Miền Trung chìm trong mưa lũ, nhiều nơi bị chia cắt cục bộ
Mưa lớn 2 ngày qua khiến nhiều nơi bị ngập lụt chia cắt cục bộ, một số tuyến đường miền núi sạt lở, ách tắc giao thông. Mưa lũ khiến 3 người chết, 3 người mất tích ở các tỉnh miền Trung.
Quảng Trị: 2 người chết và mất tích
Cụ thể, 2 người ở huyện Hướng Hóa khi chèo đò qua con suối gần hồ thủy điện Rào Quán đi làm rẫy, gặp mưa lớn, nước chảy xiết, làm lật đò, nạn nhân bị nước cuốn trôi mất tích. Một người khác cũng ở huyện Hướng Hóa mất tích vào khoảng 20 giờ tối qua (7/10) khi đang trên đường về nhà thì bị nước cuốn trôi. Một em nhỏ 3 tuổi ở xã Hải Phong, huyện Hải Lăng đang chơi tại sân nhà sát bờ sông Ô Lâu trượt chân bị nước cuốn trôi đã tìm thấy thi thể.
Nước sông lên nhanh, các điểm tràn bị ngập sâu, gây chia cắt nhiều khu vực trên địa bàn huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 9 qua huyện Đakrông bị tắc nghẽn vì sạt lở.
Tại thị trấn Lao Bảo, rất nhiều nhà dân chìm sâu từ 1 mét đến 1,5 mét. Ngay trong tối qua và rạng sáng nay, huyện Hướng Hóa đã triển khai di dời dân tại các vùng thấp trũng, khu vực sạt lở và các hộ dân sống gần sông Sê Pôn đến nơi an toàn.
Ông Lê Quang Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị cho biết, từ hôm qua đến sáng nay, toàn huyện đã di dời gần 1.100 hộ dân với hơn 4.500 nhân khẩu ở 7 xã đến nơi an toàn.
“Tối qua mưa to, tại khu vực thị trấn Lao Bảo hiện nay đang ngập. Nước sông Sê Pôn có rút nhưng rút chậm, bây giờ mưa to sợ nước sẽ lên lại. Huyện chỉ đạo cho các xã vận động bà con di dời thì ở yên tại vị trí đã tổ chức di dời đến. Hiện nay trên địa bàn huyện đã có mất tích 3 người. Học sinh hôm nay đã được nghỉ học. Còn lại đường giao thông thì bị sạt lở trên tuyến từ xã Hướng Tân đi xã Hướng Linh giao thông ách tắc, đang cho kiểm tra để lên phương án thông đường tạo điều kiện cho bà con lưu thông trở lại”, ông Thuận nói.
Quảng Nam: Nhiều nơi ngập sâu
Từ ngày 6 đến 8/10, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến từ trên 260 đến 542 mm, đã gây thiệt hại đến các công trình công cộng, tài sản của các hộ dân.
Sáng 8/10, nhiều nơi ở TP.Hội An (Quảng Nam) ngập sâu. Mưa lớn trong nhiều ngày khiến nước sông Hoài dâng cao, tràn vào một số tuyến đường trong khu phố cổ.
Tại khối phố An Hội thuộc phường Minh An, lực lượng chức năng rào chắn 2 khu vực nước sông Hoài dâng cao. Nhiều người dùng cây khơi thông dòng chảy bị rác bịt lại.
Nước mấp mé mặt đường ở khu vực Chùa Cầu. Theo dự báo của cơ quan khí tượng, mực nước lũ chiều 8/10 là 1,6 m và diễn biến mưa vẫn còn phức tạp những ngày tới. Tại thuỷ điện Sông Tranh 2, mực nước hồ trong ngày 7-8/10 đã tăng từ 145 m lên 151 m. Thủy điện Sông Tranh 3 (dưới lưu vực Sông Tranh 2) phải xả lũ với lưu lượng 200-400 m3/s.
Nước sâu gần 1 m, người dân phải dùng ghe để di chuyển. Theo ông Nguyễn Văn Lanh, Phó chủ tịch UBND TP.Hội An, địa phương đã cho dừng hoạt động trên phố đi bộ và tham quan phố cổ để tập trung phòng chống lũ lụt.
Tại huyện Nam Trà My, mưa lớn đã làm tuyến Quốc lộ 40B từ xã Trà Mai - xã Trà Don và các tuyến đường về các thôn 3 (xã Trà Mai), thôn 5 (xã Trà Giang), thôn 1 (xã Trà Tập), thôn 2 (xã Măng Lùng) bị sạt lở, ách tắc giao thông, người dân không thể đi lại được; sạt lở nhà ở của ông Hồ Văn Hoành ở thôn 1, xã Trà Vân.
Đà Nẵng: Học sinh nghỉ học tránh lũ
Sáng 8/10, Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng có công văn yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, trường học khẩn trương thông báo cho toàn thể học sinh, học viên, sinh viên toàn thành phố nghỉ học từ trưa ngày 8/10.
Đối với các trường có học bán trú, nhà trường thông báo phụ huynh đón học sinh sau buổi học sáng nay, đảm bảo an toàn, chu đáo. Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng lưu ý, trong lúc mưa to, phụ huynh, học sinh, sinh viên thực hiện tốt trật tự an toàn giao thông khi đưa đón con em trước cổng trường.
Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng cũng chỉ đạo các trường tiến hành rà soát, kiểm tra và có biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống ngã đổ cây xanh trong trường học; kiểm tra hệ thống quạt trần, thiết bị điện, dây điện, cáp viễn thông đảm bảo độ cao an toàn, không gây nguy hiểm khi đi lại; kiểm tra, chằng chống tường rào, cổng ngõ, trần nhà, mái nhà; che chắn phòng học, phòng làm việc và các khu vực có khả năng bị ảnh hưởng do mưa to, gió lớn.
Đối với các trường học trên địa bàn những nơi ngập úng, thấp trũng, những nơi có công trình, cầu cống không an toàn… có thể gây nguy hiểm cho giáo viên, nhân viên và sinh viên, học sinh, học viên, nhất là học sinh nhỏ tuổi (trung học cơ sở, tiểu học, mầm non) thì thủ trưởng đơn vị chủ động liên lạc với phụ huynh để đưa đón học sinh ra về an toàn.
Sáng cùng ngày, UBND TP.Đà Nẵng đã có công văn khẩn về công tác phòng, chống mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất.
Thừa Thiên - Huế: Hồ chứa 500 triệu m3 nhận lệnh khẩn xả nước
Sáng 8/10, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừ Thiên - Huế đã ban hành lệnh yêu cầu vận hành điều tiết hồ chứa Tả Trạch.
Theo đó, căn cứ tình hình lưu lượng thực tế đến hồ, thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừ Thiên - Huế yêu cầu Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 5 vận hành điều tiết hồ Tả Trạch.
Cụ thể, hồ Tả Trạch phải điều tiết qua cống tháo sâu và tua-bin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến khoảng từ 140-900m3/s. Thời gian bắt đầu mở cửa cống tháo sâu là 11h30 trưa ngày 8/10.
Khi thực hiện lệnh này, Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 5 phải thường xuyên cập nhật thông tin báo cáo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh để có sự chỉ đạo.
Hồ chứa Tả Trạch nằm ở thượng nguồn sông Hương hiện có dung tích chứa hơn 500 triệu m3 nước. Hồ Tả Trạch có nhiệm vụ chống lũ tiểu mãn, lũ sớm và giảm lũ chính vụ cho hệ thống sông Hương. Đây là công trình hồ chứa lớn nhất tỉnh Thừ Thiên - Huế và hồ thủy lợi lớn thứ hai khu vực miền Trung, chỉ sau hồ Cửa Đạt ở Thanh Hóa.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa phát lệnh yêu cầu vận hành điều tiết hồ chứa Tả Trạch kể từ trưa 8/10, để phục vụ giảm lũ. Cùng ngày, học sinh toàn tỉnh Thừ Thiên - Huế đã được yêu cầu nghỉ học do mưa lũ phức tạp.
Mưa lớn khiến lũ trên sông Gianh, Kiến Giang, Nhật Lệ lên nhanh
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ đêm 6 đến 8/10, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến trên 100mm.
Nhiều nơi như huyện Minh Hóa lượng mưa đạt 646mm, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh đạt 534 mm, thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy đạt 402mm. Lũ trên hai sông Kiến Giang, Nhật Lệ đã vượt báo động 3.
Mực nước trên sông Kiến Giang tại trạm Kiến Giang vượt mức báo động 3 là 155cm, trên sông Nhật Lệ tại trạm Đồng Hới vượt mức báo động 3 là 22cm, nước trên sông Giang đang tiếp tục lên nhanh.
Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, đến 10 giờ ngày 8/10, toàn tỉnh có 25 thôn, bản thuộc bảy xã bị chia cắt cục bộ do nước dâng cao gây ngập một số đoạn đường vào thôn, bản. Cụ thể huyện Minh Hóa có một xã và 12 bản, huyện Bố Trạch có sáu bản, huyện Quảng Ninh có năm bản và một thôn, huyện Lệ Thủy có hai bản.
Riêng rốn lũ Tân Hóa, huyện Minh Hóa đã có 50 căn nhà ngập sâu 0,5m. Huyện Tuyên Hóa đã lên phương án vận động, tổ chức di dời 430 hộ với 1.600 khẩu ra khỏi vùng nguy hiểm.
Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình đã có công điện yêu cầu các đơn vị trực thuộc có phương án chủ động ứng phó, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh. Toàn tỉnh có 268 trường với trên 87.000 học sinh đã được nghỉ học.
Nhật Hạ