Chủ nhật, 24/11/2024 07:31 (GMT+7)
Thứ năm, 03/03/2022 20:00 (GMT+7)

Loạn thuốc điều trị hậu Covid-19: Tránh tiền mất tật mang

Theo dõi KTMT trên

Nhiều đối tượng đã lợi dụng tâm lý hoang mang của người dân trước những triệu chứng kéo dài hậu Covid-19 để trục lợi bằng cách rao bán những loại thuốc, thực phẩm chức năng rởm với "giá trên trời".

Theo thống kê, người bị nhiễm Covid-19 sau khi khỏi bệnh có thể mắc phải hơn 200 triệu chứng. Các chuyên gia y tế nhận định, hiện nay không có loại thuốc nào có thể chữa trị hết các triệu chứng này.

Loạn thuốc điều trị hậu Covid-19: Tránh tiền mất tật mang - Ảnh 1
Hai sản phẩm được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cảnh báo giả mạo.

Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay xuất hiện tràn lan các loại thuốc, thực phẩm chức năng được quảng cáo là chữa dứt điểm 100% triệu chứng hậu Covid-19. Những loại thuốc này không có trong hướng dẫn của Bộ y tế, không rõ nguồn gốc xuất xứ, đủ các loại giá bán, gây hoang mang cho người dân, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tới sức khoẻ.

Trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Văn Tú (Công ty Luật Fanci) cho rằng, nhiều đối tượng đã lợi dụng tâm lý hoang mang của người dân trước những triệu chứng kéo dài hậu Covid-19 để trục lợi bằng cách rao bán những loại thuốc, thực phẩm chức năng rởm với "giá trên trời".

"Chúng có thể là những thang thuốc gắn mác Đông y, gia truyền hay những liều thuốc Tây với giá cắt cổ, được thổi phồng công dụng có thể điều trị nhanh chóng các triệu chứng hậu Covid. Thế nhưng, tác dụng thực tế của những loại thuốc này lại không được một cơ quan có thẩm quyền nào kiểm chứng, cấp phép lưu hành", vị Luật sư chia sẻ.

Loạn thuốc điều trị hậu Covid-19: Tránh tiền mất tật mang - Ảnh 2
Luật sư Nguyễn Văn Tú.

Theo Luật sư Tú, trong khi cả nước đang gồng mình từng phút từng giây để chống chọi với đại dịch Covid, thì những kẻ lợi dụng dịch bệnh để kiếm lời là điều không thể chấp nhận được.

Đồng quan điểm, Luật sư Trần Văn Thành (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) nhấn mạnh, cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc và xử lý triệt những đối tượng kinh doanh buôn bán các loại thuốc, thực phẩm chức năng hỗ trợc điều trị hậu Covid-19 không đủ tiêu chuẩn. Theo ông Thành, phải có chế tài thật sự nghiêm khắc để trừng phạt thích đáng những đối tượng này nhằm tạo tính răn đe, không để sự việc tương tự tiếp tục diễn ra.

"Theo quy định tại điểm a Khoản 5 Điều 6 Luật Dược năm 2016, hành vi kinh doanh thuốc giả, nguyên liệu làm thuốc giả là hành vi bị nghiêm cấm. Đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh tuỳ theo mức độ, tính chất mà sẽ bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

Với tính chất đơn giản, quy mô nhỏ, chưa gây hậu quả lớn không đến mức phải xử lý hình sự, các đối tượng vi phạm sẽ phải chịu chế tài hành chính quy định tại Điều 9, Điều 10 Nghị định 98/2020.

Đối với các hành vi nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự về "Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh" theo quy định tại Điều 194 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Cá nhân phạm tội tuỳ theo các tình tiết cá nhân phạm tội tuỳ theo các tình tiết có thể phải đối mặt mức án từ 02 năm tù giam đến 20 năm tù giam, chung thân hoặc tử hình...", Luật sư Thành cho hay.

Đối với hành vi quảng cáo sai sự thật, thổi phồng công dụng của các loại thuốc, thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị hậu Covid-19, theo Luật sư Trần Văn Thành tại khoản 5 Điều 51, Nghị định 158/2013 quy định, nếu quảng cáo sai sự thật, không đúng quy cách, chất lượng, công dụng, nhãn hiệu,… hoặc quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo thì người vi phạm bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng.

Luật sư Trần Văn Thành lưu ý, người dân chỉ nên sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị triệu chứng hậu Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tránh "tiền mất, tật mang".

TS. Nguyễn Như Vinh - Trưởng khoa thăm dò chức năng hô hấp Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM thông tin, hiện nay không có thuốc đặc trị nào có thể điều trị dứt điểm hậu Covid-19.

Hậu Covid-19 có thể từ bên ngoài như rụng tóc, nổi ban, tiêu chảy... cho đến phía bên trong như viêm phổi, đau khớp... điều trị sẽ tập trung vào từng cơ quan, bộ phận. Có 200 triệu chứng khác nhau liên quan đến hậu Covid-19 nên không có thuốc nào có thể chữa bách bệnh. Các loại thực phẩm chức năng chỉ có tác dụng hỗ trợ, không thể thay thế thuốc.

Theo TS Vinh, đối với các đơn thuốc một người dùng truyền tay nhiều người trong y khoa là điều cấm kỵ, bởi vì cùng một bệnh hai người khác nhau đã dùng thuốc khác nhau vì mức độ nặng, các bệnh lý đi kèm, giai đoạn bệnh, thể trạng khác nhau."

Anh Đăng

Bạn đang đọc bài viết Loạn thuốc điều trị hậu Covid-19: Tránh tiền mất tật mang. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới