Chủ nhật, 24/11/2024 08:46 (GMT+7)
Thứ hai, 18/04/2022 15:00 (GMT+7)

Nâng cao chất lượng bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai

Theo dõi KTMT trên

Nâng cao chất lượng bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai là một trong những nội dung trọng tâm trong Kế hoạch công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ký ban hành Kế hoạch công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022 của Bộ. Kế hoạch được ban hành nhằm giúp Bộ chủ động trong công tác phòng, chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần thực hiện nhiệm vụ được giao.

Cảnh báo sớm nhằm kịp thời xử lý có hiệu quả

Theo đó, nhiệm vụ chung của Kế hoạch là nhằm triển khai, kiểm tra, giám sát việc thực thi Luật Khí tượng thủy văn (KTTV), Luật phòng, chống thiên tai và các văn bản hướng dẫn Luật; tiếp tục triển khai Chiến lược phát triển ngành KTTV và các quy hoạch, đề án, dự án nhằm hiện đại hóa mạng lưới quan trắc KTTV và công nghệ dự báo. Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 25/9/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác KTTV đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...

Nâng cao chất lượng bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai - Ảnh 1
Cảnh báo sớm nhằm kịp thời xử lý có hiệu quả các tình huống thiên tai, sự cố xảy ra. (Ảnh minh họa)

Về các nhiệm vụ cụ thể, Kế hoạch công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022, giao Tổng cục KTTV thường xuyên theo dõi và thực hiện chế độ trực ban phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; tổng hợp tình hình công tác phòng, chống và diễn biến của thiên tai, sự cố; tham mưu cho Trưởng Ban, Lãnh đạo Bộ chỉ đạo toàn ngành xử lý kịp thời, có hiệu quả các tình huống thiên tai, sự cố xảy ra.

Đề xuất thành lập, tổ chức các Đoàn kiểm tra do Lãnh đạo Bộ chủ trì kiểm tra tại các tỉnh theo phân công của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và các đoàn kiểm tra đột xuất công tác phòng, chống thiên tai, việc thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cấp độ rủi ro thiên tai; dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai tại các địa phương;

Bên cạnh đó, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị trong ngành thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; chủ động phối hợp với Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành liên quan trong các hoạt động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; đề xuất biện pháp phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai gây ra; tổng hợp, đề xuất việc hỗ trợ kinh phí đối với công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của các địa phương;

Chủ trì soạn thảo Thông tư thay thế Thông tư số 06/2016/TT-BTNMT ngày 16/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định loại bản tin và thời hạn dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; Thông tư thay thế Thông tư số 05/2016/TT-BTNMT ngày 13/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định nội dung quan trắc KTTV đối với trạm thuộc mạng lưới trạm KTTV quốc gia.

Đồng thời, Tổng cục KTTV chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát, kiểm tra toàn bộ phương tiện, máy móc, trang thiết bị, thông tin liên lạc, đảm bảo quan trắc, đo đạc đầy đủ, kịp thời thông tin thông suốt trong mọi tình huống; hoàn thiện các phương án, công cụ dự báo KTTV; các phương án phục vụ phòng, chống thiên tai tại các Đài KTTV khu vực và các Đài KTTV tỉnh.

Tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, giám sát các hiện tượng KTTV nguy hiểm, cung cấp kịp thời, đầy đủ các thông tin về thiên tai cho Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp và các cơ quan theo quy định phục vụ công tác chỉ đạo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Nâng cao chất lượng bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai, trọng tâm là nâng thời hạn dự báo, cảnh báo sớm bão, áp thấp nhiệt đới và cảnh báo mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất; chú trọng việc dự báo thời tiết điểm, mưa lớn định lượng, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất và chi tiết hóa các cấp độ rủi ro thiên tai phục vụ công tác phòng, chống thiên tai. Cải tiến nội dung các bản tin dự báo theo hướng chi tiết, rõ ràng hơn; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất và các thiên tai khác cho cộng đồng.

Dự báo thiên tai năm nay vẫn sẽ khốc liệt

Mới đây (chiều 15/4), Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã có bản tin cập nhật về hiện tượng ENSO và nhận định xu thế khí tượng thủy văn từ tháng 5- 10/2022. Theo đó, dự báo khả năng ENSO sẽ tiếp tục duy trì ở trạng thái La Nina đến các tháng đầu mùa hè với xác suất khoảng 50-60%, sau đó nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực trung tâm Thái Bình Dương (khu vực Nino3.4) có khả năng tăng dần và chuyển sang trạng thái trung tính. Như vậy là 3 năm liên tiếp (2020-2022) La Nina tác động tới mùa mưa bão của Việt Nam.

Dự báo thiên tai năm nay vẫn sẽ khốc liệt. Bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) từ tháng 5-7/2022 có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN), sau đó từ tháng 8-10/2022 có xu hướng ở mức xấp xỉ so với TBNN.

Từ nay đến cuối năm 2022, dự báo trên khu vực Biển Đông có khoảng 10-12 cơn bão và ATNĐ, trong đó có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta khoảng từ 4-6 cơn, thấp hơn đến xấp xỉ so với TBNN (TBNN khoảng từ 12-14 cơn, ảnh hưởng trực tiếp khoảng từ 5-7 cơn).

Trong các tháng mùa mưa bão, tại khu vực Bắc Bộ lượng mưa có xu hướng cao hơn TBNN, đề phòng các đợt mưa lớn có khả năng xảy ra từ khoảng tháng 6-8. Tuy nhiên, tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ lượng mưa có xu hướng thiếu hụt so với trung bình. Từ khoảng tháng 10, tại khu vực Trung Bộ có xu hướng gia tăng lượng mưa. Cần tiếp tục đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn quốc.

Về tình hình nắng nóng, theo cơ quan khí tượng, nắng nóng tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng xuất hiện muộn hơn so với trung bình, có cường độ không gay gắt và kéo dài như năm 2020.

Khu vực Bắc Bộ: Từ tháng 5-7 và tháng 10/2022  nhiệt độ phổ biến xấp xỉ so với TBNN, từ tháng 8-9/2022, nhiệt độ phổ biến cao hơn từ 0,5-1,00 C so với TBNN.

Khu vực Trung Bộ: nhiệt độ từ tháng 5-6 và tháng 10/2022 phổ biến xấp xỉ so với so với TBNN, từ tháng 7-9/2022 nhiệt độ phổ biến cao hơn từ 0,5-1,00C so với TBNN riêng tại khu vực Bắc Trung Bộ nhiệt độ vào tháng 7/2022 xấp xỉ so với TBNN.

Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ: Tháng 5-6/2022 nhiệt độ phổ biến xấp xỉ so với TBNN, từ tháng 7-10/2022 nhiệt độ phổ biến cao hơn 0,0-0,50C so với TBNN.

Riêng lượng mưa ở khu vực Bắc Bộ từ tháng 5-9/2022, tổng lượng mưa (TLM) phổ biến cao hơn từ 5-25% so với TBNN riêng tháng 10/2022 tại khu vực Đông Bắc và Đồng bằng Bắc Bộ có khả năng cao hơn từ 15-30% so với TBNN cùng thời kỳ.

Khu vực Trung Bộ từ tháng 5 đến tháng 7/2022 TLM phổ biến cao hơn 5-15% so với TBNN cùng thời kỳ. Vào tháng 8/2022, TLM phổ biến thấp hơn từ 5-20% so với TBNN. Vào tháng 9/2022, TLM xấp xỉ so với TBNN. Tháng 10/2022, TLM phổ biến cao hơn từ 15-40% so với TBNN.

Nâng cao chất lượng bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai - Ảnh 2
Mưa lớn trái mùa đầu tháng 4/2022 khiến hàng trăm nghìn ha hoa màu của người dân ở các tỉnh miền Trung bị hư hại.

Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, tháng 5/2022, TLM phổ biến cao hơn 10-20% so với TBNN, từ tháng 6-9/2022 TLM phổ biến thấp hơn từ 10-20% so với TBNN. Tháng 10/2022 TLM phổ biến ở mức cao hơn 10-30% so với TBNN cùng thời kỳ.

Đỉnh lũ năm 2022 trên các sông ở Bắc Bộ phổ biến ở mức BĐ1-BĐ2, phổ biến cao hơn năm 2021, riêng các sông suối nhỏ từ BĐ2-BĐ3. Các đợt lũ lớn phổ biến tập trung vào nửa cuối mùa lũ (tháng 8).

Trong tháng 5 tổng lượng dòng chảy trên sông Đà đến các hồ chứa lớn xấp xỉ TBNN, dòng chảy đến các hồ Thác Bà, Tuyên Quang có khả năng lớn hơn so với TBNN khoảng 10-20%, trên sông Thao tại Yên Bái và trên sông Hồng tại Hà Nội có khả năng ở mức xấp xỉ TBNN, riêng trên sông Lô tại Tuyên Quang có khả năng hụt khoảng 40-50% so với TBNN.

Trong các tháng mùa lũ chính vụ, lượng dòng chảy trên các lưu vực sông Bắc Bộ phổ biến thiếu hụt từ 5-20% so với TBNN, thiếu hụt nhiều trên lưu vực sông Thao, hạ lưu sông Lô, riêng thượng lưu sông Gâm và sông Chảy ở mức xấp xỉ TBNN.

Trong tháng 5/2022, lưu lượng dòng chảy trên phần lớn các sông ở Trung Bộ và khu vực bắc Tây Nguyên ở mức thấp hơn TBNN cùng kỳ từ 10-40%, có sông thấp hơn 60%; riêng một số sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi và khu vực Nam Tây Nguyên ở mức cao hơn TBNN cùng kỳ từ 20-40%. Trong tháng 5/2022, nguy cơ xảy ra khô hạn, thiếu nước cục bộ ngoài vùng cấp nước của các công trình thủy lợi tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên.

Từ tháng 6 đến tháng 10/2022, trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên xuất hiện các đợt lũ. Đỉnh lũ tại hạ lưu các sông chính ở Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên ở mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2; các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận ở mức BĐ2-BĐ3, có sông trên BĐ3. Trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất

Tại Nam Bộ, trong tháng 5/2022, xâm nhập mặn ở ĐBSCL có xu thế giảm dần.  Từ tháng 6 đến tháng 10/2022, là thời kỳ mùa lũ trên sông Mê Công và đầu nguồn sông Cửu Long. Đỉnh lũ năm 2022, ở đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng ở mức BĐ1 và trên BĐ1, thấp hơn đỉnh lũ TBNN từ 0,3-0,5m.

Thống kê trong những năm gần đây đã cho thấy rõ sự bất thường về diễn biến của thiên tai. Điển hình như năm 2019, thiên tai được đánh giá là không diễn ra dồn dập và khốc liệt nhưng mang nhiều yếu tố cực đoan, dị thường trên khắp các vùng miền cả nước với 16/21 loại hình thiên tai. Trong đó, có 11 trận rủi ro thiên tai cấp độ 3: 8 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới; ngoài ra còn có 222 trận dông, lốc sét; 10 trận lũ quét, sạt lở đất; 4 đợt rét đậm, rét hại; 13 đợt nắng nóng; 63 trận mưa lớn, ngập lụt; 13 trận động đất; triều cường, sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển tại nhiều khu vực ở Đồng bằng sông Cửu Long…

Tiếp đó, ngay từ đầu năm 2020, thiên tai tiếp tục diễn biến cực đoan, bất thường trên cả nước. Chưa bao giờ ngày 30, Mùng 1 Tết Nguyên đán lại xuất hiện giông lốc, mưa đá diện rộng ở 14 tỉnh, thành phố phía Bắc. Chưa bao giờ, thời tiết tháng 4 ở miền Bắc lại rét như giữa mùa đông. Nhiệt độ ngày 24/4/2020 tại Hà Nội xuống 16,5 độ C, thấp nhất 50 năm gần đây... Từ đầu năm 2022 đến nay, trên cả nước cũng đã xảy ra nhiều loại hình thiên tai cực đoan (mưa đá ngay Tết Nguyên đán; rét đậm, rét hại kéo dài tại miền Bắc vào tháng 2; mưa lớn trái mùa ở miền Trung đầu tháng 4,…).

Bạn đang đọc bài viết Nâng cao chất lượng bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới