Chủ nhật, 24/11/2024 02:20 (GMT+7)
Thứ tư, 25/10/2023 10:05 (GMT+7)

Lý do nào khiến hơn 400 nhân viên bảo vệ rừng tại Kon Tum xin nghỉ việc?

Theo dõi KTMT trên

Theo Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum, những người làm công tác quản lý bảo vệ rừng không mặn mà với nghề, xin nghỉ việc là do môi trường làm việc nặng nhọc, áp lực về trách nhiệm và chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng.

Thông tin từ Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum cho hay, từ năm 2018 đến nay, có 401 người làm công tác quản lý bảo vệ rừng xin nghỉ việc. Trong đó, có 6 kiểm lâm, 222 người làm việc tại các Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ và 173 người làm việc tại các Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp.

Nói về thực trạng trên, cơ quan bảo vệ rừng Kon Tum cho biết, những người làm công tác quản lý bảo vệ rừng không mặn mà với nghề, xin nghỉ việc là do môi trường làm việc nặng nhọc, áp lực về trách nhiệm và chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng.

Lý do nào khiến hơn 400 nhân viên bảo vệ rừng tại Kon Tum xin nghỉ việc? - Ảnh 1
Nhân viên bảo vệ rừng xin nghỉ việc là do môi trường làm việc nặng nhọc, áp lực về trách nhiệm và chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng.

Cụ thể, lực lượng kiểm lâm hiện hưởng lương 8h/ngày song phải chịu trách nhiệm về diện tích rừng địa bàn quản lý là 24/24 giờ. Do lực lượng mỏng nên các ngày nghỉ, ngày lễ người lao động vẫn phải trực và chịu trách nhiệm về diện tích rừng quản lý.

Ngoài ra, mặc dù công việc bảo vệ rừng thường nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với côn trùng và vi sinh vật gây bệnh, nhưng chưa được quy định trong danh mục ngành nghề nặng nhọc, độc hại. Trong khi đó, quyền hạn của lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách còn hạn chế đã gây khó khăn và áp lực...

Cùng với đó, điều kiện kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, kéo theo nhu cầu đất ở, đất sản xuất tăng cao cũng tạo áp lực lên công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng.

Để giải quyết tình trạng cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng xin nghỉ việc, UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản kiến nghị Chính phủ có chính sách đặc thù cho lực lượng kiểm lâm nói riêng và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách nói chung.

Cùng với đó UBND tỉnh Kon Tum cũng đã chỉ đạo các đơn vị chủ rừng lập phương án khoán rừng và đất lâm nghiệp để người lao động nhận khoán quản lý bảo vệ rừng, đồng thời phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập để gắn bó với rừng, yên tâm công tác.

Trả lời phỏng vấn VietNamPlus, ông Nguyễn Hữu Thiện, Cục trưởng Cục Kiểm lâm từng cho biết, gần 4 năm trở lại đây có khoảng hơn 1.000 kiểm lâm viên nghỉ việc, trong đó có cả nghỉ hưu, chuyển công tác, có nhu cầu công việc khác…

Theo ông Thiện, hiện các chế độ chính sách cho lực lượng kiểm lâm cơ bản đã được pháp luật quy định. Tuy nhiên, thực tế thu nhập của họ còn thấp khi phải làm việc trong môi trường, điều kiện khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, địa bàn rộng lớn, thậm chí nguy hiểm.

Cũng theo lãnh đạo Cục Kiểm lâm, chỉ tiêu quy định cả nước cần có khoảng 15.000 kiểm lâm, nhưng hiện nay đang thiếu khoảng gần 4.000 chỉ tiêu. Nhiều địa phương đang có nhu cầu tuyển dụng kiểm lâm nhưng cũng gặp khó khăn.

Nguyên nhân là sinh viên ra trường có chuyên ngành lâm nghiệp ngày càng ít đi. Các trường có chuyên ngành lâm nghiệp tuyển dụng để đào tạo được rất thấp. Sinh viên lâm nghiệp ra trường không có được mức lương, thu nhập tương đương so với các ngành nghề khác nên không khuyến khích, thu hút được sinh viên theo học.

H.A

Bạn đang đọc bài viết Lý do nào khiến hơn 400 nhân viên bảo vệ rừng tại Kon Tum xin nghỉ việc?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới