Chủ nhật, 24/11/2024 07:26 (GMT+7)
Thứ ba, 04/01/2022 12:00 (GMT+7)

Năm 2022, loạt chính sách mới thúc đẩy thị trường địa ốc

Theo dõi KTMT trên

Nhiều chính sách nổi bật chính thức có hiệu lực được dự báo sẽ là đòn bẩy tăng nguồn cung và thúc đẩy sự phát triển của thị trường địa ốc khi bước sang năm 2022.

Lãi suất cho vay ưu đãi hỗ trợ nhà ở là 4,8%/năm

Quyết định 1956/QĐ-NHNN ngày 3/12/2021 về mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2022 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư 11/2013/TT-NHNN, Thông tư 32/2014/TT-NHNN và Thông tư 25/2016/TT-NHNN. Quyết định 1956/QĐ-NHNN có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Theo đó, mức lãi suất của ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2022 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở là 4,8%/năm. Mức lãi suất này không thay đổi so với năm 2021 nhưng đã giảm 0,2% so với năm 2019 và 2020. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên mức lãi suất vay mua nhà ở tại ngân hàng thương mại được quy định bằng mức lãi suất vay tại ngân hàng chính sách xã hội.

Bên cạnh đó, theo Thông tư 32/2014/TT-NHNN, đối tượng vay vốn là cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân, người lao động có thu nhập thấp nhưng khó khăn về nhà ở, khi mua nhà ở thương mại tại các dự án phát triển nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị trên địa bàn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt có tổng giá trị hợp đồng mua bán (kể cả nhà và đất) không vượt quá 1.050.000.000 đồng.

Năm 2022, loạt chính sách mới thúc đẩy thị trường địa ốc - Ảnh 1
Mức lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở trong năm 2022 tới đây sẽ là 4,8%/năm.

Trao quyền UBND cấp tỉnh

Trước đây, những dự án đủ điều kiện chuyển nhượng, trong mọi trường hợp đều phải chuyển nhượng toàn phần, điều này gây bất lợi cho các dự án có diện tích lớn, trường hợp chủ đầu tư muốn chuyển nhượng một phần là không thể.

Với quy định mới này, thẩm quyền cho phép chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản thực hiện như sau: UBND cấp tỉnh quyết định cho phép chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản đối với dự án do UBND cấp tỉnh quyết định việc đầu tư hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản đối với dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định việc đầu tư.

Việc tách riêng quy định chuyển nhượng một phần và chuyển nhượng toàn bộ dự án thành 2 Điều khác nhau sẽ tạo cơ sở pháp lý để các doanh nghiệp dễ dàng thực hiện.

Nhiều dự án bất động sản đã được tháo gỡ tình trạng khó khăn, được tiếp tục triển khai thực hiện, hạn chế được các hệ lụy do dự án bị đình trệ, góp phần gia tăng nguồn cung bất động sản, cân đối cung cầu bất động sản, giảm tồn kho bất động sản.

Phạt tới 500 triệu đồng với vi phạm trong quy hoạch

Ngày 28/12/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký ban hành Nghị định số 122 thay thế Nghị định số 50/2016/NĐ-CP quy định chi tiết mức xử phạt vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản vi phạm, xử phạt bao gồm: Vi phạm quy định trong lĩnh vực đầu tư (đầu tư công, đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, đầu tư kinh doanh từ Việt Nam ra nước ngoài, đầu tư theo phương thức đối tác công tư - PPP); Vi phạm quy định trong lĩnh vực đấu thầu, đăng ký doanh nghiệp, quy hoạch. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực quy hoạch là 500 triệu đồng, đầu tư 300 triệu đồng, đấu thầu 300 triệu đồng, trong đăng ký doanh nghiệp 100 triệu đồng. Mức phạt cá nhân bằng 1/2 tổ chức.

Trong năm 2022, dự kiến Luật Đất đai sửa đổi, bổ sung sẽ được Quốc hội thảo luận thông qua, cũng được kỳ vọng sẽ mang đến nhiều tín hiệu tích cực đối với thị trường bất động sản.

Trong khi đó, Bộ Xây dựng cũng cho biết, sẽ tập trung sửa đổi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản; Xây dựng kế hoạch và đôn đốc các bộ ngành, địa phương tập trung triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030.

Đồng thời, tháo gỡ khó khăn để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho phân khúc thu nhập thấp và trung bình sẽ được tập trung rà soát, xây dựng để khắc phục việc mất cân đối cơ cấu sản phẩm nhà ở.

Theo TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), việc thực hiện chính sách thay đổi toàn diện rất tốt cho nền kinh tế nói chung và lĩnh vực bất động sản nói riêng. Bất động sản sẽ rất thuận lợi bởi năm 2021 là năm đầu của kế hoạch với hàng loạt dự án hạ tầng có tính chất thúc đẩy lớn đối với thị trường này.

"Việc nút thắt trong chính sách đang dần được gỡ bỏ; Sức chịu đựng và khả năng phục hồi nền kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19; Dòng vốn FDI và lãi suất giảm sẽ là những động lực quan trọng để đưa bất động sản trở thành điểm sáng của năm 2022" - vị chuyên gia cho biết.

Chia sẻ với phóng viên, nhiều doanh nghiệp địa ốc cũng bày tỏ kỳ vọng loạt chính sách mới sẽ sớm "vung đũa thần" thúc đẩy nguồn cung bất động sản trong thời gian tới.

Năm 2022, loạt chính sách mới thúc đẩy thị trường địa ốc - Ảnh 2
Loạt chính sách mới sẽ thúc đẩy sự phát triển của thị trường địa ốc.

Bỏ điều kiện về vốn pháp định

Tại khoản 1 Điều 10 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 trước đó quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã và có vốn pháp định không được thấp hơn 20 tỷ đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

Tuy nhiên, mới đây tại điểm a khoản 2 Điều 75 Luật Đầu tư 2020 sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 10 đã bỏ điều kiện về vốn pháp định trên, thay vào đó buộc các tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã.

Việc bỏ vốn pháp định nhưng các quy định khác của luật lại gia tăng, thắt chặt việc các nhà đầu tư phải có vốn thật trong các dự án, đặc biệt là các dự án về kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở nhằm đảo bảo dự án phát triển suôn sẻ và đảm bảo đúng các tiêu chí về mặt tài chính.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Năm 2022, loạt chính sách mới thúc đẩy thị trường địa ốc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dự kiến có 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, bao gồm các phương pháp quan trắc, phân tích môi trường không khí, nước, đất và trầm tích...

Tin mới