New Zealand cam kết gì trong COP26?
Sau khi nhiệt độ ở New Zealand trong 3 tháng tính đến cuối tháng 8 đạt mức kỉ lục. Vào ngày 31/10, New Zealand tham gia COP26 cam kết cắt giảm 50% lượng khí thải vào năm 2030.
Theo Viện Nghiên cứu Nước và Khí quyển Quốc gia New Zealand, trong 3 tháng tính đến cuối tháng 8/2021, nhiệt độ trung bình tại quốc gia này là 9,8 độ C - cao hơn 1,3 độ C so với mức trung bình dài hạn và cao hơn 0,2 độ C so với kỷ lục trước đó được ghi nhận vào năm 2020. Theo hồ sơ lưu trữ từ năm 1909, phần lớn các mùa đông ấm nhất được ghi nhận trong những năm gần đây.
Nhà khí tượng học của Viện Nghiên cứu Nước và Khí quyển Quốc gia New Zealand, bà Nava Fedaeff nhận định, năm nay có nhiều gió ấm hơn bình thường từ phía Bắc và nhiệt độ nước biển ấm hơn. Theo bà, nồng độ carbon dioxide có thể giúp theo dõi nhiệt độ ấm hơn. Nồng độ carbon dioxide ở New Zealand hiện nay vào khoảng 412 phần triệu, trong khi nồng độ 50 năm trước chỉ ở mức 320 phần triệu.
James Renwick, nhà khoa học khí hậu thuộc Đại học Victoria Wellington cho rằng, các hệ sinh thái tự nhiên có thể chịu áp lực bởi những thay đổi này và nhiều loài sinh vật sẽ phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng theo thời gian. Do đó, cần phải làm chậm tốc độ phát thải khí nhà kính.
Ngày 31/10, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern và Bộ trưởng Biến đổi khí hậu James Shaw đã công bố mục tiêu mới của nước này trong nỗ lực chung cùng thế giới ứng phó biến đổi khí hậu.
"Mặc dù chúng tôi chỉ góp một phần nhỏ vào lượng khí thải toàn cầu, nhưng là một quốc gia được bao quanh bởi các đại dương và có nền kinh tế phụ thuộc vào đất đai, chúng tôi không thể tránh khỏi tác động của biến đổi khí hậu. Vì vậy, điều quan trọng là chúng tôi phải thể hiện sự chia sẻ công bằng cùng những đóng góp vào nỗ lực chung của thế giới”, bà Ardern cho biết.
Theo bản tuyên bố chung, Chính phủ New Zealand cho rằng, mục tiêu trước đó nước này đặt ra là không phù hợp với các nỗ lực toàn cầu nhằm giới hạn hiện tượng Trái Đất nóng lên ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Mục tiêu trước đây của New Zealand là đưa lượng phát thải ròng của nước này xuống dưới mức của năm 2005 là 30% vào năm 2030.
Các bên tham gia ký kết Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 đã cam kết giữ cho hiện tượng nóng lên toàn cầu ở mức thấp hơn 2 độ so C, và tốt nhất là 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Song lượng phát thải carbon trong khí quyển kể từ đó vẫn tăng lên.
Theo ông Shaw, thập kỉ này sẽ đóng vai trò quan trọng cho tương lai của hành tinh. "Để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C, các tính toán khoa học cho thấy chúng ta hiện chỉ còn khoảng 8 năm để giảm khoảng một nửa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu", Bộ trưởng Biến đổi khí hậu New Zealand nhấn mạnh.
Chính phủ New Zealand đã đưa ra một số chính sách nhằm mục tiêu giảm phát thải trong nhiệm kỳ thứ 2 của mình, bao gồm trung hòa carbon trong khu vực công vào năm 2025 và trang bị xe buýt không phát thải cho hệ thống vận tải công cộng từ giữa thập kỉ này.
Trước đó, New Zealand đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới thông qua luật yêu cầu các ngân hàng, công ty bảo hiểm và nhà quản lý đầu tư phải báo cáo tác động của biến đổi khí hậu đối với hoạt động kinh doanh của mình.
Khoảng 200 công ty tài chính lớn ở New Zealand, bao gồm các ngân hàng có tổng tài sản hơn 1 tỉ đô la New Zealand (718 triệu USD), các công ty bảo hiểm lớn và các công ty phát hành cổ phiếu và nợ niêm yết trên sàn chứng khoán nước này sẽ phải công bố thông tin.
Luật mới sẽ yêu cầu các công ty tài chính giải thích cách họ quản lý các rủi ro và cơ hội liên quan đến khí hậu. Yêu cầu này sẽ trở thành bắt buộc kể từ năm tài chính 2023.
Nguyễn Thị Linh (T/h)