Chủ nhật, 24/11/2024 07:03 (GMT+7)
Thứ tư, 24/11/2021 14:39 (GMT+7)

Mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội trong hoạt động bảo vệ môi trường

Theo dõi KTMT trên

Tại Hội thảo khoa học “Nâng cao hiệu quả công cụ kinh tế bảo vệ môi trường” sáng nay (24/11), PGS.TS Nguyễn Thế Chinh đã trình bày bài báo cáo Mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội trong hoạt động bảo vệ môi trường.

Thực hiện Quyết định của Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, sáng nay (24/11), Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã tổ chức hội thảo khoa học “Nâng cao hiệu quả công cụ kinh tế bảo vệ môi trường”.

Theo đó, Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ 2 điểm cầu: Văn phòng Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (số 19, Trung Yên 11A, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Hội thảo khoa học diễn ra cả ngày 24/11 với 3 phiên thảo luận đan xen; Với sự tham dự của các chuyên gia khoa học đầu ngành về lĩnh vực kinh tế môi trường như PGS.TS Trương Mạnh Tiến, PGS.TS Lưu Đức Hải, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, GS.TS Hoàng Xuân Cơ, PGS.TS Nguyễn Mạnh Khải, TS Lại Văn Mạnh, PGS.TS Lưu Thế Anh, TS Hoàng Thị Huê, TS Nguyễn Thị Quỳnh Hương, PGS.TS Lê Đức, ThS Lê Minh Toàn...

Tại hội thảo khoa học “Nâng cao hiệu quả công cụ kinh tế bảo vệ môi trường” sẽ có 10 báo cáo được trình bày.

Mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội trong hoạt động bảo vệ môi trường - Ảnh 1
PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh, Phó Chủ tịch TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Viện trưởng Viện Chính sách Kinh tế Môi trường (bên trái) phát biểu tại Hội thảo khoa học “Nâng cao hiệu quả công cụ kinh tế bảo vệ môi trường”.

Tạp chí Kinh tế và Môi trường xin giới thiệu bài báo cáo Mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội đối với bảo vệ môi trường. 

Tóm tắt: Nhà nước đóng vai trò chủ thể điều chỉnh các hoạt động của xã hội dựa vào qui luật của thị trường, thực tiễn hoạt động của xã hội là nơi được hưởng lợi và cũng là nơi chịu những hậu quả tác động của môi trường, phản ứng lại về những tác động của môi trường cho quản lý Nhà nước và thị trường. Một sự điều hành quản lý phù hợp của Nhà nước đúng với qui luật của thị trường sẽ điều chỉnh đúng hướng các hành vi xã hội đối với bảo vệ môi trường, ngược lại một sự quản lý Nhà nước không tốt, trái với qui luật thị trường sẽ dẫn đến các hành vi của xã hội gây ra những tổn thất không nhỏ cho môi trường dẫn đến thất bại thị trường, đó là thất bại của Nhà nước. Chính vì vậy, xử lý mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội đối với bảo vệ môi trường là hết sức quan trọng nhằm hướng đến phát triển bền vững.

1. Mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội đối với bảo vệ môi trường

1.1.  Những yêu cầu đặt ra đối với bảo vệ môi trường

Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) đã được xây dựng năm 1993 và đến tháng 01/1994 ban hành. Phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội và thể chế kinh tế thị trường (KTTT) định hướng chủ nghĩa xã hội (XHCN) ngày càng hoàn thiện, Luật BVMT đã được sửa đổi, hoàn thiện dần vào các năm 2005, 2014 và ngày 17/11/2020 Quốc hội đã thông qua Luật BVMT 2020 [5], có hiệu lực từ tháng 01/2022. Trong quá trình sửa đổi, Luật BVMT phải giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa Nhà nước , thị trường và xã hội. Luật BVMT 2020 đã bổ sung, hoàn thiện thêm để giải quyết mối quan hệ này, cụ thể trong nội dung của luật định hướng quản lý môi trường dựa vào tiếp cận thị trường (MBA), nhiều công cụ kinh tế đã được hoàn thiện và bổ sung cho công tác quản lý môi trường được đưa vào luật, như: thuế, phí, chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên, phát triển thị trường mua bán phát thải…. Như vậy, Luật BVMT đặt ra yêu cầu công tác quản lý Nhà nước phải điều chỉnh về mặt chính sách phù hợp với thị trường và được sự đồng thuận cao của xã hội.

1.2. Tác động của mối quan hệ giữa Nhà nước , thị trường và xã hội đối với bảo vệ môi trường

Giải quyết tốt mối quan hệ giữa Nhà nước , thị trường và xã hội đối với BVMT sẽ tránh được thất bại thị trường, cụ thể đó là chi phí xã hội giảm do hạn chế được các tác động tiêu cực gây nên bởi ô nhiễm môi trường, duy trì được hệ sinh thái tự nhiên, nâng cao chất lượng cuộc sống con người hướng đến sự phát triển bền vững. Ngược lại, nếu không giải quyết tốt mối quan hệ giữa Nhà nước , thị trường và xã hội về BVMT sẽ dẫn đến thất bại thị trường, xuất hiện xung đột xã hội giữa các nhóm lợi ích, thậm chí tính chính đáng của quyền lực Nhà nước có thể bị suy giảm khi thiếu năng lực bảo đảm cho người dân được sống trong môi trường sống an toàn. Thị trường là nhân tố thúc đẩy Nhà nước phải hoàn thiện thể chế BVMT, phù hợp với sự vận hành của quy luật thị trường. Đây là kinh nghiệm thực tiễn được đúc rút từ các nước sử dụng có hiệu quả công cụ dựa vào tiếp cận thị trường (Market Base Approach-MBA) để quản lý môi trường. Thị trường là động lực để phân bổ nguồn lực hiệu quả, thu hút nguồn vốn đầu tư cho xã hội để BVMT, giảm nguồn đầu tư sử dụng từ vốn ngân sách Nhà nước theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền - PPP” và “người được hưởng lợi phải trả tiền - BPP”[3,6]. Sự tham gia của xã hội vào BVMT sẽ là kênh phản biện tốt và giảm gánh nặng áp lực BVMT của cơ quan quản lý Nhà nước đối với BVMT, thúc đẩy Nhà nước hoàn thiện thể chế để huy động mọi thành phần xã hội tham gia BVMT.

Giữa Nhà nước , thị trường và xã hội có quan hệ chặt chẽ với nhau trong hoạt động BVMT, mối quan hệ này chủ yếu dựa trên quan hệ lợi ích thông qua điều chỉnh bởi “bàn tay vô hình của thị trường”. Điều này giải thích vì sao có pháp luật BVMT của Nhà nước , quy định trách nhiệm rõ vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước về BVMT ở địa phương, nhưng ô nhiễm môi trường vẫn xảy ra, thậm chí là nghiêm trọng.

1.3.  Nhà nước quản lý môi trường dựa vào thị trường thông qua công cụ kinh tế để BVMT - bài học rút ra từ thực tiễn các nước phát triển trên thế giới

Các công cụ kinh tế đã được áp dụng khá phổ biến trong luật môi trường ở nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia phát triển. Theo OECD (2017a), hiện nay có hơn 3.000 công cụ kinh tế khác nhau đang được áp dụng trên toàn thế giới. Các nhà kinh tế khuyến khích sử dụng công cụ kinh tế (Economic Intrusments-EIs) để khắc phục thất bại thị trường bởi vì chúng có nhiều ưu điểm nổi bật so với các công cụ mệnh lệnh và kiểm soát (Comment And Control) [1] vì những lý do sau đây. Thứ nhất, các công cụ kinh tế giúp đạt cùng một mức bảo vệ môi trường với chi phí thấp hơn.

Thứ hai, các công cụ kinh tế có thể tạo động cơ khuyến khích người gây ô nhiễm thiết kế và thực hiện các quy trình sản xuất hoặc công nghệ hiệu quả hơn nhằm tiết kiệm chi phí làm sạch ô nhiễm môi trường do họ gây ra.

Thứ ba, các công cụ kinh tế sẽ đẩy nhanh quá trình cải thiện chất lượng môi trường do thu hút nguồn lực đầu tư của xã hội, vì xã hội có nhiều nguồn lực hơn để thực hiện các chương trình hoặc dự án bảo vệ môi trường.

Thứ tư, các công cụ kinh tế không yêu cầu bất kỳ một nguồn phát thải nào phải thực hiện một hành động cụ thể, cho nên chúng có tính linh hoạt cao hơn.

Thứ năm, các công cụ kinh tế thỏa mãn nguyên tắc PPP, và điều này phù hợp với các thông lệ quốc tế về quản lý môi trường (Benidickson, 2013; Field & Field, 2016; SEPA, 2007; Sterner & Coria, 2012). Phù hợp với những nguyên tắc của thị trường

Mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội trong hoạt động bảo vệ môi trường - Ảnh 2
Các công cụ kinh tế cho bảo vệ môi trường. [1]
Nguồn: Nguyễn Thanh Bình tổng hợp từ Milne (2011), OECD (2017a, b), SEPA (2007).

Chú thích thuật ngữ trong Hình 1:

Price-based (các công cụ dựa vào giá), Property-based (các công cụ dựa vào quyền tài sản), Permit trading (thương mại giấy phép, nghĩa là các loại giấy phép hoặc chứng nhận giảm thải có thể chuyển nhượng), Tax instruments (các công cụ thuế), Non-tax instruments[1] (các công cụ không phải thuế), Fees/charges (lệ phí/phí), Subsidies (trợ cấp giảm thải hoặc trợ cấp cho công nghệ thân thiện với môi trường như giảm VAT cho xe điện, hỗ trợ giá bán điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo, ưu đãi thuế cho các đầu tư liên quan đến môi trường, cho vay ưu đãi, cung cấp công quỹ cho các dự án bảo tồn thiên nhiên hoặc xử lý ô nhiễm môi trường), Environmental taxes (các loại thuế môi trường), Environmental tax expenditures (các chi tiêu thuế môi trường, đây là các hình thức khấu trừ thuế hoặc ưu đãi thuế khi người gây ô nhiễm có những hành động làm sạch môi trường), Emission taxes (các loại thuế đánh trên lượng phát thải), Product taxes (các loại thuế đánh trên sản phẩm gây ô nhiễm), Resource taxes (các loại thuế tài nguyên).[1]

Nguồn: Nguyễn Thanh Bình-TrườngĐại học Kinh tế-Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh

MBA dựa vào các công cụ kinh tế, nhất là thuế, phí và trợ cấp môi trường được sử dụng phổ biến nhất để giải quyết thất bại thị trường, nhằm nội hóa các chi phí môi trường vào giá cả hàng hóa trên thị trường. Như vậy giá hàng hóa giao dịch trên thị trường là giá mang tính xã hội chứ không còn là giá cá nhân, làm được điều này sẽ tránh được thất bại thị trường đối với BVMT.

2. Vai trò Nhà nước , thị trường và xã hội trong bảo vệ môi trường

2.1. Quản lý Nhà nước đối với bảo vệ môi trường

Nhà nước đóng vai trò hết sức quan trọng trong BVMT, được thể hiện cơ bản ở bốn nội dung sau: (i) Xây dựng, thực thi và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách để thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về BVMT; định hướng, tạo môi trường, khởi xướng và tạo đà để hình thành, vận hành các yếu tố thị trường, các dạng thị trường trong lĩnh vực BVMT theo hướng bình đẳng, minh bạch và lành mạnh huy động toàn xã hội vào BVMT. (ii) Phân bổ hiệu quả các nguồn lực, định hướng, điều tiết các hoạt động của toàn xã hội trong công tác BVMT phù hợp với thể chế KTTT vận hành trong từng giai đoạn nhằm tránh thất bại thị trường. (iii) Nhà nước vừa là chủ thể quản lý và cũng là chủ thể tham gia vào các quan hệ thị trường, mọi hoạt động điều hành đều phải tôn trọng và tuân thủ theo đúng các nguyên tắc, quy luật của KTTT; (iv) Kiến tạo thị trường cho huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tạo ra các động lực để huy động nguồn lực xã hội cho công tác BVMT trong nền kinh tế [11].

Có thể thấy, vai trò quản lý Nhà nước về BVMT xét về bản chất khác với quản lý môi trường do các tổ chức phi chính phủ (NGO: None Goverment) đảm nhiệm; quản lý môi trường dựa trên cơ sở cộng đồng có tính tập thể và dựa vào sự đồng thuận của cộng đồng.

2.2. Thể chế thị trường với bảo vệ môi trường

Thị trường là nơi diễn ra của mọi hoạt động xã hội giữa bên có nhu cầu về dịch vụ, hàng hóa và bên cung ứng dịch vụ, hàng hóa để đáp ứng nhu cầu đó được thống nhất bởi giá cả trên thị trường. Công tác BVMT có thị trường mua bán quyền phát thải, thị trường cung cấp dịch vụ môi trường, như: xử lý rác thải, nước thải, khí thải, thị trường hàng hóa mua bán sản phẩm xử lý ô nhiễm môi trường... Điều đáng lưu ý là tác động môi trường ảnh hưởng tới thị trường nói chung, làm sai lệch về giá cả hàng hóa dẫn đến thất bại thị trường.

Thị trường có vai trò điều tiết mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội dựa trên những nguyên tắc cơ bản của thị trường. Đối với BVMT, thị trường có những tác động tích cực cho phép lựa chọn công nghệ tốt nhất cho xử lý ô nhiễm, phục hồi môi trường. Thực hiện quản lý môi trường của Nhà nước dựa vào thị trường sẽ đảm bảo tính hiệu quả và quản lý mềm dẻo hơn, trái ngược với cách thức quản lý có tính áp đặt, không hiệu quả. Đối với xã hội, xét trong bối cảnh cạnh tranh, thị trường sẽ có tác động tích cực trong việc đảm bảo tính công bằng, sự đồng thuận cho BVMT. Mặt khác, trong thị trường cạnh tranh hoàn hảo, những doanh nghiệp có thương hiệu chất lượng môi trường và sản phẩm của họ được gắn nhãn, sinh thái, nhãn xanh có lợi thế tiêu thụ ở các thị trường khó tính, đòi hỏi chất lượng cao và lợi nhuận thu được cũng tốt hơn.

Bên cạnh những mặt tích cực, trong BVMT, thị trường có những tác động tiêu cực, nhất là xét trong trường hợp “bàn tay vô hình” sẽ làm cho công tác quản lý môi trường méo mó và BVMT sẽ khó đạt được mục tiêu của Nhà nước . Những thất bại thị trường đối với quản lý Nhà nước về môi trường dễ xảy ra với các trường hợp thị trường độc quyền, quyền tài sản không phân định rõ, ngoại ứng không được giải quyết và thông tin không đầy đủ.

2.3. Sự tham gia của xã hội đối với bảo vệ môi trường

Xã hội được hiểu là người dân, các tổ chức xã hội tham gia BVMT không thuộc tổ chức Nhà nước và doanh nghiệp như: cộng đồng dân cư, gia đình, các hội, hiệp hội nghề nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội như đoàn thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, mặt trận tổ quốc, các tôn giáo, tín ngưỡng…tham gia BVMT. Sự tham gia của xã hội đối với BVMT đa dạng, mang tính tự nguyện và kết nối trong tổ chức nhiều hơn, không mang tính áp đặt. Các tổ chức tham gia BVMT có những hoạt động khác nhau, như: đoạn đường tự quản của thanh niên, phụ nữ tham gia thu gom, phân loại phế thải, phản biện xã hội đối với chính sách BVMT… Sự tham gia của xã hội đối với BVMT đa dạng và phong phú nhưng phải tuân theo qui định của pháp luật liên quan đến BVMT [5], nhưng phụ thuộc vào văn hóa, tín ngưỡng, đặc trưng vùng miền, nếu biết phát huy tốt những yếu tố này sẽ tạo sự đồng thuận cao trong BVMT.

3. Những vấn đề đặt ra về vai trò Nhà nước - thị trường và xã hội trong bảo vệ môi trường

- Từ chính sách của Nhà nước

Xét trong mối quan hệ giữa Nhà nước , thị trường và xã hội trong BVMT; chính sách của Nhà nước là yếu tố đóng vai trò quyết định vì chính sách phù hợp sẽ tạo điều kiện thị trường vận hành thông suốt đối với công tác BVMT, ổn định về mặt xã hội. Ngược lại, chính sách không phù hợp sẽ làm méo mó thị trường, xuất hiện nhóm hưởng lợi nhiều, nhóm chịu thiệt hại lớn, khiến cho xung đột về mặt xã hội phát sinh từ vấn đề môi trường. Đối với thị trường, khi ban hành những chính sánh môi trường không dựa vào nguyên tắc PPP và BPP, thì thất bại về mặt chính sách trong quản lý môi trường là không tránh khỏi. Tuy nhiên, khi ban hành chính sách dựa trên hai nguyên tắc này, các nhà hoạch định chính sách cũng phải xem xét kỹ lưỡng những trường hợp cụ thể, nhất là những đối tượng kinh doanh được hưởng lợi từ môi trường và sử dụng môi trường làm nơi xả thải, sử dụng những dịch vụ của môi trường mang lại [3].

- Từ thất bại của thị trường (hay thất bại của chính phủ) có nguyên nhân từ môi trường

+ Ngoại ứng tích cực: Thực tiễn cho thấy, khi có những đầu tư cải tạo, phục hồi, tôn tạo môi trường sẽ dẫn đến những tác động tích cực đối với các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ trên thị trường, nếu quản lý Nhà nước không nhận thức và điều chỉnh kịp thời vấn đề này sẽ dẫn đến thất bại thị trường do giá cả không phản ánh đúng giá trị thật của hàng hóa và dịch vụ trên thị trường [2].

+ Ngoại ứng tiêu cực: Đối với những hoạt động sản xuất kinh doanh xả thải gây ô nhiễm, hủy hoại tài nguyên mà không có đầu tư trở lại để khắc phục. Các chi phí này không nằm trong giá thành sản phẩm là nguyên nhân đưa ra những quyết định sai lệch trên thị trường từ phía quản lý Nhà nước và là nguyên nhân cơ bản gây ô nhiễm môi trường, hủy hoại tài nguyên. Hay nói cách khác là đưa chi phí khắc phục cho xã hội và là nguyên nhân gây ra những xung đột về mặt xã hội giữa các bên liên quan [2].

+ Môi trường là hàng hóa công cộng thuộc tài sản sở hữu chung mà chủ đại diện là Nhà nước , vì vậy việc định giá và xác định giá trị môi trường khó xác lập trên thị trường. Kết quả là việc kinh doanh, sử dụng tài sản môi trường dễ bị cá nhân lợi dụng nhằm tối đa hóa lợi ích của mình, chính vì vậy quản lý môi trường đòi hỏi phải dựa trên  cách tiếp cận phù hợp với đặc trưng này của môi trường thông qua hệ thống pháp luật đảm bảo tính công bằng về mặt xã hội [2].

+ Thị trường cạnh tranh không hoàn hảo, tính chất độc quyền là nguyên nhân gây ra những tổn thất về môi trường, khai thác cạn kiệt tài nguyên. Điều này đã được chứng minh từ mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung trước đây ở một số quốc gia chậm chuyển đổi sang cơ chế thị trường như Liên Xô. Chính vì vậy, quản lý Nhà nước về môi trường phải tạo lập ra thể chế nhằm loại bỏ tính độc quyền trong khai thác tài nguyên, những ưu đãi đối với những đối tượng gây thiệt hại cho môi trường.

+ Sự bất đối xứng về thông tin đối với môi trường, việc xác lập được thông tin đầy đủ đối với môi trường là rất khó khăn, phụ thuộc vào nhiều yếu tố liên quan đến tự nhiên, kinh tế, xã hội và công nghệ. Thông tin không đầy đủ khiến cho quyết định trong quản lý thiếu chính xác, là nguyên nhân dẫn đến thị trường bị méo mó, gây nên những bất ổn xã hội phát sinh từ vấn đề môi trường. Chính vì vậy, cần thiết lập một cơ chế và đầu tư xứng đáng để có được một hệ thống thông tin đầy đủ về môi trường trong bối cảnh thể chế kinh tế thị trường. Thực tiễn những năm qua cho thấy, số liệu về diện tích rừng, đa dạng sinh học, nguồn phát thải gây ô nhiễm, các chỉ số về ô nhiễm đất, nước, không khí… chưa đủ độ tin cậy để đưa ra những quyết định quản lý môi trường đầy đủ và chính xác từ phía cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường [2].

- Từ áp lực của xã hội:

Xã hội càng phát triển thì nhu cầu về chất lượng môi trường sống càng cao, đòi hỏi công tác quản lý môi trường của Nhà nước chặt chẽ, khoa học và hiệu quả hơn. Những sản phẩm tiêu dùng phải là những sản phẩm xanh, hữu cơ gần gũi với thiên nhiên. Vì vậy, đối với các nước phát triển như Mỹ, EU, Nhật Bản…, những sản phẩm nhập khẩu của các nước này mang các tiêu chí môi trường là những tiêu chí cơ bản, có tính chất như rào cản về mặt kỹ thuật đối với những sản phẩm của các quốc gia không chứng minh được nguồn gốc và sự thân thiện với môi trường [1].

4. Xử lý mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội trong bảo vệ môi trường giai đoạn hiện nay

4.1. Hoàn thiện chức năng, phát huy vai trò của Nhà nước đối với Bảo vệ môi trường dựa vào tiếp cận thị trường [3]

(1) Hoạt động phòng ngừa và kiểm soát môi trường; khắc phục ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường và điều kiện sống của người dân.

+ Trong phòng ngừa, kiểm soát các nguồn ô nhiễm: tiếp tục được hoàn thiện theo hướng cải cách hành chính, minh bạch hơn, phân cấp cho bộ, ngành và UBND cấp tỉnh; tiếp tục xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật; rà soát, tiếp tục bổ sung và hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường. Chú trọng hoạt động kiểm soát ô nhiễm ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tụ điểm khai thác, chế biến khoáng sản, các làng nghề, lưu vực sông, các đô thị lớn và khu vực nông thôn. Kiểm tra, giám sát và kiểm soát về môi trường đối với hoạt động đầu tư, chuyển giao công nghệ nhằm ngăn chặn việc đưa công nghệ lạc hậu, máy móc, thiết bị, nguyên, nhiên vật liệu không đảm bảo yêu cầu về môi trường từ bên ngoài. Ký quỹ bắt buộc khi nhập khẩu phế liệu phải trở thành quy định pháp luật để ngăn chặn việc nhập khẩu chất thải trái phép.

+ Khắc phục ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường và điều kiện sống của người dân, hạn chế tác động do ô nhiễm môi trường đến sức khoẻ của nhân dân phải được đặt lên hàng đầu. Xác định thiệt hại do ô nhiễm môi trường và xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân gây ra để có biện pháp xử lý phù hợp theo nguyên tắc thị trường.

+ Đẩy mạnh hơn nữa việc sử dụng công cụ kinh tế dựa vào thị trường để điều chỉnh hành vi giảm ô nhiễm môi trường của doanh nghiệp trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Sớm triển khai luật BVMT 2020 liên quan đến điều chỉnh hành vi của doanh nghiệp và người dân khắc phục ô nhiễm, đảm bảo chất lượng môi trường.

(2)  Bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

+ Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống khuôn khổ pháp lý để điều tiết các hoạt động liên quan đến rừng và đa dạng sinh học dựa vào MBA gồm: Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004, (được thay thế bằng Luật Lâm nghiệp năm 2017, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2019). Luật Đa dạng sinh học năm 2008 cần sớm được rà soát, chỉnh sửa và hoàn thiện phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay trong bối cảnh thể chế thị trường đã hoàn thiện hơn, thu nhập và nhận thức của người dân đã thay đổi so với thời điểm ban hành luật trước đây.

+ Dựa vào MBA để phát huy vai trò của xã hội, nhất là cộng đồng dân cư và doanh nghiệp tham gia trồng, bảo vệ rừng, nhất là thực hiện chủ trương mới theo sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ trồng mới 1 tỷ cây trong cả nước. Chú trọng cây bản địa, duy trì đa dạng sinh học dựa vào cộng đồng và bà đỡ là Nhà nước thông qua những nguyên tắc của thị trường để tạo ra động lực bên trong cho phát triển rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.

4.2. Một số gợi ý về cách thức xử lý mối quan hệ giữa Nhà nước , thị trường và xã hội trong BVMT thời gian tới [3]

1) Đối với việc khắc phục những bất cập trong ban hành chính sách.

Việc ban hành chính sách để xử lý mối quan hệ giữa Nhà nước , thị trường và xã hội từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy: cần dựa vào MBA để xây dựng và hoàn thiện chính sách, nghĩa là tuân thủ theo những qui luật khách quan của thị trường tùy thuộc vào từng giai đoạn phát triển. Tuy nhiên, việc quản lý Nhà nước cần phải phát huy đầy đủ sức mạnh Nhà nước để hạn chế và loại bỏ dần những yếu tố liên quan đến môi trường gây ra thất bại thị trường. Công cụ kinh tế là cốt lõi để xử lý mối quan hệ giữa Nhà nước , thị trường và xã hội đối với BVMT dựa vào MBA.

2) Đối với tổ chức thực hiện những chính sách đã ban hành.

Việc ban hành chính sách dù có đầy đủ, nhưng tổ chức thực hiện chính sách không tốt thì không thể thành công trong việc xử lý mối quan hệ giữa Nhà nước , thị trường và xã hội về BVMT. Thực tiễn những năm vừa qua cho thấy: khâu tổ chức thực hiện chưa được như mong muốn do việc phân công, phân nhiệm và qui rõ trách nhiệm cụ thể cho các chủ thể quản lý chưa rõ. Những thất bại trong quản lý môi trường có phần do chi phối bởi “bàn tay vô hình” của thị trường, khâu tổ chức thực hiện từ trung ương đến địa phương, trong đó đóng vai trò chính là người dân và xã hội, cấp quản lý Nhà nước ở địa phương. Vai trò của các tổ chức chính trị xã hội, đặc biệt là văn hóa trong BVMT còn khá mờ nhạt.

3) Đối với thanh tra, kiểm tra, giám sát thực thi chính sách.

Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách đối với BVMT sẽ tạo ra một sự liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước , thị trường và xã hội. Vì việc phát hiện những bất cập trong chính sách và tổ chức thực hiện chính sách ở khâu nào giúp cho bổ sung hoàn thiện chính sách đối với quản lý Nhà nước về BVMT.

4) Đối với những vấn đề bức xúc đặt ra cần có cách xử lý phù hợp dựa vào MBA.

+ Phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn.

Mối quan hệ giữa Nhà nước , thị trường và xã hội đối với thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn đã được xử lý tích cực, phù hợp hơn từ khi chúng ta chuyển đổi sang thể chế kinh tế thị trường. Thực tế cho thấy, những loại chất thải rắn có giá trị (tái chế) trên thị trường thì tự thị trường giải quyết như kim loại, giấy, thủy tinh…, còn thị trường sẽ không tự giải quyết những loại chất thải không có giá trị và chất thải độc hại. Về mặt xã hội, những người nhặt rác phần lớn là đối tượng yếu thế trong xã hội, quản lý Nhà nước đối với rác thải vẫn còn nhiều lúng túng dẫn đến lượng rác thải còn tồn tại khá lớn trong môi trường. Để xử lý tốt phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải cần phải dựa vào MBA, trước hết rác thải phải chia thành ba nhóm (i) Loại rác thải thị trường tự giải quyết, (ii) loại rác thải có sự hỗ trợ của Nhà nước sẽ dẫn dắt thị trường giải quyết, (iii) loại rác thải chỉ có thể Nhà nước giải quyết như rác thải độc hại. Với mỗi loại rác thải sẽ có những cách thức quản lý của Nhà nước phù hợp.

+ Phục hồi, bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái.

Mỗi hệ sinh thái có một lịch sử hình thành, phát triển tương ứng với mỗi vùng miền và mang tính địa phương, vùng miền đó dựa vào tính chất địa lý, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của địa phương. Xử lý mối quan hệ giữa Nhà nước , thị trường và xã hội cho phục hồi, bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái cơ bản vẫn phải dựa vào MBA. Tuy nhiên, cách tiếp cận ở đây khác với xử lý chất thải, vì hệ sinh thái được xem là đầu vào của hệ thống kinh tế, là không gian tồn tại và sinh sống của con người và sinh vật. Xét trong bối cảnh thị trường, chúng ta phải lượng hóa, hạch toán được giá trị của hệ sinh thái, các thành phần của hệ sinh thái cung cấp hàng hóa và giá trị dịch vụ cho con người và hoạt động kinh tế, ứng với mỗi loại giá trị Nhà nước sẽ có cách thức quản lý phù hợp. Những giá trị như hấp thụ carbon, đa dạng sinh học, cảnh quan và duy trì nguồn nước của hệ sinh thái là những giá trị khó lượng hóa nhưng nếu sử dụng MBA, chúng ta hoàn toàn có thể xác định được giá trị dịch vụ của từng loại theo nguyên tắc thị trường

+ Chuyển đổi mô hình kinh tế “nâu” sang “xanh”; mô hình kinh tế phát thải “carbon cao” sang “carbon thấp”; mô hình kinh tế “đường thẳng” sang kinh tế “tuần hoàn” phù hợp với xu hướng chung của thế giới hướng đến phát triển bền vững.

Đối với chuyển đổi mô hình kinh tế “nâu” sang “xanh”, cốt lõi là sử dụng năng lượng tái tạo, hạn chế tối đa phát thải khí nhà kính và duy trì được hệ sinh thái tự nhiên để hướng đến một sự phát triển bền vững, chuyển đổi cách thức sản xuất cũ không thân thiện môi trường sang hoạt động kinh tế thân thiện môi trường hơn, “thuận thiên”.

Đối với chuyển đổi mô hình kinh tế phát thải “carbon cao” sang “carbon thấp” nhằm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong ứng phó với biến đổi khí hậu, mặt khác, mô hình này cũng thân thiện với môi trường và hiệu quả trong sử dụng năng lượng.

Đối với chuyển đổi mô hình kinh tế “đường thẳng” sang “tuần hoàn” dựa trên nguyên tắc cân bằng vật chất trong hệ thống kinh tế, thực hiện hoàn hảo mô hình này không đưa chất thải ra môi trường, các dạng vật chất được quay vòng trong hệ thống kinh tế như vậy sẽ hạn chế tối đa khai thác tài nguyên trong môi trường thiên nhiên.

Trong mối quan hệ giữa Nhà nước , thị trường và xã hội đối với phát triển các mô hình trên, trước hết Nhà nước phải tạo ra hành lang pháp lý tốt, thứ hai hiệu quả kinh tế do thị trường điều tiết và thứ ba được sự đồng thuận cao của xã hội, mang lại nhiều phúc lợi nhất cho xã hội.

Kết luận

Xử lý mối quan hệ giữa Nhà nước , thị trường và xã hội đối với BVMT cơ bản phải dựa vào MBA, trong đó cần phải khắc phục được thất bại thị trường do những nguyên nhân gây ra từ môi trường; như: ngoại ứng, hàng hóa công cộng, quyền tài sản và sở hữu về môi trường, thông tin bất đối xứng và tính chất độc quyền trong khai thác sử dụng tài nguyên và xử lý chất thải. Dựa vào thị trường để chuyển đổi sang những mô hình kinh tế mới trong phát triển như kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp, kinh tế tuần hoàn nhằm hiện thực hóa BVMT theo cơ chế kinh tế thị trường.

Để xử lý hài hòa tương quan Nhà nước - Thị trường - Xã hội trong BVMT cần tiếp tục nâng cao vai trò của Nhà nước là chủ thể của quản lý môi trường, hoàn thiện thể chế thị trường định hướng chủ nghĩa xã hội, hình thành thị trường nhân tố trong BVMT, nhất là thị trường nhân tố sản xuất công nghệ cao thân thiện với môi trường. Đồng thời, tạo cơ chế thuận lợi cho sự ủng hộ và nâng cao vai trò của xã hội đối với BVMT, vai trò phản biện chính sách của xã hội đối với công tác quản lý môi trường, phát huy bản sắc văn hóa địa phương đối với BVMT, tạo cơ hội tốt nhất cho cơ quan thông tin báo chí trong vai trò truyền thông, đưa tin, nâng cao nhận thức về BVMT.

Tài liệu tham khảo

[1] Phùng Thanh Bình - Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh. (2019). “Bài viết về công cụ kinh tế, cơ chế tài chính và nguồn lực cho bảo vệ môi trường” phục vụ sửa đổi Luật BVMT 2020.

[2] TS. Nguyễn Thế Chinh - Chủ biên. (2003). “Giáo trình Kinh tế và Quản lý môi trường”. NXB Thống kê.

[3] TS. Nguyễn Thế Chinh (2021). “Bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững dựa trên phát huy tốt vai trò Nhà nước , nguyên tắc thị trường, trách nhiệm doanh nghiệp và sự đồng hành của xã hội”. Tạp chí Cộng sản. Chuyên đề: Mối quan hệ giữa Nhà nước , thị trường và xã hội trong quản lý phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta hiện nay.

[4] Đảng Cộng Sản Việt Nam. “Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII”. Tập I, II. NXBST. 2021

[5] Quốc hội. (2020). Luật số 72/2020/QH14 “Luật Bảo vệ môi trường”, đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 17 tháng 11 năm 2020, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.

[6] Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường. (2019). Dự thảo đề án “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”.

[7] Anthony E.Boardman. David H.Greenberg. Aidan R.Vining. David L.Weimer. Cost-Benefit Analysis Concepts and Practice. Third Edition. Library of Congress Cataloging-in-Publication Data. Copyright 2006, 2001 by Pearson Education, Inc., Upper Saddle River, New Jersey 07458.

[8] OECD (2007), “Market-based instruments”, OECD Glossary of Statistical Terms, https://stats.oecd.org/glossary/detail.asp?ID=7214.

[9] OECD (2016). OECD Policy Instruments for the Environment, http://www.oecd.org/environment/tools-evaluation/PINE_Metadata_Definitions_2016.pdf.

[10] OECD (2017a). OECD Policy Instruments for the Environment, http://www.oecd.org/environment/tools-evaluation/PINE_database_brochure.pdf.

[11] Sterner, T, Coria, J. (2012). Policy instruments for environmental and natural resource management. Second Edition. RFF Press.

[12] Swedish Environmental Protection Agency (SEPA). (2007). Economic instruments in environmental policy.

Nguyễn Thế Chinh1, *, Nguyễn Thế Thông2

1Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội

2Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường

Bạn đang đọc bài viết Mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội trong hoạt động bảo vệ môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Về mái trường xưa
Dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, ngôi trường tiểu học quê tôi cũng tổ chức kỷ niệm 70 năm thành lập với bao xúc cảm của cậu học trò năm xưa nay tóc đã điểm bạc.

Tin mới