Chủ nhật, 24/11/2024 08:30 (GMT+7)
Thứ hai, 11/01/2021 06:15 (GMT+7)

Mùa khô năm 2021 xâm nhập mặn ở ĐBSCL sẽ không nghiêm trọng như năm 2020

Theo dõi KTMT trên

Mùa khô năm 2020 - 2021, xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn trung bình nhiều năm nhưng không nghiêm trọng như mùa khô năm 2019 - 2020.

Các đợt xâm nhập mặn cao nhất ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 2 (ngày 10 đến 15/2, 26/2 đến 2/3), tháng 3 (ngày 12 đến 16, ngày 25 đến 29). Riêng các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3 và ngày 9 đến 14/4, ngày 24 đến 28/4, sau đó giảm dần.

Tình hình xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong, triều cường và còn biến động trong thời gian tới.

Các địa phương ở vùng đồng bằng Nam Bộ cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng chống xâm nhập mặn.

Mùa khô năm 2021 xâm nhập mặn ở ĐBSCL sẽ không nghiêm trọng như năm 2020 - Ảnh 1
Năm 2021, xâm nhập mặn được dự báo vẫn ở mức cao. (Ảnh minh họa: Internet)

Từ ngày 11 - 17/1, thượng nguồn sông Mekong và khu vực Nam Bộ sẽ phổ biến ít mưa, ban ngày có nắng. Nền nhiệt độ thấp nhất ban đêm phổ biến 20-23 độ C, riêng miền Đông Nam Bộ có nơi thấp hơn, 19 - 21 độ C; nhiệt độ cao nhất dao động trong khoảng 29 - 32 độ C, có nơi cao hơn.

Từ ngày 18/1, miền Đông Nam Bộ có khả năng xuất hiện mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa với lượng khá tập trung ở khu vực ven biển Đông Nam Bộ.

Do vậy, mực nước các trạm trên dòng chính sông Mekong biến đổi chậm với xu thế giảm dần, so với trung bình nhiều năm, mực nước tại các trạm thượng lưu ở mức thấp hơn từ 0,1-1m, tại các trạm trung, hạ lưu ở mức cao hơn từ 0,1-0,2m. Mực nước trên sông Tiền và sông Hậu biến đổi chậm theo triều. Mực nước cao nhất tuần tại Tân Châu là 1,75m; tại Châu Đốc là 1,9m, cao hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 0,3-0,5m.

Xu thế xâm nhập mặn từ ngày 11 đến 20/1 ở đồng bằng sông Cửu Long với xu thế tăng dần và đạt mức cao nhất tuần vào ngày 14 đến 16/1, sau đó giảm chậm. Độ mặn cao nhất tại các trạm ở mức thấp hơn độ mặn cao nhất tháng 1/2020.

Chiều sâu ranh mặn 1g/l trong thời kỳ này trên các sông ở miền Tây có khả năng phạm vi xâm nhập mặn từ 35-55km.

Chiều sâu ranh mặn 4g/l trong thời kỳ này trên sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, phạm vi xâm nhập mặn 35-40km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại 40-45km; sông Hàm Luông, Cổ Chiên 35-40km; sông Hậu 25-35km; sông Cái Lớn 20-30km.

Ông Phùng Tiến Dũng, trưởng phòng dự báo thủy văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia khuyến cáo: "Trong thời kỳ này, các địa phương cần chủ động đo độ mặn trước khi tích trữ nước ngọt phục vụ nông nghiệp và dân sinh".

Cũng theo ông Dũng, dự báo xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2020 - 2021 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm nhưng không nghiêm trọng như mùa khô năm 2019 - 2020.

"Các đợt xâm nhập mặn cao nhất ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng tháng 2, tháng 3, riêng các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3, 4, sau giảm dần. Tình hình xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong, triều cường và còn biến động trong thời gian tới" - ông Dũng nhận định.

Mùa khô năm 2019 - 2020, hạn hán, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến 10/13 địa phương khu vực ĐBSCL khiến hàng chục nghìn ha cây trồng cũng như vùng nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Trong đó, vụ mùa 2019, trên đất lúa - tôm, diện tích bị ảnh hưởng do hạn, mặn khoảng 16.500 ha, chủ yếu tại tỉnh Cà Mau.

Riêng vụ đông xuân 2019 - 2020, diện tích lúa bị ảnh hưởng do hạn, mặn khoảng 41.900 ha, chiếm 2,7% tổng diện tích gieo trồng toàn vùng, trong đó có 70% diện tích bị thiệt hại với hơn 26.000 ha. Ngoài ra, hạn, mặn còn làm hơn 25 nghìn ha cây ăn quả, hơn 17,2 nghìn ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Lúc cao điểm, hạn, mặn còn khiến khoảng 96 nghìn hộ dân thiếu nước sinh hoạt.

Nhật Hạ

Bạn đang đọc bài viết Mùa khô năm 2021 xâm nhập mặn ở ĐBSCL sẽ không nghiêm trọng như năm 2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới