Chủ nhật, 24/11/2024 08:13 (GMT+7)
Thứ ba, 24/11/2020 06:45 (GMT+7)

Làng nghề Mỹ Đồng và bài toán xử lý ô nhiễm môi trường

Theo dõi KTMT trên

Những năm gần đây, làng nghề đúc và cơ khí Mỹ Đồng (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) được mở rộng kéo theo những hệ lụy về ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Làng nghề Mỹ Đồng và bài toán xử lý ô nhiễm môi trường - Ảnh 1
Các cơ sở sản xuất cơ khí, đúc đồng cách Trường Mầm non xã Mỹ Đồng chưa đầy 100m, mỗi khi xưởng xả thải, khói bụi phát tán, lan rộng ra xung quanh.

Làng nghề đúc và cơ khí Mỹ Đồng (xã Mỹ Đồng, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) có truyền thống hơn 100 năm nay, nổi tiếng với những sản phẩm phục vụ ngành công nghiệp trong và ngoài nước. Những năm gần đây, làng nghề được mở rộng, số lượng doanh nghiệp tăng lên, trong khi sự đầu tư, quy hoạch chưa đồng bộ đã kéo theo những hệ lụy về ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân.

Xã Mỹ Đồng nằm ở phía Tây Bắc huyện Thủy Nguyên. Đi theo tỉnh lộ 352, đến đầu xã, mùi khét lẹt, khó thở đã xộc thẳng vào mũi. Chỉ cần đứng ngay vỉa hè, đầu ngõ, tiếng động cơ máy, tiếng hàn xì, tiếng đe búa… ình ình nhức tai. Khói, bụi đặc quánh và ngột ngạt.  

Tầm 9h sáng và 13h30 -14h chiều, khi các lò đúc trong làng bắt đầu nổi lửa là “đỉnh điểm” của khói bụi và mùi khét. Các cơ sở đúc đồng chỉ cách trường Mầm non Mỹ Đồng chưa đầy 100m; trên mái không có ống khói, mỗi khi xưởng xả thải, khói bụi phát tán, lan rộng ra xung quanh.

Chị Nguyễn Thị Hương, một người dân trong làng có con học tại trường Mầm non và Tiểu học Mỹ Đồng kể: “Tầm hơn 1h, các cô không dám mở cửa sổ. Khói xanh lè, mùi kinh lắm. Nhất là ra Giêng trở ra, khói kín đen đặc. Đúc gang này, trong gang có dầu mỡ thải, gây ra khói. Dầu gang gây khói xanh, ảnh hưởng đến sức khỏe rất nhiều. Hầu như cháu nào cũng ho, sổ mũi kéo dài, uống thuốc không khỏi. Nhưng ngày nắng nóng, có gió to thì bay được lên cao, còn những ngày mùa nồm với mùa mưa thì khói quẩn ở dưới, khó tan, rất khó chịu”. 

Bà Lương Thị G., làng Đồng Lý, xã Mỹ Đồng cho biết, bà con trong làng đã nhiều lần kiến nghị về tình trạng ô nhiễm môi trường tại địa phương, nhưng đến nay vẫn không được cải thiện, với lý do “làng nghề đúc, không thể không có tiếng ồn và khói bụi”.

“Sống gần quen rồi nhưng nhiều lúc khó chịu lắm. Phản ánh cũng nhiều rồi nhưng vẫn thế thôi. Ô nhiễm, mùi khét khẹt. Có ngày thì nặc mùi, phải đóng kín cửa lại. Bụi thì lúc nào cũng đầy nhà, lau lúc nào cũng đen sì. Trường học mầm non rồi cấp 2, người ta kêu ca nhiều, chán rồi. Bây giờ nói ra thì người ta bảo làng nghề, trong khi mình làm nghề khác, rất khó” - bà G. nói.

Làng nghề Mỹ Đồng và bài toán xử lý ô nhiễm môi trường - Ảnh 2
Xã Mỹ Đồng hiện có khoảng 160 hộ làm nghề đúc đồng, cơ khí, nhưng chỉ gần một nửa trong số này đáp ứng quy chuẩn sản xuất công nghiệp và vệ sinh môi trường.

Xã Mỹ Đồng hiện có khoảng 160 hộ làm nghề đúc đồng, cơ khí, tập trung tại 2 thôn Đồng Lý và Phương Mỹ. Tuy nhiên, chỉ gần một nửa trong số này đáp ứng quy chuẩn sản xuất công nghiệp và vệ sinh môi trường; số còn lại nằm xen kẽ trong khu dân cư. Nhiều cơ sở diện tích nhỏ, sản xuất kinh doanh ngay tại gia đình không có điều kiện, địa điểm để đầu tư các công trình xử lý rác thải, khí thải…

Bà Bùi Thị Lơ, Chủ tịch UBND xã Mỹ Đồng cho biết: “Chính quyền địa phương có trách nhiệm với các hộ sản xuất kinh doanh để làm sao từng bước khắc phục, đáp ứng yêu cầu của 2 bên và giữ được truyền thống địa phương. Mình cũng từng bước đáp ứng nguyện vọng cho nhân dân, hướng cho các doanh nghiệp sản xuất nhưng phải đảm bảo môi trường tối thiểu nhất để giữ môi trường chung và một phần phải duy trì và phát triển làng nghề”.

Làng nghề Mỹ Đồng và bài toán xử lý ô nhiễm môi trường - Ảnh 3
Nhiều cơ sở diện tích nhỏ, sản xuất kinh doanh ngay tại gia đình, không có điều kiện, địa điểm để đầu tư các công trình xử lý rác thải, khí thải…

Hiện nay, tại Mỹ Đồng đã có một cụm công nghiệp làng nghề đúc, cơ khí giai đoạn 1 nhưng quy mô nhỏ, khoảng hơn 5ha và mới quy tụ được gần 40 doanh nghiệp tại địa phương. Cụm công nghiệp cơ khí và đúc Thủy Nguyên (còn gọi là làng nghề Mỹ Đồng giai đoạn 2) đã được đề xuất cách đây hơn 10 năm nhưng mãi đến cuối năm 2019 mới chính thức được quy hoạch, với quy mô 20 ha và hiện đang được Sở Công thương Hải Phòng trình UBND thành phố xem xét để quyết định chủ trương đầu tư. 

Làng nghề Mỹ Đồng và bài toán xử lý ô nhiễm môi trường - Ảnh 4
Chính quyền và người dân xã Mỹ Đồng mong muốn Dự án Cụm công nghiệp cơ khí và đúc Thủy Nguyên sớm được hoàn thành với đầy đủ cơ sở hạ tầng và hệ thống xử lý khí thải, rác thải,… nhằm đảm bảo môi trường cũng như thuận lợi cho các hộ sản xuất, kinh doanh.

Ông Nguyễn Thành Long, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ Tầng, UBND huyện Thủy Nguyên khẳng định, ngay sau khi được UBND thành phố chấp nhận chủ trương, huyện sẽ vào cuộc bố trí nguồn lực, lập hồ sơ để hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư theo quy định, bố trí đầy đủ các hệ thống tiện tích liên quan đến hạ tầng kỹ thuật, xử lý thu gom rác thải, nước thải…đảm bảo môi trường cũng như thuận lợi cho các hộ gia đình. Dự kiến đến năm 2021 sẽ đi vào hoạt động.

Đại diện Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Thủy Nguyên cho biết: Trong khi chờ Cụm công nghiệp cơ khí và đúc Thủy Nguyên hoàn thành, đơn vị sẽ phối hợp với các phòng chức năng và UBND xã Mỹ Đồng tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ sản xuất kinh doanh cam kết đảm bảo vệ sinh công nghiệp, giảm thiểu khí thải, bụi; kiên quyết không để phát sinh những cơ sở sản xuất mới trong khu dân cư.

Đối với các cơ sở không đảm bảo về môi trường, địa phương sẽ vận động, di chuyển vào một số khu công nghiệp khác trên địa bàn huyện có đầy đủ các cơ sở hạ tầng, điều kiện xử lý môi trường, đồng thời, sẽ xử lý nghiêm, tránh ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân.

Thanh Nga

Bạn đang đọc bài viết Làng nghề Mỹ Đồng và bài toán xử lý ô nhiễm môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới