Lay động cảm xúc nhân văn trong truyền thông về môi trường
Nhiều ý kiến cho rằng, tin tức thời sự, nội dung khách quan sẽ chiếm thế “thượng phong” trong công tác truyền thông. Có lẽ, điều đó đúng nhưng chưa đủ. Bởi đối với truyền thông môi trường, những hình ảnh, nội dung lay động cảm xúc mới chính là chìa khoá.
Lâu nay, truyền thông, báo chí được xem là một trong những yếu tố quan trọng, cơ bản tác động trực tiếp hoặc gián tiếp làm thay đổi hành vi về bảo vệ môi trường của cộng đồng. Khi đưa thông tin hướng đến việc bảo vệ môi trường, có thể nói người làm báo đang đứng ở hai vai. Vai thứ nhất, là một người làm báo, chúng tôi đại diện cho tiếng nói của cơ quan báo chí, đưa ra thông điệp khách quan, chính xác nhất đến bạn đọc để thay đổi nhận thức của họ trong việc bảo vệ môi trường. Còn vai thứ hai, chúng tôi đứng dưới góc độ một công dân, phải lên tiếng để bảo vệ chính môi trường sống của mình và xã hội.
Có lẽ, nhiều năm qua, vấn đề ô nhiễm môi trường, bảo vệ môi trường, bảo vệ Mẹ Thiên nhiên… đã len lỏi trong mỗi câu chuyện, bữa cơm của người dân Việt. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, không ít người vẫn chưa thể tiếp cận được với các chính sách, quy định mới trong việc bảo vệ môi trường. Lúc này, vai trò truyền thông là rất lớn. Nhưng, việc truyền tải đi thông điệp ra sao, bằng cách nào để hiệu quả lại là một vấn đề đáng nói.
Những năm gần đây, Việt Nam là một trong số quốc gia có những cam kết và hành động bảo vệ môi trường quyết liệt, mạnh mẽ nhất. Điều này được thể hiện trong các phát ngôn, hành động của Đảng và Nhà nước.
Cuối năm 2019, phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (hiện nay là Chủ tịch nước) từng khẳng định: “Không đánh đổi môi trường, văn hóa và văn minh xã hội lấy kinh tế”. Bởi, Thủ tướng cho rằng, nền tảng xã hội là bệ phóng và trụ đỡ cho phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Hay mới đây, phát biểu tại Hội nghị COP26 diễn ra ở Glasgow, Scotland, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, trong bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có đoạn nhấn mạnh rằng, là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu (BĐKH), Việt Nam đang hết sức nỗ lực để vừa ứng phó với BĐKH, vừa phát triển kinh tế để vươn lên, bảo đảm cuộc sống ngày càng tốt hơn cho mọi người dân, đồng thời đóng góp có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế.
Điều này cho thấy sự quyết tâm trong mỗi phát ngôn và hành động của Việt Nam đối với vấn đề ô nhiễm môi trường, BĐKH hiện nay ra sao.
Chúng ta đều biết, nạn đói ở châu Phi luôn là nỗi ám ảnh với toàn nhân loại. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do BĐKH dẫn đến hạn hán. Nói sâu xa hơn, BĐKH một phần do con người tác động trực tiếp, thô bạo vào môi trường và Mẹ Thiên nhiên. Có rất nhiều thông điệp đã được truyền tải đi, nhưng không phải thông điệp nào cũng có sự lay động.
Tôi còn nhớ, có một bức ảnh về nạn đói châu Phi gần như lột tả được hết những đau đớn của người dân nơi đây. Đó là bức "Kền kền chờ đợi" của nhiếp ảnh gia Kevin Carter. Bức ảnh này chụp tại Sudan vào tháng 3/1993. Trong bức ảnh là một em bé đói khát đang lê lết trên nền đất và đằng sau là con kền kền đang chực chờ em gục xuống để xông lên rỉa xác. Khi nhìn bức ảnh này, tôi đoán rằng nhiều người sẽ không cầm được nước mắt.
Bức ảnh đó sau khi được đăng tải trên một tờ tạp chí của nước Mỹ đã gây ra một cơn “chấn động” trên toàn thế giới. Bởi nạn đói ở châu Phi có thể đã được truyền hình nhiều nước nói ra rả nhiều năm liền nhưng khó có khoảnh khắc nào lại chân thực và nghẹn ngào đến vậy. Nó dường như trở thành nỗi ám ảnh của mỗi người khi được nhắc đến nạn đói, hạn hán, BĐKH tại châu Phi. Nó ghim vào đầu chúng ta nỗi thương cảm khi nhắc đến những đứa trẻ đang sống trong cùng cực tại “lục địa đen”. Một bức ảnh kinh điển đã lay động cảm xúc cho mỗi người khi có hành động ứng xử với Trái Đất.
Sau đó 1 năm, nhiếp ảnh gia Kevin Carter vinh dự nhận được giải thưởng báo chí Pulitzer danh giá.
Năm 2021, nhiếp ảnh gia người Tây Ban Nha Antonio Aragón Renuncio giành được giải thưởng Nhiếp ảnh gia Môi trường của năm cho bức ảnh có tựa đề "The Rising Tide Sons" dịch nôm na là “Những đứa con trai thủy triều”.
Trong bức ảnh ấy, một bé trai đang ngủ trong ngôi nhà của mình bị phá hủy bởi sự xói mòn bởi thủy triều do hiện tượng nước biển dâng, trên bãi biển Afiadenyigba ở Ghana. Bức ảnh làm nổi bật sự đe dọa của mực nước biển dâng cao ở các nước Tây Phi. Chúng nuốt chửng mọi thứ như tài nguyên, nhà cửa, hoa màu, đường xá, cây cối, trường học, công việc…đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của cộng đồng. Bờ biển của quốc gia nhỏ bé này ở Vịnh Guinea chỉ là một phần của vấn đề lớn đang làm ảnh hưởng đến hơn 8.000 km đường biển ở 13 quốc gia Tây Phi, gây ra xói mòn có nguy cơ xâm lấn hàng chục mét bờ biển mỗi năm. Do hậu quả của vấn đề nước biển dâng, hàng nghìn người (chủ yếu là phụ nữ và trẻ em) đã buộc phải rời bỏ nhà cửa và di cư vào sâu trong đất liền để tìm kiếm thức ăn, nơi ở để tồn tại…
Có thể nói các nước châu Phi đang ngày càng dễ bị tổn thương do tình trạng BĐKH và các hiện tượng thời tiết cực đoan. Những cú sốc về khí hậu đã dẫn đến hạn hán kéo dài với những tác động vô cùng nghiêm trọng, như xung đột, mất an ninh lương thực… Cảnh báo về một thảm họa sinh thái do thiếu hụt nguồn nước cũng như những hệ lụy của tình trạng BĐKH đối với cuộc sống người dân châu lục, các nhà lãnh đạo châu Phi đang kêu gọi các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế dành ưu tiên cao cho cuộc chiến chống BĐKH.
Tại Việt Nam, hình ảnh nữ lao công tại SVĐ Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) phải đội mưa, dọn gần 4 tiếng đồng hồ vẫn không sạch những cuộn giấy vệ sinh người hâm mộ mang đi cổ vũ đội tuyển U23 Việt Nam; hay các sinh viên tình nguyện phải ở lại muộn để thu dọn áo mưa của 15.000 CĐV bỏ lại sau trận đấu đã lay động đến cảm xúc của từng con người. Nếu họ có ý thức hơn với môi trường, có lẽ những con người kia sẽ được về sớm hơn với gia đình của mình.
Những hình ảnh đó được chụp trong một trong một khoảnh khắc nhất định nhưng hàm chứa những nội dung nhân văn sâu sắc, đã chạm đến hàng triệu con tim. Đó chính là những thông điệp mà truyền thông luôn hướng đến chứ không phải là những khẩu hiệu đọc ra “đao to búa lớn” nhưng lại vô cùng sáo rỗng.
Hiệu quả của truyền thông chính là đem sự thật, thông tin khách quan tìm đến cảm xúc, trái tim của con người. Nó giúp cho người ta tìm thấy cảm xúc thật trong con người mình và hướng đến đến sự nhân văn.
Nhà báo Nguyễn Văn Chương, Tổng Thư ký tòa soạn Tạp chí Kinh tế Môi trường.