Chủ nhật, 24/11/2024 02:43 (GMT+7)
Thứ ba, 23/01/2024 09:34 (GMT+7)

Làm dự án du lịch sinh thái trong vườn quốc gia Tam Đảo: Chuyên gia nói thẳng

Theo dõi KTMT trên

"Vì sao lại lấy đất rừng trong vườn quốc gia để sử dụng vào mục đích khác? Về vấn đề này, tôi cho rằng cần thiết phải thành lập một hội đồng cấp nhà nước để xem xét, đánh giá cụ thể...", GS.TS Nguyễn Ngọc Lung nhấn mạnh.

Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến tham vấn cho Dự án Khu Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng giải trí số 13, Vườn quốc gia Tam Đảo. Dự án này dự kiến chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sản xuất sang mục đích khác là 35,73ha.  Dự án có tổng mức đầu tư là 567 tỉ đồng, trong đó chi phí xây dựng chiếm 481 tỉ đồng.

Đáng chú ý, trước đó, hồi tháng 10/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng tham vấn ý kiến cộng đồng đối với báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Khu du lịch sinh thái số 2 do Công ty CP Nam Tam Đảo làm chủ đầu tư tại Vườn Quốc gia Tam Đảo (thuộc tiểu khu 02, 105A xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên), nơi có cảnh quan hệ sinh thái còn tương đối nguyên sơ. Dự án này dự kiến được triển khai trên diện tích 68ha, thuộc phân khu dịch vụ - hành chính của Vườn quốc gia Tam Đảo, tổng mức đầu tư hơn 731 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của chủ đầu tư là 181 tỷ đồng, còn lại là vốn huy động từ ngân hàng.

Làm dự án du lịch sinh thái trong vườn quốc gia Tam Đảo: Chuyên gia nói thẳng - Ảnh 1
Vẻ đẹp hoang sơ của Vườn quốc gia Tam Đảo. 

Chỉ trong một thời gian ngắn mà có đến 2 dự án Khu du lịch sinh thái trong Vườn quốc gia Tam Đảo được đệ trình đã thu hút sự quan tâm từ dư luận, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đang gồng mình ứng phó với biến đổi khí hậu, phấn đấu đạt mục tiêu NetZero vào năm 2050.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường về vấn đề này, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung nhấn mạnh, về mặt nguyên tắc doanh nghiệp không được sử dụng đất rừng tự nhiên vào mục đích khác. Trong trường hợp bất khả kháng, bắt buộc phải sử dụng đất rừng thì bắt buộc doanh nghiệp phải có kế hoạch cụ thể và được cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt.

Ngoài ra, sau khi lấy đất rừng thì phải trồng lại rừng mới có diện tích tương đương và phải trồng ở những nơi nào đang cần có rừng nhất như vùng đang chịu sự ảnh hưởng biến đổi khí hậu, lũ quét, hạn hán, sạt lở đất...

"Vì sao lại lấy đất rừng trong vườn quốc gia để sử dụng vào mục đích khác? Về vấn đề này, tôi cho rằng cần thiết phải thành lập một hội đồng cấp nhà nước để xem xét, đánh giá cụ thể, từ đó mới có căn cứ để xem xét đến việc nên hay không.

Dự án phải đánh giá tác động môi trường một cách chính xác, đầy đủ. Thậm chí, trong các hội đồng đánh giá có thể mời thêm các nhà khoa học độc lập trong và ngoài nước, người dân trong vùng dự án, cùng tham gia để đánh giá, đề xuất các giải pháp để giảm thiểu tác động lên môi trường", ông Lung phân tích.

Theo GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung, nếu rừng đã bị thoái hóa, mất hết cây bản địa, chỉ còn cây tiên phong, mọc lên trên đất trống đồi trọc thì người ta không gọi là rừng tự nhiên nữa, và khi ấy thì việc xem xét (chuyển đổi mục đích sử dụng - PV) sẽ nhẹ hơn nhiều so với rừng tự nhiên.

"Chúng ta kiêng nhất là lấy rừng tự nhiên để làm việc khác, thay vào đó sẽ khuyến khích lấy rừng khác để phát triển thành rừng tự nhiên. Bên cạnh đó, cần phải lưu ý một điều đó là, nếu xét về giá trị hệ sinh thái của rừng thì dù là rừng tự nhiên hay rừng trồng, rừng sản xuất... người ta cũng rất hạn chế việc phá rừng để thực hiện mục đích khác", vị chuyên gia lâm nghiệp nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, chia sẻ với báo chí, KTS Ngô Doãn Đức, chuyên gia kiến trúc - quy hoạch cho rằng, việc xây dựng dự án khách sạn, nghỉ dưỡng tại Vườn quốc gia cần hết sức thận trọng, mà trong khi chỉ thuê đất có 30 năm thì sau khi hết thời gian thì sẽ có biện pháp ra sao vì vốn đầu tư đã rất lớn rồi.

"Đối với việc phát triển, xây dựng trong vườn quốc gia cần phù hợp với quy hoạch của Tam Đảo có định hướng và tầm nhìn. Đặc biệt, đối với khu vực tại vườn quốc gia thì khi khai thác quá nhiều sẽ ảnh hưởng tới tự nhiên, không thiếu chỗ để các nhà đầu tư xây dựng dự án nghỉ dưỡng. Trong khi, vấn đề chặt phá rừng gây ra thiên tai, lũ lụt đang bị lên án suốt thời gian qua. Giai đoạn vừa qua, Vườn quốc gia Tam Đảo đã có quá nhiều các công trình lớn, khách sạn mọc lên gây ra tình trạng bê tông hóa khu vực này, ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên của vườn quốc gia", ông Đức nhận định.

KTS Ngô Doãn Đức cũng kiến nghị không nhất thiết phải xây những tòa nhà, công trình lớn ngay tại khu vực rừng mà nên có những hướng phát triển du lịch xanh. Đơn cử, nên có những tour du lịch sinh thái, thăm thú cảnh quan rừng, tìm hiểu cộng đồng,... đây nên là hướng phát triển bền vững để tránh ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên của các khu vực vườn quốc gia.

Cảnh Nghi

Bạn đang đọc bài viết Làm dự án du lịch sinh thái trong vườn quốc gia Tam Đảo: Chuyên gia nói thẳng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới