Chủ nhật, 24/11/2024 08:07 (GMT+7)
Thứ sáu, 06/11/2020 06:00 (GMT+7)

Lũ chồng lũ và 'lỗ hổng' từ quản lý thủy điện

Theo dõi KTMT trên

Theo GS.TS Vũ Trọng Hồng, việc xây dựng tràn lan các thủy điện bậc thang gây ra nhiều hậu quả khó kiểm soát, trong đó không thể không kể đến "lũ chồng lũ”.

Để làm rõ những hạn chế trong công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện, từ đó tìm ra các giải pháp khắc phục, phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có cuộc trao đổi với GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (1989-2000).

Lũ chồng lũ và 'lỗ hổng' từ quản lý thủy điện - Ảnh 1
GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (1989-2000).
Lũ chồng lũ và 'lỗ hổng' từ quản lý thủy điện - Ảnh 2

Từng có ý kiến cho rằng, phát triển thủy điện “được” nhiều hơn là “mất”. Thế nhưng nhiều ngày qua, thủy điện được nhắc đến như một trong những nguyên nhân gây ra lũ lụt ở các tỉnh miền Trung, làm thiệt hại lớn về người và của. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Thủy điện là một ngành kinh tế kỹ thuật làm lợi cho con người. Nhiều nước trên thế giới có xuất phát điểm kinh tế bằng thủy điện, điển hình như Mỹ, Thụy Sĩ, Nga… Trong đó, Việt Nam phát triển thủy điện từ năm 1980 với dự án đầu tiên là thủy điện Hòa Bình, được khánh thành vào năm 1994 gồm 8 tổ máy có tổng công suất 1.920 MW. Phát triển chậm hơn, thủy điện Việt Nam có lợi thế của người đi sau, chắc chắn học hỏi được nhiều kinh nghiệm của các nước nhưng thực tế vẫn tồn tại nhiều hạn chế.

Nguyên nhân chủ yếu là do chiến lược phát triển thủy điện “duy ý chí”, bằng mọi cách phải làm được thủy điện, bất chấp hậu quả của nó, phát triển theo cách riêng của Việt Nam với ảo tưởng “Việt Nam sẽ là nước đầu tiên trên thế giới hoàn thiện chiến lược phát triển thủy điện chỉ trong hơn một thập kỉ”. Thay vì phát triển thủy điện lớn và vừa, chúng ta cho phép phát triển thủy điện nhỏ mà không lường trước những tác động tiêu cực. Trong khi đó, các nước trên thế giới chỉ làm thủy điện nhỏ phục vụ cho gia đình, trang trại… Cách làm ấy đi ngược lại với sự phát triển chung trên thế giới, và thực tế đã gây ra những hậu quả nặng nề như lũ lụt, sạt lở đất, chết người… tất cả đều đổ tội cho thủy điện.

Lũ chồng lũ và 'lỗ hổng' từ quản lý thủy điện - Ảnh 3
PV Tạp chí Kinh tế Môi trường trao đổi với GS.TS Vũ Trọng Hồng. (Ảnh: Đức Giang)

Như vậy, sự phát triển ồ ạt các nhà máy thủy điện nhỏ đã khiến chúng ta phải đối mặt với những hậu quả bất lợi đúng không, thưa ông?

- Đúng vậy, hậu quả tính đến nay đã rất lớn. Theo số liệu từ Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, chỉ trong gần 3 tuần, mưa lũ đã gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Trung khiến 130 người chết và 18 người mất tích. Ngành nông nghiệp cũng ghi nhận thiệt hại nặng nề với hơn 1.400 ha lúa và 7.800 ha hoa màu bị ngập; hơn 7.000 con gia súc và 927.000 con gia cầm bị chết, cuốn trôi. Sau khi nước lũ rút, miền Trung có 885 ngôi nhà hư hỏng và 320 ngôi nhà đang bị ngập…

Ước tính tổng thiệt hại đối với nhiều công trình cầu đường trên địa bàn miền Trung theo tính toán của Vụ An toàn giao thông (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) là trên 350 tỉ đồng và phải mất hàng năm trời mới có thể mới khắc phục được hậu quả. Hiện Tổng cục đã kiến nghị Bộ GTVT cấp ngay trước 100 tỉ đồng để mua nguyên vật liệu khắc phục sửa chữa.

Trước đó, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ nghe báo cáo tình hình và xử lý hỗ trợ khắc phục mưa lũ tại miền Trung vào chiều ngày 19/10, Thủ tướng đã đồng ý xuất cho mỗi tỉnh 1.000 tấn gạo, đồng thời hỗ trợ cho 5 tỉnh gồm Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh mỗi tỉnh 100 tỉ đồng khắc phục hậu quả thiên tai... Như vậy, hậu quả của bão lũ là rất lớn và vẫn chưa dừng lại. Trong đó, các thủy điện nhỏ chính là một trong những nguyên nhân khiến lũ trở nên mạnh mẽ hơn, gây ra những thiệt hại nghiêm trọng.

Lũ chồng lũ và 'lỗ hổng' từ quản lý thủy điện - Ảnh 4

Nhiều ý kiến cho rằng việc xây dựng thủy điện đã làm thu hẹp diện tích từng khiến lũ trở nên hung dữ và kéo dài hơn, quan điểm của ông như thế nào?

- Theo báo cáo của Bộ Công Thương, 1 MW có thể làm mất tối đa 30 ha rừng. Từ chỗ không có thủy điện, tỉnh Quảng Nam đã “mọc” ra đến 46 nhà máy thủy điện. Vậy thử tính, mỗi thủy điện có công suất bình quân 10MW thì bao nhiêu ha rừng đã bị tàn phá?

Giả sử dòng nước lũ trên sông Rào Trăng là khoảng 60 triệu m3 nước thì nó sẽ xả xuống hạ du tới 70 triệu m3 nước, thậm chí còn nhiều hơn như thế do còn có nước từ mỗi thủy điện xả xuống để giữ an toàn cho hồ đập thủy điện. Do vậy, thủy điện bậc thang khiến cơn lũ lớn hơn nhiều so với thực tế.

Lũ chồng lũ và 'lỗ hổng' từ quản lý thủy điện - Ảnh 5
Lũ lớn trên sông Hiếu gây ngập diện rộng tại khu vực xã Thanh An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: TTXVN)

Theo đánh giá tác động môi trường, việc xây dựng các nhà máy thủy điện còn có ảnh hưởng như thế nào đến môi trường thưa ông?

- Hiện nay, trước khi đi vào thi công, các dự án thủy điện đều phải được thông qua Đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Bao gồm đánh giá tác động của dự án đến môi trường sinh thái (rừng cây, thảm cỏ…); đánh giá ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên, trong đó chú trọng vấn đề ảnh hưởng đến địa chất, sạt lở đất, thủy văn, gây ra lũ và phải đảm bảo tài nguyên sinh vật không bị phá hoại, không làm mất đi các loài sinh vật cần bảo tồn; đánh giá ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội, cụ thể là những tác động làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân ở nơi thực hiện dự án.

Từ đó, dự báo tác động môi trường và tìm cách giảm thiểu, đồng thời đề ra biện pháp phòng ngừa, ứng phó với các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình triển khai dự án.

Việc xây dựng quá nhiều các thủy điện bậc thang cũng gây ra nhiều hậu quả, mà hậu quả ghê gớm nhất là khiến lũ chồng lũ. Đơn cử như cụm thủy điện Alin – Rào Trăng nằm trên sông Rào Trăng, dù chỉ là một nhánh của sông Bồ nằm ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế nhưng có tới 4 bậc thang với tổng công suất 89MW.

Giả sử dòng nước lũ trên sông Rào Trăng là khoảng 60 triệu m3 nước thì nó sẽ xả xuống hạ du tới 70 triệu m3 nước, thậm chí còn nhiều hơn như thế do còn có nước từ mỗi thủy điện xả xuống để giữ an toàn cho hồ đập thủy điện. Do vậy, thủy điện bậc thang khiến cơn lũ lớn hơn nhiều so với thực tế.

Lũ chồng lũ và 'lỗ hổng' từ quản lý thủy điện - Ảnh 6

Theo ông, những hậu quả mà con người và môi trường đang gánh chịu có phải do tồn tại nhiều “lỗ hổng” trong công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện?

- Đầu tiên là sai lầm từ thực hiện chiến lược phát triển thủy điện “duy ý chí”, trên 3.000 sông suối đều đặt mục tiêu khai thác tiềm năng của nguồn nước, quy hoạch một cách tràn lan nhưng trong thực tế, con người không đủ số liệu để có thể lập được quy hoạch dẫn đến kế hoạch đầu tư xây dựng và vận hành khai thác thủy điện đã gặp nhiều hạn chế.

Vào năm 2012, khi thủy điện sông Tranh 2 thuộc tỉnh Quảng Nam do xây dựng kém đã xảy ra sự cố rò rỉ nước, Quốc hội đã yêu cầu Bộ Công thương giải trình, xem xét lại chất lượng các dự án thủy điện. Cùng lúc đó, một vài dự án thủy điện ở khu vực Tây Nguyên thi công chưa xong đã bị vỡ. Khi ấy, tôi được Liên hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cử lên thuyết trình trước Ủy ban Khoa học Công Nghệ Quốc hội, chúng tôi tranh luận với Bộ Công thương, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng đã thừa nhận thủy điện có vấn đề và phải rà soát lại thủy điện. Trước đề nghị của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, năm 2013, Quốc hội đã loại bỏ 400 dự án thủy điện. Tuy nhiên hiện nay, theo kiểm tra của tôi thì những dạng thủy điện nhỏ lại được phát triển.

Bên cạnh đó, hiện nay, các dự án thủy điện có công suất bằng hoặc nhỏ hơn 20 MW được giao cho UBND các tỉnh quản lý, tỉnh giao Sở Công thương kiểm tra, rà soát. Tuy nhiên, do trình độ cán độ chuyên môn chưa đủ năng lực, thiếu tài liệu cơ bản, điều kiện khảo sát thực địa không thuận lợi... dẫn đến việc không ít dự án phải điều chỉnh sơ đồ khai thác và quy mô trong quá trình nghiên cứu đầu tư.

Lũ chồng lũ và 'lỗ hổng' từ quản lý thủy điện - Ảnh 7
Nhiều dự án thủy điện được xây dựng trên dòng chính sông Đồng Nai. (Ảnh: Thuonggiaonline)

Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về nguyên nhân khiến nhiều dự án thủy điện phải điều chỉnh sơ đồ khai thác và quy mô trong quá trình nghiên cứu đầu tư? 

- Do có ý định phát triển thủy điện trên tất cả các dòng sông, suối, đặc biệt là triển khai xây dựng thủy điện bậc thang trong khi việc đầu tư xây dựng thực tế lại không tuân theo những trình tự.

Cụ thể, mặc dù có những thủy điện được thông qua việc Đánh giá tác động môi trường (ĐTM), cho phép đầu tư xây dựng, nhưng các thủy điện sau chúng ta cũng tìm cách đưa được vào bậc thang, gây ra ảnh hưởng cho những thủy điện đã xây dựng trước đó, dẫn đến việc điều chỉnh quy trình vận hành của các thủy điện này. Trong đó, mực nước dâng bình thường của thủy điện dưới chân bậc thang trong thực tế ảnh hưởng đến mực nước tối thiểu của thủy điện bậc trên dẫn đến lượng điện của thủy điện bậc trên bị giảm. Điều này khiến cho các chủ đầu tư dự án phải họp lại để điều chỉnh quy trình.

Thực tế cho thấy không ít dự án thủy điện được giao cho chủ đầu tư thiếu năng lực tài chính và kinh nghiệm dẫn đến chất lượng công trình không đảm bảo, phải chăng quá trình lựa chọn nhà đầu tư có tiêu cực, thưa ông?

- Thực tế có nhiều chủ đầu tư phải đi vay đến 80% giá trị đầu tư của dự án, đặc biệt là khi khảo sát thiết kế thi công, người ta phải bổ sung lại thiết kế và biện pháp thi công dẫn đến giá trị dự án tăng lên, chủ đầu tư tiếp tục phải đi vay. Như vậy, trong quá trình phê duyệt dự án, cơ quan quản lý nhà nước đã không kiểm tra được năng lực thực tế về tài chính của chủ đầu tư dự án.

Theo kinh nghiệm của tôi, trong quá trình phê duyệt chủ đầu tư dự án, các cơ quan chức năng sẽ xem xét chủ đầu tư đã xây dựng được bao nhiêu công trình, quy mô và giá thành ra sao? Thế nhưng vẫn có những chủ đầu tư “lọt” qua được khâu này, tạo ra những nghi vấn trong xã hội, phải chăng cơ quan nhà nước có những bộ phận đã bỏ qua nhiều khâu quan trọng, dẫn đến tình trạng chủ đầu tư thiếu năng lực trúng thầu dự án?

Việc chủ đầu tư thiếu năng lực, thiếu kinh nghiệm sẽ khiến dự án bị kéo dài, hiện trường thi công bị xáo trộn, kéo theo đó là sự ảnh hưởng đến chất lượng công trình, gây ra sự cố sạt lở đường hầm, lũ quét qua làm cuộc sống của người dân bị đảo lộn trong thời gian dài.

Lũ chồng lũ và 'lỗ hổng' từ quản lý thủy điện - Ảnh 8
Lũ chồng lũ và 'lỗ hổng' từ quản lý thủy điện - Ảnh 9

Từ những thiệt hại nghiêm trọng bởi lũ chồng lũ, ông có thể đưa ra những kiến nghị nhằm cắt giảm những ảnh hưởng tiêu cực của thủy điện bậc thang?

- Theo tôi, trong những quy định, Nghị định của nhà nước đối với thủy điện, thủy lợi đều nói về dung tích phòng lũ nhưng trong luật lại không làm rõ nhiệm vụ phải cắt giảm lũ cho hạ du. Chính vì thế, các chủ dự án chỉ thực hiện theo những quy định vận hành mà Chính phủ đề ra là phải giảm mực nước thượng lưu ở hồ chứa trước mùa lũ. Điều này gây khó khăn cho cả chủ đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước khi không thể xác định được cần phải giảm bao nhiêu lượng nước là vừa để cắt giảm nước ở thượng lưu, đồng thời cũng tạo kẽ hở cho chủ đầu tư, chỉ cần giảm lượng nước 1-2 m cũng coi như đã tham gia cắt giảm lũ.

Bên cạnh đó, tôi đề nghị phải kiểm tra công tác phòng chống lụt bão trước khi xảy ra lụt bão. Theo tôi được biết, đối với dự án thủy điện Rào Trăng 3, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã lập bản đồ và cảnh báo việc sạt lở và trao cho chính quyền địa phương, thế nhưng có lẽ những cảnh báo này không được triển khai đúng mức dẫn đến việc 13 người bị chôn vùi do sạt lở khi tham gia cứu hộ. Ngoài ra, trong danh sách thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cần bổ sung các chuyên gia cứu hộ, cứu nạn, chuyên gia thủy lợi, thủy điện, môi trường… Có như vậy, công tác phòng chống thiên tai mới có thể đạt được hiệu quả tối ưu.

Trân trọng cảm ơn GS.TS Vũ Trọng Hồng!

Vương Liễu (Thực hiện)

Bạn đang đọc bài viết Lũ chồng lũ và 'lỗ hổng' từ quản lý thủy điện. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới