Chủ nhật, 24/11/2024 05:26 (GMT+7)
Thứ tư, 20/10/2021 14:00 (GMT+7)

Mục tiêu đến năm 2050, hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Theo dõi KTMT trên

Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ban hành. Theo đó, tầm nhìn đến năm 2050 ưu tiên hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Theo quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030, cải tạo, nâng cấp để khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, kết nối thông suốt tuyến đường sắt liên vận quốc tế; Hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, thu xếp nguồn lực để khởi công một số tuyến đường sắt mới, trong đó ưu tiên tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế, sân bay quốc tế, đường sắt đầu mối tại thành phố lớn, nghiên cứu để triển khai tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.

Bên cạnh đó, tầm nhìn đến năm 2050 hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; Tiếp tục đầu tư hoàn thành các tuyến đường sắt mới tại khu đầu mối Hà Nội, khu đầu mối TP.HCM, đường sắt kết nối các cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế, kết nối các tỉnh Tây Nguyên, đường sắt ven biển, đường sắt kết nối quốc tế; Duy trì, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa.

Thêm 9 tuyến đường sắt mới

Bên cạnh 7 tuyến đường sắt hiện có với tổng chiều dài khoảng 2.440 km thì mạng lưới đường sắt quốc gia đến năm 2030 quy hoạch 9 tuyến đường sắt mới, tổng chiều dài 2.362 km.

Mục tiêu đến năm 2050, hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam - Ảnh 1
Dự kiến tổng nhu cầu vốn cho các dự án đường sắt đến năm 2030 khoảng 240.000 tỉ đồng. (Ảnh minh họa)

Đến năm 2050, mạng lưới đường sắt quốc gia được quy hoạch bao gồm 25 tuyến với chiều dài 6.354 km. Dự kiến, tổng nhu cầu vốn cho các dự án đường sắt đến năm 2030 khoảng 240.000 tỉ đồng, sử dụng ngân sách nhà nước, ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Theo đó, 9 tuyến đường sắt mới bao gồm:

1. Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam từ ga Ngọc Hồi đến ga Thủ Thiêm với chiều dài khoảng 1.545 km.

2. Tuyến Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân từ ga Yên Viên Bắc đến ga Cái Lân với chiều dài 129 km.

3. Tuyến vành đai phía Đông TP.Hà Nội từ Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Bắc Hồng với chiều dài khoảng 59 km; Chuyển đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên, Gia Lâm - Lạc Đạo thành đường sắt đô thị phù hợp với lộ trình xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Hà Nội và đường sắt vành đai phía Đông.

4. Tuyến Hà Nội - Hải Phòng (thuộc tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng) song song với tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (đến ga Nam Hải Phòng) kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế Hải Phòng với các khu bến cảng Đình Vũ, Nam Đồ Sơn và Lạch Huyện với chiều dài khoảng 102 km.

5. Tuyến Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ từ cảng Vũng Áng đến biên giới Việt Nam - Lào (đèo Mụ Giạ) với chiều dài khoảng 103 km.

6. Tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu từ ga Trảng Bom đến ga Vũng Tàu với chiều dài khoảng 84 km.

7. Tuyến TP.HCM - Cần Thơ từ ga An Bình đến ga Cái Răng với chiều dài khoảng 174 km.

8. Tuyến TP.HCM - Lộc Ninh từ ga Dĩ An đến điểm nối ray biên giới Việt Nam - Campuchia (cửa khẩu Hoa Lư) với chiều dài khoảng 128 km.

9. Tuyến Thủ Thiêm - Long Thành từ ga Thủ Thiêm đến ga Cảng hàng không quốc tế Long Thành chỉ phục vụ hành khách với chiều dài khoảng 38 km.

Để thực hiện được các nhiệm vụ trên, Chính phủ sẽ ban hành cơ chế khuyến khích tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư, có cơ chế khai thác quỹ đất (nhất là tại các ga đường sắt) để huy động nguồn vốn, phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

Đồng thời, Chính phủ sẽ đẩy mạnh xã hội hóa trong kinh doanh đường sắt, dịch vụ hỗ trợ vận tải; Thu hút các thành phần kinh tế, kể cả nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư phương tiện vận tải, công trình hỗ trợ như ke ga, kho, bãi hàng, phương tiện xếp dỡ...

Trước đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vừa kiến nghị Chính phủ cho phép nhập 37 toa tàu cũ được Nhật Bản chuyển giao miễn phí.

Theo tính toán, việc này sẽ giúp tiết kiệm hơn 1.100 tỉ đồng so với phương án đầu tư đóng mới các toa tàu. Thêm vào đó, 37 toa tàu được đề xuất nhập về có thể chạy độc lập thay vì phải có đầu kéo như tàu Việt Nam hiện nay. Do đó sẽ giúp giảm chi phí nhiên liệu. Tuy nhiên, dư luận vẫn đặt ra những băn khoăn rằng các toa tàu cũ liệu có còn đảm bảo hiệu quả về kinh tế hay không?

Khẳng định việc nhập về là "có lợi hơn là không có lợi", ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch VNR diễn giải, lợi ở đây là lợi không phải là với doanh nghiệp tư nhân chỉ tính hiệu quả kinh tế của đồng vốn, mà đây là doanh nghiệp Nhà nước, lợi ích cho doanh nghiệp Nhà nước chính là lợi ích cho Nhà nước. Người đại diện phần vốn Nhà nước giao cho Hội đồng thành viên thì phải đề xuất điều gì có lợi nhất.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Mục tiêu đến năm 2050, hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới