Chủ nhật, 24/11/2024 05:31 (GMT+7)
Thứ ba, 18/05/2021 05:39 (GMT+7)

Ngành hàng không ‘điêu đứng’ trước làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư

Theo dõi KTMT trên

Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư khiến lượng chuyến bay và lượng khách qua cảng đều giảm mạnh. Để xoay chuyển tình thế, ngành hàng không đề xuất áp giá trần và sàn cho vé máy bay, tuy nhiên đề xuất này dường như thiếu tính thuyết phục.

Ngành hàng không chịu thiệt hại nặng nề nhất từ trước đến nay

Hầu hết, những lần Covid-19 tái bùng phát ở nước ta đều diễn ra vào đúng thời điểm các hãng hàng không đang trên đà phục hồi sau khi dịch bệnh trong nước được kiểm soát và lần này cũng không ngoại lệ. Cú đánh mạnh mẽ vào chủ thể đang gượng dậy do ảnh hưởng của dịch bệnh đã khiến cho các hãng hàng không phải lao đao. Hàng loạt kế hoạch tăng chuyến, tăng ghế, mở thêm đường bay nội địa bị phá sản.

Gần đây nhất, đợt bùng phát thứ 4 của dịch bệnh Covid-19 diễn ra ngay sát thời điểm kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 đã tác động gần như ngay lập tức, khiến lượng khách hàng giảm sút đáng kể. 

Chiều 17/5, xác nhận với Tạp chí Kinh tế Môi trường, ông Nguyễn Văn Hưng, Chánh Văn phòng Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, trong giai đoạn 14/5 tới 17/5, số lượng hành khách tại các cảng hàng không Tân Sơn Nhất và Nội Bài đã giảm 80% so với giai đoạn cao điểm 30/4 - 1/5 trước đó.

Theo ông Hưng, sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài chỉ tiếp nhận 2.115 chuyến bay trong giai đoạn 14/5 tới 17/5, giảm mạnh so với cao điểm nghỉ lễ 30/4.

Ngành hàng không ‘điêu đứng’ trước làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư - Ảnh 1
Ảnh hưởng của dịch bệnh đã khiến lượng hành khách tại các cảng hàng không Tân Sơn Nhất và Nội Bài giảm mạnh. 

Trong đó, tại sân bay Nội Bài, lượng khách qua cảng ngày 14/5 chỉ đạt 8.726 lượt khách, ngày 15/5 là 6.945 lượt khách, ngày 16/5 dự kiến là 10.500 lượt khách và ngày 17/5 dự kiến 9.007 lượt khách.

Tại sân bay Tân Sơn Nhất, cảng hàng không này đón 18.367 lượt khách trong ngày 13/5, 18.051 lượt trong ngày 14/5, 17.791 lượt trong ngày 15/5 và 19.650 lượt trong ngày 16/5, thấp hơn nhiều so với mức 108.451 khách của ngày 29/4.

Theo thống kê từ ACV, sản lượng vận chuyển hàng không tại cảng giảm mạnh ngay tuần lễ sau đợt cao điểm 30/4 - 1/5 do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Từ đỉnh cao ngày 29/4, sân bay Nội Bài phục vụ 540 lượt chuyến bay với 79.000 lượt khách/ngày, nay trung bình sản lượng chỉ đạt 200 lượt chuyến/ngày, sản lượng hành khách đạt 15.000 lượt khách/ngày.

Thấp điểm nhất là ngày 12/5 và 13/5, sân bay Nội Bài chỉ ghi nhận 90 lượt chuyến bay nội địa và chỉ 9.000 lượt khách. ACV dự kiến sản lượng tiếp tục giảm trong những ngày tới.

Theo thông tin mới nhất do ACV thống kê, ngày Chủ nhật (16/5), số lượng các chuyến bay có nhích lên với 590 chuyến, tuy nhiên đến ngày hôm nay 17/5, số lượng các chuyến bay lại giảm mạnh với 440 chuyến. "Covid-19 đang tiếp tục khiến ngành hàng không khó khăn hơn bao giờ hết. Đợt dịch này khiến ngành hàng không Việt Nam ảnh hưởng nặng nề nhất so với các đợt dịch trước đó", ông Hưng nhấn mạnh.

Do vắng khách cũng như để thuận lợi cho công tác khai thác các chuyến bay cũng như phòng chống dịch, toàn bộ chuyến bay tại sảnh E sân bay Nội Bài sẽ chuyển về sảnh A và B từ ngày 17/5. Khu vực sảnh A của nhà ga T1 sẽ được sắp xếp cho Vietjet Air, Bamboo Airways và Vietravel Airlines khai thác làm thủ tục hành khách, trong khi sảnh B sẽ sắp xếp cho Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco khai thác làm thủ tục.

Chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh, năm 2020, ACV ghi nhận doanh thu bán hàng đạt 7.791 tỉ đồng, giảm 10.562 tỉ đồng so với năm 2019, tương đương mức giảm 57,62%.

Mới đây, báo cáo tài chính quý I/2021 cho thấy, ACV ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế 861,8 tỉ đồng, giảm gần một nửa so với cùng kỳ 2020. Dù chưa thể so với cùng kỳ 2020, doanh thu và lợi nhuận của ACV đã tăng quý thứ ba liên tiếp.

Trong quý I/2021, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần 7.460 tỉ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ 2020. Doanh thu giảm mạnh trong khi chi phí không thể tiết giảm tương xứng đã khiến hãng hàng không quốc gia ghi nhận lỗ 4.900 tỉ đồng thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh…

Mong muốn áp giá sàn, bỏ vé 0 đồng

Đối phó với khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, gần đây ngành hàng không đề xuất áp giá trần và sàn cho vé máy bay để phù hợp hơn với tình hình thị trường. Theo đó, đại diện Vietnam Airlines đã đưa 2 phương án đề xuất áp giá sàn vé máy bay thay vì sàn 0 đồng như hiện tại. Hai phương án được đưa ra là giá vé sàn bằng 35% trần giá vé máy bay hoặc phương án 2 là tính theo chi phí biến đổi trung bình 1 ghế theo từng nhóm cự ly của các hãng hàng không giá rẻ.

Với phương án 1, giá vé sàn mà Vietnam Airlines đề xuất là 560.000-595.000 đồng cho các đường bay dưới 500 km, 787.500 đồng với đường bay 500 km đến dưới 850 km, 1.011.500 đồng với đường bay từ 850 km đến dưới 1.000 km, 1.190.000 đồng với đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km và 1.400.000 đồng với đường bay trên 1.280 km.

Theo phương án 2, giá vé sàn mà Vietnam Airlines đề xuất là 414.000 đồng cho các đường bay dưới 500 km, 570.000 đồng với đường bay 500 km đến dưới 850 km, 755.000 đồng với đường bay từ 850 km đến dưới 1.000 km, 804.000 đồng với đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km và 917.000 đồng với đường bay trên 1.280 km.

Điều này đồng nghĩa nếu các đề xuất của Vietnam Airlines được chấp thuận, những khuyến mại giá vé 0 đồng hay vé giá rẻ ưu đãi cho hành khách sẽ không còn.

Về việc nâng trần giá vé máy bay, hãng hàng không quốc gia đề xuất giữ nguyên giá trần của các đường bay dưới 500 km, hiện là 1,6 - 1,7 triệu đồng. Với các đường bay từ 500 km đến dưới 850 km, hãng muốn nâng trần giá vé lên 2.250.000 đồng (tăng 50.000 đồng), các đường bay từ 850 km đến dưới 1.000 km tăng lên 2.890.000 đồng (tăng 100.000 đồng), các đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km lên 3.400.000 đồng (tăng 200.000 đồng) và các đường bay trên 1.280 km lên mức 4.000.000 đồng (tăng 250.000 đồng).

Ngành hàng không ‘điêu đứng’ trước làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư - Ảnh 2
Vietnam Airlines xuất áp giá trần và sàn cho vé máy bay để phù hợp hơn với tình hình thị trường.

Bên cạnh đó, Vietnam Airlines đề nghị cần xây dựng quy chế để đảm bảo Vietnam Airlines được cấp hơn 50% lượng slot bay (khung giờ cất hạ cánh) và thương quyền được phân bổ. Vietnam Airlines cũng đề nghị được ưu tiên là hãng hàng không đầu tiên khai thác trở lại các điểm đến quốc tế để thể hiện hình ảnh quốc gia.

Hãng hàng không quốc gia cũng đề xuất quy chế để được thực hiện nghiệp vụ sale and leaseback với 50% số lượng máy bay trong đội bay; Được chỉ định thực hiện các hoạt động quảng bá điểm đến và/hoặc đẩy mạnh hình ảnh Việt Nam trên các diễn đàn trong và ngoài nước.

Đối với đề xuất áp giá trần và sàn cho vé máy bay của Vietnam Airlines, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng đây là hình thức quản lý kinh tế cứng nhắc, phi kinh tế thị trường và triệt tiêu sự cạnh tranh giữa các hãng bay.

Theo chuyên gia hàng không - TS Lương Hoài Nam, trách nhiệm của Nhà nước là đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh chứ không phải là quyết định giá bán của các doanh nghiệp. Quan điểm này đã được các nước châu Âu tiếp nhận từ thập kỷ 90 và sau đó cũng đã lan sang các nước châu Á. Và cho đến nay, hiếm có nước nào quản lý giá vé máy bay nội địa bằng giá trần như ở Việt Nam, giá sàn thì lại càng hiếm hơn. 

Do đó, TS Nam cho rằng, cách quản lý giá vé máy bay ở nước ta nên thay đổi theo hướng hội nhập quốc tế, thị trường hóa, giảm tối đa sự can thiệp của các cơ quan Nhà nước. 

Chia sẻ quan điểm, chuyên gia hàng không – TS Nguyễn Thiện Tống nhận định, đề xuất áp sàn giá vé máy bay của Vietnam Airlines là không hợp lý, hãng muốn mượn cơ quan quản lý để triệt tiêu sức cạnh tranh của các đối thủ.

Ngành hàng không ‘điêu đứng’ trước làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư - Ảnh 3
Chuyên gia hàng không – TS Nguyễn Thiện Tống. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát phức tạp, TS Nguyễn Hữu Đức - chuyên gia giao thông cho rằng, việc các hãng hàng không thay đổi chiến lược để ứng phó với sự tái bùng phát của Covid-19 là điều hoàn toàn bình thường bởi bất cứ chiến lược nào mà các hãng hàng không đưa ra đều có khả năng thành công và cả rủi ro thất bại. Song họ vẫn phải thử bởi nếu sợ thất bại mà không làm gì thì còn tồi tệ hơn.

Tuy nhiên, ông Đức cho rằng, trong trường hợp này cần để cơ chế thị trường quyết định. Tức là nếu hành khách chấp nhận việc tăng giá và vẫn tiếp tục sử dụng dịch vụ sẽ tiếp tục, còn nếu không các hãng bay sẽ phải dừng lại và tính tới phương án khác.

Bên cạnh đó, chuyên gia của Bộ Tài chính, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả cũng cảnh báo việc các hãng hàng không tăng phí giữa lúc dịch bệnh bùng phát hoàn toàn có thể là một “con dao hai lưỡi”. Động thái mới của các hãng hàng không hoàn toàn có thể tác động tiêu cực đến tâm lý và cách phản ứng của người dân.

Bộ GTVT vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan xem xét một số chính sách, giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải, trong đó có vận tải hàng không đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Bộ này kiến nghị Chính phủ cho phép các doanh nghiệp hàng không Việt Nam tiếp tục kéo dài chính sách giảm 50% giá dịch vụ hạ, cất cánh tàu bay đối với các chuyến bay nội địa cũng như áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá đến hết năm 2021.

Bộ cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét kiến nghị khác của ngành hàng không về hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng, thời hạn thanh toán… Đây là những hỗ trợ tương tự gói vay ưu đãi 4.000 tỉ đồng mà Vietnam Airlines đã được phê duyệt.

Vương Liễu - Bích Đào

Bạn đang đọc bài viết Ngành hàng không ‘điêu đứng’ trước làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới