Nâng cao trách nhiệm của cộng đồng nhằm giảm tác động của hạn hán
Việc cấp thiết hiện nay là thay đổi nhận thức và nâng cao tinh thần trách nhiệm của người dân, cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ, chia sẻ nguồn nước và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
Tỉnh Bến Tre có khoảng 20.000ha cây ăn trái, 72.000ha dừa và hơn 1.000ha cây giống, hoa kiểng, khoảng 720ha diện tích nuôi thủy sản có nguy cơ bị ảnh hưởng do hạn mặn. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN) |
Tài nguyên nước ở Việt Nam không thực sự dồi dào và đang đối mặt rất nhiều thách thức lớn, có nguy cơ đe dọa đến an ninh nguồn nước, đời sống dân sinh, ổn định kinh tế-xã hội.
Vì vậy, việc cấp thiết hiện nay là làm sao để thay đổi nhận thức và nâng cao tinh thần trách nhiệm của người dân, cộng đồng dân cư và các tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ, chia sẻ nguồn nước và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí.
Điều đó sẽ làm giảm ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Châu Trần Vĩnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường), để làm rõ vấn đề trên.
- Tình trạng thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng đe đọa đời sống dân sinh, ổn định kinh tế-xã hội. Xin ông cho biết tình trạng hạn hán, thiếu nước ở các khu vực trên cả nước năm 2020?
Phó Cục trưởng Châu Trần Vĩnh: Tình trạng hạn hán, thiếu nước năm nay xảy ra trên diện rất rộng, trải dài từ Bắc Bộ, miền Trung, Tây Nguyên đến Đồng bằng sông Cửu Long và có diễn biến hết sức phức tạp.
Lượng mưa cũng như lượng dòng chảy trên các sông, suối trên phạm vi cả nước là rất thấp so với trung bình nhiều năm, hiện tượng này gây thiếu hụt lượng nước ngay trong mùa mưa, lũ năm 2019.
Tại nhiều hồ chứa, đặc biệt là các hồ chứa lớn, quan trọng, lượng nước tích được đầu mùa cạn là không nhiều, chỉ từ 40-75% tùy từng hồ, đặc biệt có hồ chứa chỉ tích được khoảng 20%.
Các hồ chứa thủy lợi vừa và nhỏ cũng chỉ tích được 70-80%, nhiều hồ chỉ đạt 40-50%. Riêng hồ thủy điện Hòa Bình với dung tích hơn 6 tỉ m3 đã ghi nhận mực nước thấp kỷ lục trong suốt gần 30 năm vận hành.
Trước tình hình thiếu hụt lượng mưa, dòng chảy nêu trên, ngay từ đầu mùa lũ năm 2019 (giữa năm), trên cơ sở dự báo, cảnh báo và nhận định của Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thông báo cho các địa phương trên phạm vi cả nước và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để xem xét, chỉ đạo.
Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đảm bảo lượng nước cho các mục đích sử dụng nước từ Bắc Bộ đến Đông Nam Bộ cho mùa cạn năm 2020.
Mực nước hồ thuỷ điện Đông Nai 3 thấp hơn so với trung bình nhiều năm. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN) |
Đối với khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, ngay từ khi kết thúc mùa lũ năm 2019 (tháng 9), trước tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nước và nhận định sẽ xảy ra tình trạng các hồ chứa lớn sẽ thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng và kéo theo là vấn đề an ninh năng lượng trên phạm vi cả nước, nhất là vào thời kỳ nắng nóng và nhu cầu điện tăng cao vào tháng 5-6.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức nhiều cuộc họp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các chủ hồ chứa để họp bàn, thống nhất các phương án điều chỉnh việc vận hành các hồ chứa theo từng giai đoạn cụ thể (cuối mùa lũ, đầu mùa cạn; đầu mùa cạn; trước các đợt xả nước gia tăng và từ nay đến các tháng cuối mùa cạn) theo hướng sử dụng nước tiết kiệm, giảm thiểu tối đa nguy cơ thiếu nước.
Chính vì vậy, trong những đợt cấp nước đổ ải vụ Đông Xuân vừa qua nước được cấp đủ cho vụ Đông Xuân và đến nay, nguồn nước còn lại trong các hồ chứa lớn như Hòa Bình, Sơn La, Thác Bà, Tuyên Quang có thể bảo đảm đủ nước cấp cho hạ du trong thời gian còn lại của mùa cạn.
Đối với Đồng bằng sông Cửu Long, mặc dù tình hình hạn mặn mùa khô năm 2020 vẫn được coi ở mức nghiêm trọng như năm 2016, nhưng do các công tác dự báo, cảnh báo sớm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đặc biệt là sự chỉ đạo rất kịp thời của Thủ tướng Chính phủ và sự chủ động phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn của các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long nên thiệt hại cho hạn mặn mùa khô năm nay đã được giảm thiểu và tính đến nay khoảng trên 60% diện tích lúa Đông Xuân đã được thu hoạch.
Chính vì vậy, mặc dù đến thời điểm hiện tại, mức độ hạn, xâm nhập mặn vẫn diễn ra phức tạp nhưng mức độ thiệt hại đã được giảm thiểu đáng kể.
Nông dân huyện Vị Thủy thu hoạch lúa Đông Xuân 2019-2020, năng suất trung bình đạt gần 7,5 tấn/ha. (Ảnh: TTXVN) |
Có thể nói rằng đây cũng là một thắng lợi trong công tác chống hạn, xâm nhập mặn của nhân dân ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy vậy, diễn biến xâm nhập mặn ở một số tỉnh như Cà Mau, Bạc Liêu, Bến Tra, Vĩnh Long, Tiền Giang... vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, cần thiết phải có thêm nhiều biện pháp hiệu quả hơn nữa.
- Ông có thể nói rõ hơn về tình hình vận hành, điều tiết xả nước ở các lưu vực sông thời gian gần đây?
Phó Cục trưởng Châu Trần Vĩnh: Đối với các lưu vực sông thuộc khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo hết sức gắt gao các cơ quan, đơn vị liên quan, đặc biệt là Tổng cục Khí tượng thủy văn và Cục Quản lý tài nguyên nước trong công tác dự báo, cảnh báo, cung cấp thông tin kịp thời về tình hình khí tượng, thủy văn.
Trong đó, Cục Quản lý tài nguyên nước đã đôn đốc, chỉ đạo kịp thời việc điều chỉnh vận hành, điều tiết xả nước các hồ chứa lớn, quan trọng trên các lưu vực sông Mã, sông Cả, sông Hương, Vu Gia-Thu bồn, sông Ba, sông Sê San, sông Đồng Nai... để góp phần vừa cấp nước cho hạ du vừa bảo đảm đủ nguồn nước cấp cho hạ du trong thời gian còn lại của mùa cạn, nhất là chuẩn bị bước vào thời kỳ nắng nóng, nhu cầu sử dụng nước, sử dụng điện tăng cao.
Mặc dù từ cuối mùa lũ, đầu mùa cạn tại 11 lưu vực sông đều xảy ra tình trạng thiếu nước, nguồn nước các hồ chứa là rất hạn chế như đã nói ở trên, nhưng tính đến nay, về tổng thể chỉ còn một vài lưu vực vẫn còn nguy cơ thiếu nước nhưng nếu được điều tiết hợp lý thì vẫn có thể đủ nước cấp cho hạ du trong thời gian còn lại của mùa cạn.
Đối với các hồ chứa đang có thiếu hụt nguồn nước như hồ Cửa Đạt (sông Mã), Bình Điền (sông Hương), A Vương (sông Vu Gia-Thu Bồn), Ka Nak (sông Ba), Sê San 4 (sông Sê San), Đại Ninh (sông Đồng Nai)...
Cục Quản lý tài nguyên nước đã trình lãnh đạo Bộ tài nguyên và Môi trường ra văn bản phối hợp, chỉ đạo điều hành các hồ chứa. Các hồ chứa này do vẫn thiếu hụt nên phương án điều chỉnh giảm lưu lượng xả xuống hạ du cho phù hợp để bảo đảm đủ nước cấp cho từ 5-7 tháng còn lại của mùa cạn.
- Trước diễn biến tình hình khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn trong những tháng tiếp theo của mùa khô năm 2020, thời gian tới Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiến hành những biện pháp nào để ứng phó giảm thiếu nguy cơ thiếu nước, thưa ông?
Phó Cục trưởng Châu Trần Vĩnh: Để giảm thiểu nguy cơ thiếu nước, trong thời gian tới Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục chỉ đạo Tổng Cục Khí tượng thủy văn, Cục Quản lý tài nguyên nước và các cơ quan chức năng tăng cường, nâng cao độ chính xác trong công tác dự báo, cảnh báo các hiện tượng cực đoan, đặc biệt là hạn hán, xâm nhập mặn; giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước và giám sát việc vận hành các hồ chứa cấp nước cho hạ du; đẩy mạnh công tác tìm kiếm thăm dò nguồn nước dưới đất để có thể cung cấp cho các vùng khan hiếm nước mà nguồn nước các hồ chứa thủy lợi, thủy điện không cấp tới được.
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đẩy mạnh xây dựng Quy hoạch Tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh; hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước tổng thể, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.
- Xin cảm ơn ông.
Diệu Thúy