏ bọc tận thu hồi vừa được giao dự án, suốt 13 năm qua, doanh nghiệp này không triển khai bất kỳ hạng mục nào trong khi rừng bị tàn phá, lấn chiếm dữ dội khiến dư luận hết sức bức xúc.

Theo báo CAND, khảo sát “vùng lõi” một số dự án liên quan đến rừng tại xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, khu vực giáp ranh với TP.Đà Lạt hồi tháng 11 vừa qua cho thấy, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất sản xuất nông nghiệp tại tiểu khu 267c và 278a, xã Hiệp An xảy ra ngang nhiên, công khai.

Lâm Đồng: Tàn phá rừng để xây dựng dự án nghỉ dưỡng, sân golf - Ảnh 1
Rừng thông tan nát. (Ảnh: CAND)

Rừng thông sau khi bị cưa hạ, đốt cháy, các đối tượng lập tức sử dụng dây kẽm gai và trụ bê tông cốt thép rào chắn, khẳng định chủ quyền về diện tích đất này mà không vấp phải sự kiểm tra, đề xuất cưỡng chế giải tỏa của chủ rừng là Công ty TNHH Đầu tư Hàn Việt (xã Hiệp An, huyện Đức Trọng).

Theo người dân địa phương, rất nhiều “đại gia” bất động sản kéo tới khu vực này săn mua đất xây dựng nhà cửa nghỉ dưỡng hoặc trang trại khiến cho đất rừng ở đây có giá lên tới cả tỉ đồng mỗi sào (1.000 m2). Thậm chí, đất lâm nghiệp dù vừa được “cạo trọc” cây rừng cũng đã có giá bán lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi sào.

Liên quan đến sự việc, trao đổi với báo Lâm Đồng, ông Lê Nguyên Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng cho biết, đã chỉ đạo lực lượng chức năng khẩn trương kiểm tra, làm rõ tình trạng cưa phá rừng thông, lấn chiếm lâm nghiệp tại dự án nghỉ dưỡng và sân golf của Công ty TNHH đầu tư Hàn Việt theo phản ánh của báo chí thời gian vừa qua.

Lâm Đồng: Tàn phá rừng để xây dựng dự án nghỉ dưỡng, sân golf - Ảnh 2

Theo ông Hoàng, doanh nghiệp này được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2007 để thực hiện dự án trồng rừng, nghỉ dưỡng và sân golf trên diện tích 268 ha, tại tiểu khu 167c và 278a, xã Hiệp An. Thời gian hết tiến độ thực hiện dự án là ngày 31/8/2012. Từ nhiều năm qua cho đến nay chưa thực hiện triển khai các hạng mục đầu tư theo Giấy chứng nhận.

Từ khi được UBND tỉnh Lâm Đồng giao đất, giao rừng, ngoài việc khai thác gỗ thông dưới hình thức “tận thu” vào năm 2010, Công ty TNHH đầu tư Hàn Việt không triển khai bất cứ hạng mục nào theo Giấy chứng nhận đầu tư.

Suốt nhiều năm qua, doanh nghiệp trên đã buông lỏng quản lý khiến rừng bị tàn phá dữ dội, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài nguyên rừng.

Theo thống kê, chỉ trong năm 2019 và đầu 2020, doanh nghiệp này đã để mất ít nhất gần 10 ha đất lâm nghiệp do người dân lấn chiếm cùng hàng trăm cây thông bị cưa hạ, tàn phá, khai thác trái pháp luật. Ngoài việc không triển khai dự án, từ năm 2016 tới nay, chủ đầu tư không bố trí lực lượng quản lý bảo vệ rừng, chưa chấp hành nộp tiền thiệt hại tài nguyên rừng. Công ty không phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan xây dựng phương án thu hồi phần diện tích bị lấn chiếm trái phép.

Theo UBND huyện Đức Trọng, Công ty TNHH đầu tư Hàn Việt chưa nộp hơn 578 triệu đồng theo văn bản 5231/ UBND-LN ngày 7/10/2014 và trên 1,8 tỉ đồng theo văn bản số 2226/UBND-LN ngày 9/5/2014 của UBND tỉnh Lâm Đồng.

Gần đây nhất, tháng 6/2020, Thanh tra Chính phủ cũng đã chỉ ra hàng loạt sai phạm tại dự án du lịch nghỉ dưỡng, sân golf của Công ty TNHH đầu tư Hàn Việt.

Ông Lê Nguyên Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng cho biết, đã nhiều lần UBND huyện đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng ra quyết định thu hồi dự án nghỉ dưỡng và sân golf của Công ty TNHH đầu tư Hàn Việt nhưng đến nay UBND tỉnh Lâm Đồng vẫn chưa thu hồi trong khi rừng tại dự án này vẫn bị tàn phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm.

Tây Nguyên là khu vực có diện tích rừng tự nhiên nhiều nhất nước với 2.557.321 ha đất có rừng, trong đó có 2.206.974 ha rừng tự nhiên. Những năm qua, mặc dù các cấp, các ngành chức năng và chủ rừng các tỉnh trong khu vực đã có nhiều giải pháp tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, tuy nhiên, tình trạng phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép vẫn diễn biến phức tạp.

Nhật Hạ

Bạn đang đọc bài viết Lâm Đồng: Tàn phá rừng để xây dựng dự án nghỉ dưỡng, sân golf. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới