Chủ nhật, 24/11/2024 06:58 (GMT+7)
Thứ tư, 16/02/2022 06:00 (GMT+7)

‘Mở cửa’ hàng không, du lịch là tín hiệu tích cực để phục hồi kinh tế

Theo dõi KTMT trên

Các chuyên gia kinh tế đánh giá việc ‘mở cửa hoàn toàn’ đối với hàng không và du lịch là tín hiệu tích cực để sớm khôi phục nền kinh tế sau những tác động của Covid-19.

Hôm nay 15/2, tin Việt Nam mở lại toàn bộ các chuyến bay thương mại quốc tế đã thực sự khiến ngành hàng không và du lịch tìm thấy điểm sáng sau thời gian dài hứng chịu những tác động khủng khiếp từ đại dịch Covid-19.

Cùng với các hãng hàng không, các doanh nghiệp lữ hành xem “động thái” này của các nhà chức trách như chiếc phao cứu sinh. Đặc biệt với các doanh nghiệp du lịch, việc mở cửa toàn bộ các chuyến bay thương mại quốc tế là yếu tố then chốt để phục hồi du lịch ở cả 2 hình thức: Inbound (đón khách quốc tế vào Việt Nam) và Outbound (đưa khách Việt ra nước ngoài). Theo đó, việc mở đường bay sẽ là tiền đề, tín hiệu vui để du khách sớm có kế hoạch trở lại Việt Nam.

‘Mở cửa’ hàng không, du lịch là tín hiệu tích cực để phục hồi kinh tế - Ảnh 1
Nhiều điểm du lịch đang mong ngóng khách du lịch trở lại. (Ảnh: B.Đ)

Trao đổi với PV Kinh tế Môi trường, chuyên gia hàng không Bùi Doãn Nề cho biết, ngay khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương mở lại khai thác các đường bay thương mại Quốc tế thường lệ từ ngày 1/1/2022, hàng không đã triển khai khai thác lại các đường bay quốc tế thường lệ chở khách vào Việt Nam.

Trên cơ sở nhà chức trách không hạn chế tần suất khai thác các đường bay quốc tế thường lệ từ ngày 15/2, các hãng hàng không sẽ tiếp tục duy trì khai thác các đường bay quốc tế đã khôi phục, đồng thời gia tăng tần suất, khôi phục thêm các đường bay quốc tế trong thời gian tới.

Cùng với việc mở cửa chào đón hành khách quốc tế, các hãng hàng không cần tiếp tục tuân thủ chặt chẽ các quy định của cơ quan chức năng về nhập cảnh và phòng chống dịch bệnh đối với các chuyến bay quốc tế.

Theo chuyên gia Bùi Doãn Nề, để Việt Nam thu hút được khách du lịch, tăng khả năng cạnh tranh về điểm đến, Chính phủ cũng cần xem xét gỡ bỏ quy định cách ly đối với hành khách đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc RT-PCR trong vòng 72 giờ trước chuyến bay.

“Bên cạnh đó, việc mở hoàn toàn là tín hiệu tích cực, nhưng cần cân nhắc đến khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng, sự phục hồi của từng thị trường, khả năng bay đối ứng của các hãng hàng không ở Việt Nam để đảm bảo cạnh tranh; đồng thời cũng để bảo vệ các hãng hàng không của Việt Nam vốn đang có sức khoẻ, tiềm lực tài chính không tốt sau hơn 2 năm đại dịch Covid-19. Dự báo trong kịch bản lạc quan, Chính phủ bỏ các hạn chế nhập cảnh và nới lỏng qui định cách ly, tốc độ phục hồi nhanh, thì khách tổng thị trường hàng không quốc tế có thể đạt gần 20 triệu khách, phục hồi tương đương 52% năm 2019”, ông Bùi Doãn Nề đánh giá.

Chuyên gia cũng nhấn mạnh, các đường bay quốc tế chiếm tỷ trọng doanh thu lớn của các hãng hàng không, do đó việc này có ý nghĩa rất lớn đối với hàng không và nền kinh tế. Bên cạnh tiến độ tiêm chủng và tình hình kiểm soát dịch bệnh đang ngày càng tích cực trên thế giới, nhu cầu du lịch, công vụ bị kìm nén trong 02 năm đại dịch sẽ là một trong những yếu tố quan trọng mang đến cơ hội cho sự phục hồi của hàng không.

“Hàng không là lĩnh vực cơ sở hạ tầng, sự phục hồi của hàng không sẽ là tiền đề kéo theo sự phục hồi của những ngành liên quan như du lịch, thương mại, đầu tư nói riêng; cả nền kinh tế nói chung”, chuyên gia kinh tế cho hay.

Đối với ngành du lịch, bà Hoàng Thùy Linh, Phó Giám đốc Tiếp thị truyền thông Lữ hành Saigontourist cho rằng đường bay mở tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng nhiều sản phẩm, phù hợp nhiều đối tượng, qua đó thu hút du khách và tạo mức giá cạnh tranh. Hiện Saigontourist đã mở bán các tour cho người Việt Nam tới Thái Lan, Maldives, Campuchia và Mỹ.

Tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp lữ hành cho rằng, dù hàng không đã mở cửa nhưng để du lịch thực sự trở lại vẫn cần nhiều thời gian.

Đồng quan điểm với ông Bùi Doãn Nề về các thủ tục nhập cảnh đối với khách quốc tế, đại diện Saigontourist cho biết, hiện các quy định này vẫn còn khá khắt khe, lệ phí cao, chỉ cho phép đón khách đến 7 địa phương. Điều này khiến ngành du lịch chưa tạo được cạnh tranh trong khu vực.

Về vấn đề này, đại diện một doanh nghiệp lữ hành ở Đà Nẵng chia sẻ, hàng không là bước đệm để phát triển du lịch. Trong đó, chi phí của một tour du lịch, giá vé máy bay chiếm 50%. Vì vậy, nếu “mở cửa” hàng không nhưng vẫn “đóng” ở các thủ tục, quy định thì du lịch vẫn chưa thể bùng nổ và nhanh chóng hồi phục.

“Hơn hai năm chống chọi với những khó khăn do Covid-19, các doanh nghiệp lữ hành đang móng ngóng từng ngày để trở lại đón khách du lịch, đặc biệt du lịch quốc tế. Việc mở cửa các chuyến bay thương mại quốc tế là tín hiệu đáng mừng, mở ra cơ hội mới với du lịch. Nhưng để du lịch thực sự trở lại, cần có sự trở lại đồng bộ của nhiều yếu tố khác chứ không chỉ mỗi hàng không, đó là hạ tầng cơ sở, khách sạn, an ninh xã hội, đảm bảo y tế...”, đại diện doanh nghiệp lữ hành Đà Nẵng cho biết.

‘Mở cửa’ hàng không, du lịch là tín hiệu tích cực để phục hồi kinh tế - Ảnh 2
Mở cửa du lịch vẫn cần đảm bảo quy định 5K. (Ảnh minh họa)

Một vấn đề nữa, theo các doanh nghiệp lữ hành là việc hiện nay mới chỉ có 10 quốc gia công nhận hộ chiếu vaccine của Việt Nam. Con số này là quá thấp. Điều này đã làm hạn chế cơ hội đi du lịch của khách Việt Nam đến các quốc gia nước ngoài. Khi nhu cầu xuất ngoại của khách Việt chưa lớn thì các hãng hàng không chưa thể tăng chuyến bay, vì thế mà chi phí vé máy bay của người Việt ra nước ngoài hiện vẫn cao.

Theo chuyên gia hàng không Nguyễn Thiện Tống, du lịch và hàng không có quan hệ mật thiết. Sau khi mở cửa hàng không, du lịch cần khoảng thời gian từ 3-6 tháng mới có thể thực sự hồi phục. Việc mở đường bay thương mại mới chỉ là bước đầu để triển khai dần kế hoạch, biện pháp kích cầu, đón đầu làn sóng khách du lịch hè và mùa du lịch quốc tế cuối năm. Đó cũng là khoảng thời gian để các doanh nghiệp lữ hành tập trung chuẩn bị tốt nhất các điều kiện để chào đón khách du lịch một cách chu đáo, chuyên nghiệp nhất.

Sáng 15/2, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đã cùng thống nhất đề xuất với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về phương án mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các Bộ, ngành khẩn trương triển khai các giải pháp để mở lại hoạt động du lịch và giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục xây dựng hướng dẫn chi tiết, kịp thời báo cáo Chính phủ.

Theo đề xuất này, hoạt động du lịch quốc tế và nội địa được mở trở lại hoàn toàn từ 15/3 bằng đường hàng không, đường bộ, đường biển. Các biện pháp kiểm soát đi lại từ khi bùng dịch được dỡ bỏ, thay vào đó thực kiện 5K ở mọi khâu, mọi lúc...

Du khách quốc tế đến Việt Nam không cần đăng ký tour. Họ chỉ cần chứng nhận tiêm đủ vaccine Covid-19 hoặc chứng nhận khỏi bệnh. Kết quả xét nghiệm âm tính nCoV là bắt buộc, song được phép xét nghiệm nhanh. Trẻ em trên 12 tuổi đến Việt Nam được yêu cầu tiêm 2 mũi vaccine.

Đại diện các bộ cũng đề xuất Việt Nam miễn visa đơn phương cho 13 nước và song phương cho 88 quốc gia/vùng lãnh thổ, như trước dịch.

Cũng trong ngày 15/2, hàng không Việt Nam cũng bắt đầu mở lại toàn bộ đường bay thường lệ quốc tế đến các nước sau gần hai năm đóng cửa.

Để chuẩn bị mở lại du lịch quốc tế trước 31/3 theo chỉ đạo của Chính phủ, Cục Hàng không Việt Nam quyết định dỡ bỏ hạn chế về tần suất khai thác với các đường bay quốc tế. Toàn bộ chặng bay trở lại bình thường như trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.

Linh Đan

Bạn đang đọc bài viết ‘Mở cửa’ hàng không, du lịch là tín hiệu tích cực để phục hồi kinh tế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới