Chủ nhật, 24/11/2024 08:35 (GMT+7)
Thứ ba, 26/03/2019 15:56 (GMT+7)

Lào Cai: Gần 13 tỷ đồng của khách hàng bị “bốc hơi”, trách nhiệm của ngân hàng CSXH Cam Đường ở đâu?

Theo dõi KTMT trên

Thực hiện đầy đủ quy trình gửi tiền tại ngân hàng nhưng nhiều khách hàng của Phòng giao dịch (PGD) Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Cam Đường, tỉnh Lào Cai, vẫn bị lừa đảo chiếm đoạt số tiền lên đến hơn 13 tỷ đồng. Liên quan đến vụ việc này, dư luận đang đặt câu hỏi về trách nhiệm của PGD Ngân hàng CSXH Cam Đường đối với những thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế cho khách hàng…

Nhân viên PGD Ngân hàng lừa đảo, chiếm đoạt 13 tỷ đồng của khách hàng

Với nhiều thủ đoạn tinh vi, đối tượng Cấn Phương Nhung, nhân viên PGD Ngân hàng CSXH Cam Đường đã lấy 25 sổ tiết kiệm trắng của PGD, sau đó sử dụng các “thủ thuật” để huy động tiền gửi tiết kiệm của 17 khách hàng, gồm 24 sổ tiết kiệm, với tổng số tiền lên đến gần 13 tỷ đồng. Cụ thể, theo kết quả điều tra của cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Lào Cai, trong khoảng từ tháng 4/2016 – 2/2017, Cấn Phương Nhung đã dùng phôi sổ tiết kiệm thật của ngân hàng để làm giả sổ tiết kiệm nhằm chiếm đoạt tiền của khách. Hàng loạt khách hàng gửi tiền tại PGD Ngân hàng CSXH Cam Đường đã bị đối tượng này lừa đảo, chiếm đoạt tiền gửi như anh Đào Mạnh Cường, chị Nguyễn Thị Hiền, chị Nguyễn Thị Lành, ông Đỗ Ngọc Điệp… Trong đó, chị Nguyễn Thị Hiền gửi 6 sổ tiết kiệm có giá trị 8,6 tỷ đồng; chị Nguyễn Thị Lành gửi 01 sổ tiết kiệm có giá trị 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, Cấn Phương Nhung chỉ hạch toán vào ngân hàng 6,6 tỷ đồng, còn chiếm đoạt số tiền 4 tỷ đồng để dùng vào mục đích cá nhân. Sau một thời gian gửi tiền, ngày 20/01/2017, chị Hiền gọi điện cho Cấn Phương Nhung thông báo rút tiền. Nhung đã mang 2 tỷ đồng đến nhà trả cho chị Hiền và nhận lại từ chị Hiền 2 sổ tiết kiệm có số dư mỗi sổ là 1 tỷ đồng.

Lào Cai: Gần 13 tỷ đồng của khách hàng bị “bốc hơi”, trách nhiệm của ngân hàng CSXH Cam Đường ở đâu? - Ảnh 1
Một người bị hại trong vụ việc, mong cơ quan chức năng sớm làm rõ trách nhiệm của PGD Ngân hàng CSXH Cam Đường, chi nhánh tỉnh Lào Cai

Trong đơn gửi về toà soạn, nhiều bạn đọc cũng là bị hại trong vụ án này phản ánh, sau khi phát hiện mất 25 sổ tiết kiệm trắng và nhận rõ sai phạm của Cấn Phương Nhung, PGD Ngân hàng CSXH Cam Đường đã yêu cầu Nhung thu hồi sổ trả cho Ngân hàng. Ngày 14/02/2017, Ngân hàng CSXH tỉnh Lào Cai ban hành văn bản tạm đình chỉ công tác của Cấn Phương Nhung nhưng lại không kịp thời thông báo cho các khách hàng đã bị Nhung lừa đảo bằng sổ tiết kiệm giả để họ nâng cao cảnh giác. Kết quả là sau đó, đối tượng Nhung lại tiếp tục huy động, lừa đảo nhiều tỷ đồng của khách hàng gửi tiền tại PGD Ngân hàng CSXH Cam Đường. Trong đó, chị Nguyễn Thị Hiền tiếp tục gửi cho Nhung số tiền 1 tỷ đồng vào ngày 06/3/2017.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trong quá trình giao dịch, đã có một số lần Nhung chuyển tiền lãi và tiền thưởng cho bị hại là chị Hiền và chị Lành. Song, đến thời điểm vụ án được đưa ra xét xử, Nhung vẫn còn chiếm đoạt của chị Hiền hơn 3,78 tỷ đồng; chiếm đoạt của chị Lành là 998 triệu đồng. Với những hành vi nói trên, tại phiên xét xử sơ thẩm ngày 15/6/2018, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Lào Cai đã tuyên phạt Cấn Phương Nhung với mức án tù chung thân và buộc hoàn trả lại số tiền hơn 10 tỷ đồng đã chiếm đoạt cho các bị hại trong đó có chị Hiền và chị Lành. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, nhiều khách hàng bị đối tượng Cấn Phương Nhung chiếm đoạt tiền đã bày tỏ quan điểm không đồng tình với nhận định của Hội đồng xét xử khi cho rằng: “Ngân hàng CSXH tỉnh Lào Cai không có trách nhiệm bồi thường khoản tiền do bị cáo chiếm đoạt”. Vì thế, nhiều nạn nhân đã làm đơn kháng cáo gửi TAND cấp cao tại Hà Nội.

Chị H., một nạn nhân trong vụ án nói trên chia sẻ: Thực tế, PGD Ngân hàng CSXH Cam Đường – Ngân hàng CSXH tỉnh Lào Cai đã buông lỏng quản lý, từ đó tạo cơ hội để nhân viên ngân hàng dễ dàng lợi dụng, lừa đảo chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng. “Nếu PGD quản lý chặt chẽ, thực hiện đúng quy trình tiếp nhận tiền gửi thì đối tượng Nhung đã không thể dễ dàng lừa đảo cả chục khách hàng như vậy. Rõ ràng bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Lào Cai đã có dấu hiệu thiếu khách quan, bỏ lọt trách nhiệm của cá nhân, tổ chức tín dụng có liên quan đến việc khách hàng gửi tiền bị nhân viên ngân hàng lừa đảo, chiếm đoạt hàng tỷ đồng”, chị H. bức xúc cho biết.

Trách nhiệm của PGD Ngân hàng CSXH Cam Đường ở đâu?

Theo những tài liệu phóng viên có được, tại thời điểm tháng 2/2018, TAND tỉnh Lào Cai đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung làm rõ vai trò, trách nhiệm của cán bộ PGD Ngân hàng CSXH Cam Đường – Ngân hàng CSXH tỉnh Lào Cai với rất nhiều nội dung như: Ông Lê Như Lộc là Giám đốc PGD Ngân hàng CSXH Cam Đường đã ký phát hành 8 sổ tiết kiệm của 6 khách hàng khi các sổ tiết kiệm chưa được ghi đầy đủ thông tin (số tiền gửi) để bị can Cấn Phương Nhung lừa đảo chiếm đoạt tiền gửi của các bị hại; bà Đỗ Thị Thu Hiền là Tổ trưởng Tổ kế toán PGD Ngân hàng CSXH Cam Đường đã không kiểm soát các chứng từ, sổ tiết kiệm của các khách hàng, nhưng vẫn trình ký; ông Nguyễn Quốc Toản là thủ quỹ PGD Ngân hàng CSXH Cam Đường đã thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra các chứng từ nhập quỹ, ký vào sổ tiết kiệm khi các sổ tiết kiệm chưa được ghi đầy đủ thông tin (số tiền gửi) để bị can Cấn Phương Nhung lừa đảo chiếm đoạt tiền gửi của các bị hại… Tuy nhiên, theo phản ánh, tại phiên xét xử sơ thẩm, những nội dung này vẫn chưa được làm rõ.

Lào Cai: Gần 13 tỷ đồng của khách hàng bị “bốc hơi”, trách nhiệm của ngân hàng CSXH Cam Đường ở đâu? - Ảnh 2
Quyết định Trả hồ sơ để điều tra bổ sung của TAND tỉnh Lào Cai

Mặt khác, theo phản ánh của bạn đọc, quá trình giao dịch, nhiều bị hại trong đó có chị Hiền và chị Lành đã trực tiếp đến ngân hàng gửi tiền tiết kiệm đúng theo quy định. Cấn Phương Nhung là nhân viên PGD Ngân hàng CSXH Cam Đường được giao nhiệm vụ giao dịch với khách hàng. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Nhung đã lợi dụng sự buông lỏng quản lý trong việc trình sổ, quản lý phôi trắng, quản lý con dấu để chiếm đoạt tài sản của khách hàng; đồng thời, tự ý rút tiền trên sổ tiết kiệm của khách hàng tại ngân hàng trong khi chị Hiền, chị Lành vẫn đang cầm sổ tiết kiệm chính do ngân hàng phát hành. Xác nhận điều này, Bản án số 32/2018/HSST ngày 15/6/2018 của TAND tỉnh Lào Cai đã nêu rõ: “Có sự thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý cán bộ, quản lý con dấu, hồ sơ giấy tờ tài liệu liên quan đến hoạt động tín dụng của Ngân hàng của cán bộ, lãnh đạo PGD Ngân hàng CSXH Cam Đường, Lào Cai”. Nhưng sau đó, Hội đồng xét xử khi lại không nhắc đến vai trò trách nhiệm của PGD Ngân hàng CSXH Cam Đường, chi nhánh tỉnh Lào Cai khi để xảy ra sự việc này.

Tiếp cận từ góc nhìn pháp lý, Luật sư Nguyễn An Bình, Đoàn Luật sư TP Hà Nội chia sẻ quan điểm: Điều 697, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra: “Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một phần tiền theo quy định của pháp luật”. Trong trường hợp này, Cấn Phương Nhung được phân công là kế toán và là giao dịch viên của PGD Ngân hàng CSXH Cam Đường; được đơn vị này giao chỉ tiêu huy động tiền gửi tiết kiệm. Vì thế, Cấn Phương Nhung là đại diện của ngân hàng, nhân danh ngân hàng để thực hiện nhiệm vụ giao dịch với khách hàng. Do đó, khi tiền gửi của khách bị thất thoát, Ngân hàng phải có trách nhiệm bồi thường.

Thực tế cho thấy, liên quan đến vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản nói trên, còn khá nhiều điểm cần tiếp tục làm rõ về trách nhiệm của PGD Ngân hàng CSXH Cam Đường. Liệu PGD Ngân hàng CSXH Cam Đường có thực sự “vô can” đối với hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản do đối tượng Cấn Phương Nhung, nhân viên của đơn vị này thực hiện?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Quang Đạo

Bạn đang đọc bài viết Lào Cai: Gần 13 tỷ đồng của khách hàng bị “bốc hơi”, trách nhiệm của ngân hàng CSXH Cam Đường ở đâu?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới