Chủ nhật, 24/11/2024 09:03 (GMT+7)
Thứ năm, 24/12/2020 15:08 (GMT+7)

Lấy đất rừng làm dự án và cái giá phải trả

Theo dõi KTMT trên

Rừng vẫn đang “chảy máu” khắp nơi do phá rừng lấy gỗ, lấy đất làm dự án… mà hậu quả thì không thể lường trước được. Thảm họa thiên tai xảy ra ở miền Trung thời gian qua là một minh chứng.

Hàng loạt địa phương xin đất rừng làm dự án

Thời gian qua, biến đổi khí hậu và thiên tai xảy ra thường xuyên, gây ra lũ lụt, sạt lở đất nghiêm trọng ở một số địa phương, cướp đi sinh mạng của nhiều người. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dù chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân, nhưng các chuyên gia đang đặt vấn đề là có sự ảnh hưởng của việc diện tích rừng tự nhiên bị giảm.

Diện tích rừng tự nhiên bị giảm có nguyên nhân từ việc các địa phương chuyển mục đích sử dụng rừng để xây dựng các dự án.

Lấy đất rừng làm dự án và cái giá phải trả - Ảnh 1
Hiện trường vụ sạt lở đất ở Quảng Nam. 

Gần đây nhất, chỉ trong một ngày, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã liên tiếp ra 3 văn bản bác kiến nghị xin chuyển đổi mục đích rừng tự nhiên để thực hiện các dự án làm đường giao thông, điện gió, khai thác đá vôi của 3 tỉnh, trong đó, nhấn mạnh đề nghị các tỉnh cần cân nhắc khi đề xuất chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên.

Đặc biệt lưu ý các dự án khu vực miền núi như tỉnh Quảng Nam, nơi có nền địa chất yếu, đồi núi có độ dốc lớn, phức tạp. Hay với tỉnh Bình Thuận, cần lưu ý với rừng phòng hộ là rừng tự nhiên, cũng như các hoạt động tác động làm thay đổi cân bằng sinh thái khu vực ven biển.

Còn với đề xuất chuyển đổi hơn 38 ha rừng tự nhiên để là mỏ đá vôi ở tỉnh Ninh Bình, tờ Lao động bình luận: Hơn 38 ha rừng tự nhiên thuộc quy hoạch rừng phòng hộ là quá quý giá, vô giá. Cho dù bán bao nhiêu tấn đá vôi cũng không thể đổi lại được giá trị của rừng tự nhiên.

Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi dự án này bị bác bỏ. Nhiều ý kiến cho rằng, chỉ bác bỏ thôi có lẽ cũng chưa thỏa đáng, mà cần ở một mức cao hơn, cần phê phán những đề xuất phá rừng như vậy. Ngược lại cũng cần ủng hộ, khen thưởng những địa phương giữ rừng, trồng rừng hiệu quả.

Cũng trong tháng 11 vừa qua, Công ty Cổ phần Đầu tư du lịch sinh thái Lilama 18 (Lilama 18) lại xin chuyển đổi đất rừng tự nhiên để làm khu nghỉ dưỡng. Cụ thể: Đơn vị này xin chuyển đổi 0,1 ha rừng tự nhiên tại phường Ninh Hải, Tĩnh Gia, Thanh Hoá để thực hiện dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái bốn mùa cao cấp.

Sau khi nhận được văn bản của Lilama 18, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Khu Kinh tế nghi Sơn, UBND thị xã Nghi Sơn về việc giao tham mưu giải quyết đề nghị chấp thuận cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái bốn mùa cao cấp tại phường Ninh Hải, thị xã Nghi Sơn.

Và mới đây là việc tỉnh Gia Lai lại muốn chuyển mục đích sử dụng khoảng 174 ha rừng thông để làm dự án sân golf Đắk Đoa do Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC làm nhà đầu tư một lần nữa khiến dư luận bức xúc.

Lấy đất rừng làm dự án và cái giá phải trả - Ảnh 2
Rừng thông Gia Lai muốn chuyển làm dự án sân golf.

Loại bỏ 57 dự án chuyển mục đích sử dụng rừng

Tại hội nghị tổng kết hoạt động lâm nghiệp năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 diễn ra sáng 21/12 mới đây, Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, năm 2019 tổng diện tích rừng cả nước đạt 14,6 triệu ha, tăng 117.000 ha so với năm 2018, trong đó rừng tự nhiên tăng 36.000 ha.

Tây Nguyên vẫn được nhắc đến như một địa bàn “nóng” của nạn phá rừng. Đáng chú ý, năm 2019 có 33.200 ha rừng tự nhiên bị tàn phá tại 26 tỉnh, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên và miền Trung. Trong đó, mất rừng nhiều nhất xảy ra tại Đắk Lắk 11.400 ha, Đắk Nông 7.100 ha, Quảng Bình 3.300 ha... Tuy nhiên, các địa phương này lại không làm giải trình, làm rõ nguyên nhân khi trình các cấp công bố hiện trạng rừng.

Lấy đất rừng làm dự án và cái giá phải trả - Ảnh 3
Tây Nguyên là một trong những "điểm nóng" về nạn phá rừng.

Đối với việc kiểm soát chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, từ 1/1 đến nay, Tổng cục Lâm nghiệp đã tiếp nhận, tham mưu rà soát, thẩm định 87 dự án chuyển mục đích sử dụng rừng của 31 tỉnh, thành phố với tổng diện tích đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng là 13.865 ha (gồm: 7.909 ha rừng tự nhiên, 5.956 ha rừng trồng).

Sau khi rà soát, lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan, Tổng cục Lâm nghiệp đã báo cáo bộ để đề nghị Chính phủ, Thủ tướng chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đối với 30 dự án.

"Việc chuyển mục đích sử dụng rừng đã được các bộ, ngành và chính quyền địa phương giám sát chặt chẽ, rà soát, thẩm định trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đúng quy định của pháp luật, không để lợi dụng việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên để phá rừng, đặc biệt đối với các dự án về thủy điện", Tổng cục Lâm nghiệp nêu.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, các vi phạm được dư luận quan tâm trong năm 2020 vẫn tập trung hành vi khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép ở miền Trung và Tây Nguyên.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường: "Chất lượng, độ che phủ rừng khu vực Tây Nguyên vẫn còn chưa tốt. Mặc dù đến nay chúng ta có nhiều chính sách dành cho rừng tự nhiên, thế nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ phát triển rừng bền vững".

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh việc bảo vệ, phát triển rừng ở Tây Nguyên không chỉ ảnh hưởng 5,6 triệu ha đất  tại đây mà còn tác động đến các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ về sinh thủy (nguồn nước - do hầu hết các sông ở khu vực Nam Trung Bộ bắt nguồn từ Tây Nguyên).

Rừng tự nhiên là “lá chắn” để giữ nước, giữ đất

Trước đó chia sẻ trên báo chí, Giáo sư Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, rừng tự nhiên là “lá chắn” để giữ nước, giữ đất, giữ môi trường vì có tán cây, các lớp cây khác nhau, có thảm mục, hệ rễ sâu (chiều cao cây như nào rễ sâu như thế). Còn rừng trồng chỉ có tác dụng bằng 1/5 rừng tự nhiên.

Ông Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, ở sườn dốc, bộ rễ làm cho sườn dốc khỏe hơn, ổn định hơn, từ đó gia cố yếu tố kháng trượt.

Hà My

Bạn đang đọc bài viết Lấy đất rừng làm dự án và cái giá phải trả. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới