Chủ nhật, 24/11/2024 06:49 (GMT+7)
Thứ ba, 13/09/2022 19:00 (GMT+7)

Nắng nóng “cực đoan” đang đe dọa nguồn cung gạo toàn cầu

Theo dõi KTMT trên

Biến đổi khí hậu đang gây ra các đợt nắng nóng và hiện tượng thời tiết khắc nghiệt trên toàn thế giới. Các đợt nắng nóng trải dài từ Ấn Độ đến châu Âu được cảnh báo sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của nông dân cũng như làm suy giảm năng suất cây trồng,

Thiên tai dồn dập ở các nước sản xuất gạo hàng đầu

Vào tháng 6, khi Mahendra Pratap bắt đầu gieo sạ lúa ở Kannauj, một huyện thuộc bang Uttar Pradesh của Ấn Độ, ông đã hy vọng về vụ mùa bội thu.

Năm trước, những trận mưa lớn đã phá hủy mùa màng và ông không nhận được bất kỳ sự giúp đỡ nào từ chính phủ. Đến năm nay, cũng trong đợt gió mùa, ông lại phải đối mặt với vấn đề trái ngược: mưa quá ít. Tính đến tháng 8, gần 90% cây trồng của ông đã héo khô.

“Năm nay đất đai cằn cỗi và chúng tôi chưa nhận được sự hỗ trợ nào”, người nông dân Pratap chia sẻ với báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), đồng thời cho biết thêm những người khác cũng gặp vấn đề tương tự.

Nắng nóng “cực đoan” đang đe dọa nguồn cung gạo toàn cầu - Ảnh 1
Nắng nóng “cực đoan” đe dọa nguồn cung gạo toàn cầu. (Ảnh minh họa)

Theo các chuyên gia, thời tiết khắc nghiệt ở các nước sản xuất gạo lớn trên thế giới bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc và Pakistan đang đe dọa sản lượng gạo toàn cầu trong năm nay, có thể ảnh hưởng đến hơn 2 tỉ người ở châu Á vốn phụ thuộc vào nó như một loại lương thực chính.

Ngay cả trong bối cảnh giá lương thực tăng vọt trong năm nay, phần lớn gạo vẫn có giá cả phải chăng nhờ 4 năm bội thu trước đó.

Nhưng sự hội tụ của các yếu tố, bao gồm chi phí phân bón cao do tác động của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, đợt nắng nóng kỷ lục và hạn hán ở Trung Quốc, lượng mưa thấp ở Ấn Độ và lũ lụt nghiêm trọng trong mùa mưa ở Pakistan đang đe dọa sản lượng gạo và có thể đẩy giá lên. Tại Pakistan, theo ước tính của chính phủ, hơn 243.000 hecta trong số 3,5 triệu hecta lúa bị thiệt hại hoàn toàn do lũ lụt kéo dài trong những tuần qua.

Will Nichols - quản lý cấp cao tại Verisk Maplecroft, nhận định sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu cũng ảnh hưởng đến cây trồng tại các nước ôn đới, trong đó cây lúa đặc biệt đối mặt với rủi ro.

Hạn hán nghiêm trọng gây áp lực lên giá lương thực toàn cầu

Hạn hán của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến 1,2 triệu ha đất ở nhiều tỉnh dọc theo lưu vực sông Dương Tử, một khu vực sản xuất gạo chủ lực của nước này. Nhà phân tích Campos giải thích: “Mặc dù vụ đầu tiên trong ba vụ lúa của Trung Quốc được thu hoạch trong điều kiện bình thường, vụ thứ hai đang bước vào giai đoạn trổ bông và đây là thời kỳ nhạy cảm nhất với nhiệt độ và nước. Những cánh đồng không có nước tưới sẽ phải chịu tác động của nhiệt độ cao kỷ lục”.

Theo hải quan Trung Quốc, ngay cả trước khi xảy ra nạn hạn hán, xuất khẩu gạo của nước này đã giảm trong 7 tháng đầu năm 2022, giảm 18,42% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng gạo xuất khẩu sang Hàn Quốc và Philippines sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đợt hạn hán lần này.

Các nhà phân tích cho biết, do Trung Quốc không phải là nước xuất khẩu gạo lớn, các bên nhập khẩu có thể chuyển sang các nước sản xuất gạo khác. Tuy nhiên, tác động từ mối đe dọa đối với vụ thu hoạch của Trung Quốc cũng đang được các nước láng giềng xem xét kỹ.

Chín trong số 10 quốc gia chịu thiệt hại hàng đầu vào năm 2045 là các nước châu Phi, trong đó, Ghana, nhà sản xuất ca cao lớn thứ hai thế giới cũng như Togo và Cộng hòa Trung Phi đối mặt với rủi ro lớn nhất.

Bên cạnh đó, 20 quốc gia đối diện với nguy cơ cao nhất trong những thập kỷ tới là các nhà xuất khẩu gạo lớn của Đông Nam Á như Campuchia, Thái Lan và Việt Nam.

Philippines lo ngại giá gạo nhập khẩu tăng cao

Tại Philippines, một nghị sĩ đã lên tiếng cảnh báo rằng nguồn cung gạo có thể bị ảnh hưởng bởi hạn hán ở lưu vực sông Dương Tử đồng thời thúc giục chính phủ tìm kiếm các hợp đồng mua gạo với Việt Nam và Thái Lan, hai nhà xuất khẩu gạo lớn thứ hai và thứ ba trên thế giới.

“Tôi không muốn tỏ ra bi quan nhưng với những cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang đối mặt, tôi nghĩ chúng ta có thể nhìn thấy vấn đề trước khi nó xảy ra để có nhanh chóng hành động”, hạ nghị sĩ Joe Salceda, Chủ tịch Ủy ban Tài chính Hạ viện Philppines, nói.

Tại cuộc điều trần trước Ủy ban Nông nghiệp và thực phẩm Hạ viện Philippines hồi cuối tháng 8, Arnel de Mesa, trợ lý Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines, bày tỏ lo ngại hạn hán ở Trung Quốc có thể đẩy giá gạo nhập khẩu tăng lên. Ông nói: “Mối lo ngại của chúng ta không phải là nguồn cung thiếu mà vì Trung Quốc là nước tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới, nên nếu nước này tăng cường nhập khẩu gạo từ Việt Nam và Ấn Độ, giá gạo nhập khẩu của Philippines sẽ tăng lên”.

Hải Anh

Bạn đang đọc bài viết Nắng nóng “cực đoan” đang đe dọa nguồn cung gạo toàn cầu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới