Chủ nhật, 24/11/2024 09:33 (GMT+7)
Thứ ba, 20/04/2021 07:08 (GMT+7)

Môi trường nhiễm bụi… tro xỉ than

Theo dõi KTMT trên

Nhiệt điện than mặc dù mang lại những lợi ích nhất định cho các hoạt động kinh tế. Tuy nhiên đi kèm với đó là nỗi lo ô nhiễm môi trường từ việc phát thải của các nhà máy.

Công nghệ trong nhiệt điện than (NĐT) là đốt cháy than trong các buồng đốt của lò hơi nhà máy. Nhiệt lượng sinh ra sau khi nhiên liệu bị đốt cháy cùng với không khí được truyền cho nước để sản xuất hơi nước, làm quay tuabin, kéo theo máy phát điện, tạo ra điện năng. Đồng thời thải chất thải khí (bụi và các khí thải); chất thải rắn (tro xỉ, rác bẩn); chất thải lỏng (dầu cặn, nước ẩm có lẫn dầu sau khi làm mát thiết bị, nước thải có lẫn hóa chất, nước thải sinh hoạt).

Bụi xỉ khắp nơi

Ở nước ta, NĐT đang là một ngành công nghiệp phát triển mạnh, tuy nhiên vấn đề nảy sinh cùng với nó đó là sự phát sinh của xỉ than từ hoạt động của các nhà máy. Theo số liệu của Bộ Công thương, hiện cả nước có 25 NMNĐ đốt than đang hoạt động, phát thải ra tổng lượng tro xỉ khoảng 13 triệu tấn/năm, trong đó tro bay chiếm từ 80% đến 85%.

Hiện nay ở nhiều địa phương, vấn đề quản lý và xử lý xỉ than vẫn chưa được quan tâm đúng mức, vẫn còn tình trạng xả đổ xỉ than ra môi trường, vận chuyển xỉ than không đúng cách gây ô nhiễm bụi, chưa kể đến những sự cố tràn nước từ bãi xỉ ra ngoài vẫn thường xuyên xảy ra.

Trước đó, bãi thải tro, xỉ tại Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (Bình Thuận) "nổi tiếng" cả nước bởi ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Mới đây, theo phản ánh của các hộ dân sống gần các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ), bãi chứa tro xỉ (bụi xỉ than) thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận). Cảnh tượng bãi chứa tro xỉ đã cao hơn so với mặt đường hàng chục mét, ai cũng phải e ngại. “Trước đây thì bụi kinh hoàng, có hôm tôi chạy xe ban đêm còn không nhìn thấy đường vì bụi giăng kín. Thời gian gần đây, tình trạng bụi đã đỡ nhiều, lâu lâu gió lớn thì có bụi nhẹ. Tuy nhiên, sắp tới vào mùa gió lớn thì chưa biết thế nào?”, ông T.V.Đ. (ngụ thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân) chia sẻ.

Môi trường nhiễm bụi… tro xỉ than - Ảnh 1
Lượng tro xỉ của các nhà máy trong Nhiệt điện Vĩnh Tân là rất lớn.

Tỉnh Bình Thuận hiện có 4 NMNĐ tập trung tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân với tổng công suất trên 4.200MW, gồm: Vĩnh Tân 1, 2, 4 và 4 mở rộng. Đây là một trong những trung tâm nhiệt điện lớn nhất cả nước. 

Theo ghi nhận tại các bãi chứa tro xỉ than của các NMNĐ, bãi chứa của NMNĐ Vĩnh Tân 2 sử dụng chung với NMNĐ Vĩnh Tân 4 và 4 mở rộng được chôn lấp, phủ bạt, phun nước liên tục nên ít có hiện tượng bụi phát tán. Còn tại bãi chứa của NMNĐ Vĩnh Tân 1, mỗi khi có gió lớn thì bụi vẫn cuốn lên bay ra khỏi bãi chứa.

Trong khi tình hình phát tán bụi tại các bãi chứa tro xỉ cơ bản chưa được được kiểm soát thì người dân sống gần các NMNĐ vẫn đang phải sống trong cảnh ô nhiễm tiếng ồn và bụi.

Ô nhiễm môi trường vì tro xỉ than

Năm 2020 Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) vừa khảo sát hiện trạng môi trường ở 4 nhà máy tại Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận). Các nhà máy này đang vận hành, hiện lưu trữ gần 10 triệu tấn tro, xỉ chưa có đầu ra, gây mối lo về ô nhiễm môi trường xung quanh.

Thông số bụi đo được tại một số khu vực cạnh nhà máy vượt từ 1,19 đến 1,63 lần, tiếng ồn vào ban đêm vượt 1,05 lần so với quy chuẩn.

Kể từ khi các nhà máy thuộc Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân đi vào hoạt động, người dân sinh sống tại thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân luôn đặt trong trạng thái báo động về ô nhiễm môi trường. Tình trạng phát tán tro, xỉ, nhất là khi mùa gió chướng thổi mạnh, khiến người dân vô cùng lo lắng. 

Nằm cách hàng rào NMNĐ Vĩnh Tân 4 mở rộng chỉ khoảng 80m là khu vực xóm 7, thôn Vĩnh Phúc (xã Vĩnh Tân), nơi được xem là khu vực chịu ảnh hưởng ô nhiễm nặng nề nhất từ khi các NMNĐ đi vào hoạt động. Tại đây đang là nơi cư ngụ của khoảng 400 hộ dân với khoảng 2.000 nhân khẩu, chủ yếu sinh sống bằng nghề biển. 

Nhiều căn nhà nơi đây được giăng những tấm màn vải, lưới mắt nhỏ để ngăn bụi bay vào nhà, người dân nơi đây cho biết: “Hơn 5 năm qua, từ khi NMNĐ đầu tiên nơi đây đi vào hoạt động, đời sống của bà con trong xóm bị đảo lộn vì phải sống chung với bụi và tiếng ồn. Hiện tại, mặc dù mức độ ô nhiễm bụi và tiếng ồn có giảm hơn so với trước đây, nhưng tình hình vẫn còn rất đáng lo. Khi trời im gió thì xuất hiện bụi đen, còn gió lớn thì bụi trắng mịn”. Không chỉ có bụi, tiếng ồn từ hoạt động của các NMNĐ phát ra rất khó chịu. 

Theo tìm hiểu ngoài việc bụi và tiếng ồn vẫn đang gây tác động thì tình trạng người dân, nhất là trẻ nhỏ ở khu vực xóm 7, thường xuyên bị các bệnh liên quan đến đường hô hấp là vấn đề đáng lo ngại. 

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cao

Cùng với lượng phát thải lớn, các nhà máy NĐT còn tác động nhiều mặt đến môi trường và sức khỏe con người, trong đó nguy cơ ô nhiễm không khí đang hiện hữu. Nhiều nghiên cứu cho thấy, khói thải từ các nhà máy NĐT có các thành phần bụi rắn, các khí như CO2, NO, SO2, HCl, NO2, N2O và SO3 và hầu hết đều có hại đối với môi trường.

Môi trường nhiễm bụi… tro xỉ than - Ảnh 2
Người dân xung quanh các nhà máy NĐT rất lo ngại về tro xỉ than và khói bụi.

Bụi phát thải từ các ống khói thường có kích thước rất nhỏ, phát tán xa hàng chục km, có nguy cơ thâm nhập vào đường hô hấp của con người. Trong bụi còn chứa một số kim loại độc hại như chì, asen, đồng, kẽm… Khí thải nhà máy NĐT cũng chứa các axit như SOx, NOx khí Clo, H2S. Các khí này tác dụng với hơi nước có trong khí quyển tạo thành các đám mây axit, ngưng tụ thành mưa axit làm hủy hoại đất đai, mùa màng, các kết cấu kim loại, gây các bệnh ngoài da và bệnh đường hô hấp…

Bên cạnh đó, các khí như CO2, NOx có trong khói thải còn tạo hiệu ứng nhà kính làm nhiệt độ trái đất tăng cao. Nhiều nghiên cứu cho rằng hiện tượng trái đất nóng lên do các nhà máy NĐT thải ra chiếm tới 20% tổng số lượng CO2 thải vào khí quyển. Nếu tính thêm sự phát tán khí NOx, CH4 thì sự tác động hiệu ứng nhà kính do sử dụng than vào khoảng 22%. 

Nguồn nước cũng có nguy cơ bị các nhà máy NĐT làm cho ô nhiễm. Trong nước thải công nghiệp có nước thải tro, xỉ, nước xử lý hóa chất và nhiên liệu, nước làm mát thiết bị. Tro xỉ từ các lò hơi có công nghệ thải xỉ ướt thường được đập nhỏ rồi bơm tới các hồ chứa xỉ. Nước thải tro lắng trong tại các hồ chứa có thể được bơm ngược lại trạm bơm thải xỉ để sử dụng lại hoặc được thải ra môi trường. Mặc dù được lắng trong nhưng nước thải vẫn còn những thành phần rắn lơ lửng, nhiều chất hóa học hòa tan có hại cho sức khỏe con người và sinh vật.

Các nhà máy NĐT có thể gây ô nhiễm môi trường đất nếu như xỉ than, nước thải có nhiều kim loại nặng độc hại và lẫn nhiều dầu nhiễm vào đất trồng. Ước tính, một nhà máy NĐT công suất 2000MW có thể sinh ra 2000 tấn tro bay/ngày, thường ở dạng nghiền thành bột mịn (PFA). Theo ước tính, năm 2020 lượng tro bay thải ra từ các nhà máy NĐT lên tới 10,58 triệu tấn, con số này ngày càng tăng nhanh theo thời gian.

Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại đưa tro bay và bụi lò hơi có dầu từ các nhà máy NĐT vào danh mục chất thải nguy hại. Quy định này làm các nhà máy phải tốn kém kinh phí phân tích thành phần tro xỉ.

Đồng thời, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho xử lý, sử dụng tro xỉ trong sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng tại các công trình xây dựng còn thiếu. Nhưng nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý lại chưa phù hợp với thực tế cung cấp, vận chuyển, sử dụng tro xỉ hiện nay.

Dù đã có nhiều giải pháp, nhưng lượng tiêu thụ tro xỉ vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Người dân sống gần các nhà máy NĐT đã cảm nhận được sự thay đổi của sức khỏe và môi trường sống. Do vậy, thúc đẩy các giải pháp tiêu thụ tro xỉ than và bảo vệ môi trường là việc cần làm để người dân yên tâm hơn.

Ông Trần Đình Sính, chuyên gia năng lượng, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh cho biết, các nhà máy điện than hiện nay đang hoạt động với tổng công suất 18.000MW, thải ra mỗi năm khoảng 16 - 17 triệu tấn tro, xỉ. Theo Bộ TNMT, nếu không có biện pháp xử lý phù hợp thì đến năm 2030 Việt Nam sẽ tồn dư khoảng 422 triệu tấn và cứ mỗi năm lại thêm khoảng 32 triệu tấn nữa. Nếu bình quân bãi tro xỉ đắp cao khoảng 5 m thì Việt Nam sẽ mất khoảng 65 km² để chứa tro xỉ và mỗi năm thêm 5 km².

Thanh Thúy

Bạn đang đọc bài viết Môi trường nhiễm bụi… tro xỉ than. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới