Chủ nhật, 24/11/2024 07:35 (GMT+7)
Thứ năm, 24/11/2022 06:51 (GMT+7)

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tích cực cho vay sản xuất kinh doanh

Theo dõi KTMT trên

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa gửi công văn yêu cầu các ngân hàng còn hạn mức tăng trưởng tín dụng tích cực giải ngân vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh.

Ngân hàng Nhà nước vừa yêu cầu các tổ chức tín dụng còn hạn mức cân đối nguồn vốn, tích cực giải ngân tín dụng vào sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng còn hạn mức tăng trưởng tín dụng chủ động cân đối điều hòa nguồn vốn, tỷ lệ đảm bảo an toàn, tích cực giải ngân tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tích cực cho vay sản xuất kinh doanh - Ảnh 1
Ngân hàng Nhà nước vừa có công văn số gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc tăng trưởng tín dụng năm 2022. (Ảnh minh họa)

Ngân hàng Nhà nước đặc biệt nêu rõ các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các lĩnh vực là động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.

Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng phải đảm bảo thanh khoản ổn định, an toàn hoạt động ngân hàng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Đồng thời, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ căn cứ vào diễn biến tình hình của hệ thống và các tổ chức tín dụng để có giải pháp điều hành phù hợp theo đúng chủ trương của Chính phủ.

Hết tháng 10, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống vào khoảng 11,5%, trong khi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng của cả năm 2022 là 14%.

Chính vì thế, Ngân hàng Nhà nước cho biết vẫn còn dư địa để các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục tăng trưởng tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp, người dân, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Tăng cường phòng, chống rửa tiền

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có Quyết định số 1945/QĐ-NHNN về việc Ban hành Kế hoạch thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt giai đoạn 2021-2025.

Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch nhằm góp phần xây dựng một cơ chế phòng, chống rửa tiền (PCRT) có hiệu quả ở Việt Nam; thực hiện trách nhiệm là cơ quan đầu mối của Việt Nam trong Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về phòng, chống rửa tiền (APG), phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan thực hiện trách nhiệm thành viên của Việt Nam trong APG; góp phần bảo vệ tốt nhất lợi ích của quốc gia, của các tổ chức và cá nhân trong nền kinh tế, tăng cường sự ổn định của hệ thống ngân hàng, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn, trật tự xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Mục tiêu cụ thể nhằm góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về PCRT của quốc gia, xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về PCRT trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng phù hợp với tình hình thực tiễn trong nước và hướng tới đáp ứng các chuẩn mực quốc tế.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và hợp tác trong nước trên cơ sở thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và đầu mối xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia nhằm giải quyết những rủi ro rửa tiền được phát hiện theo kết quả đánh giá rủi ro quốc gia; nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giám sát về PCRT đối với các đối tượng báo cáo trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng.

Để đạt được các mục tiêu trên, kế hoạch đề ra các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về PCRT trên cơ sở đáp ứng các yêu cầu quốc tế và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam; nâng cao hiệu quả công tác đánh giá rủi ro rửa tiền và hợp tác trong nước…

Ngân hàng Nhà nước đặc biệt nêu rõ các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các lĩnh vực là động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tích cực cho vay sản xuất kinh doanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới