Chủ nhật, 24/11/2024 08:26 (GMT+7)
Thứ tư, 27/01/2021 16:33 (GMT+7)

Lần đầu tiên, năng lượng tái tạo vượt mặt nhiên liệu hóa thạch ở châu Âu

Theo dõi KTMT trên

Năng lượng tái tạo đã trở thành nguồn năng lượng điện lớn nhất của Liên minh châu Âu trong năm 2020, vượt qua nhiên liệu hóa thạch lần đầu tiên trong lịch sử.

Theo một báo cáo mới được công bố bởi các tổ chức tư vấn năng lượng Ember và Agora Energiewende, năng lượng tái tạo cung cấp 38% điện năng ở EU vào năm ngoái, trong khi nhiên liệu hóa thạch chiếm 37%, phần còn lại đến từ năng lượng hạt nhân.

Theo báo cáo, năng lượng tái tạo sẽ cần phải phát triển với tốc độ nhanh hơn nữa để ngăn chặn một tương lai với nhiều thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra.

“Năng lượng tái tạo vượt qua hóa thạch là một cột mốc quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch của Châu Âu. Tuy nhiên, đây không phải lúc để tự mãn", ông Patrick Graichen, giám đốc công ty Agora Energiewende, cho biết. “Các chương trình phục hồi sau đại dịch cần phải đi đôi với hành động khí hậu được đẩy nhanh".

Lần đầu tiên, năng lượng tái tạo vượt mặt nhiên liệu hóa thạch ở châu Âu - Ảnh 1
Năng lượng tái tạo vượt qua hóa thạch ở châu Âu. (Ảnh minh họa: Internet)

Liên minh châu Âu gần đây đã đặt mục tiêu giảm gần một nửa lượng khí thải carbon dioxide vào năm 2030 (so với mức năm 1990) và trung hòa hoàn toàn vào năm 2050. Châu Âu sẽ cần tăng gấp đôi tốc độ triển khai năng lượng tái tạo vào năm 2020 để thực hiện cam kết của EU, theo Graichen.

Năng lượng gió và mặt trời đã thúc đẩy tăng trưởng năng lượng tái tạo vào năm ngoái, khi sự phát triển của các dạng năng lượng không chứa carbon khác, như thủy điện, bị đình trệ. Cùng với đó, năng lượng gió và năng lượng mặt trời đã tăng 10% vào năm 2020.

Mặt khác, sản xuất than đã giảm mạnh 20% vào năm ngoái. Theo báo cáo, khoảng một nửa trong số đó là nhờ công suất năng lượng mặt trời và gió mới tăng mạnh. Phần còn lại có thể là do lượng khí đốt tự nhiên tăng lên và nhu cầu điện giảm trong đại dịch COVID-19. Điều đó khiến sản lượng than vào năm 2020 chỉ bằng một nửa so với năm 2015.

Ngoài ra, nhằm đáp ứng mục tiêu giảm phát thải, nhiều nước ở châu Âu cũng đang loại bỏ dần các nhà máy điện than gây ô nhiễm. Tuy vậy, trong thời gian đại dịch, giá điện thấp đã khiến một số nhà máy điện than hoạt động kém năng suất so với các nhà máy điện tái tạo rẻ hơn.

"Năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục tăng, bởi vì chúng tôi đang tiếp tục lắp đặt ngày càng nhiều hơn", ông Dave Jones, nhà phân tích cao cấp về điện thuộc Ember cho biết.

Từ khi cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên trên thế giới nổ ra, than đá, một loại nhiên liệu hóa thạch, đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống con người. Tuy nhiên, đối với môi trường, khai thác than đã làm thay đổi và phá hủy cảnh quan thiên nhiên nghiêm trọng, là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng biến đổi khí hậu. Chính vì thế, các nước trên thế giới, đặc biệt là châu Âu, đang hướng đến việc tìm nguồn năng lượng mới thay thế cho than đá.

Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Economist Intelligence Unit (Anh), nhu cầu sử dụng than đá đang sụt giảm nhanh chóng ở châu Âu. Tổ chức Năng lượng quốc tế (IEA) ước tính đến năm 2030, mức tiêu thụ than đá chỉ chiếm 12% tại lục địa này.

Hiện nay, Anh, Pháp, Phần Lan, Áo, Bồ Đào Nha, Đức là những quốc gia châu Âu tiên phong trong việc sớm loại bỏ than đá ra khỏi các chính sách phát triển năng lượng của quốc gia, cắt giảm đầu tư vào ngành công nghiệp than và đóng cửa các nhà máy nhiệt điện chạy than. Trong số đó, Phần Lan là một trong những quốc gia hàng đầu trên thế giới về sử dụng năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Để có được vị trí này, Chính phủ Phần Lan đã tuyên bố kế hoạch ngưng sử dụng than đá trước năm 2030.

Lần đầu tiên, năng lượng tái tạo vượt mặt nhiên liệu hóa thạch ở châu Âu - Ảnh 2
Nhiều nước ở châu Âu cũng đang loại bỏ dần các nhà máy điện than gây ô nhiễm. (Ảnh minh họa: Internet)

Đây cũng là một phần trong mục tiêu đầy tham vọng, cắt giảm ít nhất 80% phát thải khí nhà kính trước năm 2050 của Chính phủ nước này. Hiện tại, Phần Lan chỉ duy trì 8% năng lượng từ than đá, hầu hết được nhập khẩu từ Nga. Còn lại, năng lượng tái tạo và hạt nhân lần lượt đóng góp 45% và 35%. Hướng tới đến năm 2050, Phần Lan sẽ sản xuất năng lượng phi các bon như năng lượng sinh học hoặc năng lượng tái tạo.

Tại Anh, nước này đã thường xuyên đóng cửa nhà máy nhiệt điện chạy than và chuyển sang sử dụng khí tự nhiên hoặc khai thác các trạm điện gió biển. Hiện, ngành năng lượng của nước Anh chỉ phụ thuộc vào than ở mức 9%.

Nhật Hạ

Bạn đang đọc bài viết Lần đầu tiên, năng lượng tái tạo vượt mặt nhiên liệu hóa thạch ở châu Âu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới