Chủ nhật, 24/11/2024 04:25 (GMT+7)
Thứ năm, 29/07/2021 06:03 (GMT+7)

Nắng nóng gây chết người sẽ xuất hiện dày đặc và tàn khốc hơn, sau năm 2050

Theo dõi KTMT trên

Nghiên cứu mới của Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ, từ nay đến năm 2050, các đợt nắng nóng kỷ lục có khả năng sẽ tăng gấp 2 - 7 lần so với trong 3 thập kỷ qua.

Nghiên cứu mới đây của các chuyên gia từ Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ cảnh báo rằng, nếu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tiếp tục tăng ở mức cực đoan, các đợt nắng nóng kéo dài hàng tuần gây chết người có thể sẽ tăng gấp 7 lần vào năm 2050. Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Nature Climate Change.

Theo đó, các nhà nghiên cứu đã lập mô hình tần suất của các đợt nắng nóng kỷ lục theo các tình huống phát thải khác nhau trong tương lai. Kết quả cho thấy, trong tình huống phát thải cao, từ nay đến năm 2050, các đợt nắng nóng kỷ lục có khả năng sẽ tăng gấp 2 - 7 lần so với trong 3 thập kỷ qua. Xác suất của những đợt nắng nóng này sẽ còn tăng lên gấp 3 – 21 lần trong khoảng thời gian từ 2051 - 2080.

Nắng nóng gây chết người sẽ xuất hiện dày đặc và tàn khốc hơn, sau năm 2050 - Ảnh 1
Các đợt nắng nóng kỷ lục có khả năng sẽ tăng gấp 2 - 7 lần so với trong 3 thập kỷ qua. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, mô hình của các nhà nghiên cứu cũng cho biết, các đợt nắng nóng kỷ lục sẽ có xu hướng xảy ra từng đợt trong thời kỳ khí hậu ấm lên nhanh chóng và ngược lại, sẽ ít xảy ra hơn trong thời kỳ yên tĩnh với ít hoặc không có hiện tượng nóng lên.

“Xác suất xuất hiện của chúng phụ thuộc vào tốc độ khí hậu nóng lên chứ không liên quan đến mức độ nóng lên toàn cầu. Do đó, nếu sự ấm lên do con người gây ra được hạn chế bằng cách giảm thiểu phát thải, thì sẽ vẫn có những đợt nắng nóng thường xuyên và gay gắt, nhưng những đợt nắng nóng kỷ lục gây chết người sẽ ít xảy ra hơn”, chuyên gia Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ nhận định.

Nhà khí hậu học Vikki Thompson (thuộc Đại học Bristol) cho hay, thời gian gần đây, thế giới đã phải trải qua các đợt khí hậu khắc nghiệt, bao gồm nắng nóng kỷ lục ở Bắc Mỹ và lũ lụt nghiêm trọng ở châu Âu, Trung Quốc. Trong đó, lũ lụt thảm khốc tấn công Tây Âu, tàn phá Đức, Bỉ và Hà Lan đã khiến hơn 200 người chết, hàng trăm người hiện vẫn đang mất tích và con số tử vong tăng lên mỗi ngày.

Nhiều chuyên gia cho rằng, những hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, nắng nóng và cháy rừng (diễn ra gần đây trên khắp Canada và Mỹ) là dấu hiệu cho thấy tác động của biến đổi khí hậu ngày càng nặng nề hơn. Giới chuyên gia đánh giá đây là đợt mưa lũ gây hậu quả nghiêm trọng nhất trong hàng chục năm qua và có thể xảy ra thường xuyên hơn trong tương lai, thậm chí với cường độ mạnh hơn nữa.

“Rõ ràng là biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến hành tinh. Tuy nhiên, chúng ta có thể ngăn chặn trường hợp xấu nhất được nêu trong nghiên cứu này, việc giảm lượng khí thải sẽ làm giảm nguy cơ xảy ra các hiện tượng cực đoan chưa từng có”, ông Thompson nói.

Trước đó, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cũng đưa ra cảnh báo, loài người đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu và đang tiến gần tới “điểm không thể cứu vãn” trong cuộc khủng hoảng này. Kể từ năm 2015, nền nhiệt Trái Đất đã ấm lên trung bình 1 độ C, khiến các đợt nắng nóng gây hạn hán và chết người xuất hiện với tần suất dày đặc và tàn khốc hơn. 

Một số nhà lãnh đạo quốc gia cũng ngày càng tin rằng biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính thúc đẩy nhiều hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt là các đợt nóng và bão.

Năm 2021 cũng dự kiến trong chuỗi năm nóng nhất

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) lưu ý rằng, năm 2021 cũng sẽ nằm trong chuỗi năm nóng nhất, bất chấp ảnh hưởng của quá trình hạ nhiệt tạm thời do La Niña gây ra, các tác động của nó thường mạnh hơn trong năm thứ hai. Cơ quan Liên Hợp Quốc nhấn mạnh: “Do đó, vẫn còn phải xem mức độ làm mát liên tục do La Niña gây ra có thể tạm thời hạn chế xu hướng chung của sự ấm lên lâu dài trong năm 2021”.

Theo bản tin dự báo khí hậu toàn cầu hàng năm đến thập kỷ của WMO, có ít nhất 1/5 khả năng nhiệt độ trung bình toàn cầu tạm thời vượt quá 1,5 độ C vào năm 2024. Tuy nhiên, một trong những mục tiêu của Thỏa thuận Paris về khí hậu, được ký kết vào tháng 12/2015 bởi 195 quốc gia, là ngăn chặn sự gia tăng nhiệt độ không vượt quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Nắng nóng gây chết người sẽ xuất hiện dày đặc và tàn khốc hơn, sau năm 2050. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới