Mùa xuân trồng cây nhớ ơn Bác
Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất chú ý đến việc trồng cây, gây rừng, bảo vệ môi trường. Giữa lúc đất nước đang bị chiến tranh tàn phá, phải đương đầu với thù trong giặc ngoài, nhưng Người vẫn dành sự quan tâm cho môi trường sống của con người.
Mùa xuân là Tết trồng cây
Một mùa Xuân mới đã về trên quê hương Việt Nam. Đã thành thông lệ cứ vào mỗi độ Tết đến xuân về, trong không khí rộn ràng, phấn khởi những ngày đầu năm mới, nhân dân ta lại nhớ tới lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Đã 62 năm kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động “Tết Trồng cây” lần đầu tiên năm 1960, “Tết Trồng cây” đã trở thành phong trào lan tỏa khắp các địa phương trong cả nước. Hàng triệu cây xanh được bám sâu vào đất mẹ, như một biểu tượng đẹp đẽ và sống động nhất của sức sống mới, sự gắn kết hài hòa giữa con người và thiên nhiên.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người rất yêu thiên nhiên, quý trọng thiên nhiên. Người sống chan hòa với thiên nhiên, hòa mình trong thiên nhiên, trân trọng thiên nhiên. Tình yêu thiên nhiên, đất nước của Bác không chỉ thể hiện ở trong các tác phẩm thơ ca, nó còn được thể hiện trong toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng của Người.
Những nơi Bác chọn làm chỗ ở và làm việc vừa đảm bảo sự bí mật thiết yếu về mặt an ninh, quốc phòng, vừa gần gũi với thiên nhiên, đất nước. Những địa danh đó chính là suối Lê Nin, núi Các Mác ở Pác Bó, Cao Bằng, lán Nà Lừa ở Tân Trào, Tuyên Quang, khu Đá Chông ở Ba Vì, Hà Tây (cũ) và ngôi Nhà sàn xung quanh có vườn cây, ao cá ở giữa Thủ đô Hà Nội. Bác chính là tấm gương sáng về chăm lo cho môi trường sống.
Tình yêu thiên nhiên, đất nước ở Bác đã được thể hiện thành những việc làm rất cụ thể, thiết thực trong việc bảo vệ, giữ gìn tài sản vô giá của quốc gia, dân tộc. Bác Hồ là một trong những lãnh tụ đi tiên phong trong vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái, rất chú ý đến việc trồng cây, gây rừng. Người thường nhắc đến câu tục ngữ: “Rừng vàng, biển bạc” và yêu cầu “chúng ta chớ lãng phí vàng mà phải bảo vệ vàng của chúng ta”. Với Người, trồng cây không chỉ là công việc nông lâm đơn thuần, mà còn có ý nghĩa sâu sắc là giáo dục đạo đức lao động cho nhân dân; đặc biệt là giáo dục ý thức cho con người trong việc bảo vệ môi trường sinh thái.
Sau khi khởi xướng và phát động phong trào “Tết trồng cây”, Tết Nguyên đán năm ấy Bác là người đầu tiên và gương mẫu thực hiện. Sáng 11/1/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đồng bào Thủ đô đã trồng cây ở Công viên Hồ Bảy Mẫu (Công viên Thống Nhất - PV). Tại đây, Bác đã tự tay cầm xẻng, xúc đất vun cho một cây đa nhỏ. Trồng cây xong, Bác nói chuyện thân mật với mọi người về lợi ích của việc trồng cây.
“Mấy năm trước nơi đây còn là bãi rác, nhờ có lao động của mọi người mà nay cây đã lên xanh tốt. Ngày nghỉ, các cô, các chú dẫn con cái ra đây hóng mát, xem hoa, ngắm cây vui chơi. Đây chính là vườn hoa của các cô, các chú. Vậy chúng ta phải lao động cho thật tốt, ta làm cho ta và cho con cháu đời sau”, Người nói.
Hơn 60 năm đã trôi qua kể từ “Tết Trồng cây” đầu tiên ấy, cây đa nhỏ năm xưa Bác trồng ở Công viên Thống Nhất giờ đã là một cây cổ thụ sum suê xanh tốt, tỏa bóng mát quanh năm. Cùng với đó, hàng triệu cây xanh đã được trồng khắp nơi trên khắp mọi miền đất nước nhờ phong trào “Tết Trồng cây”. Kết thúc chiến tranh, hòa bình lập lại những cánh rừng từng cháy đen vì bom đạn của kẻ thù nay đã hồi sinh. Phong trào trồng cây, gây rừng, phủ xanh đất trồng đồi núi trọc từng bước phát triển, nhân rộng trên khắp mọi miền tổ quốc.
Thêm một cây xanh, thêm một sự sống
Ngày mùng 6 Tết Tân Sửu (17/2) tại Thủ đô Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đến dâng hương tưởng niệm các bậc tiền nhân và trồng cây lưu niệm tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Đây là hoạt động mở đầu cho phong trào “Tết trồng cây” Xuân Tân Sửu 2021 trên khắp cả nước. Ngay sau đó, hàng loạt địa phương trên cả nước đã nô nức tổ chức lễ phát động Tết Trồng cây.
Phát biểu tại Lễ phát động Chương trình trồng 1 tỉ cây xanh “Vì một Việt Nam xanh” và hưởng ứng Tết trồng cây Xuân Tân Sửu năm 2021 tại tổ 3, phường Ỷ La (TP.Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, theo đề án trồng ít nhất 1 tỉ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025, sẽ có gần 700 triệu cây xanh được trồng phân tán ở khu vực đô thị và nông thôn, hơn 300 triệu cây xanh trồng rừng tập trung. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, chương trình trồng 1 tỉ cây xanh là chương trình vô cùng ý nghĩa như Bác Hồ từng chỉ rõ, việc này ít tốn kém mà lợi ích nhiều, góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống nhân dân, bảo vệ môi trường bền vững của cả nước.
Hoạt đồng trồng cây đầu năm trong các Lễ phát động cũng là tiếng “pháo hiệu” bắt đầu cho những hoạt động, hành động thiết thực nhằm cụ thể hóa Chỉ thị 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 31/12/2020 về việc tổ chức phong trào “Tết Trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021. Chỉ thị nêu rõ, các ngành, các địa phương phải có kế hoạch thực hiện chương trình trồng một tỉ cây xanh thành phong trào thi đua của mọi cấp, mọi ngành, trong từng khu dân cư với sự tham gia của người dân; Tập trung ở địa bàn đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế khác, khu dân cư tập trung, khu văn hóa - lịch sử, khu tưởng niệm, hành lang giao thông, kết hợp phòng hộ trong khu canh tác nông nghiệp...
Chỉ tiêu này không bao gồm cây trong rừng thay thế và cây trồng rừng tái canh sau khai thác gỗ. Ưu tiên lựa chọn loài cây trồng gỗ lớn, lâu năm, đa mục tiêu, gắn với nhiệm vụ, giải pháp thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp và mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Hằng năm, tổ chức giám sát, đánh giá, rút kinh nghiệm, kịp thời giải quyết vướng mắc, nhân rộng mô hình tốt, bảo đảm thực hiện chương trình thành công. Từ đó cụ thể hóa sáng kiến “trồng 1 tỉ cây xanh trong 5 năm tới” của Thủ tướng Chính phủ phát động tại Kỳ họp lần thứ 10, Quốc hội khóa XIV và Nghị quyết số 178/NQ-CP ngày 12/12/2020 của Chính phủ.
Nhớ lời Bác dạy mỗi người con đất Việt hãy giữ vững và phát huy để “Tết trồng cây” thực sự là ngày hội lớn “Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Vì mỗi một cây trồng được sẽ đem đến màu xanh cho cả xã hội, những thế kỷ xanh sẽ mãi nối tiếp nhau góp phần quan trọng vào việc cải thiện môi sinh, bảo vệ môi trường.
Và ngay từ những ngày đầu Xuân Tân Sửu năm 2021 này, mỗi người dân, mỗi cơ quan, tổ chức hãy chủ động triển khai thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, trồng cây, trồng rừng, cả nước chung sức, đồng lòng góp sức trồng mới 1 tỉ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 theo như lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ.
Nguyễn Cường