Chủ nhật, 24/11/2024 08:09 (GMT+7)
Thứ sáu, 20/09/2019 14:00 (GMT+7)

Mở rộng rừng ven biển giúp bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế

Theo dõi KTMT trên

Dự án đầu tư phát triển rừng ven biển đầm phá tại tỉnh Thừa Thiên - Huế với mục đích bảo vệ, trồng mới, phục hồi các hệ sinh thái ven biển và đầm phá, không những góp phần giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu mà còn phát triển nuôi trồng thủy sản, phát triển kinh tế.

Thừa Thiên - Huế: Phát triển du lịch thông minh và bền vững

Từ khi thực hiện dự án đến nay, nhiều diện tích rừng trồng ngập mặn đã được hình thành. Cây phân tán được trồng tại các ao nuôi thủy sản của các hộ dân sinh trưởng phát triển tốt, góp phần chống sạt lở, hạn chế được tác động của sóng, bão lũ, bảo vệ ao nuôi trồng thủy sản, bờ phá, bờ sông, làm giảm được kinh phí tu bổ đê bảo vệ hàng năm.

Mở rộng rừng ven biển giúp bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - Ảnh 1
Rừng ngập mặn Rú Chá (xã Hương Phong, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế), diện tích đã mở rộng lên gần 20 ha.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế, từ năm 2015 đến nay, đã tổ chức trồng được 421,2 ha/455,7 ha đạt 92,4% so với kế hoạch, gồm 255 ha rừng trồng trên cát, 125 ha rừng trồng ngập mặn và 41,2 ha rừng trồng ngập ngọt. Trong đó, diện tích rừng trồng trên cát sinh trưởng tốt, phần lớn diện tích này đã hoàn thành giai đoạn kiến thiết cơ bản, nhiều diện tích đã khép tán, có khả năng thành rừng.

Mở rộng rừng ven biển giúp bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - Ảnh 2
528.370 cây ngập mặn tương đương với 160 ha rừng, đã được trồng ven biển đầm phá tại tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên - Huế) chia sẻ, việc mở rộng diện tích rừng trồng ngập mặn là rất khả thi. Hiện nay, qua việc đi khảo sát một số địa phương thì người dân có nguyện vọng được chuyển đổi đất trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản trong môi trường rừng ngập mặn. Nếu người dân nuôi thủy sản trong hệ sinh thái rừng ngập mặn, sẽ giúp vật nuôi phát triển tốt hơn, ít bệnh tật và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Sau khi thực nghiệm mô hình nuôi trồng thủy sản tại rừng ngập mặn, đã cho thấy hiệu quả kinh tế cao hơn. Cụ thể, khi chưa có rừng, người dân thả nuôi 5 vạn tôm thì 1kg tôm được 50 con, đến khi hình thành rừng, 1kg tôm được 32 con. Ngoài ra, tận dụng nguồn thực vật phù du trong hệ sinh thái rừng, người dân chỉ cần dùng 30% khối lượng thức ăn cho tôm so với trước đây.

Mở rộng rừng ven biển giúp bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - Ảnh 3
Sử dụng rừng ngập mặn để nuôi trồng thủy sản, đạt hiệu quả kinh tế cao.

Từ kết quả thực nghiệm, ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế nhận định, việc trồng rừng ngập mặn không chỉ bảo vệ đê biển, bảo vệ sản xuất nông nghiệp mà còn tạo nguồn sinh kế bền vững giúp người dân vùng ven biển phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Chính quyền địa phương cần tạo điều kiện hỗ trợ cho người dân chuyển đổi nuôi trồng thủy sản, nhằm phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Cùng với đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế nghiên cứu, mở rộng diện tích rừng trồng ngập mặn với tiêu chí liên tục, liền thửa nhằm hình thành hệ sinh thái rừng ngập mặn có diện tích lớn, là lá phổi xanh của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Trong đó, chú trọng vào các địa điểm có độ mặn cao để kết hợp, tạo điều kiện cho người dân nuôi trồng thủy sản cùng các đơn vị nghiên cứu, hình thành hệ thống giao thông đường thủy để phục vụ người dân phát triển các loại hình dịch vụ, du lịch sinh thái tại rừng ngập mặn.

Mở rộng rừng ven biển giúp bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - Ảnh 4
Rừng ven biển tại xã Quảng Lợi (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã khép tán tạo thành rừng.

Hiện nay, diện tích rừng ven biển ở xã Hương Phong (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) gần 20 ha, tại xã Quảng Lợi (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã lên đến 45,57 ha, hiện đang sinh trưởng tốt và đã khép tán thành rừng, bước đầu đã phát huy được chức năng về rừng phòng hộ, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, phát triển kinh tế, tạo hệ sinh thái bãi giống cho các loài thủy sản phát triển. Đặc biệt, là phát triển mô hình du lịch sinh thái trên vùng đầm phá Tam Giang.

Như Kinh tế Môi trường thông tin, khi đến với Huế, du khách không chỉ tham quan các di tích lịch sử mà còn thỏa sức trải nghiệm ngắm cảnh hoàng hôn, bình minh trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Đặc biệt, là khu rừng nguyên sinh Rú Chá trên đầm phá Tam Giang. Rú Chá được biết đến với cái tên thân thiện với môi trường, do người dân địa phương gọi từ đời này sang đời khác. Bởi vì ở vùng đất hoang sơ ngập mặn này, cây chá mọc dày đặc, như một bức bình phong "án ngữ" che chắn cho đất liền.

Đại Nghĩa – Trường Sơn

Bạn đang đọc bài viết Mở rộng rừng ven biển giúp bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới