Chủ nhật, 24/11/2024 08:04 (GMT+7)
Thứ sáu, 11/12/2020 10:50 (GMT+7)

Thủ đoạn phá rừng, lấn chiếm đất rừng ngày càng tinh vi

Theo dõi KTMT trên

Nhiều đơn vị chủ rừng tại Đắk Nông đang “than thở” công tác quản lý, bảo vệ rừng ngày càng khó khăn. Nguyên nhân một phần do thủ đoạn của các đối tượng phá rừng, lấn chiếm đất rừng ngày càng tinh vi, khó xử lý.

Giữ rừng trước áp lực dân di cư

Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên (MTV) lâm nghiệp Đắk N’Tao (trụ sở tại xã Nâm N’jang, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông. Công ty hiện được giao quản lý, bảo vệ hơn 11.200 ha rừng, đất rừng tại hai huyện Đắk Song và Đắk G’Long (đều thuộc tỉnh Đắk Nông).

Thủ đoạn phá rừng, lấn chiếm đất rừng ngày càng tinh vi - Ảnh 1
Nhiều diện tích rừng thông bị xâm hại nhưng chưa được xử lý dứt điểm. (Ảnh minh họa: baodaknong.org.vn)

Ông Phùng Văn Kiên, Phó Giám đốc phụ trách Công ty cho biết, trong tổng số hơn 11.200 ha rừng, đất rừng Công ty được giao quản lý, diện tích đất có rừng khoảng 8.200 ha, còn lại hơn 3.000 ha là đất trống, đất không có rừng. Trong số hơn 3.000 ha này, có hơn 2.700 ha đã bị các hộ dân lấn chiếm, canh tác các loại cây công nghiệp, nông nghiệp.

“Chúng tôi vừa khảo sát, thống kê và xác định trên diện tích 2.700 ha đất không có rừng đã bị người dân xâm canh, lấn chiếm có khoảng 700 – 800 hộ dân. Nhiều khu vực đã hình thành các cụm dân cư trên đất rừng, trong vùng lõi rừng, rất khó quản lý, bảo vệ. Tại một số tiểu khu, như 1668, 1674, thuộc địa giới hành chính xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’Long, có tới hơn 100 hộ dân từ các tỉnh biên giới phía Bắc đến xâm canh, định cư trên đất rừng” – ông Phùng Văn Kiên nêu rõ các số liệu, dẫn chứng cụ thể.

Cũng theo lãnh đạo Công ty TNHH MVT Lâm nghiệp Đắk N’Tao, nhiều người dân có tâm lý thích mua đất nơi bìa rừng. Đây là khu vực đất đai màu mỡ, có giá rẻ chỉ bằng 1/3 – 1/2 so với giá thị trường, lại dễ mở rộng bằng cách phá thêm rừng để lấn chiếm. Thêm nữa, tâm lý người dân là canh tác trái phép trong thời gian dài thì khả năng cao diện tích đất không còn rừng sẽ được đưa ra khỏi quy hoạch đất lâm nghiệp và giao về cho địa phương quản lý.

Mấy năm nay, nhờ giá nhiều loại nông sản xuống thấp cũng như việc các ngành chức năng, đơn vị chủ rừng siết chặt quản lý, bảo vệ rừng, nhất là xử lý hành vi phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, số lượng, diện tích rừng bị tàn phá, lấn chiếm tại Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đắk N’Tao cũng như nhiều chủ rừng khác trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giảm mạnh.

Tuy nhiên, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng mới, tinh vi hơn. Thậm chí, có nhiều trường hợp phá rừng để… phá hoại, hoặc có dấu hiệu trả đũa các hoạt động cưỡng chế, giải tỏa việc lấn chiếm đất rừng của các cơ quan chức năng và đơn vị chủ rừng.

“Khoảng tháng 10 vừa qua, Đoàn liên ngành của huyện Đắk G’Long và đơn vị chủ rừng tiến hành giải tỏa, cưỡng chế nhiều trường hợp lấn chiếm đất rừng để trồng cây công nghiệp, nông nghiệp trên lâm phần được giao cho Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đắk N’Tao quản lý. Tổng diện tích cưỡng chế, giải tỏa khoảng 10 ha.

Cũng từ đó tới nay, chúng tôi ghi nhận nhiều vụ phá rừng với mục đích… phá hoại, cũng như đốt, phá một số vị trí, vật dụng tại các trạm quản lý, bảo vệ rừng để trả đũa. Tất cả các vụ việc này đều đã được trình báo cấp có thẩm quyền điều tra, xử lý” – ông Phùng Văn Kiên chia sẻ thêm.

Trong năm 2020, chỉ tính đến hết tháng 11, trên lâm phần được giao cho Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đắk N’Tao quản lý đã có hơn 100 vụ phá rừng với tổng diện tích gần 30 ha và hàng chục vụ khai thác, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái pháp luật.

Dự kiến, trong năm 2020, tổng nguồn thu của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đắk N’Tao gần 6,8 tỉ đồng. Hai nguồn chính là tiền dịch vụ môi trường rừng và nguồn hỗ trợ theo Quyết định số 2242/QĐ-TTg ngày 11/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án tăng cường công tác quản lý khai thác gỗ rừng tự nhiên giai đoạn 2014 – 2020 (gọi tắt là Quyết định 2242).

Theo đó, số tiền hỗ trợ theo Quyết định 2242/QĐ-TTg cố định hơn 1,7 tỉ đồng/năm, tương đương với 200.000 đồng/ha/năm. Còn nguồn thu chính cho hoạt động của công ty vẫn là chi trả dịch vụ môi trường rừng. Dự kiến trong năm 2020, con số này gần 5,1 tỉ đồng.

Theo Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk N’Tao Phùng Văn Kiên, hiện thu nhập bình quân của cán bộ, công nhân viên của Công ty chỉ khoảng 6 triệu đồng/người/tháng. Mỗi tuần, người lao động được nghỉ 1 ngày. Còn việc tuần tra, quản lý, bảo vệ rừng và ngăn chặn, xử lý hành vi phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, lấn chiếm đất rừng thì được tiến hành hầu như 24/24.

Hiện, công ty có tổng cộng 42 cán bộ, công nhân viên; trong đó, có 32 người thuộc lực lượng trực tiếp quản lý bảo vệ rừng. Tính bình quân, mỗi cán bộ quản lý, bảo vệ rừng của công ty phải quản lý gần 400 ha rừng, đất rừng.

Áp lực vì tự chủ 

Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung tại xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông là đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông. Hiện đơn vị được giao quản lý, bảo vệ gần 23.300 ha rừng, đất rừng tại ba huyện Đắk Song, Đắk G’Long và Krông Nô (đều thuộc tỉnh Đắk Nông).

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung cho biết, tổng diện tích rừng, đất rừng đơn vị được giao quản lý trải dài trên 3 huyện, thuộc địa giới hành chính của 10 xã. Để quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả, ngoài diện tích quản lý tập trung do lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của đơn vị phụ trách, Ban Quản lý Khu bảo tồn còn giao khoán hơn 3.000 ha cho các hộ dân sống ven bìa rừng quản lý, bảo vệ.

Đây là một mô hình vừa “dựa” vào dân, vừa phối hợp với dân để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, trong bối cảnh lâm phần được giao cho đơn vị quản lý rất dàn trải, phức tạp. Nguồn lực để thực hiện việc giao khoán là thu từ dịch vụ môi trường rừng.

“Chúng tôi được đơn vị chủ quản giao tự chủ hoàn toàn từ năm 2018. Tức là các hoạt động quản lý, bảo vệ rừng và chi trả lương, thu nhập cho toàn bộ 62 cán bộ, công nhân viên của đơn vị do đơn vị tự đảm trách chứ không phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước” – ông Nguyễn Văn Mạnh cho biết thêm.

Cũng theo ông Mạnh, Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung là 2 trong tổng số hơn 50 vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên trong cả nước tự chủ hoàn toàn về tài chính tính đến thời điểm hiện nay.

Về nguồn thu cho các hoạt động của đơn vị, ông Nguyễn Văn Mạnh cho biết là dựa hoàn toàn vào nguồn thu từ cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Toàn bộ diện tích rừng của đơn vị thuộc lưu vực sông Sêrêpốk, mức chi trả tiền cung ứng dịch vụ môi trường rừng trong năm 2019 chỉ gần 400.000 đồng/ha.

“Theo kế hoạch, trong năm 2020, chúng tôi nhận được khoảng 7,5 tỉ đồng tiền cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Thế nhưng, đã đến tháng 12, tổng số tiền chúng tôi nhận được chỉ khoảng 5 tỉ đồng. Việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng tập trung, phòng cháy chữa cháy rừng, giao khoán rừng cho dân quản lý, bảo vệ hiện gặp khá nhiều khó khăn” – ông Nguyễn Văn Mạnh cho biết thêm.

Cũng theo ông, bên cạnh nguồn thu từ việc cung ứng dịch vụ môi trường rừng, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung đang đặt kỳ vọng vào một số chương trình, dự án phát triển lâm nghiệp lớn, như: Quyết định số 297/QĐ-TTg, ngày 18/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên, giai đoạn 2016 – 2020; Nghị quyết số 60/2019/NQ-HĐND, ngày 11 tháng 12 năm 2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông ban hành Quy định về một số chính sách bảo vệ và phát triển rừng bền vững trên địa bàn tỉnh Đắk Nông…

Hiện nay, việc chi trả tiền dịch vụ môi trường trên địa bàn tỉnh Đắk Nông được chia làm 2 lưu vực: lưu vực sông Đồng Nai khoảng 1.000.000 đồng/ha/năm; lưu vực sông Sêrêpốk khoảng 400.000 đồng/ha/năm. Bên cạnh đó, hàng chục nghìn hecta rừng tại các huyện phía bắc của tỉnh như Cư Jút, Đắk Mil nằm ngoài 2 lưu vực nêu trên và không được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng.

Ông Nguyễn Ngọc Xuân, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Đắk Nông cho biết, do ảnh hưởng của tình trạng hạn hán kéo dài và một số khó khăn do dịch bệnh COVID-19, tiền dịch vụ môi trường rừng thu được của các đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng (29 nhà máy thủy điện, 7 cơ sở sản xuất, cung cấp nước sạch) trên địa bàn tỉnh Đắk Nông trong năm 2020 có chậm hơn so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, về cơ bản, đơn vị đã, đang tích cực đôn đốc và tổng nguồn thu dự kiến vẫn đạt so với kế hoạch đề ra.

Hiện nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Đắk Nông đang đẩy mạnh công tác chi trả, cũng như hoàn tất phương án điều phối tiền dịch vụ môi trường rừng cho một số đơn vị chủ rừng nhận được mức chi trả thấp, hoặc nằm ngoài lưu vực chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Đây là một chủ trương, chính sách đã được tỉnh Đắk Nông thực hiện mấy năm nay và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương và các đơn vị chủ rừng.

Hưng Thịnh

Bạn đang đọc bài viết Thủ đoạn phá rừng, lấn chiếm đất rừng ngày càng tinh vi. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới