Long An: Phát triển nông nghiệp bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu
Thích ứng với BĐKH và bảo vệ môi trường là mục tiêu mà ngành Nông nghiệp tỉnh Long An đang hướng đến nhằm xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai.
Để phát triển nông nghiệp, hàng năm tỉnh Long An đều rà soát, ưu tiên đầu tư các công trình phòng, chống hạn, mặn, triển khai hoàn thành trước khi đến mùa khô. Về công tác phi công trình, ngành Nông nghiệp thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường dự báo, đo độ mặn trên các sông để người dân thay đổi phương thức sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH). Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp công trình và phi công trình, mùa hạn, mặn năm 2020-2021, diện tích sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng trên địa bàn tỉnh giảm còn 165ha, tương đương gần 1,1 tỉ đồng.
Trước đó, mùa hạn, mặn năm 2019-2020, toàn tỉnh Long An có 2.746ha cây trồng bị thiệt hại, tương đương trên 55,4 tỉ đồng. Rút kinh nghiệm từ mùa hạn, mặn năm 2019-2020, tỉnh xác định phải “sống chung” với hạn, mặn. Đồng thời, có kế hoạch hành động cụ thể phòng, chống hạn, mặn, tránh tình trạng lúng túng, không chủ động được nguồn nước phục vụ sản xuất, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Đến thời điểm mùa hạn, mặn năm 2021-2022, diện tích sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh không còn bị ảnh hưởng. Điều này minh chứng cho sự chủ động, linh hoạt của các cấp, các ngành và người dân trong việc thích ứng với BĐKH.
Về vấn đề này, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc - Ngô Bảo Quốc cho biết: “Mùa hạn, mặn năm 2021-2022, nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất lúa và rau của huyện rất dồi dào. Để làm được điều này, huyện chủ động bơm tích nước khi độ mặn dưới 1g/l; đồng thời, khuyến cáo nông dân tuân thủ lịch gieo sạ của tỉnh, áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm trên rau và các biện pháp kỹ thuật canh tác khác. Ngoài ra, trước khi mùa hạn, mặn đến, huyện tiến hành rà soát, kiểm tra các cống ngăn mặn, trạm bơm điện để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh tình trạng nước mặn rò rỉ vào nội đồng, ảnh hưởng chất lượng nguồn nước”.
Hiện nay, sản xuất nông nghiệp phải thường xuyên đối mặt với thời tiết diễn biến cực đoan. Trước tình hình đó, ngành Nông nghiệp phối hợp các địa phương vận động, khuyến khích và hướng dẫn nông dân chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác để ứng phó với BĐKH, giảm thiểu thiệt hại. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình hay trong chuyển đổi cây trồng như trồng tre Bát Độ lấy măng (huyện Mộc Hóa); trồng sầu riêng (huyện Tân Thạnh); trồng dừa, trồng mè (huyện Tân Hưng);... Những diện tích đã chuyển đổi cơ bản phù hợp, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa.
Ông Bùi Văn Hoài (ấp Tân Chánh A, xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh) cho biết: “Tình hình thời tiết, thiên tai diễn biến phức tạp, ngành Nông nghiệp vận động nông dân áp dụng các kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, sử dụng phân hữu cơ bón lót,... vào trồng lúa. Nhờ thực hiện theo khuyến cáo của các ngành chức năng nên chi phí đầu vào giảm, năng suất và lợi nhuận tăng. Phải khẳng định, ngày nay, nông dân không nên làm lúa theo phương thức truyền thống mà phải ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm thích ứng với BĐKH”.
Tương tự, ông Đặng Minh Hùng (xã Đức Tân, huyện Tân Trụ) nói: “Hiện gia đình trồng khoảng 700 gốc na dứa Đài Loan. Giống na này trồng khoảng 1 năm là ra hoa, đậu trái, từ khi cho trái đến thu hoạch khoảng 4 tháng. Vườn na đã cho thu hoạch được 600kg trái chiến với giá bán 50.000 đồng/kg, lợi nhuận 30 triệu đồng. Sau đợt trái chiến, cây na sẽ cho trái 2 lần/năm. Tôi chọn trồng cây na dứa Đài Loan vì giống cây này ít công chăm sóc, ít tốn nước tưới nên rất phù hợp với điều kiện gia đình và thích ứng với BĐKH”.
BĐKH là một thách thức lớn đối với sản xuất nông nghiệp. Chúng ta dễ dàng nhận thấy việc BĐKH hiện nay là nhiệt độ tăng cao, tình trạng sâu, bệnh và hạn ngày càng xuất hiện thường xuyên, có chiều hướng gia tăng. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện cho biết: “Thời gian tới, Sở tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng lâu dài, ứng phó với BĐKH. Cụ thể là ứng phó với các hiện tượng như mất đất, nhiễm mặn, thiếu nước tưới, thời tiết cực đoan và các đe dọa bất lợi của ngành Nông nghiệp trong tương lai.
Ngoài ra, các giải pháp như áp dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn kết hợp với quy hoạch tổng thể vùng sản xuất,... cũng được ngành Nông nghiệp tỉnh hướng đến nhằm thích ứng với BĐKH, phát triển nông nghiệp bền vững và tăng thu nhập cho nông dân".
Thanh Vũ