Chủ nhật, 24/11/2024 12:34 (GMT+7)
Thứ sáu, 26/04/2019 14:40 (GMT+7)

Lùm xùm tranh chấp quyền lực, Đại hội cổ đông Eximbank bất thành

Theo dõi KTMT trên

Sáng nay 26/4, tính đến 9h30 phút, Đại hội cổ đông của Eximbank chỉ có 198 cổ đông, đại diện cho 708.346.564 cổ phần (tỷ lệ 57,62%) số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự, không đủ điều kiện tiến hành đại hội.

Lùm xùm tranh chấp quyền lực, Đại hội cổ đông Eximbank bất thành - Ảnh 1
Đến 9h30, đại hội cổ đông Eximbank vẫn… vắng hoe (Ảnh: Quốc Hải)

Theo ban kiểm tra tư cách cổ đông, đến 9h30 sáng nay, số lượng cổ đông tham dự cuộc họp không đảm bảo đủ tỷ lệ tối thiểu 65% cổ phần có quyền biểu quyết nên cuộc họp ĐHCĐ thường niên lần 33 không thể tiến hành.

Ông Trần Ngọc Dũng, Trưởng Ban Kiểm soát Eximbank cho biết, căn cứ theo quy định tại điều lệ, đại hội sẽ tiến hành trong vòng 30 ngày theo quy định. Thời gian và địa điểm sẽ thông báo sau tới các cổ đông.

Trường hợp cuộc hợp lần hợp thứ nhất bất thành, cuộc họp lần thứ hai chỉ cần có ít nhất 33% số cổ phần có quyền biểu quyết (thay vì 51% như cũ) và được triệu tập trong vòng 30 ngày dự định họp ĐHĐCĐ lần thứ nhất.

Ghi nhận sáng nay, cả ông Lê Minh Quốc và bà Lương Thị Cẩm Tú, tân Chủ tịch HĐQT mới được bầu đang còn gây tranh cãi, đều xuất hiện tại đại hội.

Lùm xùm tranh chấp quyền lực, Đại hội cổ đông Eximbank bất thành - Ảnh 2

Ông Lê Minh Quốc và bà Lương Thị Cẩm Tú trao đổi tại cuộc họp ĐHCĐ sáng nay

Mặc dù vấn đề nhân sự cấp cao của Eximbank đang rất được quan tâm, từ việc ngân hàng đang trong tình trạng không có Tổng Giám đốc (do hợp đồng lao động với Tổng Giám đốc Lê Văn Quyết đã hết hạn từ ngày 5/4/2019. Trong hơn 20 ngày qua, Eximbank không có Tổng giám đốc, đồng thời là người đại diện theo pháp luật duy nhất; đặc biệt, việc tranh giành chiếc ghế Chủ tịch HĐQT vẫn chưa có hồi kết giữa ông Lê Minh Quốc và bà Lương Thị Cẩm Tú…

Tuy nhiên, vấn đề nhân sự này đều không có trong kế hoạch chương trình nghị sự tại ĐHĐCĐ thường niên năm nay của Eximbank.

Do đó, tại đại hội này các cổ đông chờ đợi thông tin chính thức về vấn đề tranh chấp nhân sự HĐQT và miễn nhiệm, bầu Chủ tịch HĐQT giữa các nhóm cổ đông.

Theo đó, ngày 22/3, HĐQT Eximbank đã ban hành Nghị quyết 112 bổ nhiệm bà Lương Thị Cẩm Tú, thành viên HĐQT (nguyên Tổng giám Nam A Bank, bầu vào Thành viên HĐQT Eximbank tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2018) giữ chức Chủ tịch HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VI (2015 – 2020) thay cho ông Lê Minh Quốc, thành viên HĐQT độc lập bị miễn nhiệm cùng ngày.

Tuy nhiên, sau đó ông Lê Minh Quốc đã có đơn gửi Toà án nhân dân TP. HCM yêu cầu huỷ Nghị quyết số 112 của HĐQT Eximbank vì cho rằng cuộc họp thay đổi nhân sự HĐQT này là không đúng quy định pháp luật.

Toà án đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, buộc HĐQT Eximbank phải dừng thực hiện Nghị quyết số 112 về việc thay đổi Chủ tịch HĐQT cho đến khi giải quyết xong vụ án.

Trong một diễn biến khác, mới đây, nhóm 5 thành viên HĐQT gồm ông Đặng Anh Mai, ông Hoàng Tuấn Khải, ông Cao Xuân Ninh, ông Yasuhiro Saitoh và ông Yutaka Moriwaki sáng 23/4 đã có thông báo mời họp HĐQT (diễn ra vào ngày 6/5) với nội dung chấm dứt hiệu lực của Nghị quyết 112/2019/EIB-NQ-HĐQT ngày 22/3/2019 của HĐQT Eximbank. Nghị quyết 112 có nội dung thông qua việc bầu bà Lương Thị Cẩm Tú làm Chủ tịch HĐQT thay cho ông Lê Minh Quốc, và xem xét gia hạn hoặc bổ nhiệm mới chức danh TGĐ đối với ông Lê Văn Quyết.

Theo tài liệu họp, nội dung đáng chú ý là Eximbank sẽ trình ĐHCĐ phương án đầu tư trụ sở mới tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm, điều chỉnh điều lệ ngân hàng liên quan điều kiện tổ chức ĐHCĐ, đại diện theo pháp luật… Theo đó, ngân hàng đề xuất thay đổi điều lệ hiện hành từ Người đại diện là Tổng giám đốc thành tổng giám đốc hoặc Chủ tịch HĐQT trong thời gian chức danh này bị khuyết. Điều kiện tổ chức đại hội cổ đông cũng được đề xuất giảm từ 65% cổ phần có quyền biểu quyết xuống còn 51%.

Với đề xuất thay đổi người đại diện pháp luật này, bà Lương Thị Cẩm Tú, tân Chủ tịch HĐQT sẽ có thể trở thành người đại diện pháp luật của ngân hàng và nắm quyền lực điều hành trên phương diện pháp lý hợp pháp.

Theo tờ trình, năm 2019, Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 30%, lên 1.077 tỷ đồng. Tổng tài sản đạt trên 181.000 tỷ đồng, huy động vốn 143.500 tỷ đồng và dư nợ cấp tín dụng tăng trưởng 11% theo hạn mức do Ngân hàng Nhà nước thông báo.

Eximbank cũng đang tính xin nới room tín dụng nếu được cơ quan quản lý chấp thuận.

Trong năm qua, Eximbank tiếp tục không hoàn thành kế hoạch đề ra, khi tín dụng chỉ tăng 3%, huy động vốn tăng 1%, tổng tài sản tăng 2%… Lợi nhuận trước thuế của riêng ngân hàng chỉ đạt 801 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế năm 2018 hợp nhất đạt 827 tỷ đồng, chỉ hoàn thành 52% kế hoạch. Tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2018 chỉ còn 1,84% tổng dư nợ.

Lãnh đạo Eximbank giải trình rằng, lợi nhuận đạt thấp do năm qua ngân hàng đã trích bổ sung dự phòng 904 tỷ đồng (bao gồm trích bổ sung dự phòng trái phiếu đặc biệt VAMC theo quy định Thông tư số 08/2016/TT-NHNN ngày 16/6/2016 số tiền 514 tỷ đồng và trích bổ sung dự phòng khoản phải thu khó đòi liên quan đến 2 vụ việc tiền gửi của bà Chu Thị Bình và Nguyễn Thị Lam số tiền 390 tỷ đồng).

Kim Anh

Bạn đang đọc bài viết Lùm xùm tranh chấp quyền lực, Đại hội cổ đông Eximbank bất thành. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới