Chủ nhật, 24/11/2024 06:18 (GMT+7)
Thứ ba, 22/12/2020 08:24 (GMT+7)

Ngăn chặn nạn khai thác cát trái phép trên các tuyến sông

Theo dõi KTMT trên

Tình trạng khai thác cát trái phép luôn là vấn đề nổi cộm về an ninh trật tự ở nhiều địa phương trên cả nước. Trên các tuyến sông chảy qua một số quận, huyện thuộc TP.Hà Nội vẫn có nhiều đối tượng tổ chức hút trộm cát gây mất an ninh trật tự.

Ngăn chặn nạn khai thác cát trái phép trên các tuyến sông - Ảnh 1
Tàu khai thác cát trái phép trên sông Hồng (Hà Nội) bị lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ. (Ảnh: Cơ quan Công an cung cấp)

Thời gian qua, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Công an TP.Hà Nội đã và đang quyết liệt đấu tranh để ngăn chặn nạn “cát tặc”.

Nhiều thủ đoạn “né” cơ quan chức năng

Qua tìm hiểu thực tế, những năm gần đây, tại địa bàn các huyện: Phúc Thọ, Ba Vì, Ðan Phượng, Mê Linh, Ðông Anh, Gia Lâm và các quận: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ... thuộc TP.Hà Nội, vẫn xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép, gây mất an ninh trật tự tại các tuyến đường sông, gây sạt lở bờ sông và kéo theo hàng đoàn xe chở cát quá tải trọng lăn bánh cả ngày lẫn đêm, cày nát các tuyến đường và ảnh hưởng an toàn giao thông.

Tại xã Ðông Quang, huyện Ba Vì, nhiều người dân cho biết, có thời điểm, các đối tượng khai thác cát lộng hành khiến nhiều người phải thay nhau ra sông canh gác để báo cho công an xã và chính quyền. Theo một số phòng chức năng Công an TP.Hà Nội, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm và vi phạm pháp luật về tài nguyên, khoáng sản rất tinh vi, đa dạng.

Ðối với các mỏ được cấp phép khai thác tại bãi nổi, một số cá nhân lợi dụng vị trí được cấp giấy phép khai thác cát bãi nổi, trong quá trình hoạt động khai thác đã tự ý đưa tàu hút vào khai thác cát trên sông, giáp với khu vực mỏ được cấp phép. Trên các tuyến sông, các đối tượng thường xuyên thay đổi quy luật, thời gian, địa bàn hoạt động; lợi dụng những ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ của các cơ quan quản lý và lực lượng chức năng; lợi dụng đêm tối, rạng sáng để khai thác cát, sỏi trái phép, thậm chí thuê người cảnh giới từ xa để tránh sự phát hiện, kiểm tra, bắt giữ của các lực lượng chức năng.

Ðáng chú ý, lợi dụng địa giới hành chính trên sông chưa được phân định cụ thể và chưa có căn cứ pháp lý giữa TP.Hà Nội với các tỉnh lân cận; lợi dụng hoạt động nạo vét luồng đường thủy hoặc giấy phép khai thác khoáng sản của một số tổ chức, được UBND các tỉnh lân cận cấp phép, các đối tượng đã khai thác ngoài phạm vi, không đúng thiết kế, không đúng trữ lượng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hoặc khai thác lấn địa giới hành chính TP.Hà Nội.

Ngoài ra, chủ tàu, thuyền khai thác cát còn sử dụng lao động không có hợp đồng, không có giấy tờ tùy thân, thường là các đối tượng ngoại tỉnh, chưa có tiền án, tiền sự về hành vi khai thác khoáng sản trái phép, cho ăn, ở, sinh hoạt trên tàu, hoạt động lưu động trên các tuyến sông. Quá trình lực lượng chức năng kiểm tra, bắt giữ, các đối tượng khai thác cát trái phép có các biểu hiện chống đối như: nhanh chóng rút ống hút, sên, chõ bỏ chạy sang địa phận giáp ranh; tắt máy, bỏ lại tàu, thuyền, nhảy xuống sông bỏ trốn...

Mới đây nhất, rạng sáng 14/12, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) đã phối hợp Công an huyện Ðan Phượng cùng một số đơn vị nghiệp vụ đột kích bất ngờ, bắt giữ 11 tàu hút cát trọng tải hàng trăm khối và hơn 30 người liên quan khi đang khai thác cát trái phép trên sông Hồng đoạn qua huyện Ðan Phượng. Từ công tác trinh sát, lực lượng chức năng xác định đằng sau những tàu khai thác cát trái phép này còn có một nhóm người “bảo kê” dựng lán trại trên bờ, đi ca-nô để thu tiền gọi là tiền “bán cát” của các chủ tàu khai thác cát ngay trên sông. Do đó, khi triển khai chuyên án, cùng với việc khống chế các tàu đang hút cát trên sông, ban chuyên án cũng chỉ đạo một mũi trinh sát đã tiếp cận nhóm “bảo kê” trên bờ và bắt giữ một số đối tượng.

Theo Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường cho biết, việc bắt giữ 11 tàu hút cát và các đối tượng “bảo kê” mới chỉ là kết quả điều tra ban đầu của chuyên án. Cảnh sát đang thu thập chứng cứ điều tra đường dây khai thác cát trái phép, làm rõ chủ mưu, hành vi vi phạm pháp luật cả dưới sông cũng như trên bờ.

13 điểm phức tạp về khai thác cát trái phép

Liên quan tình trạng khai thác cát trái phép, Ðại tá Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP.Hà Nội cho biết, thành phố có bảy tuyến sông chính và giáp ranh với tám tỉnh. Cụ thể, tuyến sông Ðà chảy qua huyện Ba Vì dài 10 km; tuyến sông Hồng dài 163 km chảy qua các quận, huyện, thị xã: Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Ðan Phượng, Mê Linh, Ðông Anh, Gia Lâm, Bắc Từ Liêm...; tuyến sông Ðuống dài 26 km trải dài trên các địa bàn: quận Long Biên, huyện Ðông Anh và huyện Gia Lâm; tuyến sông Cà Lồ dài 62 km chảy qua các huyện: Ðông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn...

Trên các tuyến sông này, các đối tượng hoạt động lén lút tại khu vực giáp ranh để khai thác cát, sỏi. Hằng năm, Công an TP.Hà Nội đều có kế hoạch, yêu cầu các đơn vị từ quận, huyện, thị xã phải điều tra cơ bản liên quan mọi lĩnh vực, trong đó có nội dung khai thác cát sỏi. Qua điều tra cơ bản, Công an TP.Hà Nội xác định, thành phố còn 13 điểm phức tạp liên quan đến khai thác cát. Tính đến tháng 11/2020, thành phố đã cấp 14 giấy phép hoạt động khai thác cát. Ngoài ra, có tám tổ chức được cấp phép khai thác cát nổi trên sông Hồng. Cũng theo Phó Giám đốc Công an TP.Hà Nội, thời gian qua, lực lượng đã tích cực đấu tranh, ngăn chặn, triệt phá nhiều ổ nhóm tội phạm khai thác cát trái phép.

Ðiển hình như tháng 5/2020, Công an TP.Hà Nội đồng loạt kiểm tra hoạt động khai thác, kinh doanh cát trái phép trên sông Hồng, đoạn chảy qua quận Bắc Từ Liêm (phường Thượng Cát, Ðông Ngạc); quận Tây Hồ (phường Phú Thượng) và huyện Ðông Anh (xã Ðại Mạch, Võng La), qua đó, bắt, thu giữ 13 tàu cát, 34 đối tượng, với khoảng 1.500 m3 cát trên các tàu. Công an thành phố đã ra quyết định khởi tố năm vụ án, 29 bị can về tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”.

Ðể đấu tranh có hiệu quả với nạn khai thác cát trái phép, Công an TP.Hà Nội cần tiếp tục phối hợp các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương rà soát các đề án thăm dò, đánh giá trữ lượng và chất lượng khoáng sản đối với các điểm mỏ cát trên sông, các dự án khai thác tài nguyên khoáng sản, các mỏ khai thác cát bãi nổi, các dự án nạo vét luồng có tận thu sản phẩm đã cấp phép, yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện nghiêm việc cắm bảng niêm yết công khai đề án thăm dò, dự án khai thác cát mà mình đang thực hiện (như: tên dự án, vị trí tọa độ khu vực được phép khai thác, công nghệ khai thác, thời gian hoạt động khai thác, số lượng phương tiện được khai thác...).

Tăng cường thông tin hai chiều với các đơn vị nghiệp vụ của công an tỉnh giáp ranh (đã ký Quy chế phối hợp với Công an thành phố) về tình hình địa bàn, hoạt động của các đối tượng khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản để xây dựng các phương án bố trí lực lượng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm. Thực hiện tốt phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” trên từng địa bàn, nhằm phát hiện, tố giác tội phạm và các vi phạm về môi trường trên các tuyến đường thủy nội địa. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và hướng dẫn nhân dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường, tài nguyên khoáng sản...

Lê Tú

Bạn đang đọc bài viết Ngăn chặn nạn khai thác cát trái phép trên các tuyến sông. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới