Chủ nhật, 24/11/2024 03:42 (GMT+7)
Chủ nhật, 06/10/2024 06:45 (GMT+7)

Mỗi năm đồng bằng sông Cửu Long mất 600 - 800ha đất do sạt lở

Theo dõi KTMT trên

Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) cho biết, mỗi năm, toàn vùng mất khoảng 600 - 800ha đất và vị trí sạt lở đã hơn 1.000 điểm, khiến hàng nghìn hộ dân phải di dời khỏi khu vực nguy hiểm.

Ghi nhận cho thấy, hồi cuối tháng 7, tỉnh Trà Vinh đã phải công bố tình huống khẩn cấp sạt lở ven sông Hậu thuộc hai xã Ninh Thới và Hòa Tân, huyện Cầu Kè. 15 điểm sạt lở, với tổng chiều dài gần 1 km, có những đoạn sạt lở lấn sát chân đường ảnh hưởng tới nhà dân, trường học.

Ngày 30/7, tỉnh Vĩnh Long công bố tình huống khẩn cấp sạt lở trên tuyến kênh La Ghì qua xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn với chiều dài khoảng 200 mét, ảnh hưởng trực tiếp tới 15 nhà dân. Trước đó, trong tháng 6, tỉnh này cũng công bố tình huống sạt lở khẩn cấp 80 mét bờ sông Trà Ôn thuộc xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn và gần 270 mét bờ sông Măng Thít, xã Tân An Luông, huyện Vũng Liêm.

Ngày 25/7, tỉnh Đồng Tháp xảy ra vụ sạt lở bờ sông Tiền nghiêm trọng với chiều dài 50 mét, sâu 60 mét, nhấn chìm hơn 3.000 mét vuông đất tại xã An Hiệp, huyện Châu Thành.

Tại Cà Mau, đầu tháng 7, ven sông thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển bị sạt lở khiến 4 căn nhà sụp hoàn toàn xuống sông, 5 căn nhà phải di dời khẩn cấp trong đêm. Tính từ đầu năm, Cà Mau ghi nhận hơn 20 vụ sạt lở, làm đổ sụp và hư hỏng hàng trăm căn nhà, hàng nghìn ha đất sản xuất, gần 30km đường giao thông.

Tại thành phố Cần Thơ, tính hết 7 tháng năm 2024 đã xảy ra 24 vụ sạt lở bờ sông với tổng chiều dài khoảng 830m, tập trung tại các quận, huyện: Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, Phong Điền, Cờ Đỏ và Cái Răng. Đó chỉ là những thông tin về sạt lở gần đây. Trong nhiều năm qua, khu vực ĐBSCL đã xảy ra nhiều vụ việc sạt lở, sụt lún gây thiệt hại về người và của.

Mỗi năm đồng bằng sông Cửu Long mất 600 - 800ha đất do sạt lở - Ảnh 1
Sạt lở đe dọa Đồng bằng sông Cửu Long (Trong ảnh: Công nhân thi công khắc phục sạt lở Quốc lộ 91 qua xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang hồi tháng 6/2023).

Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) cho biết tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển và sụt lún đất ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang ở mức báo động. Mỗi năm, toàn vùng mất khoảng 600 - 800ha đất và vị trí sạt lở đã hơn 1.000 điểm, khiến hàng nghìn hộ dân phải di dời khỏi khu vực nguy hiểm.

Các dự báo cho thấy, đến năm 2040, lượng phù sa về ĐBSCL chỉ còn lại khoảng 3 - 5%, phần lớn bị giữ lại ở các đập thủy điện thượng nguồn. Hệ quả của việc thiếu phù sa là làm gia tăng sạt lở bờ sông và bờ biển ở vùng hạ lưu sông Mê Kông. Thêm vào đó, tình trạng khai thác cát quá mức trên các con sông ở ĐBSCL làm mất ổn định lòng dẫn, gây hiện tượng sạt lở và sụt lún.

PGS.TS Lê Anh Tuấn, đang công tác tại Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) nhận định với tình trạng hiện nay, sạt lở ở ĐBSCL có thể tiếp diễn trong nhiều thập kỷ tới do lượng phù sa từ sông Mê Kông ngày càng giảm, cùng với việc khai thác cát và nước ngầm quá mức. Khi thiếu phù sa, làm cho sông sâu hơn và bờ sông trở nên dốc, dẫn đến trượt và sạt lở đất để bù đắp.

"Sông Tiền và sông Hậu - hai sông chính vùng ĐBSCL hiện có đáy sâu hơn trước, nên phải rút đáy từ các sông nhánh ra để bù. Các sông nhánh lại tiếp tục rút đáy các nhánh của nó, sạt lở theo đó mà lan khắp nơi, tới cả các sông, kênh nội đồng. Điều này lý giải vì sao sạt lở vùng ĐBSCL hiện không chỉ ở các sông chính như trước đây mà còn xuất hiện toàn vùng, nặng nhất là tại các cù lao do nền đất yếu", PGS.TS Lê Anh Tuấn cho hay.

Sạt lở ở ĐBSCL có nhiều nguyên nhân, đặc biệt là việc khai thác cát dẫn đến hạ thấp đáy sông, làm thay đổi dòng chảy. Trong khi lượng cát bị lấy đi lớn, nhưng lượng phù sa, bùn cát từ thượng nguồn về ĐBSCL sụt giảm càng khiến tình trạng sụt lún, sạt lở xảy ra ngày càng nghiêm trọng hơn.

Theo đó, trước đây lượng phù sa về ĐBSCL đạt 150-160 triệu tấn mỗi năm. Tuy nhiên, qua các nghiên cứu cho thấy, lượng phù sa hiện tại chỉ còn 25-35% so với trước đây và trong tương lai có thể tiếp tục giảm, còn dưới 10% khi các đập thủy điện trên dòng chính và dòng nhánh được xây dựng.

Bên cạnh đó, vấn đề phát triển hạ tầng ven sông; khai thác nước ngầm, phương tiện giao thông thủy di chuyển cũng là các yếu tố khiến sạt lở, sạt lở bờ sông thêm trầm trọng.

Tình trạng sụt lún đất trên toàn ĐBSCL diễn ra kéo dài. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, tốc độ lún này lớn hơn nhiều lần so với mực nước biển dâng. Hầu hết các vùng trên đồng bằng đều bị lún từ 0,5-3 cm/năm; các vùng ven biển phổ biến lún từ 1,5-2,5 cm/năm, nhiều nơi lớn hơn 2,5 cm/năm.

Minh Thành

Bạn đang đọc bài viết Mỗi năm đồng bằng sông Cửu Long mất 600 - 800ha đất do sạt lở. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Siêu bão Man-yi giật cấp 14, chính thức vào biển Đông
Siêu bão Man-yi mạnh cấp 11 (103-117km/h), giật cấp 14, di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ 20km/h. Vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,2 độ Vĩ Bắc; 118,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông.

Tin mới