Lâm Đồng xử phạt, đình chỉ hàng loạt doanh nghiệp vi phạm môi trường
Trong thời gian qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ra quyết định xử phạt hành chính và đình chỉ hoạt động hàng loạt doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về hành vi xả chất thải nguy hại vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật.
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ra quyết định xử phạt Chi nhánh Công ty Cổ phần Xây dựng số 1 Lâm Đồng 210 triệu đồng về hành vi xả chất thải nguy hại vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật.
Theo Quyết định số 1490/QĐ-XPVPHC ngày 10/6/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng đã xử phạt Chi nhánh Công ty Cổ phần Xây dựng số 1 Lâm Đồng - Xí nghiệp xây dựng Đạ Tẻh có trụ sở chính tại số 91 Quang Trung, thị trấn Đạ Tẻh (huyện Đạ Tẻh, Lâm Đồng), kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất bê tông nhựa nóng, bê tông tươi, gạch không nung và cống bê tông ly tâm tại thôn 1, xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng).
Đơn vị này bị xử phạt do đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính về pháp luật bảo vệ môi trường gồm không thu gom chất thải nguy hại theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 21 Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ; xả nước thải có chứa các thông số môi trường nguy hại vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất tải từ 5 lần trở lên, thải lượng nước thải nhỏ hơn 5m3/ngày quy định tại Điều 14 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ.
Ngoài số tiền bị xử phạt, Chi nhánh Công ty Cổ phần Xây dựng số 1 Lâm Đồng - Xí nghiệp xây dựng Đạ Tẻh còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả là thực hiện ngay các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do hành vi vi phạm hành chính gây ra, đảm bảo thực hiện nghiêm túc theo nội dung Kế hoạch môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử xử phạt.
Trước đó, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã ban hành quyết định xử phạt 195 triệu đồng đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Hưng vì có hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật.
Theo biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường số 38/BB-VPHH do Phòng Cảnh sát Môi trường thuộc Công an tỉnh Lâm Đồng lập ngày 17/5/2021, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Hưng đã thực hiện hành vi vi phạm xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải 1,5 lần đến dưới 3 lần, trong trường hợp thải lượng nước thải từ 40m3 đến dưới 60m3/ngày, quy định tại Điều 13 Nghị định số 155/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ.
Ngoài bị xử phạt hành chính 195 triệu đồng, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Hưng trong thời hạn 30 ngày phải thực hiện ngay các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do hành vi vi phạm trên gây ra. Mọi chi phí thực hiện khắc phục hậu quả do công ty tự chi trả.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Hưng còn bị buộc chi trả chi phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường. Trong 10 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định xử phạt, nếu Công ty không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt.
Ngoài Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Hưng, Công ty TNHH Chế biến thực phẩm hàng ngày Đà Lạt cũng đã bị xử phạt hành chính với số tiền 368 triệu đồng vì đã thực hiện hành vi xả thải nước thải vượt ngưỡng cho phép.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Lâm Đồng phát hiện Công ty TNHH Chế biến thực phẩm hàng ngày Đà Lạt trong quá trình sản xuất, chế biến khoai lang đã tiến hành xả thải ra môi trường mức 5 đến dưới 10 lần trong trường hợp thải lượng nước thải từ 40 m3/ngày đến dưới 60 m3/ngày.
Ngoài việc xử phạt hành chính, UBND tỉnh còn buộc doanh nghiệp này trong vòng 30 ngày (kể từ ngày nhận được quyết định) phải thực hiện ngay các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do hành vi vi phạm gây ra. Đồng thời, phải chi trả toàn bộ chi phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường.
Theo Luật sư Đặng Xuân Cường, Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú, pháp luật hiện hành đã có tương đối đầy đủ các văn bản quy định về việc xử lý các hành vi gây ô nhiễm môi trường trong đó có hành vi xả thải không đạt yêu cầu. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng doanh nghiệp chấp nhận bị phạt còn hơn đầu tư hệ thống xử lý do mức xử phạt vi phạm theo quy định hiện hành với nhiều trường hợp là chưa đủ sức răn đe. Hơn nữa, việc vận dụng và thực thi pháp luật của những người có trách nhiệm là chưa thực sự quyết liệt và hiệu quả.
Để quản lý tốt việc xả thải tại các KCN, tôi cho rằng trong thời gian tới đây chúng ta cần nghiên cứu, xây dựng các văn bản pháp luật quy định một cách cụ thể hơn về việc xây dựng hạ tầng xử lý chất thải. Cùng với đó, trong các văn bản xử phạt cần phải tăng chế tài xử phạt đối với các hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường. Các chế tài này phải đảm bảo đủ sức răn đe đối với những đối tượng có hành vi xả thải ra môi trường, kiên quyết không có sự nương tay cho những hành vi gây ô nhiễm môi trường dù đối tượng này là bất cứ ai.
Minh Phương