Chủ nhật, 24/11/2024 08:30 (GMT+7)
Thứ ba, 19/07/2022 08:31 (GMT+7)

Một số vấn đề về đánh giá hiệu quả tài chính, kinh tế, xã hội trong Quy hoạch điện VIII

Theo dõi KTMT trên

Bài báo bàn một số vấn đề trong báo cáo Thuyết minh Quy hoạch điện VIII về đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội và hiệu quả tài chính của Quy hoạch điện nói chung, cũng như của truyền tải điện trong giai đoạn quy hoạch nói riêng.

Nội dung bài báo nêu:

(1) Các chỉ tiêu kinh tế - tài chính của Quy hoạch điện VIII, bao gồm chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kinh tế phương án tổng thể phát triển điện lực quốc gia giai đoạn quy hoạch và các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả tài chính truyền tải điện.

(2) Phân tích, nhận xét các chỉ tiêu kinh tế - tài chính nêu trên.

(3) Các khái niệm, những vấn đề chung về hiệu quả đầu tư, đồng thời nêu nội dung và các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả đầu tư bao gồm hiệu quả tài chính (hay hiệu quả thương mại) và hiệu quả kinh tế, xã hội.

(4) Đề xuất một số kiến nghị về phân tích, đánh giá hiệu quả đầu tư của Quy hoạch điện VIII.

Trong báo cáo Thuyết minh Quy hoạch điện VIII (viết tắt QHĐ VIII, dự thảo tháng 4/2022) tại mục “4.2.4. Các chỉ tiêu kinh tế - tài chính” gồm có:

a) Chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kinh tế phương án tổng thể phát triển điện lực quốc gia giai đoạn quy hoạch:

Các chỉ tiêu để đánh giá hiệu quả kinh tế được xác định trên cơ sở các dòng lợi ích, chi phí của dự án:

- Giá trị hiện tại hoá của lợi nhuận kinh tế dự án (NPV - Net Present Value). Dự án có thể chấp nhận được nếu NPV > 0.

- Hệ số nội hoàn về kinh tế (IRR- Internal rate of Return). Dự án chấp nhận được nếu IRR > ikt (hệ số chiết khấu kinh tế ikt =10%).

- Tỷ số B/C (Benefit/Cost Ratio). Dự án chấp nhận được nếu tỷ số B/C > 1.

Trong đó:

Giá trị hiện tại hoá của lợi nhuận kinh tế (NPV) bằng tổng lãi ròng hàng năm trong suốt thời gian thực hiện dự án được quy đổi thành giá trị tương đương ở thời điểm hiện tại qua hệ số chiết khấu kinh tế.

Hệ số nội hoàn về kinh tế (IRR) là hệ số chiết khấu khi giá trị hiện hoá của lợi nhuận kinh tế NPV = 0, còn được gọi là hệ số hoàn vốn nội tại là mức lãi suất của một dự án ứng với điểm hoà vốn.

Tỷ số lợi ích/chi phí (B/C) là tỷ số giữa tổng giá trị hiện tại của lợi ích (thu)/tổng giá trị hiện tại của chi phí trong suốt thời gian thực hiện dự án.

Trong tài liệu cũng nêu rõ công thức tính các chỉ tiêu nêu trên.

b) Các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả tài chính truyền tải điện trong giai đoạn quy hoạch:

Trong giai đoạn quy hoạch lưới điện truyền tải, các chỉ tiêu tài chính sau sẽ được xem xét tính toán để xác định giá truyền tải hợp lý nhằm: (1) đảm bảo thu hồi đủ các chi phí hoạt động sản xuất, kinh doanh truyền tải điện và NPT có lợi nhuận hợp lý; (2) đạt yêu cầu của các tổ chức cho vay vốn.

- Tỷ lệ tự cấp vốn đầu tư (Self-Financing Ratio) tối thiểu 25%:

Tỷ lệ tự cấp vốn đầu tư = (LNST+ KHCB - Trả gốc và lãi vay)/đầu tư thuần.

- Tỷ lệ thanh toán nợ (Debt Service Coverage Ratio) tối thiểu 1,5 lần:

Tỷ lệ thanh toán nợ = Doanh thu thuần/trả gốc và lãi vay.

- Tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu (Debt to Equity Ratio) tối đa 2,33 lần:

Hệ số nợ/vốn chủ = (Nợ ngắn hạn + Nợ dài hạn)/Vốn CSH.

- Lợi nhuận định mức/vốn chủ sở hữu hợp lý (Return On Equity):

Tỷ suất sinh lời vốn CSH = Lợi nhuận sau thuế/vốn CSH.

Qua 2 nội dung nêu trên về các chỉ tiêu kinh tế - tài chính trong dự thảo Thuyết minh QHĐVIII cho thấy một số vấn đề sau:

- Trình bày chưa rõ ràng và còn nhập nhằng giữa hiệu quả kinh tế, xã hội và hiệu quả tài chính của đầu tư.

- Theo đó, chưa nêu rõ ý nghĩa, căn cứ và sự tính toán các thông số cho phù hợp với chỉ tiêu hiệu quả tài chính và chỉ tiêu hiệu quả kinh tế, xã hội. Hai nhóm chỉ tiêu hiệu quả này có ý nghĩa, phạm vi, căn cứ, thông số, nội dung và mục đích khác nhau.

- Đối với “các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả tài chính truyền tải điện” thì nội dung đó không phải là các chỉ tiêu hiệu quả mà chủ yếu là phân tích tình hình tài chính của dự án với mục tiêu đảm bảo đủ vốn, cơ cấu nguồn vốn hợp lý và khả năng trả nợ theo quy định.

- Có sự bất cập, không thống nhất ở chỗ đối với phương án tổng thể phát triển điện lực quốc gia thì là chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kinh tế, còn đối với hệ thống truyền tải điện thì lại là các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả tài chính. Chưa rõ lý do sao lại có sự lệch pha đó.

Để làm rõ những vấn đề nêu trên, sau đây đề cập một số nội dung có liên quan.

Các khái niệm và những vấn đề chung về hiệu quả đầu tư:

Hiệu quả đầu tư:

Hiệu quả đầu tư là khái niệm để chỉ kết quả so sánh giữa lợi ích thu được (B) do đầu tư mang lại và chi phí đầu tư đã bỏ ra (C). Nếu B > C thì có hiệu quả, B = C thì hòa vốn và B

Lợi ích (B) và Chi phí (C):

Lợi ích: Là những kết quả tích cực thu được từ đầu tư; có thể tính được, hoặc không tính được bằng tiền.

Chi phí: Là sự tiêu tốn các nguồn lực cho đầu tư (bao gồm cả các kết quả tiêu cực và chi phí để xử lý chúng) để đạt được lợi ích đề ra.

Phân loại lợi ích và chi phí:

- Theo tính chất, hoặc nội dung kinh tế: Lợi ích và chi phí được phân ra lợi ích, chi phí tài chính, lợi ích, chi phí kinh tế, xã hội, môi trường.

- Theo phạm vi phát sinh: Lợi ích và chi phí được phân ra lợi ích, chi phí trực tiếp (trong dự án) và lợi ích, chi phí gián tiếp (ngoài dự án).

- Theo góc độ (phạm vi) hạch toán: Lợi ích và chi phí được phân ra lợi ích, chi phí trên phạm vi nền kinh tế, vùng lãnh thổ, lợi ích, chi phí trong phạm vi dự án và chủ đầu tư.

- Theo thời gian phát sinh: Lợi ích và chi phí được phân ra lợi ích, chi phí trước mắt, lợi ích và chi phí lâu dài.

Thông thường chỉ cần phân ra lợi ích và chi phí tài chính trong phạm vi dự án và chủ đầu tư, lợi ích và chi phí kinh tế, xã hội, môi trường trên phạm vi nền kinh tế, vùng lãnh thổ là bao quát tổng thể mọi vấn đề.

Nguyên tắc xác định B và C: Nguyên tắc chung để xác định đúng đắn, đầy đủ các lợi ích và chi phí là so sánh giữa trạng thái không có dự án đầu tư và trạng thái có dự án đầu tư. Sự chênh lệch giữa hai trạng thái đó chính là tác động của đầu tư, bao gồm lợi ích tạo ra hay lợi ích tăng thêm do đầu tư và chi phí bỏ ra hay chi phí tăng thêm do đầu tư.

Hiệu quả của dự án đầu tư được xác định trên hai góc độ:

Góc độ dự án và chủ đầu tư: Trên góc độ này sẽ phân tích hiệu quả thương mại, hay còn gọi là hiệu quả tài chính. Vì vậy, trong trường hợp này còn gọi là phân tích tài chính. Giá cả sử dụng trong phân tích tài chính để tính toán các lợi ích, chi phí là giá thị trường; các lợi ích, chi phí được hạch toán trong phạm vi dự án hay trên góc độ chủ đầu tư hoặc doanh nghiệp.

Mục đích của việc xác định hiệu quả thương mại (hiệu quả tài chính) là để làm cơ sở cho chủ đầu tư ra quyết định đầu tư.

Góc độ nền kinh tế quốc dân: Trên góc độ này sẽ phân tích hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội, hay còn gọi là hiệu quả kinh tế, xã hội. Vì vậy, trong trường hợp này còn gọi là phân tích kinh tế. Giá cả sử dụng trong phân tích kinh tế để tính toán các lợi ích, chi phí là giá kinh tế; các lợi ích, chi phí được hạch toán trên phạm vi nền kinh tế quốc dân.

Mục đích của việc xác định hiệu quả kinh tế, xã hội là để làm cơ sở đề xuất chủ trương và cơ chế, chính sách, giải pháp của Nhà nước đối với dự án đầu tư.

Nhiệm vụ phân tích hiệu quả dự án đầu tư, gồm có 3 nhiệm vụ chính:

a. Xác định tính hiệu quả của dự án: Các phương pháp phân tích hiệu quả dự án phải trả lời được câu hỏi dự án có hay không có hiệu quả. Nói chung, các dự án sẽ được chấp nhận nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn hiệu quả đã đặt ra, ngược lại dự án sẽ bị bác bỏ.

b. Xếp hạng các dự án độc lập: Dự án độc lập là các dự án có thể tiến hành đồng thời, tuy nhiên, do hạn chế về vốn, nguồn lực nên chỉ một số dự án được thực hiện trước, còn các dự án khác phải hoãn lại thực hiện sau. Trong trường hợp này, các tiêu chuẩn đánh giá phải so sánh hiệu quả các dự án và xác định xem dự án nào được ưu tiên thực hiện trước, dự án nào phải hoãn lại thực hiện sau. Cơ sở để xếp hạng các dự án là tỷ lệ sinh lợi của chúng.

c. Lựa chọn những dự án loại trừ nhau: Dự án loại trừ nhau là các dự án không thể tiến hành đồng thời - tức là nếu thực hiện dự án này thì phải loại bỏ dự án kia. Trong trường hợp này, nhiệm vụ phân tích hiệu quả các dự án là tìm ra được dự án có hiệu quả cao nhất theo tiêu chuẩn đã định.

Phương pháp chung phân tích hiệu quả dự án đầu tư:

Hiệu quả của dự án đầu tư được xác định trên hai góc độ:

a) Góc độ dự án và chủ đầu tư: Trên góc độ này sẽ phân tích hiệu quả thương mại, hay còn gọi là hiệu quả tài chính. Vì vậy, trong trường hợp này còn gọi là phân tích tài chính. Giá cả sử dụng trong phân tích tài chính để tính toán các lợi ích, chi phí là giá thị trường; các lợi ích, chi phí được hạch toán trong phạm vi dự án hay trên góc độ chủ đầu tư hoặc doanh nghiệp.

Mục đích của việc xác định hiệu quả thương mại là để làm cơ sở cho chủ đầu tư ra quyết định đầu tư.

b) Góc độ nền kinh tế quốc dân: Trên góc độ này sẽ phân tích hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội, hay còn gọi là hiệu quả kinh tế, xã hội. Vì vậy, trong trường hợp này còn gọi là phân tích kinh tế. Giá cả sử dụng trong phân tích kinh tế để tính toán các lợi ích, chi phí là giá kinh tế; các lợi ích, chi phí được hạch toán trên phạm vi nền kinh tế quốc dân.

Mục đích của việc xác định hiệu quả kinh tế, xã hội là để làm cơ sở đề xuất chủ trương và cơ chế, chính sách, giải pháp của Nhà nước đối với dự án đầu tư. Ví dụ, trong trường hợp dự án đầu tư có hiệu quả thương mại thấp nhưng có hiệu quả kinh tế, xã hội cao (ví dụ các dự án tại các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo, vùng biên giới) thì Nhà nước phải có các giải pháp, cơ chế, chính sách phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả thương mại để khuyến khích chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án.

Phân tích hiệu quả thương mại của dự án đầu tư:

Phân tích hiệu quả thương mại (hay còn gọi là hiệu quả tài chính) của dự án đầu tư gồm các nội dung: Xác định các chỉ tiêu hiệu quả vốn đầu tư, phân tích khả năng thanh toán và phân tích cơ cấu nguồn vốn.

Các chỉ tiêu hiệu quả vốn đầu tư gồm có: Thời hạn thu hồi vốn (Pay Back Period- PBP), Giá trị hiện tại ròng (Net Present Value - NPV), Tỷ lệ lãi nội bộ (Internal Rate of Return - IRR), Tỷ lệ lợi ích/chi phí (B/C), Tỷ lệ lợi ích ròng/Vốn đầu tư (N/K). Việc lựa chọn chỉ tiêu nào để đánh giá hiệu quả thương mại là tùy thuộc vào đặc điểm và mục tiêu của dự án, vào môi trường kinh tế, vào giai đoạn lập dự án, vào khả năng sẵn có số liệu… Thông thường để phân biệt với hiệu quả kinh tế, xã hội thì các chỉ tiêu hiệu quả tài chính có thêm từ “tài chính”. Ví dụ: Thời hạn thu hồi vốn tài chính - FPBP), Giá trị hiện tại ròng tài chính (FNPV), Tỷ lệ lãi nội bộ tài chính (FIRR), Tỷ lệ lợi ích/chi phí tài chính (FB/C), v.v...

Phân tích khả năng thanh toán của dự án gồm các mục tiêu:

(1) Nguồn vốn đã huy động được, bao gồm vốn cổ phần và vốn vay có đáp ứng đầy đủ vốn đầu tư không.

(2) Các khoản thiếu hụt tiền vốn có nằm trong giới hạn có thể trang trải bằng vốn vay ngắn hạn, hoặc có thể cân đối bằng cách điều chỉnh lại một số khoản thu hoặc chi hay không.

(3) Các điều kiện vay vốn (lãi vay, thời hạn trả nợ, thời gian ân hạn...) có phù hợp không.

(4) Lợi tức cổ phần như mức chủ đầu tư dự kiến có đạt được không.

Phân tích cơ cấu nguồn vốn của dự án: Chỉ tiêu áp dụng phổ biến nhất biểu thị cơ cấu vốn được gọi là tỷ lệ Nợ/Cổ phần (Rdc) - tức là tỷ lệ giữa vốn vay dài hạn (L) trên vốn góp của chủ sở hữu (Q).

Phân tích hiệu quả kinh tế, xã hội của dự án đầu tư:

Mục đích của việc phân tích hiệu quả kinh tế, xã hội là đánh giá sự đóng góp của dự án vào tất cả các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Vì vậy, các chỉ tiêu hiệu quả kinh tế của dự án bao gồm: Thời hạn thu hồi vốn kinh tế (Economic Pay Back Period- EPBP), Giá trị hiện tại ròng kinh tế (Economic Net Present Value - ENPV), Tỷ lệ lãi nội bộ kinh tế (Economic Internal Rate of Return - EIRR), Tỷ lệ lợi ích/chi phí kinh tế (EB/C) được xét trên góc độ nền kinh tế quốc dân.

Ngoài ra, còn có các chỉ tiêu Giá trị gia tăng (Value Added - VA) được coi như một tiêu chuẩn quan trọng nhất để xác định tác động của dự án đối với nền kinh tế nói chung, hoặc của vùng lãnh thổ nói riêng, hoặc một loạt các chỉ tiêu bổ sung nhằm nêu được những tác động của dự án lên các khía cạnh riêng biệt của đời sống kinh tế, xã hội trong phạm vi mà dự án đang được xem xét.

Chẳng hạn, những tác động đến việc làm, phân phối lợi ích và chi phí, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu nhập ngoại hối, khả năng cạnh tranh quốc tế của sản phẩm... Đối với những tác động mà mức độ ảnh hưởng của chúng không thể lượng hoá được, có thể sử dụng phân tích định tính thông qua những xem xét bổ sung như tác động đến kết cấu hạ tầng, trình độ kỹ thuật công nghệ, môi trường, nâng cao trình độ dân trí...

Khi phân tích hiệu quả kinh tế, xã hội trên góc độ nền kinh tế quốc dân người ta không sử dụng giá thị trường thực tế mà sử dụng giá kinh tế hoặc giá ẩn, giá mờ (hidding price, shadow price) gần giống như giá xã hội (phản ánh chi phí xã hội cần thiết để tạo ra sản phẩm). Nguyên nhân là do trong thực tế không có những nền kinh tế thị trường cạnh tranh hoàn hảo, cho nên giá thị trường trong nhiều trường hợp không phản ảnh đúng chi phí xã hội do có sự can thiệp của Nhà nước, tính độc quyền và tính không hoàn hảo của thị trường. Việc xác định giá kinh tế được thực hiện thông qua điều chỉnh giá thị trường để loại bỏ những tác động phi thị trường ra khỏi giá và gọi đó là giá điều chỉnh (adjusted price).

Tương tự, tỷ giá hối đoái chính thức cũng được thay bằng tỷ giá điều chỉnh (tỷ giá thực) và tỷ lệ lãi suất thực tế trên thị trường vốn được thay bằng tỷ suất chiết khấu xã hội. Tỷ giá hối đoái điều chỉnh và tỷ suất chiết khấu xã hội nêu trên thường được gọi là các thông số quốc gia, hoặc thông số của nền kinh tế (National Parameter).

Tóm lại, giá cả được sử dụng trong phân tích hiệu quả kinh tế, xã hội phải phản ánh đúng lợi ích và chi phí thực của xã hội.

Đề xuất kiến nghị:

Từ những phân tích trên đây kiến nghị đối với QHĐ VIII về phân tích, đánh giá hiệu quả đầu tư của QH như sau:

Thứ nhất: Nội dung phân tích hiệu quả của Quy hoạch phải bao gồm: (1) Phân tích hiệu quả thương mại hay hiệu quả tài chính; (2) Phân tích hiệu quả kinh tế, xã hội. Hai nội dung này cụ thể hóa cho phù hợp với nền kinh tế Việt Nam và ngành điện lực Việt Nam. Tùy theo tình hình cụ thể, sự cần thiết có thể đánh giá hiệu quả tổng thể của toàn ngành điện và của từng phân đoạn: Nguồn điện và truyền tải điện. Tuy nhiên, cần lập luận về sự cần thiết của mỗi trường hợp.

Thứ hai: Nội dung phân tích hiệu quả thương mại (hay hiệu quả tài chính) gồm các chỉ tiêu hiệu quả vốn đầu tư (Thời hạn thu hồi vốn tài chính - FPBP, FNPV, FIRR, FB/C), phân tích khả năng thanh toán và phân tích cơ cấu nguồn vốn với nội dung phù hợp với ngành điện.

Thứ ba: Nội dung phân tích hiệu quả kinh tế, xã hội gồm các chỉ tiêu hiệu quả kinh tế vốn đầu tư (Thời hạn thu hồi vốn kinh tế - EPBP, ENPV, EIRR, EB/C), Giá trị gia tăng (Value Added - VA), v.v... với nội dung phù hợp với ngành điện.

Thứ tư: Xác định rõ các căn cứ, thông số tính toán các chỉ tiêu hiệu quả thương mại và hiệu quả kinh tế, xã hội nêu trên phù hợp với nền kinh tế và ngành điện Việt Nam.

Thứ năm: Trên cơ sở kết quả tính toán, phân tích các chỉ tiêu hiệu quả thương mại và hiệu quả kinh tế, xã hội kiến nghị các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển điện lực phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo đời sống của nhân dân phù hợp trong từng thời kỳ (từ năm 2021 đến năm 2045).

PGS.TS NGUYỄN CẢNH NAM - CHUYÊN GIA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM; KHOA QUẢN LÝ CÔNG NGHIỆP VÀ NĂNG LƯỢNG - EPU

Tài liệu tham khảo:

[1]. Quy hoạch điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là QHĐVIII). Bộ Công Thương (Dự thảo tháng 4/2022).

[2]. Nguyễn Cảnh Nam, Lưu Thị Thu Hà (2017): Những vấn đề cơ bản về kinh tế mỏ và quản trị doanh nghiệp mỏ trong thời kỳ hội nhập và biến đổi khí hậu. NXB Lao động - Xã hội.

Theo Tạp chí Năng lượng Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết Một số vấn đề về đánh giá hiệu quả tài chính, kinh tế, xã hội trong Quy hoạch điện VIII. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới