Thứ năm, 28/11/2024 02:14 (GMT+7)
Thứ sáu, 01/10/2021 16:06 (GMT+7)

Muôn kiểu xâm hại rừng (Kỳ 7): 'Giơ cao đánh khẽ' khiến cây rừng bật gốc

Theo dõi KTMT trên

Sự nương tay, xử lý sự việc theo kiểu “giơ cao đánh khẽ” của cơ quan chức năng với các đối tượng lâm tặc, các cá nhân, đơn vị có trách nhiệm giữ rừng khiến nạn phá rừng chưa đạt được như kỳ vọng.

Bỏ quên hành vi phá rừng

Mới đây, trao đổi với các cơ quan báo chí, ông Thái Thượng Hải - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chư Sê (Gia Lai) xác nhận các cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai đã ra quyết định khởi tố vụ án "hủy hoại rừng" trên diện tích gần 12 ha.

Đây không phải lần đầu tiên các cơ quan chức năng ra quyết định khởi tố hình sự đối với các tổ chức, cá nhân trực tiếp có hành vi xâm hại, hủy hoại rừng trong những năm qua. Tuy nhiên cũng có không ít những vụ việc dư luận cho rằng mức độ xử phạt của các cơ quan chức năng đối với các tổ chức cá nhân trực tiếp tham gia xâm phạm hủy hoại rừng, những người có trách nhiệm bảo vệ rừng nhưng để lâm tặc ngang nhiên chặt phá rừng còn ở mức “giơ cao đánh khẽ” chưa đúng người đúng tội, khiến dư luận hoài nghi.

Muôn kiểu xâm hại rừng (Kỳ 7): 'Giơ cao đánh khẽ' khiến cây rừng bật gốc - Ảnh 1
Nhiều doanh nghiệp chỉ bị xử lý về hành vi lấn chiếm đất, chứ không bị xử lý về hành vi hủy hoại rừng. 

Vào tháng 7/2020 có 1.174 m2 rừng bị phá. Trong đó có 730 m2 rừng do UBND xã Tây Thuận quản lý, còn lại là diện tích rừng được giao cho các hộ dân quản lý theo dự án khôi phục và phát triển rừng bền vững (KFW6). Sau khi có phản ánh về vụ phá rừng, cơ quan chức năng kiểm tra hiện trường, xác định tại hiện trường có 18 gốc cây có đường kính lớn bị cưa hạ.

Vào cuối năm 2020, theo chỉ đạo của chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, Chi cục Kiểm lâm Bình Định cùng Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn đã tổ chức họp kiểm điểm trách nhiệm đối nhân viên Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn, được giao nhiệm vụ kiểm lâm địa bàn xã Tây Thuận. Tại cuộc họp này, tập thể cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn đã bỏ phiếu kín với kết quả 20/20 phiếu kiến nghị không xử lý kỷ luật mà chỉ kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với cán bộ này.

Một vụ việc khác cũng liên quan đến hành vi phá rừng như chưa bị xử lý, đó là việc đơn vị thi công dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ 3 (Công ty Cổ phần Phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch làm chủ đầu tư) đưa công nhân, máy móc đến chặt phá rừng dương (phi lao) bên ngoài khu vực dự án tại thôn Xuân Bình, Xuân Phương (xã Mỹ An) vào đêm 6/8. Sau khi tiến hành kiểm tra các cơ quan chức năng địa phương tiến hành kiểm đếm xác định 5,26 ha rừng phòng hộ đã bị doanh nghiệp này chặt phá. 

UBND huyện Phù Mỹ sau đó vào cuộc xác minh và có báo cáo gửi tỉnh UBND tỉnh Bình Định. Truy nhiên, trong báo cáo không đề cập đến việc "phá rừng" mà chỉ nêu việc "lấn chiếm đất" và đề xuất xử phạt doanh nghiệp về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Cũng liên quan đến vụ việc này,Tổng cục Lâm nghiệp vừa có văn bản đề nghị Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định chỉ đạo lực lượng kiểm lâm phối hợp với các cơ quan chức năng ở địa phương kiểm tra, xác định diện tích rừng bị thiệt hại của các vụ phá rừng trái pháp luật xảy ra trên địa bàn.

Theo nhiều chuyên gia về lâm nghiệp chia sẻ, việc xử lý cán bộ trong các vụ án phá rừng ở một số địa phương, một số vụ việc chưa nghiêm, chưa đúng với bản chất hành vi phá rừng đó gây ra. Vì thế ở một số địa phương vẫn có những vụ xâm hại rừng ở mức nghiêm trọng.

Cần xử lý nghiêm

Ngày 29/9, ông Thái Thượng Hải, Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Chư Sê và ông Phạm Hữu Viên, Chủ tịch xã H’Bông (huyện Chư Sê, Gia Lai) cùng nhận hình thức kỷ luật khiển trách vì để 34 ha rừng phòng hộ bị phá. Đây chỉ là một trong nhiều vụ việc các cá nhân bị xử lý liên quan đến việc bị mất rừng trên cả nước. Điều này cho thấy sự quyết liệt của các địa phương trong việc gắn trách nhiệm của người đứng đầu với việc giữ rừng. 

Muôn kiểu xâm hại rừng (Kỳ 7): 'Giơ cao đánh khẽ' khiến cây rừng bật gốc - Ảnh 2
Cuối năm 2020, 7 cây gỗ nghiến có tuổi đời hàng trăm năm trên địa bàn xã Phìn Hồ, huyện Sìn Hồ tỉnh Lai Châu đã bị chặt hạ. 

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vụ việc liên quan đến việc phá rừng nhưng chưa được xử lý một cách thấu đáo khiến dư luận không khỏi hoài nghi về việc xử lý nghiêm cán bộ. Ngược thời gian về đầu năm 2021, Tạp chí Kinh tế Môi trường đã phản ánh về tình trạng khai thác rừng trái quy định pháp luật trên địa bàn xã Phìn Hồ, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu.

Cụ thể, trong thời gian từ ngày 28/8/2020 đến ngày 12/12/2020, 7 cây gỗ nghiến có tuổi đời hàng trăm năm tại tiểu khu 117 và tiểu khu 103 xã Phìn Hồ, huyện Sìn Hồ bị chặt hạ. Sau khi tiến hành kiểm tra, lực lượng chức năng huyện Sìn Hồ xác định tổng khối lượng gỗ các đối tượng khai thác trái quy định pháp luật là 11,8 m3 gỗ tròn. Sau khi kiểm đếm, lập hồ sơ số lượng gỗ trên đã bị các đối tượng lâm tặc lấy mất, dù các cơ quan chức năng huyện Sìn Hồ và xã Phìn Hồ đã phân công, cử người canh giữ. Sau đó, các cán bộ kiểm lâm chỉ bị xử lý với hình thức "phê bình, kiểm điểm, rút kinh nghiệm".

Sự nương tay, xử lý sự việc theo kiểu “giơ cao đánh khẽ” của cơ quan chức năng tỉnh Lai Châu nói riêng, của nhiều địa phương trên cả nước nói chung với các đối tượng lâm tặc, các cá nhân, đơn vị có trách nhiệm giữ rừng khiến nạn phá rừng tại nhiều địa phương trên cả nước không những không bị ngăn chặn đẩy lùi mà tiếp tục tái diễn theo hình thức tinh vi hơn trước. 

Muôn kiểu xâm hại rừng (Kỳ 7): 'Giơ cao đánh khẽ' khiến cây rừng bật gốc - Ảnh 3
Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương: "Để mất rừng thì Chủ tịch tỉnh, Chủ tịch huyện phải chịu trách nhiệm".

Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an), chia sẻ: "Tôi nhớ có lãnh đạo từng nói, bảo vệ rừng là cấp bách, trong trách nhiệm bảo vệ rừng có nói về vai trò của tỉnh và huyện. Để mất rừng thì Chủ tịch tỉnh, Chủ tịch huyện phải chịu trách nhiệm".

Khi phát biểu chỉ đạo tại một hội nghị toàn quốc về quản lý, bảo vệ rừng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (khi còn là Thủ tướng) nhấn mạnh việc bảo vệ rừng chủ yếu là các địa phương, Thủ tướng yêu cầu các địa phương chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát các tụ điểm phá rừng. Điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm theo quy định của pháp luật. Công khai kết quả xử lý để toàn xã hội tham gia, giám sát.

Kiểm điểm, xử lý nghiêm chủ rừng, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng và người đứng đầu thiếu trách nhiệm, không phát hiện ngăn chặn kịp thời để tổ chức ngăn chặn hành vi phá rừng. Kiên quyết loại phần tử thoái hóa, biến chất ra khỏi cơ quan công quyền.

Kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng phá rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng không đúng quy định, nhất là đối với một số địa phương đã có kết luận thanh tra, kiểm tra trong thời gian qua. Phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp cho chính quyền cơ sở, chứ không để tình trạng “cha chung không ai khóc”.

Hà Nam - Xuân Hòa

Bạn đang đọc bài viết Muôn kiểu xâm hại rừng (Kỳ 7): 'Giơ cao đánh khẽ' khiến cây rừng bật gốc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới