Chủ nhật, 24/11/2024 06:36 (GMT+7)
Thứ hai, 05/08/2024 09:41 (GMT+7)

Liệu giá tiêu thời gian tới có bùng nổ trước cơn ‘bão lặng’?

Theo dõi KTMT trên

Tháng 7/2024, giá tiêu giảm nhẹ so với tháng trước đó nhưng vẫn cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường đang kỳ vọng giá sẽ bùng nổ trước cơn ‘bão lặng’.

Nếu Trung Quốc tăng cường mua hàng, giá tiêu thế giới sẽ tăng mạnh

Bước sang đầu tháng 8/2024, giá tiêu trong nước chưa thể bật tăng khỏi mức 150.000 đồng/kg mà, thậm chí còn có xu hướng điều chỉnh giảm nhẹ một đến hai giá và xuống quanh mức 147.000 – 148.000 đồng/kg. Thị trường dường như đang tiếp tục “ngủ quên” ở mức cao kỷ lục 8 năm qua.

Liệu giá tiêu thời gian tới có bùng nổ trước cơn ‘bão lặng’? - Ảnh 1
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ toàn cầu vẫn tăng cao, nhất là ở thị trường mới nổi và Trung Quốc. Trong khi đó, sản lượng hồ tiêu sản xuất ở các quốc gia khác gồm Brazil, Indonesia dự báo giảm trong năm cũng sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung cho các tháng cuối năm 2024.

Tại thị trường Trung Quốc, giới đầu cơ đang găm hàng, chờ đợi thông tin từ vụ thu hoạch mới ở Indonesia. Trường hợp Trung Quốc tăng cường mua hàng, giá tiêu thế giới sẽ tăng mạnh. Các chuyên gia nhận định, đà giảm của giá tiêu sẽ kết thúc, giá tiêu sẽ tăng trở lại vào trong tháng 8 khi Trung Quốc đẩy mạnh mua hàng. Giá tiêu trong nước đang ngủ đông chờ thời cơ bứt phá.

Lo ngại thiếu nguồn cung là yếu tố hỗ trợ đắc lực cho giá tiêu

Tình hình mùa vụ, sản lượng hồ tiêu các nước sẽ tác động mạnh đến giá tiêu trong nước. Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, Brazil đang tiếp tục thu hoạch hồ tiêu tại vùng Espírito Santo và tháng 11 tại vùng Para, ước tính, cả nước sẽ thu thêm khoảng trên dưới 60 nghìn tấn nữa. Biến đổi khí hậu (La Nina) sẽ gây ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của hồ tiêu Brazil trong các tháng tới.

Tại Việt Nam, tính đến hết tháng 6/2024, Việt Nam đã xuất khẩu hồ tiêu được gần 143 nghìn tấn hồ tiêu các loại. So với sản lượng thu hoạch năm 2024 đạt khoảng 170 nghìn tấn thì sản lượng còn lại ước đạt khoảng gần 28 nghìn tấn. Tồn kho vụ 2023 chuyển sang cộng với lượng nhập khẩu năm 2024 khoảng 40 - 45 nghìn tấn (kể cả nhập khẩu tiểu ngạch).

Như vậy, vẫn còn 7 - 8 tháng nữa mới đến vụ thu hoạch mới (dự kiến sau Tết nguyên đán từ tháng 2/2025), trong khi lượng hàng còn trong dân và đại lý, doanh nghiệp không còn nhiều.

Trong bức tranh chung của ngành hồ tiêu thế giới vẫn cho thấy, thị trường đang đối diện với bài toán thiếu nguồn cung. Việc này sẽ đẩy giá hồ tiêu trong nước và thế giới tiếp tục tăng. Tuy vậy, mức tăng bao nhiêu và thời điểm tăng vẫn đang là câu hỏi.

Trước động thái thị trường, hiện một số quốc gia đã xây dựng chương trình hành động. Trong khi đó, Brazil đã có 3 nhà máy hồ tiêu tiệt trùng và đang xây thêm 2 nhà máy nữa và sẽ hoàn thành trong năm 2025, nhằm đẩy mạnh chế biến và nâng cao chất lượng. Trong tương lai hồ tiêu Brazil sẽ cạnh tranh tốt hơn với Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Bộ Trồng trọt và Hàng hóa Datuk Seri Johari Abdul Ghani, chính phủ thông qua Ủy ban Hồ tiêu Malaysia (MPB), đang triển khai một số chương trình, dự án, ưu đãi và hỗ trợ năng động và tích hợp liên quan đến các hộ nông dân nhỏ và doanh nhân kinh doanh hồ tiêu để đảm bảo tính bền vững của ngành hồ tiêu và thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp thượng nguồn và hạ nguồn.

Theo Kế hoạch Malaysia lần thứ 12, chính phủ đã phân bổ 50 triệu RM để hỗ trợ người trồng tiêu thông qua Chương trình trồng tiêu mới và Chương trình trồng tiêu già, qua đó giảm bớt gánh nặng tài chính. Bên cạnh đó, ông cho biết chính phủ cũng đã phân bổ 3 triệu RM để thực hiện các dự án hạt tiêu chất lượng cao, trong khi 5 triệu RM khác được phân bổ để tăng cường sự tham gia của các doanh nhân hạ nguồn có sức cạnh tranh.

Nhu cầu cây gia vị trong đó có hồ tiêu được nhận định là tiếp tục tăng. Tuy vậy, tại Việt Nam, cây tiêu Việt Nam đã đến độ lão hoá. Trong bối cảnh cây tiêu đang chịu cạnh tranh mạnh với các cây cây đối thủ khác như sầu riêng, cà phê, câu hỏi đặt ra lúc này là với mức giá như hiện nay đã đủ để kích thích người dân trồng thêm tiêu.

Ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Simexco Daklak cho biết, lợi nhuận của cây hồ tiêu không bằng sầu riêng. Ngay cả với cà phê, lợi nhuận từ tiêu vẫn thấp hơn vì việc canh tác cà phê dễ hơn, năng suất trên một đầu cây của cà phê cũng cao hơn nhiều so với tiêu. Trong khi cây tiêu khó trồng, khó chăm sóc, ngoài ra, người dân vừa trải qua cuộc khủng hoảng giá tiêu kéo dài nhiều năm, có lúc giá xuống hơn 30.000 đồng/kg nên họ không có đủ tự tin để trồng lại vào thời điểm này. Vì vậy, trong dài hạn giá tiêu khó lòng giảm hơn nữa.

Về vấn đề này, bà Hoàng Thị Liên – Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho hay, vào đầu tháng 7 đợt khảo sát đánh giá hiện trạng 3 tỉnh Tây Nguyên của Hiệp hội cho thấy việc duy trì và sản xuất hồ tiêu của người nông dân ngày càng bị cạnh tranh bởi cây sầu riêng và cà phê. Diện tích trồng mới có ghi nhận nhưng không nhiều, chủ yếu trồng xen hồ tiêu với cà phê với tỷ lệ 6 - 2. Lượng hàng tồn trong dân không còn nhiều. Lo ngại thiếu nguồn cung vẫn là yếu tố hỗ trợ đắc lực cho giá tiêu trong thời gian sắp tới.

BN

Bạn đang đọc bài viết Liệu giá tiêu thời gian tới có bùng nổ trước cơn ‘bão lặng’?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới